Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 22-11-1989
Bài 21

Thánh Thần Hiện Xuống:
Vương Quốc Chúa Kitô
Hiện Diện
nơi Lịch Sử Loài Người

Những suy niệm về thánh linh học đã từ từ hé mở cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đã tỏ mình ra bằng quyền năng cứu độ của Ngài trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngài đã tỏ mình ra như là "một Ðấng An Ủi khác" (x.Jn.14:16), Ðấng "nhiệm xuất từ Cha" (Jn.15:26), Ðấng "Cha nhân danh Con sai đến" (x.Jn.14:26). Ngài đã tỏ mình ra như "Một Vị" khác biệt với Cha và Con, mà lại đồng bản thể với Cha và Con. Ngài đã tỏ mình ra qua Con cho dù Ngài vẫn vô hình. Ngài đã tỏ mình ra qua quyền năng và tác động được gán cho Ngài, khác với quyền lực và tác động của Con song lại là quyền lực và tác động liên kết chặt chẽ với Ngài. Ðó là Thánh Thần Chúa Kitô đã nói đến vào trước ngày khổ nạn của Người: "Ngài sẽ tôn vinh Thày vì Ngài sẽ lấy những gì nơi Thày mà truyền đạt cho các con" (Jn.16:14). "Ngài sẽ không tự mình mà nói, mà Ngài nói những gì Ngài nghe thấy, và Ngài sẽ truyền đạt cho các con những gì phải đến" (Jn.16:13).

Ðấng An-Ủi-Dẫn-Dụ không đến chiếm chỗ của Chúa Kitô. Ngài đến sau Chúa Kitô là do hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngài đến để Chúa Kitô có thể ở trong Giáo Hội và hoạt động nơi Giáo Hội như Ðấng Cứu Chuộc và như Chúa.

Tôi đã viết trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem: "Như thế, trong công cuộc cứu chuộc, giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Kitô luôn luôn hiện diện một mối liên hệ sâu sa mà nhờ đó Thần Linh hoạt động nơi lịch sử loài người như 'một Ðấng An Ủi khác', để bảo đảm mãi mãi cho việc truyền đạt và truyền bá Tin Mừng do Chúa Giêsu Nazarét mạc khải. Bởi vậy, trong Chúa Thánh Thần, nơi mầu nhiệm và hoạt động của Giáo Hội, làm cho Ðấng Cứu Thế cùng với công cuộc cứu độ của Người liên tục hiện diện theo lịch sử trên thế gian, cho vinh quang của Chúa Kitô chiếu tỏa, như những lời sau đây chứng thực: 'Ngài (Thần Chân Lý) sẽ tôn vinh Thày, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thày mà truyền đạt cho các con'" (đoạn 7).

Chân lý được chứa đựng trong lời Chúa Giêsu hứa này đã được sáng tỏ trong Ngày Lễ Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần "bày tỏ" trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, sứ vụ thiên sai cũng như cứu chuộc của Người. Giáo Hội sơ khai đã nhận thức được sự kiện này, như bài giảng thứ nhất của thánh Phêrô cũng như nhiều đoạn sau đó được sách Tông Ðồ Công Vụ ghi nhận nói lên điều đó.

