Nơi linh hồn Kitô hữu có một thứ tình yêu mới mẻ làm cho họ thông phần với tình yêu của Thiên Chúa: "Tình yêu của Thiên Chúa", thánh Phaolô nói, "đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta" (Rm.5:5). Tình yêu này tự bản chất là thần linh, nên nó cao hơn những khả năng theo tự nhiên nơi linh hồn con người. Theo ngôn từ thần học, nó được gọi là đức ái. Tình yêu siêu nhiên này đóng một vai trò trọng yếu nơi đời sống Kitô hữu, như Thánh Tôma cho thấy khi thánh nhân nhấn mạnh một cách tỏ tường rằng đức ái không phải chỉ là một "nhân đức cao qúi nhất trong mọi nhân đức" (excellentissima omnium virtutum), mà còn là "mô thức của mọi nhân đức, vì nhờ đức ái mà hành động của họ mới qui hướng về cùng đích chân thực và tối thượng của chúng" (Summa Theol., II-II, q.23 aa.6 và 8).
Bởi thế, đức ái chiếm được một địa vị then chốt nơi con người mới "được dựng nên theo đường lối của Thiên Chúa trong chính trực và thánh thiện phát xuất từ chân lý" (Eph 4:24; x.Gal 3:27; Rm.13:14). Nếu đời sống Kitô hữu được đem so sánh với một tòa nhà đang được xây cất, thì thấy ngay được rằng đức tin là nền tảng của mọi nhân đức hợp với nó. Công Ðồng Chung Triđentinô dạy rằng "đức tin là khởi sự ơn cứu rỗi con người, là nền tảng và nguồn mạch của tất cả sự công chính" (x.DS 2532). Thế nhưng, việc hiệp nhất với Thiên Chúa bằng đức tin nhắm đến mục đích của mình là việc hiệp nhất với Ngài trong yêu thương của đức ái, một tình yêu thần linh mà linh hồn con người được tham dự vào như là một sinh lực linh hoạt và liên kết.
Trong việc thông truyền sinh lực này cho linh hồn, Chúa Thánh Thần đã làm cho nó có khả năng, nhờ đức ái siêu nhiên, nhờ việc tuân giữ giới răn yêu thương lưỡng đôi do Chúa Giêsu ban truyền: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
"Các ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng mình..." (Mk.12:30; x.Dt 6:4-5). Chúa Thánh Thần làm cho linh hồn thông dự vào tình yêu con cái đối với Chúa Cha nơi Chúa Giêsu, để, như Thánh Phaolô viết: "Những ai được Thần Linh hướng dẫn đều là con cái của Thiên Chúa" (Rm.8:14). Ngài làm cho Chúa Cha được yêu mến như chính Chúa Con vẫn yêu mến Ngài, chẳng hạn như, bằng một tình yêu con cái được tỏ ra trong tiếng kêu "Lạy Cha" (x.Gal 4:6; Rm 8:15), thế nhưng tình yêu này chan hòa toàn thể hoạt động của những ai là con cái Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Dưới ảnh hưởng của Thần Linh, cả đời sống của họ trở nên một của lễ đầy trân trọng và thảo hiếu dâng lên cho Chúa Cha.
Khả năng để tuân giữ giới răn kia, là yêu thương anh em mình, cũng bởi Chúa Thánh Thần nữa. "Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con", Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ và tất cả những ai theo Người như thế. Những lời "như Thày đã yêu thương các con" đã làm phát hiện một giá trị mới của tình yêu siêu nhiên, đó là được thông dự vào tình yêu của Chúa Kitô đối với loài người, và vì thế, cũng được tham phần vào đức ái đời đời là chính cội nguồn của nhân đức bác ái. Như Thánh Tôma viết: "Yếu tính thần linh tự mình là tình yêu, như yếu tính thần linh này là khôn ngoan và thiện hảo. Thế nên, như người ta có thể nói rằng chúng ta tốt lành bởi sự thiện hảo là Thiên Chúa, và khôn ngoan bởi sự khôn ngoan là Thiên Chúa, vì sự thiện hảo làm chúng ta thực sự tốt lành là sự thiện hảo của Thiên Chúa và sự khôn ngoan làm cho chúng ta thực sự khôn ngoan là khôn ngoan được tham dự vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa; cũng thế, đức ái làm cho chúng ta thực sự yêu thương anh em mình là đức ái được thông dự vào đức ái thần linh" (Summa Theol., II-II,q.23,a.2,ad 1). Việc tham phần này được tác động bởi Chúa Thánh Thần, Ðấng dùng việc chúng ta tham dự này làm cho chúng ta có thể chẳng những yếu mến Thiên Chúa mà con yêu thương tha nhân mình nữa, như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương họ. Phải, chúng ta có thể yêu thương cả tha nhân của mình vì, nếu tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ tràn vào lòng chúng ta, nhờ tình yêu này, chúng ta có thể yêu thương người khác và, bằng một cách nào đó, yêu thương cả những tạo vật vô tri nữa (x.Summa Theol., II-II, q.25,a.3) như Thiên Chúa đã yêu thương chúng.
