Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô
với Hội Nghị về Mục Vụ cho Người Cao Niên
Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô với Hội Nghị về Mục Vụ cho Người Cao Niên.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 31-01-2020) - Bộ Giáo Dân, Gia Ðình và Sư Sống đã tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế về việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên. Chủ đề của Hội nghị kéo dài từ ngày 29 tới ngày 31 tháng Giêng năm 2020 là "Sự Phong Phú của Nhiều Năm Sống".
Hội nghị tập chú vào việc làm thế nào để đương đầu với nền văn hóa "vứt bỏ" người cao niên cũng như vai trò của các vị trong gia đình và ơn gọi đặc thù của các vị trong Giáo Hội.
Ðức Hồng Y Kevin Farrell, bộ trưởng thánh bộ Bộ Giáo Dân, Gia Ðình và Sư Sống, cho hay: ngay trong Giáo Hội, người cao niên cũng thường bị quên lãng, các vị "sống một cuộc sống lẻ loi". Theo ngài, phải làm sao để các vị trở thành những người chủ đạo, vì các vị có rất "nhiều năm kinh nghiệm".
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Hội Ðồng Giám Mục, các dòng tu, các hiệp hội và phong trào giáo dân khắp thế giới. Và được tổ chức theo lời yêu cầu của chính Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Cuối hội nghị, các người tham dự đã được yết kiến riêng ngài.
Ban tổ chức Hội nghị hy vọng rằng cuối hội nghị một "mạng lưới" sẽ được hình thành hội tụ những ai vốn đã làm việc cho người cao niên, tăng gia sự hiện diện ở bình diện các Hội Ðồng Giám Mục, biến thừa tác vụ này thành một "di sản" được cả Giáo Hội hoàn vũ chia sẻ. Hội nghị cũng nhắm làm cho người cao niên ý thức được vai trò chủ đạo của các vị, như lời Ðức Phanxicô từng nói với các vị "đừng rút mái chèo vào thuyền. Tôi muốn nói ta không nên bao giờ về hưu đối với Tin Mừng!" Hội nghị muốn các ngài trở thành "những nhà truyền thông của Tin Mừng".
Ngày 31 tháng Giêng năm 2020, Ðức Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên của hội nghị. Theo Cindy Wooden của Catholic News Service, trong buổi tiếp kiến này, Ðức Phanxicô nói rằng tuổi già "không phải là một chứng bệnh, mà là một đặc ân" và các giáo phận và giáo xứ đã bỏ phí một nguồn tài nguyên vĩ đại và mỗi ngày một lớn hơn khi họ làm ngơ các thành viên cao niên của họ.
Ngài cho rằng Giáo Hội không thể hành động như thể đời sống người cao niên chỉ có quá khứ, "một thứ văn khố mốc thếch. Không. Thi6 Chúa có thể và muốn viết nhiều trang sách mới với họ, những trang sách thánh thiện, phục vụ và cầu nguyện".
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài nói chuyện của Ðức Phanxicô:
Anh chị em thân mến
Tôi thân ái đón chào anh chị em, những người tham gia Ðại hội quốc tế đầu tiên về việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên, "Sự Phong phú của Nhiều Năm Sống", do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, và tôi cảm ơn Ðức Hồng Y Farrell về những lời tốt đẹp của ngài.
"Sự Phong phú của Nhiều Năm Sống" là sự phong phú của người ta, của từng con người cá nhân đã có nhiều năm sống, kinh nghiệm và lịch sử đằng sau họ. Ðó là kho báu quý giá thành hình trong cuộc hành trình đời sống của mỗi người đàn ông và đàn bà, bất kể nguồn gốc, xuất xứ và điều kiện kinh tế hay xã hội của họ. Cuộc sống là một hồng phúc, và khi nó kéo dài, đó là một đặc ân, cho chính mình và cho người khác. Luôn luôn, nó luôn luôn như vậy.
