Kitô hữu mà không có niềm vui
thì chỉ là tù nhân của những nghi thức
Ðức Thánh Cha: Kitô hữu mà không có niềm vui thì chỉ là tù nhân của những nghi thức.
Trần Ðỉnh, SJ
Vatican (Vatican News 28-01-2020) - Ðừng xấu hổ khi bày tỏ niềm vui được gặp Chúa, đừng tách mình ra khỏi buổi lễ mà mọi người cử hành khi họ nhận thấy Thiên Chúa gần gũi với mình. Tin Mừng sẽ chỉ đến với mọi dân nước nếu chúng ta có những nhà truyền giáo tràn đầy sức sống và niềm vui. Niềm vui ấy cũng sẽ tiếp diễn trên "bàn cơm gia đình".
Niềm vui của việc trở thành Kitô hữu là điều Ðức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong bài giảng sáng thứ Ba 28 tháng 1 năm 2020 tại nhà nguyện thánh Marta. Suy tư của ngài khởi đi từ bài đọc thứ nhất trích sách Samuel, nói về việc vua David và dân Israel vui mừng hân hoan vì Hòm Bia Giao Ước trở lại Giêrusalem.
Lễ mừng của dân chúng vì Thiên Chúa ở gần họ
Ðức Thánh Cha nhắc nhớ rằng Hòm Bia đã bị lấy mất, nên việc Hòm Bia trở lại thực sự là niềm vui lớn cho toàn dân. Dân chúng thấy rằng Chúa ở gần họ và vì thế, họ tổ chức lễ mừng. Và vua David dẫn đầu đoàn rước, dâng lễ toàn tiêu với một con bò và một con bê béo. Cùng với dân chúng, David đã reo hò, đã hát và nhảy múa hết sức mình.
Ðó là một bữa tiệc, tiệc của niềm vui, vì dân chúng thấy Thiên Chúa ở cùng họ. Còn David thì sao? Ông nhảy múa. Ông nhảy trước mặt mọi người, ông thể hiện niềm vui không chút thẹn thùng; đó là niềm vui thiêng liêng của cuộc gặp gỡ với Chúa: Chúa đã trở lại với chúng ta, và điều này làm chúng ta rất vui mừng. David không nghĩ rằng mình là vua, rằng nhà vua phải tách khỏi dân chúng, phải giữ "sự uy nghiêm" của mình, phải giữ khoảng cách ... David yêu mến Chúa, nhà vua rất vui vì việc rước Hòm bia trở về. Ông thể hiện niềm hạnh phúc này bằng việc nhảy múa và ca hát như tất cả mọi người. Niềm vui ấy cũng đến với chúng ta khi "chúng ta ở cùng Thiên Chúa", có lẽ trong giáo xứ, trong các xóm làng, mọi người cũng tổ chức ăn mừng.
Và Ðức Thánh Cha nói về một chương khác trong lịch sử Israel: khi cuốn sách luật được tìm thấy vào thời Nehemiah, "tất cả mọi người đã khóc vì vui sướng", và họ còn tiếp tục ăn mừng tại nhà của mình nữa.
Khinh miệt sự vui mừng
Tiếp nối câu chuyện của David, Ðức Thánh Cha nói về việc ông trở về nhà và gặp bà Mi-khan, một trong những người vợ của ông, và cũng là con gái của vua Saul. Nàng đã mắng ông với thái độ khinh bỉ: "anh có thấy xấu hổ khi nhảy nhót như một kẻ vô danh tiểu tốt, giống như một kẻ trong đám dân ấy không?"
Nói về cách hành xử này của Mi-khan, Ðức Thánh Cha cho rằng:
Bà đã tỏ rõ sự khinh miệt đối với thứ "tôn giáo chân chính" và với sự bộc phát của niềm vui khi được ở cùng Thiên Chúa. Và David đã giải thích với bà rằng: Tôi vui mừng vì Hòm Bia Thiên Chúa đã trở về, và trước nhan Thiên Chúa, tôi sẽ vui đùa." Và Kinh Thánh nói rằng bà Mi-khan không có con cho đến ngày bà qua đời. Thiên Chúa đã trừng phạt bà vì điều này. Một Kitô hữu không có niềm vui trong lòng, thì cũng chẳng có hoa trái hay kết quả gì.
Những nhà truyền giáo vui vẻ tiến về phía trước
Và Ðức Thánh Cha giải thích thêm rằng lễ mừng ấy không chỉ được thể hiện về mặt tinh thần, mà còn phải trở nên dịp sẻ chia.
Sau khi chúc lành cho dân chúng, David đã "phân phát cho toàn dân, cho tất cả đám đông Israel, đàn ông cũng như đàn bà, mỗi người một cái bánh ngọt, một phần thịt và một cái bánh nho", để mọi người ăn mừng tại nhà riêng của họ. Lời Thiên Chúa không xấu hổ về bữa tiệc ấy.
Nhưng Ðức Thánh Cha cũng cảnh báo nguy cơ vui quá đà và tin rằng đó là tất cả. Ngài cũng nhắc nhớ rằng: trong Tông Huấn "Evangelii Nuntiandi", Thánh giáo hoàng Phaolô VI cũng nói về điều này và mời gọi chúng ta hãy sống vui mừng. Trước khi kết thúc bài giảng, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
Giáo hội sẽ không tiếp bước, Tin Mừng sẽ không tiến triển với những nhà truyền giáo buồn bã và cay đắng. Việc loan báo Tin Mừng chỉ vươn xa với những nhà truyền giáo vui tươi và đầy sức sống.