Kinh nghiệm lịch sử đã cho chúng ta thấy việc thực hành cụ thể các huấn thị này khó khăn biết bao. Tuy nhiên, nó lại nằm ngay tâm điểm của đạo đức học Kitô giáo, như một tặng ân do Thần Linh ban phát mà chúng ta cần phải xin với Ngài. Thánh Phaolô xác nhận điều này trong Thư gửi giáo đoàn Galata với lời khuyên dụ họ sống trong tự do mà họ đã lãnh nhận bằng một thứ lề luật yêu thương mới: "Thế nhưng anh em đứng sử dụng tự do này để thỏa mãn xác thịt; trái lại, hãy lấy tình yêu mà phục vụ lẫn nhau" (Gal 5:13). "Vì trọn lề luật được gói gọn trong lời này, đó là 'Anh em phải yêu thương tha nhân như chính bản thân mình'" (Gal 5:14). Sau đó, thánh nhân nhắn nhủ: "Bởi thế tôi mới nói là anh em hãy sống bởi Thần Linh và anh em chắc chắn sẽ không chiều theo ước muốn của xác thịt" (Gal 5:16), thánh nhân nhận thấy tình yêu của đức ái (agápe) như là "hoa trái (đầu tiên) của Chúa Thánh Thần" (Gal 5:22). Thế nên, chính Chúa Thánh Thần là Ðấng làm cho chúng ta bước đi trong tình yêu và thắng vượt mọi trở ngại vì đức ái.
Trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô như có ý kéo dài hơn bản liệt kê và diễn tả những đặc tính của đức ái đối với tha nhân. Thật vậy, sau khi đề nghị người ta mong được "những tặng ân thiêng liêng cao cả nhất" (1Cor 12:31), thánh nhân đã ca tụng đức ái như là một sự thiện hảo cao hơn mọi tặng ân phi thường có thể được Chúa Thánh Thần ban cho, và như là một điều thiết yếu hơn những tặng ân ấy đối với đời sống Kitô hữu. Bài ca ngợi đức ái xuất phát từ lời thánh nhân và linh hồn thánh nhân, có thể được coi như một bài ca được Chúa Thánh Thần tác dụng nơi hành vi con người. Theo ý nghĩa này, đức ái có một chiều kích đạo đức học thực dụng: "Yêu thương thì kiên nhẫn, yêu thương thì từ ái. Yêu thương chẳng ghen tị hay huyênh hoang, yêu thương chẳng lên mặt, yêu thương chẳng hung bạo, yêu thương chẳng tìm mình, yêu thương chẳng dễ cáu kỉnh, yêu thương chẳng chấp nhất tổn thương, yêu thương chẳng mừng vì gian ác nhưng vui với lẽ phải. Yêu thương thì chấp nhận mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự" (1Cor.13:4-7).
Trong danh sách "các hoa trái của Thần Linh" (Gal 5:22), có thể nói rằng Thánh Phaolô, đi đôi với bài ca của đức ái trên đây, muốn đề cập đến một vài thái độ chính yếu thuộc về đức ái. Trong đó có những thái độ sau đây:
1) Nhẫn nại, trước hết: "Yêu thương thì nhẫn nại" (1Cor 13:4). Người ta có thể thấy rằng chính Thần Linh làm gương nhẫn nại đối với các tội nhân cũng như với việc làm sai quấy của họ, như chúng ta đọc thấy trong các Phúc Âm về Chúa Giêsu, Ðấng được gọi là "bạn bè của phường thu thuế và bọn tội nhân" (Mt.11:19; x.Lk.7:34). Ðức nhẫn nại này là phản ảnh chính tình yêu Thiên Chúa, Thánh Tôma nhận định, "Ðấng tỏ lòng thương bằng tình yêu, vì Ngài yêu thương chúng ta như những gì thuộc về Ngài" (Summa Theol., II-II,q.30,a.2,ad 1).
