Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 6-9-1989
Bài 23

Phép Rửa Trong Thánh Thần

Bắt nguồn từ hiến tế thập giá, khi Giáo Hội khởi hành cuộc lữ thữ trần thế của mình nhờ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống ở nhà tiệc ly vào ngày Lễ Ngũ Tuần, là lúc Giáo Hội khai mở cho "thời điểm của mình". "Ðó là thời điểm của Giáo Hội" như một cộng tác viên của Thần Linh trong sứ mệnh làm cho ơn cứu chuộc của Chúa Kitô từ đời nọ đến đời kia sinh hoa kết trái nơi nhân loại. Trong sứ mệnh này và trong việc hợp tác với Thần Linh, Giáo Hội nhận thức được tính cách bí tích mà Công Ðồng Chung Vaticanô II nói về Giáo Hội khi dạy rằng: "Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như là một bí tích hoặc như là một dấu hiệu và là một dụng cụ cho việc kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa cũng như cho việc hiệp nhất nơi cả loài người" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội "Lumen Gentium", đoạn 1). Tính cách bí tích này có một tầm quan trọng sâu xa liên quan đến mầu nhiệm Hiện Xuống là mầu nhiệm làm cho Giáo Hội kiên cường và đầy đặc sủng để sinh động một cách hữu hình giữa gia đình nhân loại.

Trong bài giáo lý này, chúng ta muốn chú trọng đến mối liên hệ giữa Lễ Hiện Xuống với bí tích rửa tội. Chúng ta biết rằng, tại sông Ðược Ðăng việc Chúa Thánh Thần đến đã được loan báo làm một với việc Chúa Kitô đến. Thánh Gioan đã liên kết hai việc đến này, và đã thực sự tỏ cho thấy mối liên hệ mật thiết của hai việc đến này khi thánh nhân nói về phép rửa: "Người (Chúa Kitô) sẽ rửa qúi vị trong Thánh Thần" (Mk.1:8). "Người sẽ rửa qúi vị trong Thánh Thần và trong lửa" (Mt.3:11). Mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và lửa này được thấy nơi sự tương giao của ngôn ngữ kinh thánh, một sự tương giao của ngôn ngữ kinh thánh trong Cựu Ước đã cho thấy lửa như là phương tiện được Thiên Chúa dùng để thanh tẩy lương tâm (x.Is.1:25, 6:5-7; Zech.13:9; Mal.3:2-3; Sir.2:5 v.v.). Về phần mình, phép rửa được thực hành nơi Do Thái giáo cũng như nơi các tôn giáo cổ thời khác là một việc dìm mình theo lễ nghi tượng trưng cho một cuộc thanh tẩy tái sinh. Thánh Gioan Tẩy Giả đã lợi dụng việc thực hành làm phép rửa trong nước này, để nhấn mạnh đến giá trị của nó không phải chỉ là một việc thuần túy theo lễ nghi mà còn là một việc thú nhận nữa, vì nó là việc "để thống hối" (x.Mt.3:2,6,8,11; Lk.3:10-14). Ngoài ra, nó còn là việc khai nhập để những ai lãnh nhận nó được trở nên môn đệ của Vị Tẩy Giả và cùng với thánh nhân hợp thành một cộng đoàn mang đặc tính mong đợi tối chung hướng về Ðấng Thiên Sai (x.Mt.3:2,11; Jn.1:13-14). Tuy nhiên, nó chỉ là một phép rửa trong nước. Vì thế, nó không có quyền năng thanh tẩy theo bí tích. Một quyền năng thanh tẩy theo bí tích như thế phải là đặc tính của phép rửa bằng lửa - một yếu tố tự nó mãnh lực hơn nước nhiều - do Chúa Kitô mang tới. Thánh Gioan đã công bố việc sửa soạn và chức phận biểu hiệu nơi phép rửa của thánh nhân liên quan đến Ðấng Thiên Sai, Ðấng làm phép rửa "trong Thánh Linh và trong lửa" (Mt.3:11;x.3,7,10,12; Jn.1:33). Thánh nhân còn cho biết Ðấng Thiên Sai sẽ thanh tẩy trong lửa của Thần Linh những ai thật xứng đáng, những người được thu góp lại như "thóc trong kho" (Mt.3:12). Tuy nhiên, Người sẽ đốt đi "rơm rạ... trong lửa không hề tắt" (Mt.3:12), như trong "hỏa ngục" (x.Mt.18:8-9), một biểu hiệu tận cùng dành cho tất cả những ai không để cho mình được thanh tẩy (x.Is.66:24; Jdt.16:17; Sir.7:17; Zeph.1:18; Ps.21:10 v.v.).

