Phụ Bản 3

Hãy Chiêm Ngắm Công Việc
Của Thánh Linh Nơi Chúng Ta,

Nài Xin Các Tặng Ân Của Ngài
Ðể Làm Cho Mình Càng Hoàn Toàn Giống Chúa Kitô,
Vị Tư Tế Tân Ước

(Bức Thư của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 1998)
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Qúi huynh trong hàng tư tế thân mến của Tôi,
Hướng tâm trí về Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng, tức cuộc cử hành trọng thể ngàn năm thứ hai của việc Chúa Kitô giáng sinh cũng như việc khai mở cho ngàn năm thứ ba của Kitô giáo, Tôi muốn cùng với qúi huynh cầu khẩn Thần Linh Chúa, Ðấng chúng ta đặc biệt dâng hiến giai đoạn thứ hai của cuộc hành trình thiêng liêng để trực tiếp dọn mừng Năm Thánh 2000 này.

Mở lòng ra trước những khơi động ưu ái của Thần Linh, chúng ta dọn mình để tham dự cách sâu xa vào thời điểm hồng phúc này, xin Ðấng Ban Phát các tặng ân những ơn cần thiết để nhận thức được những dấu hiệu của ơn cứu độ, cũng như để hết mình tận trung đáp ứng với lời kêu mời của Thiên Chúa.

Có một mối liên hệ thân tình đã nối kết thiên chức linh mục của chúng ta với Chúa Thánh Thần cũng như với sứ vụ của Ngài. Vào ngày chúng ta lãnh chức linh mục, bằng việc trào đổ đặc biệt Ðấng An Ủi xuống, Ðấng Phục Sinh đã hoàn thành một lần nữa nơi mỗi một người chúng ta điều mà Người đã hoàn thành nơi các môn đệ của Người vào buổi tối Phục Sinh, và sai chúng ta vào thế gian như thành phần tiếp nối sứ vụ cùa Người (x.Jn.20:21-23). Tặng ân của Thần Linh này, theo quyền năng thánh hóa mầu nhiệm của mình, là nguồn mạch và là căn nguyên của công việc truyền bá phúc âm và thánh hóa được ủy thác cho chúng ta.

Vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày chúng ta tưởng niệm Bữa Tối của Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ "vâng lời cho đến chết" (Phil.2:8), Ðấng đã thiết lập Thánh Thể và Chức Thánh như những dấu hiệu cao cả của tình Người yêu thương. Người đã để lại cho chúng ta giao ước yêu thương phi thường này, để ở mọi lúc và mọi nơi mầu nhiệm Mình Máu Người được vĩnh tại, cũng như để con người có thể đến với nguồn ân sủng bất tận ấy. Còn lúc nào thích hợp và khẩn thiết hơn lúc này để linh mục chúng ta chiêm ngắm công việc của Thánh Linh nơi chúng ta, và nài xin các tặng ân của Ngài để làm cho mình càng hoàn toàn nên giống Chúa Kitô, Vị Tư Tế Tân Ước?

1- Thánh Linh: Ðấng Sáng Tạo và Thánh Hóa

Ôi Thần Linh Sáng Tạo, xin hãy đến viếng thăm tâm trí chúng con. Xin hãy làm cho các cõi lòng Chúa đã tạo nên được tràn đầy ơn Chúa.

Bài phụng ca cổ kính này nhắc nhở mỗi một vị linh mục về ngày thụ phong của mình, khi các vị nhớ lại việc dấn thân được thực hiện trong giây phút đặc thù đó, một động tác hoàn toàn mở lòng ra trước tác động của Thánh Linh. Bài phụng ca này cũng nhắc nhớ các vị về sự trợ giúp đặc biệt của Ðấng An Ủi và về nhiều giây phút ân phúc, hân hoan và thân tình mà Chúa đã ban cho các vị, để các vị hoan hưởng trong cuộc sống hành trình của mình.

Theo Kinh Tin Kính của các Công Ðồng Nicêa và Côngtantinôpôli, Giáo Hội công bố đức tin của mình vào Thánh Linh như là Chúa và là Ðấng Ban Sự Sống, Ðấng thể hiện rõ ràng vai trò của mình nơi những biến cố cuôc sống con người, nhất là trong việc đồng hành với các môn đệ của Chúa trên con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Ngài là Thần Linh Sáng Tạo, Ðấng được Sách Thánh cho thấy, vào lúc rạng đông của lịch sử con người, như "đang chuyển vận trên mặt các giòng nước" (Gn.1:2), và, ở vào bình minh của công cuộc cứu chuộc, như một Ðấng nhờ Ngài mà Lời Thiên Chúa đã mặc lấy nhục thể (x.Mt.1:20; Lk.1:35).

