Gia sản ký ức
và vài gợi ý giáo dục giới trẻ
Gia sản ký ức và vài gợi ý giáo dục giới trẻ.
Khắc Bá, SJ - CTV
Vatican (Vatican News 7-01-2020) - Nhắc đến từ 'gia sản', chúng ta hay nghĩ đến việc sở hữu những của cải mang tính vật chất, như đất đai, nhà cửa, tiền bạc, hoặc những tài sản mang tính văn hoá như các tác phẩm nghệ thuật, các phần thưởng huân huy chương, vv. Nhưng trong cuộc sống, còn một thứ gia sản khác, mà tôi thiết nghĩ còn quý giá hơn cả của cải vật chất lẫn tài sản văn hoá, đó chính là gia sản ký ức.
Tại sao có những nhà văn viết được những tác phẩm rất hay? Thưa, vì họ có ký ức! Thật thế, nếu không có những kinh nghiệm nhất định về cuộc đời, về con người, người cầm bút hầu như không thể tạo nên những áng văn để lại dấu ấn được. Chỉ khi sở hữu những 'vốn sống' sinh động, điều họ viết ra mới có thể dễ dàng đi vào lòng người, vì nó diễn tả điều mà người đọc dễ dàng bắt gặp từ chính cuộc sống của họ.
Khi gặp những trắc trở, những thách đố trong đời sống, tại sao có những người dễ dàng vượt qua được, và có những người thì không? Thường thì những người có 'vốn sống', từng có những trải nghiệm về các khó khăn trước đó, từng kinh qua các bước thăng trầm, sẽ dễ dàng vượt qua những cú sốc của hiện tại, vì tâm trí và tinh thần của họ đã được tôi luyện vững vàng rồi. Ngược lại, chúng ta sẽ không dễ dàng vượt qua những khó khăn, nếu mình chưa hề có những kinh nghiệm 'đau thương' nào trước đó.
Chúng ta tạm gọi cách chung tất cả những dấu ấn kinh nghiệm sâu đậm về đời sống như thế là ký ức. Ký ức rất quan trọng, dù nhiều khi ta không để ý. Ngoài những giá trị mang tính thành tựu cá nhân, hay những lợi thế khi đối diện với những điều bất ưng trong cuộc sống, ký ức còn là một nguồn lực đặc biệt giúp chúng ta dễ dàng hoà nhập vào đời sống xã hội, và xây dựng các tương quan phong phú với tha nhân.
Tính cách con người thì muôn màu muôn vẻ. Có những người hướng nội, và có những người hướng ngoại. Nhưng, dù thuộc về tính cách nào, nếu muốn dễ dàng hoà nhập hơn vào đời sống chung của xã hội, đặc biệt là trong việc tương quan với tha nhân, chúng ta cần phải có 'ký ức' về những nền tảng chung. Thật thế, ta sẽ dễ dàng hơn trong việc bắt chuyện với bạn bè, trong việc hoà mình vào những công việc tập thể, nếu tâm trí ta tồn tại những đồng cảm, vốn có được từ những kinh nghiệm chung nhất định nào đó. Ví dụ, trong một bữa tiệc, khi những người đồng bàn chia sẻ một cầu chuyện trong quá khứ, nhất là những câu chuyện liên quan đến 'thuở hàn vi', nếu bản thân ta cũng từng có những trải nghiệm nhất định về nó, thì ta sẽ hào hứng và dễ dàng 'nhập cuộc'; ta có đủ vốn liếng 'tri thức thực tế' để có thể tham gia câu chuyện với những chia sẻ, kiểu: "những tháng năm đó, tôi và bạn bè phải làm điều này điều kia..." Và ngược lại, ta sẽ trở thành người ở 'bên lề' nếu bản thân mình không có bất cứ một ký ức nào nối kết với bối cảnh của những câu chuyện như thế.
Nếu quan sát những người già, chúng ta cũng thấy một hiện tượng tương tự: có những ông cụ, bà cụ rất dễ bắt chuyện với mọi người, sống an vui, hiền hoà và thư thái, dù người ngoài nhìn vào có thể nghĩ họ gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất hay thậm chí cả đời sống gia đình. Lý do là vì họ đã trải qua nhiều cung bậc khác nhau trong cuộc sống, nên tâm trí họ đủ rộng để có thể nhìn thấy những chân trời xa hơn, nghiệm rõ được những hoàn cảnh khác nhau của kiếp người, và tâm hồn họ đủ mở để có thể cảm thông với tha nhân.
