Sứ điệp video của Ðức Thánh cha
kỷ niệm một năm Văn kiện Huynh đệ nhân đạo
Sứ điệp video của Ðức Thánh cha kỷ niệm một năm Văn kiện Huynh đệ nhân đạo.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (Vatican News 06-02-2020) - Nhân dịp kỷ niệm 1 năm ký kết Văn kiện về "Huynh đệ nhân đạo" tại Abu Dhabi, Ðức Thánh cha Phanxicô tái bày tỏ "hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại, một tương lai không còn oán hận, trào lưu cực đoan và khủng bố, và trong đó các giá trị hòa bình, tình thương và huynh đệ được trổi vượt".
Ngài bày tỏ mong ước trên đây trong Sứ điệp video gửi các tham dự viên buổi lễ tại Abu Dhabi hôm 04 tháng 02 năm 2020, kỷ niệm đúng một năm Ðức Thánh cha ký kết Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại tại đây với Ðại Imam Ahmad al-Tayyib của Ðền thờ Hồi giáo Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập, là cơ quan lãnh đạo tinh thần của 900 triệu tín hữu Hồi giáo Sunnit.
Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha nhắc đến việc ký kết Văn kiện đó, đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên minh các tiểu vương quốc Arập, Emirati, dành cho công việc của Ủy ban tối cao về Tình Huynh đệ nhân loại. Ðức Thánh cha không quên cám ơn sáng kiến của "Nhà Abraham" vì đã thiết lập Giải thưởng về Tình huynh đệ nhân loại.
Ðức Thánh cha cho biết ngài vui mừng vì buổi giới thiệu giải thưởng quốc tế này, để khuyến khích tất cả những mẫu gương nhân đức của những người nam nữ, trong thế giới này, thể hiện tình thương qua những hành động và hy sinh cho tha nhân, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc và văn hóa.
Ðức Thượng phụ Bartolomaios
Trong số đông đảo các vị lãnh đạo tôn giáo tại buổi lễ kỷ niệm ở Abu Dhabi, cũng có Ðức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo Chủ Chính thống Constantinople. Trong bài tham luận, ngài đề cao sự đóng góp của các tôn giáo cho hòa giải và tình liên đới, và khẳng định rằng:
"Ngày nay, uy tín của các tôn giáo phần lớn tùy thuộc sự dấn thân của tôn giáo cho hòa bình, qua các cuộc đối thoại liên tôn và chứng tá chung, đứng trước những thách đố lớn của thời nay. Tôn giáo chân chính không thể phản bội trái đất vì trời cao, phản bội hiện tại vì tương lai, tôn giáo không hủy bỏ trách nhiệm của con người trong và cho thế giới. Trái lại, đối với các tín hữu chân chính, tín ngưỡng là tiền đề phải có để xử lý đúng đắn đối với thực tại trần thế và những mâu thuẫn của chúng, để chống lại bất công và mọi xu hướng gây hại cho tình đoàn kết xã hội..."
Vì thế, Ðức Thượng phụ Bartolomaios nói, "trước tình trạng khủng hoảng hiện nay [của xã hội], chỗ đứng của các tôn giáo không phải là ở ngoài lề. Thế giới mong đợi chứng tá chung của những người có tín ngưỡng. Nhiệm vụ của chúng ta là thăng tiến đối thoại liên tôn. Như người ta vẫn nói rất đúng, "không có hòa bình trên thế giới nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo; không có hòa bình giữa các tôn giáo, nếu không có đối thoại giữa các tôn giáo".
(Sismografo 4-2-2020)