Một điều đáng chú ý là, để trả lời cho câu hỏi "Chúng tôi phải làm gì đây?" của thành phần nghe mình trong Ngày Lễ Hiện Xuống, thánh Phêrô đã kêu gọi họ: "Mỗi người trong anh em hãy thống hối và lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô" (Acts 2:38). Ðể sai các tông đồ đi khắp thế gian, Chúa Giêsu đã truyền cho các vị ban phép rửa "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt.28:19). Thánh Phêrô đã trung thực làm vang vọng lời của Thày mình, và kết qủa là, vào dịp đó, đã có "chừng ba ngàn người" (Acts 2:41) được rửa tội "nhân danh Chúa Giêsu Kitô" (Acts 2:38). Lời diễn tả "nhân danh Chúa Giêsu Kitô" này, cùng với đức tin, nói lên yếu tố then chốt cho việc đạt đến mức độ trọn vẹn của mầu nhiệm Ba Ngôi, mà nhờ đó con người trở nên sở hữu của Chúa Kitô như những người được thánh hiến cho Người. Theo chiều hướng ấy, sách Tông Ðồ Công Vụ nói đến việc kêu cầu danh Chúa Giêsu để được cứu rỗi (x.2:21,3:16,4:10,8:16,10:48,19:5,22:16). Trong các bức thư của mình, Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh cùng một điều kiện để được cứu rỗi (x.Rm.6:3; 1Cor.6:11; Gal.3:27; cũng xem James 2:7). Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã hứa ban tặng ân Ba Ngôi khi Người nói với các tông đồ: "Thần chân lý... sẽ tôn vinh Thày, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thày mà truyền đạt cho các con. Tất cả những gì Cha có là của Thày; bởi thế Thày mới nói Ngài sẽ lấy những gì nơi Thày mà truyền đạt cho các con" (Jn.16:13-15). Tặng ân Ba Ngôi này được hiện thực nơi phép rửa "trong Thánh Thần", được hiến ban "nhân danh Chúa Kitô".

Trong tất cả hoạt động của mình thực hiện sau ngày Lễ Hiện Xuống dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đều hướng về Chúa Kitô như căn do, nguyên lý và tác quyền của chúng. Thế nên, trong việc chữa người què "gần cổng đền thờ gọi là Cửa Ðẹp" (Acts 3:2), thánh Phêrô nói với anh ta: "Tôi không có vàng bạc, song tôi cho anh cái tôi có; nhân danh Chúa Giêsu Kitô Nazarét, anh hãy bước đi!" (Acts 3:6). Phép lạ này đã lôi kéo nhiều người đến trụ lang Solomon, và thánh Phêrô đã nói với họ, như trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, về Chúa Kitô tử giá "Ðấng Thiên Chúa làm cho sống lại từ trong kẻ chết, và chúng tôi là những chứng nhân cho sự việc này" (Acts 3:15). Chính đức tin nơi Chúa Kitô đã chữa lành người què: "Ðức tin nơi danh Người đã làm cho người này mạnh khỏe như anh em thấy và biết đấy; và đức tin vào Chúa Giêsu đã làm cho người này hoàn toàn lành mạnh trước mặt tất cả qúi vị đây" (Acts 3:16).

Khi các tông đồ lần đầu tiên được triệu đến trước Hội Ðồng Do Thái, "thánh Phêrô, được đầy Thánh Thần", trước mặt "các vị lãnh đạo dân chúng và các kỳ lão" (Acts 4:8) lại làm chứng cho Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Thánh nhân đã tóm tắt câu trả lời của mình cho Hội Ðồng Do Thái như sau: "Không có ơn cứu độ nơi một ai khác, vì không có một danh hiệu nào dưới gầm trời này được ban cho con người để nhờ đó chúng ta được cứu độ" (Acts 4:12). Khi các vị được thả về, tác giả Tông Ðồ Công Vụ kể cho chúng ta biết rằng "các vị đến với đồng bạn của mình" rồi cùng với họ chúc tụng Chúa (Acts 4:23-24). Bấy giờ lại diễn ra một biến cố Hiện Xuống nho nhỏ: "Khi họ cầu nguyện, nơi họ đang tụ họp chuyển động; họ được đầy Thánh Linh và hiên ngang rao giảng lời Thiên Chúa" (Acts 4:31). Sau đó, trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi và trước mặt dân chúng, "bằng quyền năng cao cả, các tông đồ đã làm chứng cho việc phục sinh của Chúa Giêsu và mọi người đều nhận được ân sủng dồi dào" (Acts 4:33). Thày sáu Stêphanô là một thí dụ điển hình về việc hiên ngang làm chứng cho Chúa Kitô. Thánh nhân là vị tử đạo tiên khởi, và chúng ta đọc thấy đoạn về cái chết của thánh nhân: "Stêphanô, đầy Thánh Thần, ngước mắt lên trời và thấy vinh quang Thiên Chúa, có Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa; ngài nói: 'Kìa, tôi xem thấy các tầng trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa'. Thế nhưng, họ la lớn lên, bịt tai lại và cùng nhau xông vào ngài" (Acts 7:55-59).