Là một bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, "trong mầu nhiệm tuyệt đối về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài là Ngôi-Tình-Yêu, là tặng ân tự hữu, Ðấng là nguồn mạch đời đời của mọi tặng ân bởi Chúa ban cho trong cấp trật tự nhiên, là nguyên lý trực tiếp và, theo một nghĩa nào đó, là chủ thể của việc tự thông mình của Thiên Chúa trong trật tự ân sủng" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 50).

Chúa Thánh Thần điều khiển cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha. Nhờ việc can thiệp mầu nhiệm của Ngài, Con Thiên Chúa đã được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria (x.Lk.1:35) và đã làm người. Cũng chính Thần Linh, Ðấng mà khi xuống trên Chúa Giêsu, lúc Người lãnh nhận phép rửa ở sông Dược Ðăng dưới hình thể một con chim bồ câu (x.Lk.3:21-22), cho thấy Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha, và ngay sau đó, chính Thần Linh là Ðấng đã đưa Người vào sa mạc (x.Lk.4:1). Sau khi Người chiến thắng các chước cám dỗ, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của mình "trong quyền lực của Thần Linh" (Lk.4:14); Chúa Giêsu đã hân hoan trong Thánh Linh và chúc tụng Cha về dự án quan phòng của Ngài (x.Lk.10:21); và bởi quyền lực của Thần Linh, Người đã khu trừ ma qủi (x.Mt.12:28; Lk.11:20). Trong thảm kịch Thập Giá, "nhờ Thần Linh vĩnh cửu" (Heb.9:14) Chúa Giêsu đã hiến mình, và cũng nhờ Ngài mà Người đã sống lại (x.Rm.8:11) và được "chỉ định làm Con Thiên Chúa trong quyền năng" (Rm.1:4).

Vào buổi tối Phục Sinh, Chúa Giêsu sống lại đã nói với các Tông Ðồ hội họp nhau ở Nhà Tiệc Ly: "Các con hãy nhận lãnh Thánh Linh" (Jn.20:22); và, sau khi hứa hẹn về một cuộc trào đổ khác nữa, Người đã sai các vị ra đi trên các nẻo đường thế giới, đã trao phó cho các vị ơn cứu độ của anh chị em mình: "Các con hãy đi... và tuyển mộ các môn đệ khắp các dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ tất cả những gì Thày đã truyền cho các con; và đây, Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận cùng thời gian" (Mt.28:19-20).

Sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Giáo Hội mọi thời và mọi nơi trở nên sống động và mãnh lực nơi cõi lòng tín hữu nhờ việc làm của Ðấng An Ủi (x.Jn.16:24). Ðối với thời điểm của chúng ta cũng thế, Thần Linh là "tác nhân chính yếu trong việc tân phúc âm hóa... (Ngài) xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trong giòng lịch sử và sửa soạn cho cuộc hoàn toàn tỏ hiện của vương quốc này nơi Chúa Giêsu Kitô, thôi thúc cõi lòng con người và làm nẩy mầm trong thế giới của chúng ta những hạt giống của ơn cứu rỗi trọn vẹn, ơn sẽ thể hiện vào lúc tận cùng thời gian" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 45).

2- Thánh Thể và Chức Thánh: Hoa Trái của Thần Linh

Ôi Ngài là Vị được gọi là Ðấng An Ủi, là tặng ân của Ðấng Tối Cao, là suối nước, ngọn lứa và tình yêu sống động, là việc xức dầu linh hồn.

Bằng những lời này, Giáo Hội cầu khẩn Thánh Linh như là spiritalis unctio, việc xức dầu linh hồn. Nhờ việc xức dầu Thần Linh nơi cung dạ vô nhiễm của Mẹ Maria, Chúa Cha đã thánh hiến Ðức Kitô Vị Thượng Tế Tân Ước Ðời Ðời, Ðấng muốn chia sẻ thiên chức linh mục của mình với chúng ta, kêu gọi chúng ta trở thành việc Người hiện diện trong lịch sử vì phần rỗi của anh chị em chúng ta.

Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Feria Quinta in Cena Domini, linh mục chúng ta được mời gọi để cùng với toàn thể cộng đồng tín hữu tạ ơn về tặng ân Thánh Thể, cũng như để tái cảm nhận ân sủng về ơn gọi đặc thù của mình. Chúng ta cũng được đánh động để, bằng một con tim tươi mới và bằng một việc trọn vẹn nhận lãnh, ký thác mình cho tác động của Thần Linh, để càng ngày mình càng nên giống Chúa Kitô tư tế hơn.

Bằng một ngôn từ dịu dàng và sâu nhiệm, Phúc Âm thánh Gioan đã thuật lại câu chuyện của ngày Thứ Năm Ðầu Tiên, khi Chúa ngồi với các môn đệ của mình ở Nhà Tiệc Ly, "yêu thương thành phần riêng của mình ở thế gian thì đã yêu thương họ đến cùng" (13:1). Cho đến cùng!: tức là, cho đến khi thiết lập Thánh Thể, một biến cố chẳng những vọng tượng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và hiến tế Thập Giá, mà còn đến toàn thể mầu nhiệm vượt qua nữa. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh trong tay và đọc những lời thánh hiến đầu tiên: "Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con". Ðoạn Người công bố những lời thánh hiến trên chén rượu đầy: "Này là chén máu Thày, máu của giao ước mới vĩnh cửu. Máu sẽ được đổ ra cho các con và cho tất cả mọi người để thứ tha tội lỗi", rồi Người thêm: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày". Như thế là Chúa Kitô đã hoàn thành Hiến Tế Tân Ước không đổ máu tại Nhà Tiệc Ly, một hiến tế sẽ được đạt thành bằng máu vào ngày hôm sau, khi Người phán trên Thập Giá: "Consummatum est" - "Ðã hoàn tất" (Jn.19:30).

Bởi quyền năng của Thánh Linh, Hiến Tế được hiến dâng một lần là vĩnh viễn trên núi Canvê này được ký thác cho các Tông Ðồ như một Bí Tích Rất Thánh của Giáo Hội. Trước khi đọc những lời thánh hiến, Giáo Hội tìm cầu sự can thiệp mầu nhiệm của Thần Linh khi nài xin: "Vì thế, lạy Cha, chúng con dâng lên Cha những lễ vật này. Chúng con xin Cha dùng quyền năng của Thánh Linh Cha mà thánh hóa các lễ vật ấy, để các lễ vật ấy trở nên Mình và Máu Con của Cha, Chúa Giêsu Kitô của chúng con, Ðấng đã truyền cho chúng con cử hành Thánh Thể đây" (Kinh Nguyện Thánh Thể 3). Nếu không có quyền năng của Thần Linh Thiên Chúa, thì miệng lưỡi con người làm sao có thể khiến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa cho đến tận thế được? Chính do bởi quyền năng của Thần Linh Thiên Chúa mà Giáo Hội mới có thể liên lỉ tuyên xưng mầu nhiệm đức tin cao cả: "Ðức Kitô đã chết! Ðức Kitô đã phục sinh! Ðức Kitô sẽ lại đến!".

Thánh Thể và Chức Thánh là hai hoa trái của cùng một Thần Linh: "Trong Thánh Lễ, Ðấng thực hiện việc biến thể bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô thế nào thì trong Bí Tích Thánh Chức, Ngài cũng chính là Ðấng thực hiện việc thánh hiến Giám Mục hay linh mục" (cuốn Tặng Ân và Mầu Nhiệm, của ÐTC/GPII, trang 53).

3- Các Tặng Ân của Thánh Linh

Xin Ngón của bàn tay phải Thiên Chúa, lời hứa của Ðấng Cứu Thế, hãy ban 7 tặng ân của Ngài, làm dậy lên trong chúng con lời Chúa.

Chúng ta làm sao lại có thể không suy niệm cách đặc biệt về các tặng ân của Chúa Thánh Thần, các tặng ân mà truyền thống của Giáo Hội, căn cứ các nguồn thánh kinh và giáo phụ, đã diễn tả như là một tặng ân thất bội ("sacrum Septenarium")? Thần học kinh viện đã hết sức chú trọng đến giáo điều này, đã diễn giải ý nghĩa cùng các đặc tính của đặc ân thất bội ấy.

"Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con của Ngài vào lòng chúng ta, để kêu lên 'Abba! Lạy Cha!'" (Gal.4:6). "Tất cả những ai được Thần Linh dẫn dắt đều là con cái của Thiên Chúa... Chính Thần Linh này làm cho tâm trí chúng ta thấy rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa" (Rm.8:14,16). Những lời của Thánh Tông Ðồ Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng tặng ân chính yếu của Thần Linh là ơn thánh hóa (gratia gratum faciens), ơn mà nhờ đó chúng ta lãnh nhận những thần đức - tin, cậy và mến - cùng tất cả những nhân đức phú bẩm (virtutes infusae), giúp chúng ta tác hành theo ảnh hưởng của Thánh Linh. Không như các đặc sủng là những đặc ân được ban cho để phục vụ nhau, những tặng ân này được ban cho tất cả chúng ta, vì các tặng ân ấy có mục đích dẫn con người đến sự thánh hóa và hoàn hảo.

Các tặng ân này mang tên gọi quen thuộc. Tiên tri Isaia đề cập đến những đặc ân ấy khi phác họa vai trò của Ðấng Thiên Sai sau này: "Thần trí Chúa sẽ ở trên Người, thần trí khôn ngoan và thâm hiểu, thần trí huấn dụ và dũng lực, thần trí minh luận và kính sợ Chúa. Niềm hân hoan của Người sẽ ở nơi lòng kính sợ Chúa" (11:2-3). Theo bản dịch Bảy Mươi và Vulgata là hai bản dịch đã thêm vào tặng ân hiếu thảo và loại khỏi đoạn văn tiên tri Isaia việc lập lại lòng kính sợ Chúa, thì tất cả có 7 tặng ân.

Thánh Irênêô cũng nhắc đến tặng ân thất bội này và thêm là: "Thiên Chúa đã ban cùng một Thần Linh này cho Giáo Hội (...) khi Ngài sai Ðấng An Ủi đến trái đất" (Adversus Haereses, III,17,3). Phần thánh Grêgôriô Cả trình bày guồng máy siêu nhiên được Thần Linh phú bẩm cho linh hồn, bằng việc liệt kê ngược chiều các tặng ân: "Nhờ lòng kính sợ Chúa chúng ta tiến tới lòng hiếu thảo, rồi từ lòng hiếu thảo đến minh luận, từ minh luận chúng ta lấy được dũng lực, từ dũng lực tới huấn dụ, với huấn dụ chúng ta tiến tới thâm hiểu và với thâm hiểu hướng tới khôn ngoan, và như thế, nhờ ân sủng thất bội của Thần Linh, cửa ngõ vào sự sống thiên đình sẽ mở ra cho chúng ta ở tận điểm của cuộc thăng tiến" (Hom. in Hezech., II,7,7).

Cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã coi những tặng ân của Thánh Linh như là một việc làm thức tỉnh linh hồn con người và những tài năng của nó trước tác động của Ðấng An Ủi, nhờ đó, "các tặng ân này hoàn tất và hoàn hảo các nhân đức của những ai lãnh nhận các tặng ân ấy. Các tặng ân ấy làm cho tín hữu dễ dậy trong việc sẵn sàng vâng phục những soi động thần linh" (số 1831). Nghĩa là đời sống luân lý của Kitô hữu được bảo trì bởi những "cơ cấu vĩnh tại này là những gì làm cho con người dễ dàng chiều theo những tác động của Thánh Linh" (số 1830). Những tác động này làm trưởng thành đời sống siêu nhiên, một đời sống theo hoạt động của ân sủng nơi mỗi con người. Thật thế, những tặng ân này được thích ứng khít khao cách lạ lùng với các cơ cấu tâm linh của chúng ta, hoàn hảo hóa chúng và đặc biệt làm cho chúng cởi mở trước tác động của Thiên Chúa.

4- Các Tặng Ân của Thánh Linh Tác Dụng nơi Con Người

Xin soi sáng trí khôn, nung nấu yêu thương trong cõi lòng. Xin lấy dầu tình yêu của Chúa mà chữa lành các thương tích của chúng con.

