Bài giảng của Ðức Thánh Cha

trong Lễ Chúa Hiển Linh 06/01/2020

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Lễ Chúa Hiển Linh 06/01/2020.

J.B. Ðặng Minh An dịch

Vatican (VietCatholic News 06-01-2020) - Năm 2020, tại nhiều nơi trên thế giới, Lễ Chúa Hiển Linh - trước đây gọi là Lễ Ba Vua - được cử hành vào ngày Chúa Nhật 5 tháng Giêng năm 2020. Tuy nhiên, tại Vatican, và nhiều nơi khác, lễ này được cử hành đúng ngày chính lễ.

Lúc 10 giờ sáng, thứ Hai 6 tháng Giêng năm 2020, tại Ðền Thờ Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha đã chủ sự Lễ Hiển Linh cùng với khoảng 8 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nói:

Trong bài Tin Mừng (Mt 2:1-12), chúng ta đã nghe Ba vị Ðạo sĩ bắt đầu với việc nêu lên lý do tại sao họ đến: "Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện từ phương Ðông và chúng tôi đến để triều bái Người" (câu 2). Thờ lạy là cùng đích và là mục tiêu cuộc hành trình của họ. Thật vậy, khi họ đến Bêlem, "họ thấy Hài Nhi cùng với Ðức Maria thân mẫu Người, họ liền sấp mình thờ lạy Người" (câu 11). Một khi chúng ta mất đi cảm thức thờ lạy, thì chúng ta đánh mất đi định hướng của đời sống Kitô, vốn là một cuộc hành trình hướng về Chúa, chứ không phải hướng về chính mình. Tin Mừng cảnh báo chúng ta về nguy cơ này, vì bên cạnh các đạo sĩ, Tin Mừng cũng trình bày những người khác là những người không có khả năng thờ lạy.

Trước hết là vua Hêrôđê, người dùng từ thờ lạy, nhưng chỉ để lừa lọc. Ông yêu cầu các Ðạo sĩ thông báo cho ông về nơi ở của Hài Nhi "để Ta cũng đến để bái thờ Người" (câu 8). Thực tế, Hêrôđê chỉ tôn thờ chính mình, cho nên ông muốn tận diệt Hài Nhi bằng một lời nói dối. Ðiều này dạy chúng ta điều gì? Thưa, khi chúng ta không tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta đi đến chỗ tôn thờ chính mình. Cũng thế, đời sống Kitô hữu khi không tôn thờ Thiên Chúa có thể trở thành một cách thức kín đáo để khẳng định chính mình và những khả năng của mình: đó là những Kitô hữu không biết thờ phượng, tức là những người không biết cầu nguyện qua việc phượng tự. Ðó là một nguy cơ nghiêm trọng: chúng ta bắt Chúa phục vụ chúng ta chứ không phải là chúng ta phục vụ Ngài. Ðã bao nhiêu lần chúng ta nhầm lẫn giữa lợi ích của Tin Mừng và tư lợi của chúng ta, bao nhiêu lần chúng ta khoác chiếc áo tôn giáo lên thứ này thứ khác thuận tiện cho chúng ta, bao nhiêu lần chúng ta mập mờ giữa quyền năng Thiên Chúa nhắm phục vụ tha nhân, với quyền lực thế gian để phục vụ chính mình!

Bên cạnh Hêrôđê, Tin Mừng còn nhắc đến có những người khác không có khả năng thờ lạy: họ là các thượng tế và kinh sư. Họ chỉ cho Hêrôđê biết chính xác nơi Ðấng Mêsia được sinh ra ở đâu: tại Bêlem, miền Giuđê (x. câu 5). Họ biết những lời tiên tri và có thể viện dẫn chính xác. Họ biết nơi phải đi - vì họ là các đại thần học gia, rất đại tài! - nhưng họ không đi. Ở đây, chúng ta cũng có thể rút ra một bài học. Trong đời sống Kitô, biết thôi thì chưa đủ đâu: trừ phi chúng ta ra khỏi chính mình, trừ phi chúng ta gặp gỡ tha nhân và thờ phượng, chúng ta không thể biết Chúa đâu. Những hiệu quả thần học và mục vụ chẳng có ích bao nhiêu, thậm chí là vô ích, nếu chúng ta không biết bái quỳ; nếu chúng ta không biết quỳ xuống như những vị Ðạo sĩ, là những người không chỉ có kiến thức hoạch định một chuyến đi, mà còn dám lên đường và cúc cung thờ lạy. Khi thờ phượng, chúng ta nhận ra rằng đức tin không chỉ đơn thuần là một tập hợp các tín lý tốt đẹp, nhưng còn là một mối tương quan với một Ngôi Vị sống động là Ðấng chúng ta được mời gọi để yêu mến Ngài. Chính qua cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết Ngài là ai. Qua việc tôn thờ, chúng ta khám phá ra rằng đời sống Kitô là một câu chuyện tình với Thiên Chúa, trong đó những ý tưởng hay đẹp thôi thì chưa đủ, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có khả năng đặt Ngài ở vị trí trung tâm của đời ta, như một người đang yêu vẫn làm đối với người mình yêu. Ðây là điều mà Giáo Hội phải trở thành, đó là trở nên một người yêu tôn thờ Chúa Giêsu, Phu Quân của mình.

