Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 3-1-1990
Bài 3

Ý Nghĩa "Thần Linh"
trong Cựu Ước

Trong những bài giáo lý của chúng ta về ngôi vị và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, trước hết chúng ta tìm nghe lời loan báo và hứa của Chúa Giêsu về Ngài, nhất là ở trong Bữa Tiệc Ly. Chúng ta cũng đã ôn lại đoạn Ngài đến được sách Tông Ðồ Công Vụ trình thuật lại. Chúng ta còn trở về với những đoạn Tân Ước kể lại cho chúng ta biết việc rao giảng của Giáo Hội ban đầu về Ngài và đức tin của Giáo Hội nơi Ngài. Tuy nhiên, trong việc tìm hiểu của mình, chúng ta cũng thường trở về với Cựu Ước. Chính các vị tông đồ, trong việc giảng dạy ban đầu ngay sau biến cố Hiện Xuống, đã minh nhiên trình bày việc Chúa Thánh Thần đến như một việc hoàn tất những lời hứa và tiên báo xưa kia. Các vị coi cựu ước và lịch sử dân Yến Duyên như là một thời đoạn sửa soạn để lãnh nhận tràn đầy chân lý và ân sủng được ban phát nơi Ðấng Thiên Sai.

Thánh Thần Hiện Xuống qủa thật là một biến cố nhắm đến tương lai. Bởi vì biến cố này đánh dấu thời điểm Thánh Linh mở màn, Ðấng biện minh cho công cuộc cứu chuộc cùng với Chúa Cha và Chúa Con, như chính Chúa Giêsu đã xác nhận, một công cuộc khơi nguồn từ thập giá cần phải được thấm nhập vào cả thế giới. Tuy nhiên, muốn thấu hiểu tất cả mạc khải về Chúa Thánh Thần một cách trọn vẹn hơn, cần phải đi ngược lại thời gian, tức là đi trở về với Cựu Ước, để tìm thấy ở đó những dấu hiệu của một cuộc sửa soạn trường kỳ cho mầu nhiệm Phục Sinh và Hiện Xuống.

Bởi thế, chúng ta, một lần nữa, cần phải chú ý tới những dữ kiện thánh kinh liên quan đến Chúa Thánh Thần cũng như đến tiến trình mạc khải được dần dần hiện tỏ từ những hình bóng của Cựu Ước đến những xác thực tỏ tường nơi Tân Ước. Ðiều này được thể hiện trước hết trong cuộc sáng tạo, rồi sau đó trong công cuộc cứu chuộc, cũng như nơi lịch sử và tiên tri của dân Yến Duyên mới đến cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu Ðấng Thiên Sai, từ lúc Nhập Thể cho tới khi phục sinh.

Trong số những dữ kiện cần phải được tìm hiểu, dữ kiện thứ nhất là tên gọi ghép cho Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước cùng với những ý nghĩa khác nhau được hàm ý nơi tên gọi này.

Chúng ta biết rằng, theo tâm thức của người Do Thái, tên gọi có một tầm quan trọng nổi bật trong việc làm tiêu biểu cho con người. Ở đây chúng ta nhớ lại tầm quan trọng nơi cách thức xưng hô với Thiên Chúa trong sách Xuất Hành cũng như trong cả truyền thống dân Yến Duyên. Moisen đã hỏi Chúa là Thiên Chúa tên của Ngài là gì. Việc tỏ tên mình ra được coi như là một việc tỏ hiện chính bản thân mình vậy: thánh danh Thiên Chúa đã thiết lập mối liên hệ giữa dân Do Thái với hữu thể siêu việt mà lại hiện hữu của chính Thiên Chúa (x.Ex.3:13-14).

Nhờ mạc khải nơi Tân Ước, chúng ta mới có thể biết được thực tại của Ngài là một ngôi vị thần linh, cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, tuy nhiên, danh xưng được dùng để gọi Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước cũng sẽ giúp chúng ta hiểu được những đặc tính của Ngài. Thật là có lý khi nghĩ rằng từ ngữ được các tác giả sách thánh chọn thì chính xác, đúng hơn là chính Chúa Thánh Thần là Ðấng đã linh ứng cho các vị, hướng dẫn tiến trình suy diễn và hành văn của các vị, ngay trong thời Cứu Ước, để các vị tinh tường tìm một diễn đạt xứng hợp biểu hiệu cho bản thân của Ngài.