Nhờ Thần Linh, Thiên Chúa thân mật đến với con người và càng thấm nhập vào thế giới con người hơn: "Thiên Chúa Ba Ngôi là Ðấng 'hiện hữu' nơi chính mình như một thực tại siêu việt của tặng ân liên ngôi vị, khi ban mình như một tặng ân cho con người nơi Thánh Linh, đã biến đổi thế giới con người từ bên trong, từ bên trong cõi lòng và lý trí" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 59).

Chân lý này đã khiến truyền thống Kinh Viện dành chỗ ưu tiên cho tác động của Thần Linh nơi công cuộc của loài người và nhấn mạnh đến việc khởi động cứu độ của Thiên Chúa trong đời sống luân lý. Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng một đường lối vượt quá tất cả những dự định và mong ước của chúng ta, mà không loại trừ cá tính của chúng ta hay lấy đi niềm tự do nơi chúng ta. Luận cứ này cho chúng ta thấy các tặng ân của Thánh Linh như "những hoàn thiện của con người là những gì khiến cho họ sẵn sàng chiều theo những tác động của Thiên Chúa" (Thánh Tôma, Summa Theologiae I-II,q.68,a.2).

Nhờ 7 tặng ân, tín hữu có thể tiến vào mối liên hệ riêng tư và thân mật với Chúa Cha, bằng một niềm tự do xứng với con cái Thiên Chúa. Ðó là điều Thánh Tôma đã nhấn mạnh khi đề cập đến việc Thánh Linh dẫn dắt chúng ta tác hành không do bị bó buộc mà là yêu thương. Thánh nhân viết: "Thánh Linh dẫn dắt con cái Thiên Chúa trong niềm tự do bởi yêu thương, chứ không phải vì bị sợ hãi bó buộc" (Contra Gentiles, Book IV, 22). Thần Linh làm cho Kitô hữu tác hành giồng như Thiên Chúa, đó là, am hợp với kiểu cách suy tư, yêu thương và hành động của Thiên Chúa, để tín hữu trở nên một dấu hiệu hữu hình của Ba Ngôi Thiên Chúa trên thế giới. Ðược bảo trì bởi tình thân của Ðấng An Ủi, bởi ánh sáng của Lời và bởi tình yêu của Cha, tín hữu có thể kiên tâm khởi sự việc nên giống sự thiện hảo của Thiên Chúa (x.Mt.5:48).

Thánh Linh tiếp tục hoạt động ở hai giới tuyến, như vị Tiền Nhiệm đáng kính của Tôi, Ðầy Tớ Thiên Chúa Phaolô VI, đã nhắc nhớ: "Giới tuyến thứ nhất trong hai giới tuyến này là linh hồn mỗi người..., nơi mà tôi là 'tôi'. Ở trong thẳm cung của cuộc chúng ta hiện hữu, nhiệm mầu ngay cả đối với chính chúng ta, vẫn có hơi thở Thánh Linh; hơi thở Thánh Linh ấy lan tỏa trong linh hồn bằng đặc sủng đầu tiên và cao cả nhất này, đặc sủng mà chúng ta gọi là ân sủng và giống như là một sự sống mới, khi làm cho linh hồn lập tức có năng lực tác hành theo những cách thức vượt trên tài năng tự nhiên của nó". "Quyền năng của Ngày Lễ Hiện Xuống tác động" nơi giới tuyến thứ hai đó là "thân thể hữu hình của Giáo Hội... Vẫn biết 'spiritus ubi vult spirat' (Jn.3:8); thế nhưng, theo công cuộc được Chúa Kitô ấn định, thì chính nhờ việc mục vụ tông đồ mà Thần Linh tác động". Bằng sứ vụ này, các vị linh mục lãnh nhận quyền năng để phú ban Thần Linh cho tín hữu "như những vị uy tín có thẩm quyền công bố Lời Thiên Chúa, như những vị hướng dẫn Dân Kitô Hữu và ban cho họ các bí tích (x.1Cor.4:1) là những giòng suối ân sủng, những nguồn mạch bắt nguồn từ quyền năng thánh hóa của Ðấng An Ủi" (Bài giảng Lễ Hiện Xuống, 25/5/1969).

5- Các Tặng Ân của Thần Linh nơi Ðời Sống Linh Mục

Xin bảo vệ chúng con khỏi kẻ thù, xin mang lại tặng ân bình an. Xin dùng bàn tay vô hình của Chúa gìn giữ chúng khỏi mọi hãm hại.

