Giáo hội lắng nghe tiếng kêu

của những người rốt cùng và bị gạt bỏ

 

Ðức Thánh Cha: Giáo hội lắng nghe tiếng kêu của những người rốt cùng và bị gạt bỏ.

Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (Vatican News 09-02-2020) - Trưa Chúa nhật ngày 09 tháng 02 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có một đoàn đông đảo tín hữu tham dự cuộc tuần hành ở Roma chống nạn buôn người. Nhân dịp này, Ðức Thánh cha cũng kêu gọi mọi người cộng tác chống tệ nạn đau thương này và trở thành ánh sáng và muối đất cho trần thế.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa nhật V mùa Thường niên, trong đó, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là "muối đất và ánh sáng thế gian". Ngài nói:

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

"Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin Mừng hôm nay (Xc. Mt 5,13-16), Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con là muối đất [...]. Các con là ánh sáng thế gian" (vv.13.14). Chúa dùng một ngôn ngữ biểu tượng, không phải để trình bày một định nghĩa về người môn đệ, nhưng để chỉ cho những người muốn theo ngài một số tiêu chuẩn để sống sứ mạng của họ trong thế giới."

Muối đất

Ðức Thánh cha giải thích: "Muối là yếu tố mang lại hương vị và bảo tồn, gìn giữ lương thực khỏi bị hư hỏng. Vì thế, môn đệ được kêu gọi tránh cho xã hội những nguy hiểm, những mầm bệnh làm tiêu hao, gây ô nhiễm cho cuộc sống con người. Vấn đề ở đây là chống lại tội lỗi, chống sự sa đọa luân lý, làm chứng về các giá trị lương thiện và tình huynh đệ, không chiều theo những dua nịnh thế gian, chỉ biết theo đuổi công danh sự nghiệp và giàu sang. Môn đệ là muối, khi biết chỗi dậy từ bụi bặm do những lầm lỗi của mình, dù có những thất bại hằng ngày, nhưng vẫn can đảm và kiên nhẫn bắt đầu lại mỗi ngày, tìm cách đối thoại và gặp gỡ tha nhân. Môn đệ là muối khi họ không tìm kiếm sự đồng thuận và hoan hô, nhưng cố gắng là một sự hiện diện khiêm tốn và xây dựng, trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Thái độ như vậy là điều rất cần thiết!"

"Hình ảnh thứ hai Chúa Giêsu đề nghị với các môn đệ, là hình ảnh ánh sáng: "Các con là ánh sáng thế gian". Ánh sáng phá tan bóng tối và giúp nhìn thấy. Chúa Giêsu là ánh sáng đã xua đuổi bóng tối, nhưng bóng tối vẫn còn trên thế gian và nơi mỗi người. Và nhiệm vụ của Kitô hữu là phá tan bóng đen đó bằng cách làm cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu tỏa rạng ngời nơi những người khác, và loan báo Tin Mừng của Chúa. Ðây là một sự lan tỏa có thể đi từ những lời nói của chúng ta, nhưng nhất là sự lan tỏa ấy phải đi từ "các hành động tốt lành" của chúng ta (v.16). Một môn đệ và một cộng đoàn Kitô là ánh sáng thế gian, khi hướng dẫn những người khác về Thiên Chúa, giúp mỗi người cảm nghiệm lòng từ nhân và thương xót của Chúa. Môn đệ của Chúa Giêsu là ánh sáng, khi họ biết sống chính niềm tin của mình ngoài những không gian chật hẹp, khi họ góp phần loại trừ những thành kiến, những vu khống, để đưa ánh sáng chân lý vào những tình trạng hư hỏng vì giả hình và dối trá."

Ðức Thánh cha nhận xét rằng:

"Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng sợ sống trong trần thế, cho dù nhiều khi trong đó chúng ta gặp những hoàn cảnh xung đột và tội lỗi. Ðứng trước bạo lực, bất công và áp bức, Giáo hội không thể khép kín mình hoặc ẩn nấp an ninh trong vòng đai của mình; họ không thể từ bỏ sứ mạng loan báo Tin Mừng và phục vụ. Giáo hội quảng đại và dịu dàng xả thân giúp những người bé nhỏ và nghèo khổ, lắng nghe tiếng kêu của những người rốt cùng và bị gạt bỏ, vì Giáo hội ý thức mình là một cộng đoàn lữ hành được mời gọi kéo dài trong lịch sử, sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu Kitô."

Và Ðức Thánh cha kết luận với lời nguyện: "Xin Ðức Thánh Trinh Nữ giúp chúng con trở thành muối đất và ánh sáng giữa dân chúng, mang Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người, bằng cuộc sống và lời nói".

Chào thăm

Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha nói với mọi người rằng:

"Anh chị em thân mến,

Hôm qua (08/02), lễ kính nhớ thánh nữ Giuseppina Bakhita, có cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người. Ðể chữa lành tai ương bóc lột người yếu thế như vậy, cần có sự dấn thân của tất cả mọi người: các chính quyền, các hiệp hội và cơ quan giáo dục. Về mặt phòng ngừa, tôi muốn nhắc đến nhiều nghiên cứu chứng tỏ các tổ chức tội phạm luôn dùng những phương thế truyền thông tân tiến nhất để mồi chài các nạn nhân, lường gạt họ. Vì thế, một đàng cần giáo dục cách sử dụng lành mạnh các phương tiện kỹ thuật, và đàng khác cần cảnh giác và nhắc nhở những người cung cấp các dịch vụ truyền thông ấy về trách nhiệm của họ."

Ðức Thánh cha cũng nhắc đến tình trạng chiến tranh ở Siria và nói: "Tiếp tục có những tin tức đau thương từ miền tây bắc Siria, đặc biệt là về tình trạng của bao nhiêu phụ nữ và trẻ em, những người buộc lòng phải trốn chạy vì sự leo thang các hoạt động quân sự. Tôi lập lại lời tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế và tất cả những tác nhân có liên hệ với những vụ này hãy dùng những phương thế ngoại giao, đối thoại và thương thuyết, trong sự tôn trọng công pháp quốc tế về nhân đạo, để cứu vãn sinh mạng và số phận của các thường dân".

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu, những người đến từ Italia và các nước khác, đặc biệt các tín hữu hành hương từ Sevilla, Carmona và Cadiz bên Tây Ban Nha... những người trẻ chịu phép thêm sức từ Rosolina và Prato ở Italia, các tham dự viên Hội nghị quốc tế do Phong trào Công giáo tiến hành Italia tổ chức về đề tài: "Sư phạm về sự thánh thiện".

Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một chúa nhật tốt đẹp và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Chiến cuộc tại miền Idlib

Thảm trạng nhân đạo Ðức Thánh cha nhắc đến trong lời kêu gọi, là vụ quân đội Siria, với sự hỗ trợ của Nga, đang bao vây và tấn công vào tỉnh Idlib có khoảng 3 triệu dân ở miền tây bắc Siria, là thành trì của các lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS, được Thổ nhĩ kỳ ủng hộ. Cuộc chiến kéo dài từ mùng 3 tháng 2 năm 2020, với các cuộc gia tăng không tập của không quân Siria và Nga. Hàng ngàn thường dân đã di tản khỏi vùng giao tranh trong 6 ngày qua, họ chạy về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 12 năm 2019 đến nay có khoảng 1.5 triệu người di tản khỏi Idlid, trong đó 80% là phụ nữ và trẻ em. Quân đội Thổ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Siria. Một phái đoàn Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ để tìm giải pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng.

(Oss. Rom. 8-2-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page