Trong bài giáo lý lần trước, Tôi đã loan báo là chúng ta sẽ trở lại đề tài về việc hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi linh hồn. Căn cứ vào thần học và kho tàng tu đức, những đề tài này có một sức hấp dẫn nào đó, nói được là, gây nên một khoái thú tự nhiên cho những ai thích sống nội tâm. Những đề tài này thu hút những ai dễ dạy và chú tâm đến tiếng của Ðấng ở bên trong họ như trong một đền thờ, và cũng là Ðấng sáng soi họ trong lòng và bảo trì họ trên những nẻo đường hợp với Phúc Âm. Vị tiền nhiệm của Tôi là Ðức Lêô XIII đã nghĩ đến những người này khi viết Thông Ðiệp Divinum Illud về Chúa Thánh Thần (ngày 9-5-1897), cũng như sau đó khi viết bức thư Ad Fovendum về lòng tôn sùng của Kitô hữu đối với Ngôi Vị Thiên Chúa của Thần Linh (ngày 18-4-1902), để thiết lập việc làm tuần chín ngày kính Ngài, nhất là nhắm đến việc để xin ơn lành cho sự hiệp nhất Kitô giáo (ad maturamdum Christianae unitatis bunum). Vị giáo hoàng của Thông Ðiệp Rerum Novarum cũng là vị giáo hoàng của lòng sùng kính Chúa Thánh Thần. Ngài cũng biết cần phải lấy nghị lực từ nguồn mạch nào để có thể mang lại sự thiện hảo chân thật cho lãnh vực xã hội nữa. Tôi cũng kêu gọi Kitô hữu của ngày hôm nay đây chú ý đến nguồn mạch này trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem (ngày 18-5-1986), và giờ đây Tôi sẽ dùng phần kết thúc giáo lý thánh linh để bàn về vấn đề này.
Kinh nghiệm Kitô hữu sống nội tâm, nguyện cầu và hiệp nhất với Thiên Chúa đã cho thấy một thực tại - như tất cả khoa thần học và giáo lý về thánh linh - một thực tại được bắt nguồn từ các bản văn Thánh Kinh, nhất là từ những lời của Chúa Kitô và của các tông đồ: đó là thực tại về việc Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn các kẻ lành như một vị khách thần linh.
Thánh Tông Ðồ Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô (3:16) đã đặt vấn nạn: "Anh em không biết rằng... Thần Linh của Thiên Chúa ngự trong anh em sao?" Dĩ nhiên, Chúa Thánh Thần hiện diện và làm việc trong toàn thể Giáo Hội, như chúng ta đã nghe trong các bài giáo lý trước đây. Thế nhưng, việc hiện diện và hoạt động của Ngài hoàn toàn cụ thể nơi mối liên hệ với con người, với linh hồn kẻ lành, thành phần mà nơi họ Ngài thiết lập chỗ trú ngụ của mình và tràn ban tặng ân do Chúa Kitô lập được nhờ việc cứu chuộc. Hành động của Chúa Thánh Thần thấu nhập thâm cung con người, tâm can tín hữu, và tuôn xuống trên họ ánh sáng cũng như ân sủng ban sự sống. Ðây là điều chúng ta xin Ngài trong ca tiếp liên Lễ Hiện Xuống: "Ôi thần linh ánh sáng chứa chan hồng phúc, xin chiếu soi nơi những tâm hồn này".