Thánh Linh tái thiết lập trong cõi lòng con người tình trạng hoàn toàn hòa hợp với Thiên Chúa, và để bảo đảm việc con người chiến thắng Tên Gian Ác, Ngài làm cho họ vươn tới mức độ vô biên của tình yêu thần linh. Như thế Thần Linh lôi kéo con người từ tình yêu thương bản thân mình đến tình yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, làm cho họ cảm nghiệm sâu xa niềm tự do và an bình nội tâm, cũng như làm cho họ biến sự sống mình thành một tặng ân. Cũng thế, nhờ tặng ân thất bội, Thần Linh hướng dẫn thành phần lãnh nhận phép rửa cho tới mức họ được trọn vẹn nên giống Chúa Kitô, và hoàn toàn hòa hợp với chân trời của vương quốc Thiên Chúa.

Ðó là đường lối mà Thần Linh vẫn sử dụng trong việc nhẹ nhàng thôi thúc mỗi một người lãnh nhận bí tích rửa tội; thế nhưng, để họ có thể thực thi sứ vụ thiết yếu của họ cho có lợi ích, Thần Linh lại dành ưu tiên đặc biệt cho những ai đã lãnh nhận Chức Thánh. Bởi thế, với tặng ân khôn ngoan, Thần Linh làm cho vị linh mục thẩm định tất cả mọi sự theo ánh sáng Phúc Âm, giúp cho vị linh mục, qua kinh nghiệm riêng mình cũng như kinh nghiệm của Giáo Hội, thấy được ý định sâu nhiệm và yêu thương của Chúa Cha. Với tặng ân thâm hiểu, Thân Linh gầy dựng nơi vị linh mục một cái nhìn sâu xa hơn chân lý mạc khải, thôi thúc vị linh mục công bố Tin Mừng cứu độ bằng một niềm xác tín và có thế lực. Với tặng ân huấn dụ, Thần Linh làm sáng tỏ sứ vụ của Chúa Kitô để vị linh mục có thể điều hành các hoạt động của mình theo những chiều hướng của việc Quan Phòng, chứ không bao giờ để mình bị siêu lệch bởi những phán đoán thế gian. Với tặng ân dũng lực, vị linh mục được bảo trì trong những khó khăn của sứ vụ mình và được ban cho một đức kiên trì (parresia) cần thiết cho việc loan báo Phúc Âm (x.Acts 4:29,31). Với tặng ân minh luận, vị linh mục có thể thấu hiểu và chấp nhận sự đan kết huyền nhiệm giữa những nguyên nhân đệ nhị với Nguyên Nhân Ðệ Nhất nơi việc xoay vần của các biến cố trong vũ trụ. Với tặng ân hiếu thảo, Thần Linh làm sống lại nơi vị linh mục mối liên hệ trong việc hiệp thông thân mật với Thiên Chúa cũng như trong việc tín thác cho Sự Quan Phòng của Ngài. Sau cùng, với tặng ân kính sợ Chúa, tặng ân cuối trong cấp trật các tặng ân, Thần Linh ban cho vị linh mục một cảm quan mãnh liệt hơn về nỗi yếu hèn nhân loại của mình cũng như về vai trò không thể thiếu của ân sủng thần linh, vì "cả người trồng lẫn kẻ tưới đều chẳng là gì, ngoài một mình Thiên Chúa là Ðấng làm cho lớn lên" (1Cor.3:7).

6- Thần Linh đem Chúng Ta đến Sự Sống Chúa Ba Ngôi

Xin ánh sáng của đức khôn ngoan đời đời vén mở cho chúng con mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ngôi Cha và Ngôi Con hiệp nhất trong duy một Tình Yêu.

Thật là mời gọi khi nghĩ đến những lời này được phát xuất từ môi miệng của vị linh mục, cùng với tín hữu được trao phó cho mình, đi con đường dẫn đến Chúa Kitô! Vị linh mục khát mong cùng với họ tiến đến một kiến thức chân thật về Chúa Cha và Chúa Con, và nhờ đó, từ cảm nghiệm về tác động của Thánh Linh trong lịch sử "per speculum in aenigmate" (1Cor.13:12) được chuyển sang việc chiêm ngưỡng thực tại sống động và cảm kích về Chúa Ba Ngôi "facie ad faciem" (đoạn vừa dẫn). Vị linh mục thừa biết rằng mình đang đối diện với "một cuộc vượt qua dài rộng trên một con thuyền nhỏ", và mình đang bay lên trời mây "bằng đôi cánh bé bỏng" (Thánh Gregory of Nazianzus, Theological Poems, 1). Thế nhưng, vị linh mục cũng có thể nương dựa vào Ðấng tự Ngài sẽ dạy các môn đệ mọi sự (x.Jn.14:26).