Ðang khi thực hiện vai trò của mình như là một vị tiên tri và như là một vị tiền hô theo truyền thống của việc làm tiêu biểu trong Cựu Ước, một ngày kia Vị Tẩy Giả đã gặp gỡ Chúa Giêsu ở gần sông Dược Ðăng. Thánh nhân đã nhận ra Người là Ðấng Thiên Sai, đã công bố rằng Người là "Chiên Thiên Chúa, Ðấng gánh tội trần gian" (Jn.1:29), và đã làm phép rửa cho Người như Người yêu cầu (x.Mt.3:14-15). Tuy nhiên, thánh nhân cũng đã làm chứng cho vai trò thiên sai của Chúa Giêsu, Ðấng mà thánh nhân nhận mình chỉ là kẻ loan báo và làm tiền hô cho Người thôi. Chứng cớ này của thánh Gioan còn được phụ thêm bằng lời thánh nhân công bố với các môn đệ của thánh nhân cũng như với những kẻ nghe thánh nhân, về cảm nghiệm thánh nhân có được vào dịp ấy, có lẽ cũng là cảm nghiệm đã gợi lại nơi thánh nhân trình thuật trong sách Khởi Nguyên về việc kết thúc của trận hồng thủy (x.Gn.8:10): "Tôi đã thấy Thần Linh như chim câu từ trời xuống và đậu trên Người. Tự tôi không biết Người, thế nhưng Ðấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước phán cùng tôi: 'Người nào mà ngươi thấy Thần Linh đậu xuống thì đó là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Linh...'" (Jn.1:32-33; x.Mt.3:16; Mk.1:8; Lk.3:22).

"Làm phép rửa trong Thánh Thần" nghiã là tái sinh nhân loại bằng quyền năng của Thần Linh Thiên Chúa. Ðó là phép rửa Ðấng Thiên Sai thực hiện. Như tiên tri Isaia (11:2;42:1) đã báo trước, Thần Linh ở trên Người, làm cho nhân tính của Người đầy sức mạnh thần linh, từ khi Người nhập thể cho tới mức viên trọn của việc Người phục sinh sau khi Người chết trên thập giá (x.Jn.7:29,14:16,16:7,8,20:22; Lk.24:49). Bởi chiếm được mức viên trọn này, Chúa Giêsu Thiên Sai có thể ban một phép rửa mới trong Thần Linh, Ðấng mà Người tràn đầy (x.Jn.1:33; Acts 1:5). Từ nhân tính hiển vinh của Người, như từ một mạch nước trường sinh, Thần Linh sẽ tràn lan khắp thế giới (x.Jn.7:37-39,19:34; x.Rm.5:5). Ðây là điều mà Vị Tẩy Giả đã loan báo khi làm chứng cho Chúa Kitô trong dịp Người lãnh nhận phép rửa, một phép rửa bao gồm các biểu hiệu nước và lửa, nói lên mầu nhiệm về năng lực ban sự sống mới mà Ðấng Thiên Sai cũng như Thần Linh đã đổ tràn xuống trên thế giới.

