Thảm trạng tại Nam Sudan
Thảm trạng tại Nam Sudan.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Nam Sudan (Vatican News 07-02-2020) - Tình hình nước Nam Sudan, quốc gia mà Ðức Thánh cha Phanxicô đang chờ đợi viếng thăm cùng với Ðức Giáo chủ Anh giáo, đang ở trong tình trạng thê thảm: 5 triệu 400 ngàn người đói đang cần được cứu trợ lương thực, vì mức sản xuất ngũ cốc giảm gần một nửa.
Thêm vào đó vẫn còn những cuộc xung đột võ trang, vi phạm các quyền con người và nạn lụt lột.
Tháng 02 năm 2020 này, lẽ ra Nam Sudan được thấy một chính phủ lâm thời đoàn kết quốc gia sau 7 năm nội chiến, chiếu theo một hiệp định hòa bình mong manh được ký hồi tháng 09 năm 2018. Nhưng hiện nay việc lập tân chính phủ vẫn chưa tiến hành và hiện thời vẫn còn gần 400 ngàn nạn nhân dân sự.
Thiên tai gia tăng thảm họa cho dân chúng
Rất tiếc là những vụ lụt lột mới xảy ra càng làm cho tình trạng dân chúng Nam Sudan trở nên thê thảm hơn, cho dù tại một số miền, những người tị nạn có thể trở về nhà và bắt đầu canh tác trên đất đai của họ và tái thiết các cộng đoàn. Tại nước này, hiện còn hàng chục ngàn người tị nạn nội địa, không kể hai triệu người khác đang tị nạn tại các nước láng giềng.
Nam Sudan đang thiếu hơn 500 ngàn tấn ngũ cốc. Vì thế, Chương trình lương thực thế giới, gọi tắt là PAM, cơ quan Liên Hiệp quốc đang trợ giúp tại hơn 80 nước bị xung đột và thiên tai, cho biết tại Nam Sudan, trong năm 2019, các nông dân chỉ sản xuất được 745 ngàn tấn ngũ cốc, trong khi số lượng dân chúng cần mỗi năm là 1 triệu 300 ngàn tấn. Năm ngoái, Chương trình Lương thực thế giới đã gia tăng trợ giúp để có thể cung cấp lương thực cho 5 triệu người.
Trong năm 2020, với viện trợ của các nước ân nhân, Chương trình lương thực PAM dự kiến trợ giúp 5 triệu 400 ngàn người dân Nam Sudan, nhưng từ nay tới tháng 7 năm 2020 phải tìm thêm được 331 triệu đôla viện trợ.
Tại những tỉnh bị lụt, hơn 3 triệu người cần được trợ giúp trước mùa mưa mới, trên tổng số 7 triệu dân của Nam Sudan. Hơn 60% các tỉnh bị lụt đang ở mức độ suy dinh dưỡng rất nguy ngập. Nếu không có hòa bình, thì tình trạng dân chúng có nguy cơ trầm trọng hơn.
(Vatican News 2020-2-05)