Một khi biết nhận ra những dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa nơi cuộc sống riêng tư của mình, vị linh mục, càng ngày càng tiến gần đến cuộc gặp gỡ sau hết của mình với Chúa hơn, sẽ càng khẩn khoản và thiết tha nguyện cầu hơn. Ðó là dấu hiệu của một đức tin chín mùi, một đức tin muốn tuân theo ý Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh.

Ðấng An Ủi, "cầu thang đưa chúng ta lên cùng Thiên Chúa" (Thánh Irênêô, Adversus Haereses, III,24,1), kéo vị linh mục đến cùng Chúa Cha, làm dậy lên trong lòng vị linh mục một ước vọng muốn chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Ðấng An Ủi tỏ cho vị linh mục biết mọi sự liên quan đến Chúa Con, lôi kéo vị linh mục đến cùng Ðức Kitô bằng một hoài niệm sâu xa; và Ðấng An Ủi cũng sáng soi cho vị linh mục biết về chính Ngôi Vị của Ngài, để vị linh mục có thể nhận ra Thần Linh ngay trong tâm can mình cũng như trong lịch sử.

Thế nên, giữa niềm vui và âu lo, khổ đau và hy vọng trong việc thi hành sứ vụ của mình, vị linh mục biết đặt tin tưởng vào cuộc chiến thắng kết thúc của tình yêu, nhờ tác động liên lỉ của Thần Linh, Ðấng bất chấp những giới hạn nơi con người cũng như nơi các cơ cấu, đang diù dắt Giáo Hội sống mầu nhiệm hiệp nhất và chân lý vẹn toàn. Tác động của Thần Linh như thế khiến cho vị linh mục tin tưởng vào quyền năng của lời Thiên Chúa, lời vượt trên mọi lời nói nhân loại, và là lời chế ngự tội lỗi cùng các thiếu sót con người bằng quyền lực của ân sủng. Trong lúc bị thử thách, tác động của Thần Linh này làm cho vị linh mục nên mạnh mẽ trước nỗi yếu hèn con người mình, và làm cho vị linh mục, bằng cả tâm hồn mình, sẵn sàng hướng về Nhà Tiệc Ly, nơi mà, nhờ kiên trì cầu nguyện với Mẹ Maria và các môn đệ, vị linh mục có thể tái nhóm lên lòng nhiệt thành cần thiết để đảm nhận cực nhọc của việc phục vụ tông đồ.

7- Sấp Mình trước Nhan Thần Linh

Sáng danh Thiên Chúa Ngôi Cha, sáng danh Ngôi Con Ðấng đã sống lại, và sáng danh Thần Linh là Ðấng An Ủi, cho đến muôn đời. Amen.

Khi suy nghĩ về ngày sinh nhật thiên chức linh mục của chúng ta trong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, mỗi người chúng ta đều nhớ lại giây phút mời gọi nhất của mình, khi mà, vào ngày thụ phong linh mục, chúng ta đã phục xuống trên nền thánh cung. Cử chỉ hạ mình sâu thẳm và sẵn sàng tuân phục này được ấn định một cách linh thiêng giúp cho linh hồn chúng ta sửa soạn cho việc đặt tay theo bí tích, nhờ đó, Thánh Linh đến với chúng ta để hoàn thành công việc của Ngài. Chỗi dậy từ sàn cung thánh, chúng ta qùi trước vị Giám Mục để được lãnh chức linh mục, và bàn tay của chúng ta đã được ngài xức dầu để cử hành Hy Tế Thánh, trong khi đó, cộng đồng tham dự đã hát lên: "giòng suối, ngọn lửa, tình yêu sống động, việc xức dầu linh hồn".

