Ðức Thánh Cha tiếp Phái đoàn
của "Trung tâm Simon Wiesenthal"
Ðức Thánh Cha tiếp Phái đoàn của "Trung tâm Simon Wiesenthal".
Ngọc Yến
Vatican (Vatican News 20-01-2020) - Hôm thứ Hai 20 tháng 01 năm 2020, Ðức Thánh Cha Phanxicô tiếp Phái đoàn của "Trung tâm Simon Wiesenthal". Trong bài diễn văn, Ðức Thánh Cha mời gọi các thành viên tiếp tục dấn thân xây dựng một xã hội hòa bình, chống lại mọi hình thức phân biệt.
Mục đích hoạt động của Trung tâm này là nhằm chống lại mọi hình thức chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc và thù hận người thiểu số. Trong nhiều thập kỷ, giữa Trung tâm và Tòa Thánh đã có những tương quan tốt đẹp. Cả hai đều mong muốn phẩm giá của con người được tôn trọng; một phẩm giá mà mọi người đều được hưởng, không tùy thuộc vào nguyên quán, tôn giáo và địa vị xã hội. Ðiều quan trọng là giáo dục lòng khoan dung và hiểu biết lẫn nhau, tự do tôn giáo và thúc đẩy hòa bình.
Ký ức về Holocaust
Cách đặc biệt, ÐTC nói đến vai trò của Trung tâm đối với biến cố Holocaust: "Các bạn đã giữ cho ký ức về Holocaust luôn sống. Vào ngày 27/01 tới đây, chúng ta sẽ kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau. Ðây là dịp chúng ta cần dừng lại, thinh lặng, nhìn vào nội tâm để lắng nghe tiếng khóc của nhân loại đau khổ. Ngày nay, quá nhiều lời cũng là một hình thức của chủ nghĩa tiêu thụ. Biết bao nhiêu từ vô ích, lãng phí thời gian trong những cuộc thảo luận. Thinh lặng giúp lưu lại ý ức. Nếu chúng ta mất ký ức, chúng ta sẽ hủy diệt tương lai. Kỷ niệm biến cố tàn sát khủng khiếp của 75 năm trước là lời kêu gọi chúng ta hãy dừng lại, thinh lặng và tưởng nhớ. Chúng ta cần điều này, để không là những người sống dửng dưng, thờ ơ".
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đề cập đến chủ nghĩa bài Do Thái đang trở lại trong thời gian gần đây: "Tôi cực lực lên án mọi hình thức bài Do Thái. Ðể giải quyết vấn đề này, chúng ta phải dấn thân vun đắp hòa bình, cùng nhau học hỏi để hiểu nhau hơn".
Do Thái và Kitô hữu có một di sản tinh thần chung
"Tuyên ngôn Nostra aetate (Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo) đã nhấn mạnh rằng: chúng ta, người Do Thái và Kitô hữu, có một di sản tinh thần chung phong phú mà chúng ta phải ngày càng khám phá để phục vụ mọi người. Ðặc biệt ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi thực hiện việc phục vụ này: không phải là tạo khoảng cách và loại trừ, nhưng làm cho gần nhau hơn; không phải để ủng hộ các giải pháp quân sự, mà để bắt đầu những con đường gần gũi". Và Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Nếu chúng ta không làm điều đó, ai sẽ làm? Tôi nhớ lời đó từ sách Xuất hành: Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Israel và Thiên Chúa đã biết... (2, 24-25). Chúng ta nhớ đến quá khứ và cũng nhớ đến hoàn cảnh của những người đau khổ: bằng cách này, chúng ta sẽ vun đắp tình huynh đệ".
Cuối cùng, Ðức Thánh Cha khuyến khích các thành viên của Phái đoàn tiếp tụp dấn thân bảo vệ người yếu đuối: "Ðấng Tối Cao sẽ trợ giúp chúng ta, giúp chúng ta tôn trọng nhau và yêu thương nhau hơn. Chúng ta làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp, gieo rắc bình an, Shalom!" (CSR_336_2020)