Có lẽ phần đa số trong các thế hệ sinh ra từ đầu thập niên 90 trở về trước đều có vốn liếng gia sản ký ức khá dồi dào, vì đa số đều trải qua những thời kỳ khó khăn và phức tạp của đất nước. Hơn nữa, thời đó chưa có Internet, nên họ đã sống phần lớn thời gian cho 'thế giới thực'. Tuy nhiên, thế hệ trẻ bây giờ lại khác. Phần nhiều thời gian của các em chủ yếu được dành cho việc học (lý thuyết) và cho không gian mạng Internet. Ngay cả các thanh niên cũng vậy: vì nhịp sống cạnh tranh khốc liệt của thời đại, điều chi phối chính yếu đời sống của họ chính là công việc và tiền bạc. Thật khó để họ có những trải nghiệm khác bên ngoài những thứ này!
Vì thế, thiết tưởng chúng ta cần để ý trong việc giáo dục con cái và trong việc định hướng lối sống cho các bạn trẻ. Các em cần phải được giúp để có đủ hành trang bước vào một đời sống phong phú và cởi mở, chứ không bị đóng khung trong một vài khía cạnh nào đó. Nói cách khác, chúng ta cần định hướng cho các em biết cách làm giàu đời sống bằng vốn liếng của ký ức sống. Ðó là một cách đầu tư tương lai khôn ngoan và hiệu quả. Ðừng để tương lai của con em mình nghèo nàn tới mức chỉ sở hữu tiền bạc! Muốn thế, trước hết chúng ta phải giúp các em có cách nhìn khác về những khía cạnh đa dạng của cuộc sống, rằng những gian khổ không hẳn luôn là điều tệ hại, và những khó khăn không phải luôn là điều cần phải tránh.
Khi có được sự thay đổi trong cách nhìn như thế, chúng ta hãy khuyến khích và giúp các em vun đắp ký ức sống, bằng những trải nghiệm thực tế. Ví dụ, nếu có thể, hãy cho các em tham gia những chương trình thiện nguyện, hay dành những khoảng thời gian nhất định để sống và làm việc chung với các bạn ở những địa phương khó khăn, như các trường nội trú miền núi, vv. Một điều khác mà chúng ta cũng nên làm, là hãy tạo điều kiện cho các em được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên. Thiên nhiên là món quà vô giá mà Thượng Ðế ban cho ta, để không chỉ cung cấp môi trường và các sản vật nuôi sống cơ thể, mà còn giúp ta khám phá và đụng chạm vào sự thiện hảo nơi chính Mẹ Thiên Nhiên, nhờ đó tâm hồn ta được nuôi dưỡng và thiện tính được mở rộng. Vì vậy, cần giúp trẻ em tiếp xúc và hoà mình vào môi trường thiên nhiên, để các em biết trân quý và chăm sóc sự sống của từng sinh mệnh bé nhỏ.
Những vốn sống đó không chỉ là hành trang xa cho các em trong tương lai, mà còn là tài sản để sử dụng trong hiện tại. Chính những kinh nghiệm phong phú và quý báu đó của cuộc sống sẽ giúp các em có tầm nhìn xa hơn cái vòng tròn của đồng tiền, và biên cương tâm hồn các em sẽ không bị giới hạn bởi những hả hê thắng lợi của các cuộc tranh đoạt, bởi những ngón tay chỉ trỏ của quyền lực, hay bởi những ganh tị do thua kém. Sự rộng mở của tầm nhìn và tâm hồn như thế là một điều kiện thiết yếu để chúng ta biết đối nhân xử thế thích hợp trong tư cách là một con người. Ơn gọi làm người không chỉ là để sống cho mình, mà còn là sống chung và sống cho tha nhân; vì thế, đó cũng là ơn gọi chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau, cùng nhau đi tới trong cuộc lữ hành dương thế này.
Sự rộng mở đó cũng là một điều kiện quan trọng để sống đức tin cách năng động và trưởng thành. Nó giúp ta có khả năng hướng tới những tầng ý nghĩa xa hơn và sâu hơn phạm vi của bối cảnh hiện tại, tức biết truy vấn và tìm kiếm những khả thể ý nghĩa tối hậu cho cuộc hiện hữu này, đồng thời biết thể hiện hoá những truy vấn đó bằng chính đời sống yêu thương và trách nhiệm với tha nhân và với tạo thành. Ðó là một bước đi quan trọng để ta biết mở lòng đón nhận Thiên Chúa, Ðấng vốn luôn tìm kiếm và chờ đợi chúng ta trong mọi hoàn cảnh.