Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 29-11-1989
Bài 22

Thánh Thần Hiện Xuống:
Ðời Sống của Giáo Hội Sơ Khai

Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần là một biến cố chuyên nhất, song cũng không phải thế là hết. Trái lại, đó mới là khởi đầu cho một tiến trình kéo dài mà những giai đoạn đầu tiên đã được ghi nhận nơi Sách Tông Ðồ Công Vụ. Những giai đoạn này trước hết liên quan đến đời sống của Giáo Hội tại Gialiêm. Sau khi đã minh chứng cho Chúa Kitô cũng như cho Chúa Thánh Thần làm cho một một số trở lại đầu tiên, các tông đồ đã tự vệ trước Hội Ðồng Do Thái. Các vị đã tự vệ quyền hiện hữu của cộng đồng đầu tiên cho các môn đệ và tín đồ của Chúa Kitô. Sách Tông Ðồ Công Vụ đã cho chúng ta biết rằng ngay trước mặt các kỳ lão, các tông đồ cũng đã được hỗ trợ bởi cùng một quyền lực các vị đã lãnh nhận trong ngày Lễ Ngũ Tuần: các vị "được đầy Thánh Thần" (như ở đoạn Acts 4:8).

Quyền lực Thần Linh này tỏ hiện ở một vài thời điểm cũng như ở một số phương diện đời sống của cộng đồng Gialiêm được Sách Tông Ðồ Công Vụ đặc biệt đề cập tới.

Chúng ta hãy cùng nhau tóm gọn chúng như sau, bắt đầu từ buổi cầu nguyện chung cộng đồng. Từ Hội Ðồng Do Thái trở về, các tông đồ đã tường thuật cho anh em mình điều các vị nói với các trưởng tế và kỳ lão. "Sau đó họ đồng thanh dâng lên Thiên Chúa..." (Acts 4:24). Trong buổi cầu nguyện tuyệt vời của mình, như được thánh Luca ghi nhận, họ đã nhận biết ý định thần linh nơi sự bắt bớ, khi nhớ lại lời Thiên Chúa đã phán "qua Chúa Thánh Thần" (4:25). Họ đã trích lại lời Thánh Vịnh 2 (từ câu 1 đến câu 2) về việc các vua chúa cùng các dân nước nổi cơn lên "chống lại Chúa và Ðấng Ngài Xức Dầu". Họ đã nói lên những lời ấy để ám chỉ về Chúa Giêsu: "Trong thành này qủa thật cả Hêrôđê và Phongxiô Philatô cùng với Dân Ngoại và dân Yến Duyên đã hợp nhau chống lại Giêsu người tôi tớ thánh của Chúa, Ðấng Chúa đã xức dầu, để thực hiện những gì bàn tay Chúa và ý định của Chúa đã tiền định phải xẩy ra. Vậy giờ đây, Lạy Chúa, xin hãy nhìn đến những gì họ đe dọa mà ban cho các tôi tớ Chúa đây được hiên ngang rao giảng lời Chúa" (Acts 4:25-29). Ðây là một buổi cầu đầy đức tin và lòng phó thác cho Thiên Chúa, để rồi, vào lúc kết thúc, lại xẩy ra một cuộc tỏ hiện mới của Thần Linh và một biến cố Hiện Xuống mới, như thực sự đã diễn tiến.

"Khi họ cầu nguyện xong, nơi họ tụ họp chuyển động" (Acts 4:31). Bấy giờ đã xẩy ra một cuộc tỏ hiện mới của quyền lực Chúa Thánh Thần mà giác quan có thể thấy được như đã diễn tiến trong Ngày Lễ Hiện Xuống đầu tiên. Hơn nữa, việc đề cập đến địa điểm tụ họp của cộng đồng này nhấn mạnh tính cách tương tự như ở nhà tiệc ly. Ðiều này nói lên rằng Chúa Thánh Thần muốn cả cộng đồng được bao gồm trong tác động biến đổi Ngài làm. Bấy giờ "tất cả được đầy Thánh Thần": chẳng những nơi các tông đồ là những vị đương đầu với thành phần lãnh đạo dân chúng mà còn nơi tất cả mọi "anh em" (4:23) cùng tụ họp lại với các vị nữa, thành phần làm nên nhân trung chính yếu tiêu biểu nhất cho cộng đồng tiên khởi. Sách Tông Ðồ Công Vụ cho chúng ta thấy rằng, lòng nhiệt thành bùng lên là bởi được tràn đầy Thánh Thần, "họ đã hiên ngang rao giảng lời Thiên Chúa" (Acts 4:31). Như thế là lời họ cầu cùng Chúa đã được đáp ứng: "Xin ban cho các tôi tớ Chúa biết hết sức hiên ngang rao giảng lời Chúa" (Acts 4:29).