2) Từ ái là hoa trái của Thần Linh: "Yêu thương thì từ ái" (1Cor.13:4). Từ ái cũng là phản ảnh của lòng từ ái thần linh đối với người khác, bằng việc chấp nhận cũng như đối xử một cách thiện cảm và thông cảm.
3) Thiện hảo nữa: "Yêu thương chẳng tìm tư lợi" (1Cor 13:5). Tình yêu này sẵn sàng cho đi quảng đại, khi tình yêu của Chúa Thánh Thần tăng thêm những tặng ân của Ngài và thông ban tình yêu của Ngôi Cha cho các tín hữu.
4) Sau hết là hiền dịu: "Yêu thương chẳng dễ cáu kỉnh" (1Cor 13:5). Chúa Thánh Thần giúp Kitô hữu làm tái sinh nơi mình "sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" của Chúa Kitô và thực hành mối phúc hiền lành mà Người đã rao giảng (x.Mt.5:5).
Trong việc kể ra "những việc làm của xác thịt" (x.Gal 5:19-21), Thánh Phaolô làm sáng tỏ những đòi hỏi của đức ái, làm nên những phận sự cụ thể, như đối nghịch với những xu hướng của con người thú tính (homo animalis) là nạn nhân cho đam mê của mình. Hơn nữa, điều này có nghĩa là tránh lánh những ghen tương và tranh chấp, mong cho anh em mình được điều tốt lành, tránh hiềm thù, bất mãn, chia rẽ, cải cọ và đề cao những gì mang lại hiệp nhất. Ở đây chúng ta đừng hiểu lầm một câu trong ca khúc yêu thương của Thánh Phaolô nói rằng đức ái "chẳng chấp nhất tổn thương" (1Cor 13:5). Chúa Thánh Thần thúc giục quảng đại thứ tha về những tổn thương phải hứng và những mất mát phải chịu; là Thần Linh soi sáng và yêu thương, Ngài cho phép tín hữu làm điều này khi Ngài tỏ cho họ thấy những đòi hỏi vô hạn của đức ái.
Lịch sử cũng xác nhận sự thật về điều chúng ta vừa dẫn giải. Ðức ái chiếu tỏa nơi đời sống các vị thánh và nơi Giáo Hội, từ ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho đến nay. Tất cả các thánh và mọi thời sử của Giáo Hội đều mang dấu vết đức ái và Chúa Thánh Thần. Có thể nói được rằng, vào một số thời đoạn lịch sử, theo sự soi động và hướng dẫn của Thần Linh, đức ái đã mặc những thể thức có tính cách đặc biệt hoạt động trong việc tổ chức trợ giúp và nâng đỡ những người chịu đói khổ, bệnh hoạn và dịch tễ cả cũ lẫn mới. Thế nên mới có nhiều "vị thánh bác ái", như các ngài đặc biệt được gọi trong thế kỷ 18 và trong thế kỷ của chúng ta đây. Các ngài là những vị giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và Kitô hữu giáo dân. Tất cả các ngài là "những tôi tớ" đức ái. Nhiều vị đã được Giáo Hội tôn phong, và các vị khác được các tiểu sử gia và sử gia là những người đã có thể chứng kiến tận mắt, hay đã nhận ra từ những văn liệu của các vị, sự cao cả chân thực nơi những môn đồ của Chúa Kitô cũng như những người tôi tớ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đa số vẫn còn vô danh ẩn tính trong đức ái, một đức ái vẫn tiếp tục làm thế giới tràn đầy thiện hảo một cách tốt đẹp. Vinh danh những vị chiến sĩ vô danh này, những chứng nhân đức ái âm thầm ấy! Thiên Chúa biết đến các vị; Thiên Chúa mới thực sự tôn vinh các vị! Chúng ta phải biết ơn các vị vì các vị là chứng cớ lịch sử về "tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ vào lòng chúng ta" nhờ Chúa Thánh Thần, chuyên viên thủ công lành nghề đầu tiên và là nguyên lý sống còn của tình yêu Kitô giáo.
(Bài Giáo Lý thứ 76 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 22-5-1991, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)