Trong Thánh Kinh, từ ngữ Do Thái về Thần Linh là ruah. Ý nghĩa thứ nhất của từ ngữ này, cũng như ý nghĩa chữ spiritus của bản dịch La Tinh, là "hơi thở". (Trong Anh ngữ, mối liên hệ giữa thần linh và việc hô hấp vẫn rõ ràng từ trước đến nay). Hơi thở là một thực tại vô thể như chúng ta nhận thấy. Nó không thấy được; nó không cụ thể; không thể nắm được trong tay; dường như không là gì mà lại không thể thiếu được. Con người không hô hấp không thể nào sống được. Sự khác nhau giữa một người sống và một người chết là ở chỗ người sống còn hơi thở và người chết hết thở. Sự sống từ Thiên Chúa mà có. Bởi thế, hơi thở cũng từ Ngài mà có, và Ngài có thể rút nó lại (x.Ps.104:29-30). Nhận định về hơi thở như thế mới thấy rằng sự sống cần phải lệ thuộc vào một nguyên lý linh thiêng, nguyên lý mà tiếng Do Thái gọi cùng một tên là ruah. Hơi thở của con người liên hệ với gió là một hơi thở thiên nhiên mạnh hơn hơi thở của con người rất nhiều.

Tiếng Do Thái ruah, giống như tiếng Latinh spiritus, còn biểu hiệu cho tác động thổi của gió nữa. Không ai thấy được gió ngoại trừ những dấu hiệu tỏ tường của nó. Nó lùa may bay, rung cây động lá. Khi lên cơn phong vũ, nó có thể làm biển cả nổi sóng khiến chìm đắm tầu bè (x.Ps.107:25-27). Ðối với người xưa, gió được coi như là một quyền lực huyền nhiệm Thượng Ðế tỏ ra (x.Ps.104:3-4). Nó có thể được gọi là "hơi Thượng Ðế thở".

Trong sách Xuất Hành, một đoạn văn xuôi thuật lại rằng: "Giavê đã dùng một cơn gió đông thổi mạnh cả đêm để dồn biển lại, làm biển thành đất khô. Các giòng nước dựng đứng lên và con cái Yến Duyên đi trên đất khô ngay giữa lòng biển..." (Ex.14:21-22). Ở đoạn sau đó, cũng trong biến cố này, được diễn tả bằng văn vần, cơn gió đông thổi này được gọi là "một luồng thổi mạnh từ mũi" Thiên Chúa. Thân thưa cùng Thiên Chúa, nhà thơ viết: "Một luồng thổi mạnh từ mũi Ngài làm cho các giòng nước dựng đứng lên cao... Ngài thổi một hơi thở của Ngài thì biển cả đổ xuống trên họ (quân Ai Cập)" (Ex.15:8-10). Ðiều ấy nói lên niềm xác tín rất đáng lưu ý ở chỗ gió là dụng cụ Chúa dùng trong trường hợp này.

Từ những nhận xét về gió vô hình và mãnh lực như thế, người ta có một ý niệm về sự hiện hữu của "thần trí Thiên Chúa". Trong những bản văn của Cựu Ước, người ta dễ dàng đi từ nghĩa này đến nghĩa khác, và ngay trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy có hai ý nghĩa. Ðể giúp cho Nicôđêmô hiểu được cách thức tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã so sánh với gió, và Người đã sử dụng cùng một từ ngữ cho cả hai trường hợp: "Gió thổi đâu thì thổi... Tất cả những ai sinh bởi Gió (như bởi Thánh Thần) đều giống như thế" (Jn.3:8).

Bởi thế, ý niệm sâu xa được diễn tả nơi danh xưng mà thánh kinh đặt cho Thần Linh không phải là danh xưng về một quyền năng thuộc lãnh vực tâm lý, cho bằng là danh xưng của một thúc đẩy sinh động, tương tự như quyền lực của gió. Theo Thánh Kinh, phận sự chính của thần trí không phải là soi hiểu hơn là tác động; không phải chiếu soi hơn là thúc động.

Tuy nhiên, phương diện về Thần Linh này vẫn chưa phải là tất cả. Những phương diện khác cũng đã được diễn tả để dọn đường cho mạc khải sau này. Trước hết và trên hết là phương diện nội tâm. Thật vậy, hơi thở nhập vào con người. Theo từ ngữ thánh kinh, điều này có thể được diễn tả khi nói rằng Thiên Chúa đặt thần trí trong tâm can con người (x.Ez.36:26; Rm.5:5). Vì không khí rất nhẹ, nó thẩm thấu chẳng những thân xác chúng ta, mà còn tất cả mọi nơi, mọi kẽ hở. Sự kiện này cho chúng ta hiểu được rằng, như Sách Khôn Ngoan viết, "thần trí của Chúa tràn lan khắp hoàn vũ" (Wis.1:7) và thần trí của Ngài đặc biệt thấu nhập vào "tất cả mọi tâm linh tinh anh, tinh tuyền và tinh tế nhất" (7:23).

Liên quan đến phương diện nội tâm là phương diện kiến thức. Thánh Phaolô đặt vấn nạn: "Ai có thể thấu hiểu được thâm cung con người, nếu không phải là tâm linh của họ?" (1Cor.2:11). Chỉ có tâm linh của chúng ta mới biết được những phản ứng và tư tưởng sâu xa chưa được truyền đạt ra cho người khác của chúng ta thôi. Tương tự như thế, và còn hơn thế, Thần Linh Chúa hiện diện trong tất cả mọi hữu thể nơi vũ trụ biết hết mọi sự ngay từ bên trong (Wis.1:7). Thật vậy, "Thần Linh dò thấu thẳm cung mọi sự, ngay cả thâm cung Thiên Chúa... Thâm cung Thiên Chúa chỉ có thể biết được bởi Thần Linh Thiên Chúa mà thôi" (1Cor.2:10-11).

