Thiên Chúa là một Vị Thiên Chúa

của những điều gây ngạc nhiên

 

Kinh Truyền Tin với Ðức Thánh Cha 12/01/2020: Thiên Chúa là một Vị Thiên Chúa của những điều gây ngạc nhiên.

Ngọc Yến

Vatican (Vatican News 13-01-2020) - Vào lúc 12 giờ trưa,12 tháng 01 năm 2020, Ðức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ của Dinh Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương. Trước khi đọc kinh Ðức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn liên quan đến bài Tin Mừng lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa.

Thiên Chúa là một Vị Thiên Chúa của những điều gây ngạc nhiên

Trước hết, Ðức Thánh Cha nói: "Phụng vụ hôm nay nói về Phép rửa của Chúa Giêsu theo tường thuật Tin Mừng thánh Matthêu (3,13-17). Tác giả Tin Mừng mô tả cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu, người xin lãnh nhận Phép rửa và thánh Gioan Tẩy giả, người muốn từ chối: 'Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi?' (c.14). Quyết định này của Chúa Giêsu làm thánh Gioan ngạc nhiên".

Ðức Thánh Cha giải thích tại sao thánh Gioan lại ngạc nhiên: "Thật vây, Ðấng Mêsia không cần phải được thanh tẩy; trái lại chính Ngài là Ðấng thanh tẩy. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng Thánh, đường lối của Ngài không như chúng ta, và Chúa Giêsu là Ðường của Thiên Chúa, một cách không thể đoán trước. Chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa là một Vị Thiên Chúa của những điều gây ngạc nhiên".

"Thánh Gioan tuyên bố rằng giữa ngài và Chúa Giêsu có một khoảng cách rất xa không thể tiếp cận: 'tôi không đáng xách dép cho Người' (Mt 3,11). Nhưng Con Thiên Chúa đã đến để lấp đầy khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa".

Người môn đệ tốt là người khiêm nhường, hiền lành

Ðức Thánh Cha giải thích tiếp, nếu Chúa Giêsu hiện diện tất cả vì Thiên Chúa, thì Ngài cũng hiện diện vì con người, và tập hợp những gì đã bị phân rẽ. Vì thế Ngài đã tiến tới Gioan: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (c.15). Ðấng Mêsia xin lãnh nhận Phép rửa, để hoàn tất đức công chính, Ngài thực hiện kế hoạch của Chúa Cha, đi qua con đường vâng phục nghĩa tử và liên đới với loài người yếu đuối và tội lỗi. Ðó là cách thức khiêm nhường và gần gũi của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài.

Ngôn sứ Isaia cũng đã tuyên bố sự công chính của Người Tôi Tớ Chúa, Ðấng thực hiện sứ mệnh trong thế giới một cách ngược với tinh thần thế tục: "Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý" (42,2-3).

Từ đoạn Kinh thánh của ngôn sứ Isaia, Ðức Thánh Cha khuyên các tín hữu: "Ðây là thái độ hiền lành, thái độ khiêm nhường, tôn trọng, điều độ và ẩn mình, mà các môn đệ của Chúa được mời gọi. Trong công cuộc truyền giáo, cộng đoàn Kitô được mời gọi ra đi gặp gỡ những người khác qua việc sống chứng nhân, chia sẻ cuộc sống thực tế của con người, không áp đặt. Thật là buồn khi phải nói điều này, có nhiều môn đệ Chúa vênh váo mình là môn đệ Chúa, đây không phải là người môn đệ tốt. Người môn đệ tốt là người khiêm nhường, hiền lành, là người làm điều tốt nhưng không để cho người khác nhìn thấy việc mình làm".

Tái khám phá Bí tích Thánh Tẩy

Ðức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý: "Khi Ðức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: 'Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người'. (Mt 3, 17). Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, là dịp để chúng ta tái khám phá Bí tích Rửa tội của chúng ta. Như Chúa Giêsu là Con Yếu dấu của Cha, chúng ta cũng được tái sinh từ nước và từ Thánh Thần, chúng ta biết mình là người con được yêu thương - Chúa Cha yêu thương tất cả chúng ta, chúng ta là đối tượng làmThiên Chúa vui thỏa, là anh chị em của nhiều anh chị em khác, được trao ban một sứ mệnh cao cả là làm chứng và loan báo tình yêu vô biên của Chúa Cha cho tất cả mọi người".

"Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa làm cho chúng ta nhớ đến Bí tích Rửa tội của chúng ta. Chúng ta cũng được tái sinh trong Bí tích Rửa tội. Trong Bí tích Rửa tội, Chúa Thánh Thần đến ở lại trong chúng ta. Ðây là lý do tại sao điều quan trọng là phải biết ngày chúng ta được Rửa tội. Chúng ta biết ngày sinh của chúng ta nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng biết ngày Rửa tội của mình là ngày nào. Chắc chắn một số anh chị em không biết, tôi trao cho anh chị em một bài tập ở nhà. Khi anh chị em trở về nhà, anh chị em hãy hỏi: tôi được rửa tội khi nào?"

Và Ðức Thánh Cha kết luận: "Mỗi năm anh chị em hãy ăn mừng ngày rửa tội trong tâm hồn anh chị em. Hãy làm điều đó. Ðó cũng là bổn phận công chính đối với Chúa, Ðấng luôn tốt lành với chúng ta. Ðức Maria giúp chúng ta luôn hiểu hơn ân ban của Thánh Tẩy và sống ơn ban này một cách thiết thực trong mọi hoàn cảnh sống".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page