Còn thánh Tông Ðồ Phêrô, trong bài diễn từ của mình vào Ngày Lễ Hiện Xuống, sau khi thôi thúc thính giả ăn năn trở lại và lãnh nhận phép rửa, đã thêm lời hứa: "Anh em sẽ lãnh nhận tặng ân Thánh Thần" (Acts 2:38). Ở đây chúng ta thấy rằng lời hứa này liên quan riêng đến từng người ăn năn trở lại và lãnh nhận phép rửa bấy giờ. Thánh Phêrô đã nói rõ là "mỗi một người" trong thành phần hiện diện (x.2:38). Sau này, phù thủy Simon xin các tông đồ ban cho mình quyền năng có tính cách bí nhiệm này: "Hãy ban cho tôi quyền năng ấy để tôi đặt tay trên ai thì người đó được nhận lãnh Thánh Thần" (8:19). Tặng ân Thánh Thần được coi như là một tặng ân ban cho từng người. Việc xác định này còn được chứng thực trong đoạn thuật lại việc trở lại của Cornêliô cùng với cả nhà ông. Khi thánh Phêrô đang cắt nghĩa mầu nhiệm Chúa Kitô cho họ, thì "Thánh Thần đã xuống trên mọi người đang lắng nghe" (10:44). Bởi thế, thánh Tông Ðồ nhận thức rằng: "Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một tặng ân Ngài ban cho chúng ta" (Acts 11:17). Theo thánh Phêrô, việc Chúa Thánh Thần xuống biểu hiệu việc Ngài hiện diện nơi những ai Ngài thông ban chính mình Ngài cho.
Về việc Chúa Thánh Thần hiện diện nơi con người như thế, chúng ta cần phải nhớ lại những cách thế tiếp nối nhau làm cho chúng ta thấy được nơi chúng việc hiện diện thần linh trong lịch sử cứu độ. Thời cựu ước, Thiên Chúa hiện diện và tỏ hiện sự có mặt của mình đầu tiên ở trong "lều" giữa sa mạc, rồi sau đó ở nơi "Cực Thánh" trong Ðền Thờ Gialiêm. Thời tân ước, việc hiện diện của Ngài được hoàn trọn nơi và đồng nhất với biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời. Thiên Chúa hiện diện giữa loài người nơi Con hằng hữu của Ngài, qua nhân tính được Con Ngài mặc lấy, trong sự hiệp nhất của con người với bản tính thần linh của Người. Nhờ việc hiện diện hữu hình nơi Chúa Kitô này, Thiên Chúa sửa soạn cho một hiện diện mới qua một Ðấng vô hình, một hiện diện sẽ được nên trọn khi Thánh Thần hiện xuống. Thật vậy, việc hiện diện của Chúa Kitô "ở giữa" người ta đã mở ra con đường dẫn đến việc hiện diện của Thánh Thần, một hiện diện nội tại, một hiện diện trong tâm can con người. Như thế là hoàn tất lời tiên tri Ezekien (36:26-27): "Ta sẽ ban cho các ngươi một con tim mới và đặt một thần trí mới trong các ngươi... Ta sẽ đặt thần trí Ta trong các ngươi".
Vào ngay đêm trước khi bỏ thế gian mà ra đi về cùng Cha, qua thập giá và lên trời của mình, chính Chúa Giêsu đã loan báo việc Chúa Thánh Thần đến với các tông đồ: "Thày sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho các con một Ðấng Bầu Chữa khác là Thần Chân Lý để luôn ở cùng các con... Ngài sẽ ở trong các con" (Jn.14:16-17). Thế nhưng, chính Chúa Giêsu cũng phán rằng việc Chúa Thánh Thần hiện diện này, một việc hiện diện trong tâm can con người còn hàm ngụ cả việc hiện hiện của Chúa Cha và Chúa Con, cần phải có một điều kiện, đó là tình yêu: "Ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu thương người ấy, rồi chúng ta sẽ đến cùng người ấy mà lấy họ làm nơi trú ngụ" (Jn.14:23).
Việc đối chiếu với Chúa Cha và Chúa Con được nói đến trong diễn từ của Chúa Giêsu bao gồm cả Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô và truyền thống giáo phụ cũng như thần học qui việc trú ngụ ba ngôi cho Thần Linh vì Ngài là Ngôi-Vị-Tình-Yêu, ngoài ra, việc hiện diện nội tâm này phải là một sự hiện diện linh thiêng. Việc hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con bởi tình yêu mà có, thế nên, việc hiện diện này cũng là việc hiện diện trong Thánh Thần. Chính ở nơi Thánh Thần mà Thiên Chúa, trong mối hiệp nhất ba ngôi của mình, truyền đạt chính mình cho tâm linh mỗi người.
