Các giám mục thế giới yêu cầu
Tổng thống Camerun tham gia
đàm phán hòa bình
Các giám mục thế giới yêu cầu Tổng thống Camerun tham gia đàm phán hòa bình.
Hồng Thủy
Camerun (Vatican News 19-02-2020) - Các Giám mục trên thế giới đã ký một thư ngỏ gửi đến Tổng thống Paul Biya của Camerun để yêu cầu ông tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, được đề xuất nhằm chấm dứt xung đột giữa chính phủ và phe ly khai Anglophone - khối nói tiếng Anh.
16 giám mục ngoài nước Camerun, trong đó có Ðức cha Thomas Zinkula của Davenport, đã viết trong lá thư do Chiến dịch toàn cầu vì hòa bình và công lý ở Camerun tổ chức: "Chúng tôi được thúc đẩy bởi quan tâm của chúng tôi về sự đau khổ của người dân không có vũ trang và về sự ổn định và thịnh vượng của Camerun."
Tham gia đàm phán với tinh thần hợp tác
Các giám mục viết tiếp: "Chúng tôi tin rằng các cuộc đàm phán do Thụy Sĩ hướng dẫn đưa ra con đường tốt nhất cho một giải pháp chính trị phù hợp thông qua các cuộc đàm phán bao gồm. Thành công của những cuộc đàm phán này sẽ rất quan trọng trong hành trình hướng tới việc đảm bảo hòa bình của Camerun và di sản của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo hiệu quả trong một khu vực gặp khó khăn. Hy vọng chân thành của chúng tôi là tất cả các bên liên quan sẽ tham gia các cuộc đàm phán này và thể hiện tinh thần hợp tác, thực hành và hiện thực để đảm bảo các cuộc đàm phán này thành công." Các ngài nói thêm rằng chỉ có hòa bình thật sự mới giúp các giáo phận, các bệnh viện và trường học Công giáo trở lại hoạt động cách an toàn cho các cộng đoàn và người dân thuộc khối tiếng Anh của Camerun."
Khủng hoảng tại Camerun
Cuộc khủng hoảng tại Camerun bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa các vùng nói tiếng Anh và tiếng Pháp của Camerun. Tình trạng bất ổn đã diễn ra từ năm 2016, khi cộng đồng nói tiếng Anh bắt đầu biểu tình đòi trở lại chủ nghĩa liên bang, sau khi chính phủ tăng cường sử dụng tiếng Pháp trong trường học và tòa án.
Khoảng 3,000 người đã chết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Theo Liên Hiệp Quốc, ước tính có khoảng 679,000 người di cư nội địa ở Camerunn và 60,000 người tị nạn ở Nigeria. Ít nhất 600,000 trẻ em ở các vùng nói tiếng Anh ở Tây Nam và Tây Bắc đã không thể đến trường, với hầu hết các trường học đã bị đóng cửa.
Không có chiến thắng quân sự cho bất kỳ bên nào
Các giám mục nói với Tổng thống Paul Biya, người đã cai trị Camerun 37 năm, rằng sẽ không có chiến thắng quân sự cho bất kỳ bên nào. Một giải pháp lâu dài cho các vấn đề của Camerun phải đến từ một quá trình trung gian bao gồm các nhóm ly khai vũ trang thuộc khối tiếng Anh và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự phi bạo lực. Nếu tất cả các bên đối xử với nhau như họ muốn được đối xử, một giải pháp là có thể.
Camerun là thuộc địa của Ðức vào cuối thế kỷ 19. Nhưng đất nước này bị chia đôi thành các miền của Anh và Pháp sau khi Ðức thất bại trong Thế chiến thứ nhất. Ðến năm 1961, hai miền Anh Phap được thống nhất thành quốc gia độc lập Camerun. Hiện nay có một phong trào ly khai ở khu vực Tây Nam và Tây Bắc, trước đây là Nam Cameruns của Anh.
Camerun đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 09 tháng 02 năm 2020; các giám mục địa phương ghi nhận cuộc bẩu cử đã diễn ra trong bầu khí yên tĩnh, nhưng với tỷ lệ cử tri thấp. (CNA 17/02/2020)