Tiểu biến cố Hiện Xuống này vì thế đã làm nên một khởi sự mới trong sứ vụ truyền bá Phúc Âm sau khi Hội Ðồng Do Thái xét xử và tống giam các tông đồ. Quyền lực của Chúa Thánh Thần tỏ hiện đặc biệt qua sự hiên ngang được thành phần Hội Ðồng Do Thái nhận thấy nơi thánh Phêrô và Gioan, "bởi họ thấy rằng hai ông là những người thất học, tầm thường" (Acts 4:13). Rồi Sách Tông Ðồ Công Vụ lại nhấn mạnh: "các vị được đầy Thánh Thần và hiên ngang rao giảng lời Thiên Chúa".

Hơn nữa, cả đời sống của cộng đồng sơ khai ở Gialiêm đã mang những dấu hiệu của Chúa Thánh Thần là Ðấng hướng đạo và soi động vô hình. Thánh Luca đã cho chúng ta cái nhìn đại quan về cộng đồng này một mẫu thức của các cộng đồng Kitô giáo sẽ được hình thành qua các thế kỷ. Mẫu thức này bao gồm cả các giáo xứ và các hội dòng là những cơ cấu làm cho hoa trái của việc "đầy tràn Thánh Thần" được thể hiện bằng một hình thức cụ thể qua một số khuôn mẫu tổ chức căn bản kết lại thành yếu tố cho luật Giáo Hội.

Có thể kể đến những khuôn mẫu chính yếu sau đây: "hiệp thông" (koinonia) trong huynh đệ và yêu thương (x.Acts 2:42), đến nỗi có thể nói về Kitô hữu rằng họ "đồng tâm nhất trí" (Acts 2:32); tinh thần cộng đồng trong việc dâng nộp sản vật của mình cho các tông đồ để các ngài phân phối tùy theo nhu cầu của từng người, hay trong cả việc sử dụng theo chủ quyền của mình cũng "không ai cho rằng họ có gì là của riêng họ" (4:32;x.2:44-45,4:34-37); hiệp thông trong "việc chuyên chú vào giáo huấn của các tông đồ" (Acts 2:42) cũng như vào "việc các ngài làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô phục sinh" (Acts 4:33); hiệp thông trong "việc bẻ bánh" (Acts 2:42), tức là trong bữa ăn chung theo truyền thống Do Thái mà Kitô giáo lợi dụng đưa nghi thức Thánh Thể vào (x.1Cor.11:16,11:24; Lk.22:19,24:35); hiệp thông trong các buổi cầu nguyện (x.Acts 2:42,46-47). Lời Thiên Chúa, Thánh Thể, nguyện cầu và bác ái huynh đệ đã kiến tạo nên một thiết diện bốn chiều, làm sống động, phát triển và vững mạnh cộng đồng Giáo Hội.

Về phần mình, các tông đồ "với quyền năng mạnh mẽ đã làm chứng cho việc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô" (4:33). Các vị đã thực hiện "nhiều sự lạ và dấu lạ" (5:12), như các vị đã xin trong buổi cầu nguyện ở nhà tiệc ly: "Xin Chúa hãy giang tay của Chúa ra để chữa lành, và hãy làm những sự lạ cùng dấu lạ vì danh Giêsu tôi tớ Chúa" (Acts 4:30). Chúng là những sự lạ cho việc hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấng mà toàn thể đời sống của cộng đồng sơ khai phải căn cứ vào. Ngay cả tội lỗi của Ananias và Sapphira là hai vợ chồng đã giữ lại một phần trong tổng số gia tài họ bán đi để dâng cho các tông đồ và cho cộng đồng mà lại làm như dâng hết tất cả vậy, cũng bị thánh Phêrô coi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần: "Ngươi đã lừa dối Chúa Thánh Thần" (5:3); "Tại sao các ngươi lại cùng nhau thử thách Thần Linh của Thiên Chúa?" (Acts 5:9). Ðây không phải là trường hợp "tội phạm đến Chúa Thánh Thần" theo nghĩa Phúc Âm nói đến (x.Lk.12:10) và là tội đã được lưu lại nơi luân lý của Giáo Hội cũng như nơi các sách giáo lý. Mà là một tội không còn hiệp nhất với Thần Linh bằng mối giây an bình, như Thánh Phaolô nói (Eph.4:3). Bởi thế, phải thú nhận rằng Chúa Thánh Thần là linh hồn của cộng đồng Kitô giáo trong đức ái.