Thánh Tôma Aquina nói rằng chỉ có nơi tâm linh con người (và thiên thần) mà cách hiện diện thần linh này mới khả thực (nhờ việc cư ngụ), vì chỉ có loài thụ tạo biết suy nghĩ mới có khả năng để được thông phần hiểu biết, ý thức yêu thương và hoan hưởng Thiên Chúa như một vị khách nội tại. Cách hiện diện thần linh này được thực hiện là do Chúa Thánh Thần, Ðấng mà chính vì thế mới là tặng ân tối yếu đệ nhất (Summa Theol.,I,q.38,a.1).
Tuy nhiên, qua việc cư ngụ này, người ta được trở thành "đền thờ của Thiên Chúa" (của Thiên Chúa Ba Ngôi), vì chính "Thần Linh của Thiên Chúa (là Ðấng) cư ngụ trong" họ, như thánh Tông Ðồ nhắc nhở Kitô hữu giáo đoàn Côrintô (1Cor.3:16). Thiên Chúa là thánh và là Ðấng thánh hóa. Thánh Phaolô sau đó chút xíu đã viết rằng: "Anh em không biết rằng thân xác của anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần trong anh em, Ðấng anh em lãnh nhận bởi Thiên Chúa hay sao?" (1Cor.6:19). Bởi thế, việc Chúa Thánh Thần cư ngụ bao hàm cả việc hiến thánh đặc biệt toàn thể con người (cả phương diện thân xác như được thánh Phaolô nhấn mạnh) giống như một đền thờ. Sự hiến thánh này là việc thánh hóa. Nó là chính yếu tính của ân sủng cứu độ mà con người nhờ đó có thể thông phần vào sự sống ba ngôi của Thiên Chúa. Như thế, một nguồn mạch nội tại của sự thánh thiện mở ra nơi con người, phát sinh ra cuộc sống "theo Thần Linh", như thánh Phaolô viết trong Thư gửi giáo đoàn Rôma (8:9): "Anh em không ở trong xác thịt; trái lại, nếu duy có Thần Linh Thiên Chúa ở trong anh em thì anh em ở trong Thần Linh". Ðây là căn gốc của niềm hy vọng mong chờ việc thân xác phục sinh, vì "nếu Thần Linh của Ðấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ kẻ chết cư ngụ trong anh em, thì Ðấng đã phục sinh Chúa Kitô từ kẻ chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác chết chóc của anh em như vậy, nhờ Thần Linh của Ngài là Ðấng cư ngụ trong anh em" (Rm.8:11).
Chúng ta phải lưu ý là việc cư ngụ của Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hóa toàn thể con người, thân xác lẫn linh hồn, ban cho con người một phẩm vị cao trọng hơn. Việc thánh hóa này ban cho những mối tương giao của con người, cả những mối tương giao thể lý nữa, một giá trị mới, như Thánh Phaolô đề cập đến trong bản văn của Bức Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô (6:9) chúng ta đã trích dẫn.
Thế nên, nhờ việc Chúa Thánh Thần cư ngụ mà Kitô hữu được tham dự vào một mối lên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, một mối liên hệ cũng bao gồm tất cả những mối tương giao loài người, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Khi thánh Tông Ðồ nói: "đứng làm phiền lòng Thánh Thần" (Eph.4:30), là thánh nhân dựa vào nền tảng của chân lý được mạc khải này: sự hiện diện riêng tư của vị khách nội tại là Ðấng có thể "buồn phiền" vì tội lỗi - vì mọi tội lỗi - bởi tội lỗi luôn luôn đối nghịch lại với tình yêu. Chính Ngài, như Ngôi-Vị-Tình-Yêu cư ngụ trong con người, tạo nên trong linh hồn một đòi hỏi nội tâm phải sống trong tình yêu. Thánh Phaolô nói lên điều này khi viết cho Kitô hữu giáo đoàn Rôma rằng: "Tình yêu của Thiên Chúa" (tức là, mạch suối mãnh lực của tình yêu từ Thiên Chúa mà đến) "được tuôn tràn vào lòng chúng ta nhờ quyền năng Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta" (Rm.5:5).
(Bài Giáo Lý thứ 70 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 20-3-1991, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)