Khi bắt đầu một năm mới, cầu xin cho chúng ta biết tái khám phá một cách mới mẻ rằng thờ phượng là một đòi hỏi của đức tin. Nếu chúng ta biết quỳ gối trước Chúa Giêsu, chúng ta sẽ vượt thắng cám dỗ cất bước trên con đường riêng của mình. Bởi vì thờ lạy là thực hiện một cuộc xuất hành lớn để thoát ra khỏi hình thái lớn nhất của sự ràng buộc là sự nô lệ cho chính mình. Thờ phượng là đặt Chúa ở vị trí trung tâm, chứ không phải là chính chúng ta. Thờ lạy là trả mọi thứ trở lại đúng trật tự của chúng, và đặt Chúa ở vị trí đầu tiên. Thờ lạy là đặt kế hoạch của Chúa quan trọng hơn thời gian của riêng tôi, hơn quyền đáng được hưởng của tôi, va hơn không gian của riêng tôi. Thờ lạy là chấp nhận lời dạy của Kinh thánh: "Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi" (Mt 4:10). Thiên Chúa của ngươi: thờ lạy là nhận thức rằng cả Thiên Chúa và chúng ta thuộc về lẫn nhau. Thờ lạy nghĩa là có thể trò chuyện với Ngài một cách tự do và thân mật; nghĩa là đặt để cuộc sống của chúng ta nơi Ngài và để Ngài bước vào cuộc sống của chúng ta. Thờ lạy nghĩa là mang niềm an ủi của Ngài đến cho thế giới. Thờ lạy là khám phá ra rằng khi cầu nguyện chỉ cần nói: "Lạy Chúa và Thiên Chúa của con!" (Ga 20:28), và để chúng ta được bao phủ trong tình yêu dịu dàng của Ngài.

Thờ lạy là đến với Chúa Giêsu, không phải với một danh sách những nguyện vọng, nhưng với một thỉnh cầu duy nhất là được ở với Người. Thờ lạy là khám phá ra rằng niềm vui và sự bình an đang gia tăng cùng với những lời tán tụng và tri ân. Khi chúng ta thờ lạy, chúng ta để cho Chúa Giêsu chữa lành và biến đổi chúng ta. Khi chúng ta thờ lạy, chúng ta để cho Chúa có thể biến đổi chúng ta bằng tình yêu của Ngài, thắp sáng giữa bóng tối của chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh giữa những yếu đuối của chúng ta; và ban ơn can đảm cho chúng ta giữa những thử thách. Thờ phượng có nghĩa là tập trung vào những gì là thiết yếu: gạt bỏ đi những thứ vô dụng và nghiện ngập gây mê trái tim và làm tâm trí chúng ta rối loạn. Trong thờ phượng, chúng ta học cách bác bỏ những gì không nên tôn thờ như thần tài, thần tiêu dùng, thần khoái lạc, thần thành công, và thần bản ngã. Thờ phượng có nghĩa là cúi thấp xuống trước Ðấng Tối Cao và khám phá ra trong sự hiện diện của Ngài rằng sự vĩ đại của cuộc sống không hệ tại ở việc sở hữu thứ này thứ khác, nhưng là ở tình yêu. Thờ phượng có nghĩa là nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em trước mầu nhiệm của một tình yêu có khả năng bắc cầu mọi khoảng cách: đó là gặp gỡ sự thiện ở tận cội nguồn; đó là tìm thấy nơi Thiên Chúa sự gần gũi, và lòng can đảm để đến gần người khác. Thờ phượng có nghĩa là biết cách im lặng trước sự hiện diện của Lời Chúa và học cách sử dụng những từ không làm tổn thương ai nhưng mang lại ủi an.

Thờ phượng là một hành động của tình yêu thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nó liên quan đến những gì các vị Ðạo Sĩ đã làm. Ðó là mang vàng đến với Chúa và nói với Chúa rằng không có gì quý hơn Người. Ðó là dâng hương cho Chúa và nói với Ngài rằng chỉ khi kết hợp với Ngài, cuộc sống của chúng ta mới có thể bay lên tới thiên đường. Ðó là dâng lên Ngài mộc dược, là hương thơm xoa dịu những người bị bầm tím và thương tổn, và hứa với Ngài rằng chúng ta sẽ giúp đỡ những người hàng xóm bị thiệt thòi và đau khổ, mà chính Người đang hiện diện nơi những người ấy. Chúng ta thường biết cách cầu nguyện - chúng ta cầu xin Chúa, chúng ta cảm tạ Ngài - nhưng Giáo Hội phải tiến về phía trước trong lời cầu nguyện phượng thờ của mình; chúng ta phải lớn lên trong việc thờ phượng. Ðây là sự khôn ngoan mà chúng ta phải học mỗi ngày. Cầu nguyện bằng cách thờ phượng: lời cầu nguyện phượng thờ.

Anh chị em thân mến, hôm nay mỗi người trong chúng ta có thể tự hỏi: "Tôi có phải là một tín hữu Kitô biết thờ phượng không?" Nhiều Kitô hữu cầu nguyện nhưng họ không thờ phượng. Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: "Chúng ta có dành thời gian để thờ phượng trong lịch trình hàng ngày của chúng ta và chúng ta có dành chỗ cho việc thờ phượng trong cộng đồng của chúng ta không? Với tư cách là một Giáo Hội, liệu chúng ta có muốn đưa vào thực hành những lời chúng ta đã cầu nguyện trong Thánh Vịnh ngày hôm nay: "Lạy Chúa, tất cả mọi dân tộc trên trái đất sẽ tôn thờ Chúa"? Ðược như thế thì trong việc thờ phượng, chúng ta cũng sẽ khám phá, như các vị Ðạo Sĩ, ý nghĩa của cuộc hành trình của chúng ta. Và cũng giống như các vị Ðạo Sĩ, chúng ta cũng sẽ trải nghiệm "một niềm vui lớn" (Mt 2: 10).

(Source: Holy See Press OfficeSanta Messa nella Solennità dell'Epifania del Signore, 06.01.2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page