Các vị lãnh đạo tôn giáo tại Davos
kêu gọi thay đổi
Các vị lãnh đạo tôn giáo tại Davos kêu gọi thay đổi.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Davos (Vatican News 25-01-2020) - Các vị lãnh đạo tôn giáo tại Diễn Ðàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, kêu gọi giới lãnh đạo tài chánh và kinh tế thay đổi, vì "trái đất và người nghèo đang khóc".
Lập trường trên đây được Ðức Hồng y Peter Turkson cùng với Ðức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios và Rabbi trưởng Cộng đoàn Do thái tại Mascơva, Pinchas Goldschmidt, trình bày trong cuộc họp báo chung chiều ngày 22 tháng 01 năm 2020 tại Davos.
Ðức Hồng y Turkson là Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện. Ngài nói: "Trong thông điệp Laudato sì, Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói đến sự kiện trái đất và người nghèo đang khóc, và vì thế một điều cấp thiết là hãy lắng nghe tiếng khóc đó và tất chúng ta cần tìm cách làm ngưng tiếng khóc ấy. Trong tư cách là những người lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi muốn khơi lên một ý thức hoàn cầu về sự cần thay đổi... Những kỹ thuật mới không được xác định điều mà chúng ta được kêu gọi trở thành, nhưng cần sử dụng các kỹ thuật ấy để phục vụ công ích, thiện ích của nhân loại, của trái đất và những người dân sống trên đó. Chúng ta không có một hành tinh thứ hai để sống tại đó".
Ðức Hồng y Turkson, người Ghana, cũng kêu gọi các giới chính trị và các chính phủ hãy "nhìn nhận vai trò trung tâm của các tôn giáo và tín ngưỡng... thay vì tìm cách gạt bỏ các tôn giáo vào lãnh vực riêng tư, phủ nhận ảnh hưởng của các tôn giáo trong đời sống con người như thường xảy ra tại các nước tục hóa".
Phúc trình của tổ chức Oxfam
Ðể cho thấy rõ tình trạng nguy kịch của hệ thống kinh tế hoàn cầu, hôm 22 tháng 01 năm 2020, trước ngày khai mạc Diễn Ðàn kinh tế thế giới ở Davos, tổ chức Oxfam quốc tế chuyên tranh đấu bài trừ nghèo đói và bất công, đã công bố phúc trình năm 2020 với tựa đề: "Ðã đến lúc quan tâm" (Time to care), trong đó có nhận xét rằng tài nguyên hoàn cầu gia tăng trong thời gian từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 6 năm 2019, nhưng vẫn tiếp tục tập trung trong tay thiểu số người, theo hình ảnh kim tự tháp: 1% những người giàu có nhất sở hữu quá một nửa số tài nguyên của 6 tỷ 900 triệu người trên thế giới. 2,153 tỷ phú trên trái đất có tài sản nhiều hơn tài sản cộng chung lại của 4 tỷ 600 triệu người, tức là 60% dân số hoàn cầu. Gia sản của 22 người giàu nhất vượt quá tài sản của tất cả các phụ nữ Phi châu.
Tuy khoảng cách giàu sang giữa các nước có phần giảm bớt, nhưng sự chênh lệch giàu có tại nhiều nước gia tăng. Trên thế giới có 46% dân chúng sống với lợi tức dưới 5 mỹ kim rưỡi mỗi ngày.
(Asia News 23-1-2020)