Trong thế kỷ hai mươi mốt, tuổi già đã trở thành tuổi có những nét khác biệt trong nhân loại. Trong khoảng thời gian chỉ vài thập niên, kim tự tháp nhân khẩu học - một kim tự tháp trước đây đáy là một số lượng lớn trẻ em và thanh thiếu niên còn đỉnh chỉ là một vài người cao niên - đã bị đảo ngược. Nếu ngày trước, người cao tuổi có thể cung cấp nhân số cho một quốc gia nhỏ, thì ngày nay họ có thể cung cấp dân số cho toàn bộ một lục địa. Về phương diện này, sự hiện diện to lớn của người cao niên tạo nên sự mới lạ cho mọi môi trường xã hội và địa dư khắp thế giới. Ngoài ra, các mùa khác nhau của sự sống tương ứng với tuổi già: đối với nhiều người, chính độ tuổi trong đó các nỗ lực sản xuất chấm dứt, sức mạnh giảm sút và các dấu hiệu bệnh tật, nhu cầu cần giúp đỡ và sự cô lập xã hội xuất hiện; nhưng đối với nhiều người khác, nó là khởi đầu của một thời kỳ dài an vui tâm sinh lý và không bị trói buộc bởi các cam kết làm việc.
Trong cả hai tình huống, làm thế nào để sống những năm tháng này? Ta có thể dành ý nghĩa nào cho giai đoạn này của cuộc sống, một giai đoạn mà đối với nhiều người có thể là khá lâu dài? Sự mất phương hướng xã hội và, trong nhiều khía cạnh, sự thờ ơ và bác bỏ mà xã hội của chúng ta biểu lộ đối với nhu cầu của người cao niên đòi không những Giáo hội, mà tất cả chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ để học cách nắm vững và đánh giá cao giá trị của tuổi già. Thật vậy, trong khi, một mặt, các quốc gia phải học cách đối mặt với tình hình nhân khẩu học mới ở bình diện kinh tế, mặt khác, xã hội dân sự cần các giá trị và ý nghĩa cho lớp tuổi thứ ba và thứ tư. Và ở đây, trước hết, là sự đóng góp của cộng đồng giáo hội.
Ðó là lý do tại sao tôi hoan nghênh một cách đầy thích thú sáng kiến của hội nghị này, một hội nghị tập chú vào việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên và khởi xướng một suy tư về các hệ luận của sự hiện diện đáng kể của ông bà trong các giáo xứ và xã hội của chúng ta. Tôi yêu cầu đây không phải là một sáng kiến biệt lập, mà thay vào đó nó đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình khám phá và biện phân mục vụ. Chúng ta cần thay đổi các thói quen mục vụ của mình để có thể đáp ứng đối với sự hiện diện của rất nhiều người cao niên trong các gia đình và cộng đồng.
Trong Kinh thánh, tuổi thọ là một chúc phúc. Nó làm chúng ta đương đầu với sự mong manh của chúng ta, với sự phụ thuộc lẫn nhau, với mối liên hệ gia đình và cộng đồng của chúng ta, và trên hết với tư cách con cái Thiên Chúa của chúng ta. Ban tuổi già, Thiên Chúa Cha cho chúng ta thời gian để thâm hậu hóa kiến thức về Người, sự thân mật của chúng ta đối với Người, để nhập sâu hơn nữa vào trái tim của Người và phó thác cho Người. Ðây là thời gian để chuẩn bị trao phó linh hồn chúng ta trong tay Người, một cách dứt khoát, với niềm tín thác như trẻ em. Nhưng đó cũng là thời gian của sự hữu hiệu mới. Thánh vịnh gia vốn viết "già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn" (Tv 92:15). Thực thế, kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa cũng được thực hiện trong sự nghèo khó của những cơ thể yếu đuối, cằn cỗi và bất lực. Từ cung lòng cằn cỗi của Sara và cơ thể trăm tuổi của Ápraham, dân Chúa Chọn đã ra đời (x. Rm 4: 18-20). Từ Elizabeth và Dacaria cao niên, Gioan Tẩy giả đã ra đời. Người cao tuổi, ngay cả khi đã yếu, vẫn có thể trở thành một dụng cụ của lịch sử cứu rỗi.