Việc nhận thức sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần được biểu lộ nơi việc chọn lựa 7 thày sáu, những nam nhân "đầy Thần Linh và khôn ngoan" (Acts 6:3), đặc biệt là Stêphanô, "một con người đầy đức tin và Thánh Thần" (Acts 6:5). Thánh nhân đã bắt đầu nhiệt thành, hăng hái và hiên ngang giảng dạy về Chúa Giêsu Kitô rất sớm, thực hiện "những dấu lạ và sự lạ trong dân chúng" (Acts 6:8). Gây cho một số người Do Thái vốn ra mặt chống đối mình phải nổi giận và ghen tức, thánh Stêphanô vẫn không thôi giảng dạy và cũng không ngần ngại tố cáo đối phương của mình là những người thừa kế cha ông mình trong việc "cưỡng cự lại Thánh Thần" (Acts 7:51). Bởi thế thánh nhân đã hớn hở đón nhận ngành lá tử đạo, như chúng ta đọc thấy trong Sách Tông Ðồ Công Vụ: "Ðầy Thánh Thần, Stêphanô ngước mắt lên trời thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa..." (Acts 7:55). Thánh nhân đã bị ném đá chết trong tư thế đó. Như thế là Giáo Hội sơ khai, theo tác động của Thánh Thần, đã cho thêm việc tử đạo vào kinh nghiệm hiệp thông của mình.

Cộng đồng Gialiêm được kết cấu bởi nam nhân và nữ giới gốc Do Thái, như chính các vị tông đồ và Mẹ Maria. Chúng ta không thể quên sự kiện ấy, mặc dù sau này thành phần Kitô hữu này, sau khi thánh Phêrô lên đường đi Rôma, tập trung lại bên thánh Giacôbê, rồi bị phân tản và dần dần tiêu tán. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết được nơi Sách Tông Ðồ Công Vụ đó phải khơi dậy trong lòng chúng ta niềm tôn kính và tri ân đối với những "người anh chị em lão thành" xa xưa ấy, vì họ thuộc về thành phần ở Gialiêm tỏ lòng mộ mến các tông đồ (x.Acts 2:47) là các vị "làm chứng cho việc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô" (Acts 4:33). Chúng ta cũng không quên là biến cố thánh Stêphanô bị ném đá và việc trở lại của thánh Phaolô, một Giáo Hội tiến triển từ nhóm cộng đồng tiên khởi ấy "đã được bình an và thiết lập khắp Giuđêa, Galilêa và Samaritanô; rồi được gia tăng nhờ bước đi trong sự kính sợ Chúa và trong niềm an ủi của Chúa Thánh Thần" (Acts 9:31).

Vậy những chương đầu tiên của sách Tông Ðồ Công Vụ chứng thực cho việc hoàn tất lời Chúa Giêsu hứa với các tông đồ ở nhà tiệc ly trước cuộc khổ nạn của Người: "Thày sẽ cầu cùng Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Ðấng An Ủi khác là Thần chân lý để ở cùng các con luôn mãi" (Jn.14:16-17). Như chúng ta thấy trước đây, "Ðấng Dẫn Dụ" (theo Hy ngữ là Parákletos) cũng có nghĩa là Ðấng Bầu Chữa hay Ðấng Bảo Vệ. Vừa là Ðấng Bầu Chữa hay Bảo Vệ vừa là Ðấng Dẫn Dụ, Chúa Thánh Thần tỏ mình hiện diện và làm việc trong Giáo Hội ngay từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội trong lòng Do Thái giáo. Rồi chúng ta sẽ thấy rằng cũng vị Thần Linh này sẽ dẫn các tông đồ và thành phần hợp tác viên của các vị lan truyền cảm nghiệm Hiện Xuống cho tất cả mọi dân nước.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page