Trong khi thực hiện sứ vụ của mình, Chúa Giêsu cũng nói về cuộc khổ nạn và tử nạn của Người như là một phép rửa mà chính Người phải lãnh nhận: đó là một phép rửa, vì Người phải hoàn toàn bị trầm mình trong khổ đau, được biểu hiệu bằng chén Người phải uống (x.Mk.10:38,14:36). Thế nhưng, đó là một phép rửa mà Chúa Giêsu đã gắn cho nó một biểu hiệu khác nữa là lửa. Nơi biểu hiệu khác là lửa này sẽ dễ nhận thấy rằng Thần Linh, Ðấng "trào tràn" nhân tính của Người, và cũng là Ðấng một ngày kia, sau ngọn lửa thập giá, sẽ tràn lan thế giới. Ngài sẽ làm cho phép rửa lửa thiêu này lan ra, một phép rửa mà Chúa Giêsu đã mong nhận lãnh đến nỗi Người chịu sầu thương cho đến khi nó được hoàn tất nơi Người (x.Lk.12:50).

Trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem (về Chúa Thánh Thần trong sinh hoạt Giáo Hội và Thế Giới ban hành ngày 18-5-1986), Tôi đã viết: "Có một số trường hợp Cựu Ước đã nói về lửa từ trời thiêu đốt những của lễ hiến dâng của con người. Tương tự như thế, người ta cũng có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là lửa từ trời xuống làm việc nơi thâm cung của mầu nhiệm thập giá. Chúa Thánh Thần, như Ngọn Lửa và như Tặng Ân, theo một nghĩa nào đó, xuống ngay giữa của hiến tế được dâng tiến trên thập giá. Ở đây, dựa vào truyền thống thánh kinh, chúng ta có thể nói: Ngài làm tiêu tan hiến tế này bằng lửa yêu thương hiệp nhất Con với Cha trong cuộc hiệp thông Ba Ngôi. Mà vì hiến tế thập giá là một việc hợp với Chúa Kitô nên cũng trong hiến tế này Người nhận lãnh Thánh Linh. Người lãnh nhận Thánh Linh ở chỗ, sau đó - chỉ có mình Người cùng với Thiên Chúa Cha - có thể ban Ngài cho các tông đồ, cho Giáo Hội, cho nhân loại. Chỉ có một mình Người từ Cha sai Thần Linh đến. Chỉ có một mình Người hiện ra với các tông đồ ở nhà tiệc ly, thở hơi trên các vị mà nói: 'Hãy nhận lấy Thánh Linh; nếu các con tha tội cho ai thì họ sẽ được tha tội' (x.Jn.20:23)" (đoạn 41).

Lời loan báo về Ðấng Thiên Sai của thánh Gioan ở sông Dược Ðăng: "Người sẽ rửa qúi vị trong Thánh Linh và trong lửa" (Mt. 3:11;x.Lk.3:16) được nên trọn là như thế. Ở đây còn thấy hiện thực những biểu hiệu mà chính Thiên Chúa được tỏ lộ như một cột lửa hướng dẫn dân chúng qua sa mạc (x.Ex.13:21-22); như lời nóng bỏng khiến cho "núi (Sinai) bốc lửa cháy ngất trời" (Dt.4:11); như một ngọn lửa quang vinh nồng nhiệt yêu thương Yến-Duyên (x.Dt.4:24). Trong lời Chúa Kitô hứa khi Người nói rằng Người đã đến để làm cho thế gian bốc cháy (x.Lk.12:49) được hoàn tất, thì Sách Khải Huyền lại nói về Người rằng mắt của Người toé sáng như một ngọn lửa (x.Rev.1:14,2:18,19:12). Như thế lửa rõ ràng là biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần (x.Acts 2:3). Tất cả điều này xẩy ra nơi mầu nhiệm vượt qua, khi Chúa Kitô "lãnh nhận phép rửa mà chính Người phải được rửa" (x.Mk.10:38) trong hy tế trên thập giá, cũng như trong mầu nhiệm Hiện Xuống, khi Chúa Kitô phục sinh và hiển vinh đổ Thần Linh của Người xuống trên các tông đồ và trên Giáo Hội.