Những đoạn trình thuật này hay tương tự như thế trong sách Tông Ðồ Công Vụ đã cho thấy giáo huấn của các tông đồ, dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, được bắt nguồn từ và đặt nền tảng nơi Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần đã làm cho các tông đồ và các môn đệ của các ngài đi sâu vào chân lý của Phúc Âm do Chúa Kitô loan báo, nhất là vào mầu nhiệm vượt qua của Người. Ngài khêu lên nơi họ lòng mến Chúa Kitô đến độ hy hiến mạng sống mình. Ngài đã bảo đảm việc Giáo Hội, Ngay từ ban đầu, làm cho vương quốc do Chúa Kitô hình thành trị đến. Theo tác động của Chúa Thánh Thần cùng với việc hợp tác của các tông đồ, các vị thừa kế các ngài và toàn thể Giáo Hội, vương quốc này sẽ phát triển trong lịch sử cho đến tận cùng thời gian. Không có một dấu vết nào trong các Phúc Âm, trong sách Tông Ðồ Công Vụ hay trong những bức thư của các tông đồ nói về một thứ mộng tưởng thánh linh chủ trương rằng vương quốc của Cha (Cựu Ước) và của Chúa Kitô (Tân Ước) phải được tiếp nối bởi vương quốc của Thánh Thần, một vương quốc được biểu hiệu bằng những chủ trương của "các thành phần thần khí", bất chấp mọi luật lệ, kể cả lề luật phúc âm được Chúa Giêsu rao giảng. Như Thánh Tôma Aquinô viết: "luật cũ không phải chỉ bởi Chúa Cha, mà còn cả Chúa Con nữa, vì luật cũ ám chỉ về Chúa Kitô... Cũng thế, luật mới không phải chỉ bởi Chúa Kitô, mà còn cả Chúa Thánh Thần nữa, theo lời của Thánh Phaolô: 'Luật thần linh sự sống trong Chúa Giêsu Kitô...' (Rm.8:22). Vì thế, chúng ta không được trông đợi một thứ luật khác, một thứ luật Thánh Thần" (Summa Theol.I,II,q.106,a.4,ad3). Vào thời Trung Cổ, có một số người, bị ảnh hưởng bởi những dự đoán khải huyền của đan sĩ Gioakim đạo hạnh thành Fiore người Calabrian (d.1202), đã mơ tưởng và tiên đoán về một "vương quốc thứ ba" sẽ được hiện thực (x.Mt.14:4) để canh tân hoàn vũ trong việc sửa soạn cho ngày tận thế đã được Chúa Giêsu báo trước. Thế nhưng, Thánh Tôma đã nhấn mạnh hơn nữa là "ngay từ ban đầu của việc rao giảng Phúc Âm, Chúa Giêsu đã phán: 'Nước trời đã gần đến' (Mt.4:17). Bởi thế hết sức đần độn mới nói Phúc Âm của Chúa Giêsu không phải là Phúc Âm của nước trời" (Summa Theol., I,II,q.106,a.4,ad 4). Ðây là một trong vài trường hợp làm cho vị Tiến Sĩ thánh thiện đã phải dùng đến những lời nặng nề để luận xét một ý kiến sai lầm như vậy, vì trong thế kỷ 13 cuộc tranh luận này rất sôi nổi, một cuộc tranh luận được bùng lên bởi những lời lẽ cuồng si của "các thành phần thần khí". Họ làm lệch lạc đi giáo thuyết của Gioakim, và thánh nhân đã thấy được sự nguy hiểm nơi những chủ trương biệt lập và đổi mới dựa trên giả tưởng được đặc sủng của họ. Họ đã tác hại đến nền tảng của Phúc Âm cũng như của vương quốc Thiên Chúa chân thật. Do đó, họ đã phải trở về với việc đòi hỏi cần có một "cuộc rao giảng Phúc Âm hoàn toàn thành đạt trên khắp thế giới, tức là Giáo Hội phải được thành lập nơi mọi dân nước. Và như thế thì... Phúc Âm chưa được rao giảng trên toàn thế giới; tận thế sẽ không xẩy ra sau việc rao giảng Phúc Âm này" (Summa Theol., I,II,q.106,a.4 ad4).