Nhận thức được vai trò không thể thay thế này của người cao niên, Giáo hội trở thành nơi các thế hệ được mời gọi tham dự kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa, trong mối liên hệ trao đổi lẫn nhau các ân phúc của Chúa Thánh Thần. Sự chia sẻ giữa liên thế hệ này buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn đối với người cao niên, học cách cùng với họ nhìn về tương lai.
Khi chúng ta nghĩ tới người cao niên và nói về họ, đặc biệt là trong chiều kích mục vụ, chúng ta phải học cách thay đổi một chút các thì của động từ. Không chỉ có quá khứ, như thể, đối với người cao niên, chỉ có một cuộc sống ở phía sau họ và một văn khố mốc thếch. Không. Thiên Chúa có thể và muốn viết những trang sách mới với họ, những trang sánh thánh thiện, phục vụ, cầu nguyện... Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em rằng người cao niên cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Vâng, họ cũng là tương lai của một Giáo hội, cùng với người trẻ, nói tiên tri và mơ mộng! Ðây là lý do tại sao điều quan trọng là người cao niên và người trẻ phải nói chuyện với nhau, điều này rất quan trọng.
Lời tiên tri của người cao niên được ứng nghiệm khi ánh sáng Tin Mừng hoàn toàn đi vào cuộc sống của họ; khi, giống như Simeon và Anna, họ ẵm Chúa Giêsu trên tay và loan báo cuộc cách mạng của lòng dịu dàng, Tin mừng về Ðấng đã đến thế gian để mang lại ánh sáng của Chúa Cha. Ðó là lý do tại sao tôi yêu cầu anh chị em đừng ngần ngại loan báo Tin Mừng cho ông bà và người cao niên. Anh chị em hãy đến với họ với một nụ cười trên khuôn mặt anh chị em và sách Tin Mừng trong tay anh chị em. Ði ra đường phố các giáo xứ của anh chị em và tìm kiếm những người cao niên sống một mình. Tuổi già không phải là một căn bệnh, đó là một đặc ân! Cô đơn có thể là một căn bệnh, nhưng với lòng bác ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần, chúng ta có thể chữa lành nó.
Thiên Chúa có một số lượng lớn các ông bà trên khắp thế giới. Ngày nay, trong các xã hội thế tục hóa ở nhiều quốc gia, các thế hệ cha mẹ hiện nay, phần lớn, không có được sự đào luyện về Kitô giáo và đức tin sống động, những điều mà ông bà có thể truyền lại cho các cháu của họ. Họ là mối liên kết không thể thiếu trong việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên về đức tin. Chúng ta phải làm quen với việc bao gồm họ vào các chân trời mục vụ của chúng ta và xem xét chúng, một cách trường kỳ, như một trong những thành phần hệ trọng của các cộng đồng chúng ta. Họ không những chỉ là những người mà chúng ta được kêu gọi hỗ trợ và bảo vệ để duy trì cuộc sống của họ, mà họ còn có thể là những tác nhân trong thừa tác mục vụ truyền giảng Tin Mừng, những nhân chứng ưu tuyển của tình yêu trung thành của Thiên Chúa.
Vì điều này, tôi cảm ơn tất cả những ai đã cống hiến năng lực mục vụ cho các ông bà và người cao niên. Tôi biết rõ rằng cam kết và suy tư của anh chị em được sinh ra từ tình bạn cụ thể với nhiều người cao niên. Tôi hy vọng rằng điều ngày nay chỉ là sự nhạy cảm của một số ít người sẽ trở thành gia bảo của mọi cộng đồng giáo hội. Anh chị em đừng sợ hãi, hãy thực hiện các sáng kiến, giúp các giám mục và giáo phận của anh chị em để cổ vũ việc phục vụ mục vụ cho và với những người lớn tuổi. Anh chị em đừng nản lòng, hãy tiếp tục tiến bước! Bộ Giáo dân, Gia đình và Sư sống sẽ tiếp tục đồng hành với anh chị em trong nhiệm vụ này.
Tôi cũng đồng hành với anh chị em với lời cầu nguyện và phước lành của tôi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!