Những cử chỉ biểu hiệu này, những cử chỉ nói lên sự hiện diện và tác động của Thánh Linh, mời gọi chúng ta ngày ngày làm mới lại cảm nghiệm ấy, để chúng ta nắm vững nơi mình các tặng ân của Thần Linh. Thật là hệ trọng đối với việc Thánh Linh phải tiếp tục hoạt động nơi chúng ta, cũng như việc Ngài phải chi phối đường lối của chúng ta, thế nhưng, quan trọng hơn nữa là việc Thần Linh tác động qua chúng ta. Khi chước cám dỗ gài bẫy và sức lực con người trở nên yếu nhược, thì đó chính là lúc cần phải kêu cầu Thần Linh tha thiết hơn, để Ngài đến cứu giúp nỗi yếu hèn của mình và ban cho mình sức mạnh lẫn khôn ngoan như Thiên Chúa muốn. Lòng của chúng ta phải luôn luôn mở lòng ra trước tác động của Thần Linh, một tác động nâng cao và làm tăng giá trị những nỗ lực của con người, dẫn họ đến một cuộc sống thiêng liêng sâu xa hơn, nơi mà chúng ta có được một kiến thức và tình yêu về mầu nhiệm Thiên Chúa không thể phai nhòa.

Qúi Huynh chí ái trong Thiên Chức Linh Mục! Vì việc long trọng khẩn cầu Thánh Linh cùng với cử chỉ tự hạ hùng hồn trong lễ thụ phong linh mục của chúng ta mà lời fiat của Ngày Truyền Tin đã vang dội suốt cả đời sống chúng ta. Trong cuộc sống thầm lặng ở Nazarét, Mẹ Maria bao giờ cũng sẵn sàng đón nhận ý muốn của Chúa, và bởi quyền phép Thánh Linh, Mẹ đã thụ thai Ðức Kitô, ơn cứu độ của thế giới. Việc tuân phục đầu tiên này đã thấm nhập vào cả cuộc đời của Mẹ trên trần gian, và đã đi cho đến tận cùng dưới chân Thập Giá.

Vị linh mục được kêu gọi để bắt chước lời fiat của Mẹ Maria trong mọi lúc, khi vị linh mục để Thần Linh dẫn dắt mình như Mẹ. Ðức Trinh Nữ sẽ nâng đỡ vị linh mục trong việc chọn sống đúc khó nghèo theo phúc âm, và sửa soạn cho vị linh mục biết khiêm tốn cùng chân thành lắng nghe anh chị em mình, để vị linh mục có thể nhận ra trong thảm cảnh cuộc đời họ cũng như trong các cảm hứng của họ "những lời than của Thần Linh" (x.Rm.8:26). Mẹ sẽ làm cho vị linh mục phục vụ anh chị em mình theo một niềm xác tín minh tường, để vị linh mục có thể giảng dạy cho họ những giá trị của Phúc Âm. Mẹ sẽ làm cho vị linh mục chuyên tâm tìm kiếm "những sự ở trên cao" (Col.3:1), để vị linh mục có thể hiên ngang làm cho thế gian thấy rằng Thiên Chúa là trên hết. Ðức Trinh Nữ sẽ giúp vị linh mục đón nhận tặng ân trong sạch, như là một diễn đạt của một tình yêu cao cả hơn được, Thần Linh làm bừng lên, để phát sinh tình yêu Thiên Chúa nơi vô số anh chị em. Mẹ sẽ dẫn dắt vị linh mục đi sâu vào các nẻo đường của đức tuân phục theo phúc âm, để Ðấng An Ủi có thể đưa vị linh mục đến việc hoàn toàn chấp nhận tâm ý của Thiên Chúa là những gì khác hẳn với tất cả mọi dự án riêng tư của vị linh mục.

Ðược Mẹ Maria hỗ trợ, vị linh mục sẽ có thể ngày ngày làm mới lại việc thánh hiến của mình; cho tới khi, tin tưởng vào sự dẫn dắt của Thần Linh, Ðấng vị linh mục kêu cầu trong cuộc hành trình của mình với thân phận vừa là một con người vừa là một linh mục, vị linh mục sẽ tiến đến đại dương ánh sáng là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Maria, Mẹ Các Linh Mục, Tôi nguyện xin cho tất cả qúi huynh được đặc biệt tràn đầy Thần Linh yêu thương.

Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần! Xin hãy đến để việc chúng con phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình được dồi dào hoa trái!

Ðể bảo đảm một lần nữa với qúi huynh về lòng cảm mến của Tôi và ước nguyện cho qúi huynh được các ơn an ủi của Thiên Chúa trong sứ vụ của mình, Tôi hết lòng ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt cho qúi huynh.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page