Ðó cũng là truyền thống tư tưởng của Giáo Hội ngay từ ban đầu, căn cứ vào bài giảng của thánh Phêrô cũng như của các tông đồ khác. Trong những bài giảng này, người ta không thấy một u mờ biệt phân nào giữa Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Trái lại, lời các ngài giảng dạy xác nhận điều Chúa Giêsu đã nói về Ðấng An Ủi trong Bữa Tiệc Ly: "Ngài sẽ không tự mình mà nói, nhưng Ngài nói những gì Ngài nghe thấy, và Ngài sẽ truyền đạt cho các con những gì phải xẩy đến. Ngài sẽ tôn vinh Thày, vì Ngài sẽ lấy những gì nơi Thày mà truyền đạt cho các con" (Jn.16:13-14).

Tới đây, chúng ta không thể nào không vui mừng khi thấy thần học Chính Thống Ðông Phương có một số suy tưởng về mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Mối liên hệ này đã được thể hiện sâu xa nhất nơi Chúa-Kitô-Thần-Khí sau biến cố phục sinh và Hiện Xuống, hợp với những lời của Thánh Phaolô: "tân Adong đã trở nên một thần linh ban sự sống" (1Cor.15:45). Ðây là một lãnh vực mở ra để học hỏi và chiêm ngắm mầu nhiệm về cả Kitô học và Ba Ngôi học. Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem viết: "Việc Thiên Chúa tự mạc khải hết mình ra cách trọn vẹn được hoàn thành nơi Chúa Kitô và được minh chứng bởi lời các tông đồ rao giảng, vẫn còn tiếp tục được tỏ hiện nơi Giáo Hội qua sứ vụ của vị An Ủi vô hình là Thần chân lý. Sứ vụ của Ngài và sứ vụ của Chúa Kitô gắn bó với nhau biết bao, một sứ vụ hoàn toàn xuất phát từ sứ vụ của Chúa Kitô, bằng cách liên kết và bao bọc những hoa trái cứu độ trong giòng lịch sử, một sứ vụ được diễn tả bằng động từ 'lấy': 'Ngài sẽ lấy những gì nơi Thày mà truyền đạt cho các con'. Như để cắt nghĩa những lời 'Ngài sẽ lấy' bằng cách diễn tả rõ ràng nguồn mạch sự hiệp nhất thần linh ba ngôi, Chúa Giêsu đã thêm: "Tất cả những gì Cha có là của Thày; bởi thế Thày mới nói là Ngài sẽ lấy những gì nơi Thày mà truyền đạt cho các con'. Bằng chính việc 'lấy' những gì 'nơi Thày' này mà Ngài cũng sẽ rút ra 'những gì là của Cha'" (đoạn 7).

Chúng ta hãy ý thức rõ ràng như thế này: mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện nơi nhân loại trong vương quốc của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần là một chân lý tuyệt đẹp và mừng vui nhất Giáo Hội có thể trao ban cho thế giới.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page