Về vấn đề hiểu biết và truyền thông với nhau, hơi thở có một liên hệ tự nhiên với ngôn từ. Ðể phát biểu, chúng ta phải sử dụng hơi thở của mình. Những âm thanh làm cho hơi thở rung động, nhờ đó, hơi thở rung động này mới có thể chuyền sang cho những thanh âm của ngôn từ. Cảm hứng bởi sự kiện này, Thánh Kinh đã rút ra được một so sánh giữa ngôn từ và hơi thở (x.Is.11:4), hay giữa ngôn từ và tâm linh. Nhờ hơi thở của chúng ta mà ngôn từ được truyền đạt; bởi hơi thở của chúng ta, ngôn từ mới có sức phát động. Thánh Vịnh 33 đã sử dụng lối so sánh này vào biến cố tạo dựng thuở nguyên khai mà rằng: "Nhờ lời của Giavê mà các tầng trời được tạo thành, toàn thể cơ cấu của chúng cũng bởi hơi thở miệng Ngài..." (câu 6).

Nơi những bản văn cùng một loại này, chúng ta nhận thấy có một cuộc sửa soạn xa xa cho mạc khải Kitô giáo về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ngôi Cha là nguồn gốc của tạo thành. Ngài đã hình thành nó bằng Lời Ngài, đó là Ngôi Con, và bởi Hơi Thở của Ngài là Ngôi Thánh Thần.

Từ ngữ ruah theo tiếng Do Thái được Thánh Kinh sử dụng để biểu hiệu cho Thần Linh có nhiều ý nghĩa khác nhau như thế có thể khơi lên một số lầm lẫn. Ðúng thế, trong nguyên một bản văn thôi, thường không thể nào xác định được ý nghĩa đích thực của từ ngữ này. Người ta có thể lưỡng lự giữa gió và hơi thở, giữa hơi thở và thần trí, hay giữa tâm linh thụ tạo và Thần Linh Thiên Chúa.

Tuy nhiên, tính cách đa diện này lại có một sự phong phú riêng, vì nó làm cho việc truyền thông được hiệu nghiệm hơn khi gặp phải biết bao nhiêu là những trường hợp khác nhau như vậy. Thế nên, thà bỏ qua việc đi vào phần tìm hiểu những lý luận thuận hợp cho vấn đề này để đi ngay vào những quan niệm quảng bá thì hơn. Khi chúng ta nghĩ về Chúa Thánh Thần, chúng ta nên nhớ rằng danh xưng theo thánh kinh của Ngài là "hơi thở", và hơi thở thì lại liên hệ với việc thổi mạnh của gió cũng như với việc hô hấp thầm lắng riêng của chúng ta. Thay vì dính chặt với một quan niệm qúa trừu tượng và khô khan, chi bằng chúng ta hãy lợi dụng tính cách phong phú về hình ảnh và dữ kiện này. Tiếc thay, các bản dịch không thể nào chuyên chở cho chúng ta tất cả những hình ảnh và dữ kiện này một lúc, vì những bản dịch đó bị bó buộc phải lựa chọn từ ngữ nào thích hợp nhất. Ðể dịch chữ Ruah trong tiếng Do Thái, bản dịch Bảy Mươi bằng tiếng Hy Lạp đã phải dùng đến 24 từ khác nhau, và như thế, đã không làm cho người ta thấy được tất cả những liên đới giữa các bản văn Thánh Kinh Do Thái.

Ðể chấm dứt việc phân tích từ vựng của các bản văn Cựu Ước liên quan đến chữ ruah này, chúng ta có thể nói rằng hơi thở của Thiên Chúa, nơi các bản văn này, được coi như là một quyền lực ban sự sống cho các tạo vật. Nó tỏ hiện như một thực tại sâu xa của Thiên Chúa tác hành trong con người. Nó còn tỏ hiện như một cuộc biểu dương sinh động của Thiên Chúa được thông sang cho các tạo vật.

Mặc dầu chưa hiểu được như là một Ngôi Vị chuyên biệt trong liên hệ hữu thể thần linh, "hơi thở" hay "Thần Linh" của Thiên Chúa, nơi các bản văn Cựu Ước này, cũng được phân biệt một cách nào đó với Thiên Chúa là Ðấng gửi "hơi thở" hay "Thần Linh" của Ngài đến để điều hành nơi các tạo vật. Như thế, ngay cả theo quan điểm văn tự, lý trí con người cũng đã được dần dần sửa soạn để lãnh nhận mạc khải về Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ xuất hiện như một diễn đạt sự sống nội tại và quyền toàn năng của Thiên Chúa.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page