Sứ điệp Ðức Thánh cha
nhân dịp 150 năm thành Roma, thủ đô Italia
Sứ điệp Ðức Thánh cha nhân dịp 150 năm thành Roma, thủ đô Italia.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (Vatican News 05-02-2020) - Trong sứ điệp nhân dịp khởi sự năm kỷ niệm 150 năm Roma trở thành thủ đô của Italia thống nhất, Ðức Thánh cha Phanxicô cầu mong Roma ngày càng chu toàn ơn gọi huynh đệ và đại đồng, đáp ứng lời thỉnh cầu được bao gồm từ phía những người nghèo, người di cư và tị nạn.
Roma được thành lập năm 753 trước Chúa Kitô sinh ra, tức là cách đây 2,753 năm, trở thành kinh đô của đế quốc La Mã, rồi thủ đô của nước Tòa Thánh cho đến năm 1870 thì bị Vương quốc Italia chiếm và biến thành thủ đô từ ngày 03 tháng 02 năm 1871, sau đó là thủ đô của Cộng hòa Italia. Trong 150 năm qua, dân số Italia gia tăng từ 250 ngàn người lên 2 triệu 900 ngàn người như hiện nay. Nếu kể chung khu vực phụ cận thì dân số lên tới 4 triệu rưỡi.
Lễ khai mạc chương trình kỷ niệm 150 năm thành Roma đã được cử hành tại Nhà Hát Roma chiều ngày 03 tháng 02 năm 2020, với sự hiện diện của 1,500 quan khách trong đó có Tổng thống, bà thị trưởng Roma và nhiều bộ trưởng trong chính phủ, đặc biệt là Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Sứ điệp của Ðức Thánh cha
Trong sứ điệp được Ðức Hồng y Parolin tuyên đọc trong dịp này, Ðức Thánh cha nhắc lại lời Ðức Hồng y Montini, sau này là Ðức Giáo hoàng Phaolô VI, tuyên bố trước ngày khai mạc Công đồng chung Vatican II năm 1962: Biến cố Roma trở thành thủ đô Vương quốc Italia như thể là một sự sụp đổ, và thực sự là như vậy đối với lãnh thổ Nước Tòa Thánh... Nhưng nay chúng ta thấy Chúa Quan Phòng định liệu mọi sự cách khác.. biến cố Roma đã khởi đầu một lịch sử mới.
Ba biến cố
Trong Sứ điệp, Ðức Thánh cha nhắc đến 3 chặng nổi bật trong 150 năm lịch sử Roma: năm 1943, Roma bị Ðức quốc xã chiếm đóng và bố ráp người Do thái, cuộc diệt chủng Do thái cũng xảy ra tại Roma, nhưng trong lúc đó Roma đã trở thành nơi ẩn náu cho những người bị bách hại và những hàng rào cũ sụp đổ, cùng với sự cách biệt đau thương giữa Công giáo và Do thái.
Biến cố thứ hai là Công đồng chung Vatican II từ năm 1962 đến 1965, Roma nổi bật như một không gian đại đồng, Công giáo và đại kết, trở nên một thành thị phổ quát đối thoại, đại kết và liên tôn.
Biến cố thứ 3 là Hội nghị về những "tai ương của Roma" do Ðức Hồng y Giám quản Ugo Poletti đề xướng, với sự tham dự của cộng đồng dân Chúa, trong đó người ta lắng nghe người nghèo và những khu vực ngoại ô. Ðặc tính đại đồng của Roma được sống trong sự bao gồm các khu vực ngoại biên.
Từ những sự kiện trên đây, Ðức Thánh cha đề cao tài nguyên lớn của Roma về tình nhân đạo và ngài kêu gọi có một quan niệm chung về thành Roma như một thành huynh đệ và phổ quát, bao gồm mọi người và cởi mở đối với thế giới.
(Vatican News 3-2-2020).