Theo thánh Phaolô, nhờ "phép rửa trong lửa" nơi hy tế của mình này, trong việc Người phục sinh, Chúa Kitô đã trở nên "Adong mới", nên "một thần trí ban sự sống" (x.1Cor.15:45). Vì lý do này, Chúa Kitô phục sinh đã loan báo cho các tông đồ: "Gioan làm phép rửa trong nước, thế nhưng trong một ít ngày nữa thôi, các con sẽ được rửa trong Thánh Linh" (Acts 1:5). Nhờ công việc của "Adong mới" là Chúa Kitô này, "Thần Linh ban sự sống" (x.Jn.6:63) sẽ được ban cho các tông đồ cũng như cho Giáo Hội.

Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, phép rửa này được tỏ hiện. Ðó là một phép rửa mới và cuối cùng, một phép rửa thanh tẩy và thánh hóa bằng một sự sống mới. Ðây là một phép rửa nhờ đó Giáo Hội được hạ sinh trong chiều hướng cánh chung kéo dài "cho đến tận thế" (Mt.28:20); không phải chỉ có Giáo Hội ở Gialiêm của các tông đồ và của các môn đệ trực tiếp với Chúa, mà là cả Giáo Hội mang trong mình tính cách phổ quát, được hiện thực qua thời gian và nơi các địa điểm Giáo Hội hình thành trên trái đất này.

Những lưỡi lửa nơi biến cố Hiện Xuống tại nhà tiệc ly ở Gialiêm là dấu hiệu của thứ lửa mà Chúa Giêsu Kitô đã mang xuống và đã châm lên trên trái đất này (x.Lk.12:43): thứ lửa Thánh Linh.

Trong ý nghĩa của ngày lễ Hiện Xuống, chúng ta cũng có thể hiểu rõ hơn tính cách quan trọng của Phép Rửa như là một bí tích đầu tiên, ở chỗ nó là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu đã ám chỉ về phép rửa này khi đàm đạo với ông Nicôđêmô: "Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho ông hay, không ai có thể vào được vương quốc của Thiên Chúa, trừ phi họ được sinh bởi nước và Thần Linh" (Jn.3:5). Cũng trong cuộc nói chuyện này, Chúa Giêsu đã đề cập đến cái chết sau này của Người trên thập giá (x.Jn.3:14-15) cũng như đến vinh hiển thiên quốc của Người (x.Jn.3:13). Ðó là phép rửa hiến tế mà phép rửa bởi nước, bí tích đầu tiên của Giáo Hội, đã nhận được quyền năng để làm cho cuộc hạ sinh bởi Thánh Linh của Giáo Hội được hiệu thành, cũng như để mở đường cho nhân loại "tiến vào vương quốc của Thiên Chúa". Thật thế, như thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Rôma, "Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đã được rửa trong Chúa Kitô là được rửa trong cái chết của Người hay sao? Bởi thế, chúng ta đã được mai táng với Người bằng phép rửa trong sự chết, để như Chúa Kitô được phục sinh từ trong kẻ chết nhờ vinh hiển của Cha thế nào, chúng ta cũng được bước đi trong một đời sống mới như vậy" (Rm.6:3-4). Bước đi của phép rửa trong một đời sống mới này đã bắt đầu từ ngày Lễ Hiện Xuống ở Gialiêm.

Trong những bức thư của mình, nhiều lần thánh Tông Ðồ vạch ra sự quan trọng của Phép Rửa (x.1Cor.6:11; Tit.3:5; 2Cor.1:22; Eph.1:13). Thánh nhân thấy nó như là một "việc rửa cho sự tái sinh và một việc canh tân trong Thánh Linh" (Tit.3:5); một dấu báo cho sự công chính "nhân danh Chúa Giêsu Kitô" (1Cor.6:11; x.2Cor.1:22); một "ấn tín của Thánh Thần được hứa ban" (x.Eph.1:13); "một bảo đảm của Thần Linh nơi lòng của chúng ta" (x.2Cor.1:22). Nhắc đến việc hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi thành phần lãnh nhận phép rửa như thế, thánh Tông đồ khuyên các Kitô hữu thời bấy giờ cũng như cho chúng ta hôm này là: "Ðứng làm phiền lòng Thánh Linh của Thiên Chúa, nơi Ngài anh em đã được đóng ấn cho ngày cứu độ" (Eph.4:30).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page