Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 9-8-1989
Bài 18

Thánh Thần Hiện Xuống:
Lề Luật của Thần Linh

Việc hiện xuống của Chúa Thánh Thần vào Ngày Lễ Ngũ Tuần là một hoàn tất trọn vẹn mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô. Ðó là việc hiện thực hoàn toàn những lời loan báo trong Cựu Ước, nhất là những lời loan báo của các tiên tri Giêrêmia và Ezekien, liên quan đến một giao ước mới Thiên Chúa sẽ thiết lập với con người trong Ðức Kitô và việc "tuôn đổ" Thần Linh của Ngài xuống "trên tất cả loài người" (Joel 3:1). Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là một ghi khắc mới của lề luật Thiên Chúa nơi thâm cung của hữu thể con người, hay, như lời tiên tri nói, nơi "tâm can" (x.Jer.31:33) con người. Như thế là chúng ta có một lề luật mới, hay một lề luật của thần trí, một lề luật mà giờ đây chúng ta phải tìm hiểu để có một sự hiểu biết trọn vẹn về mầu nhiệm của Ðấng An ủi.

Chúng ta đã nhấn mạnh sự kiện là cựu ước giữa Thiên Chúa và dân Yến Duyên, được thiết lập nhờ cuộc hiển linh ở núi Sinai, căn cứ vào lề luật. Ở tâm điểm của lề luật này, chúng ta thấy Mười Ðiều Răn. Chúa đã huấn dụ dân Ngài giữ các giới răn: "Nếu các ngươi nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta giữa mọi dân nước; vì tất cả trái đất này là của Ta, và đối với Ta các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và là một dân tộc thánh hảo" (Ex.9:5-6).

Vì giao ước này không được trung thành nắm giữ, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri loan báo rằng Ngài sẽ thiết lập một giao ước mới: "Ðây là giao ước mà Ta sẽ thiết lập với nhà Yến Duyên sau những ngày đó, Chúa phán: Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong họ, và Ta sẽ viết nó trên tâm can họ". Những lời này của tiên tri Giêrêmia, như đã được trích dẫn trong các bài giáo lý trước đây, được gắn liền với lời hứa: "và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân của Ta" (Jer.31:33).

Bởi thế, giao ước mới (giao ước trong tương lai) do các tiên tri loan báo đã cần phải được thiết lập bằng việc thay đổi sâu xa trong mối liên hệ giữa con người với lề luật của Thiên Chúa. Thay vì là một lề luật bề ngoài, được viết trên đá, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần nơi tâm can con người, lề luật phải trở nên một hướng dẫn nội tại, được thiết lập "sâu xa nơi hữu thể của con người".

Theo Phúc Âm, lề luật này được tóm tắt nơi giới răn kính mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân. Khi Chúa Giêsu nói rằng "tất cả lề luật và lời các tiên tri đều ở tại hai giới răn này" (Mt.22:40), Người muốn làm sáng tỏ là chúng đã được chất chứa nơi Cựu Ước (x.Dt 6:5; Lev.19:18). Kính mến Thiên Chúa là "giới răn thứ nhất và cao trọng"; yêu thương tha nhân là "giới răn thứ hai cũng như giới răn thứ nhất" (Mt.22:37-39). Giới răn thứ hai cũng là điều kiện để giữ giới răn thứ nhất: "vì ai yêu thương tha nhân là làm hoàn tất lề luật" (Rm.13:8).

Giới răn kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là yếu tính của lề luật mới được Chúa Kitô thiết lập bằng lời nói cũng như gương lành (cho đến hy hiến "cả mạng sống mình vì bạn hữu": x.Jn.15:13). Nó được Chúa Thánh Thần viết trong tâm can của chúng ta. Vì lý do này, nó trở nên "lề luật của Thần Linh".

Như thánh Tông Ðồ viết cho giáo đoàn Côrintô: "Anh em chứng tỏ anh em là bức thư Chúa Kitô nhờ chúng tôi gửi đến, không được viết bằng mực mà bằng Thần Linh của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên các tấm đá mà là trên những tấm lòng con người" (2Cor.3:3). Thế nên, lề luật Thần Linh là một giới lệnh nội tâm của con người. Ðúng hơn, chính Thánh Thần là Ðấng trở nên thày dạy và nên vị hướng dẫn trong thâm cung của cõi lòng con người.

Một thứ lề luật hiểu như thế không còn hình thức gò bó trói buộc bề ngoài nào là những gì con người tác hành phải lụy thuộc. Lề luật của Phúc Âm, được chứa đựng trong lời nói và được xác nhận bởi cuộc sống cũng như sự sống của Ðức Kitô, là do mạc khải thần linh, một mạc khải bao gồm tầm mức viên trọn của chân lý về sự thiện nơi tác hành con người. Ðồng thời, nó cũng chữa lành và làm hoàn hảo tự do nội tâm của con người, như lời Thánh Phaolô viết: "Lề luật của Thần Linh sự sống nơi Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát tôi khỏi lề luật tội lỗi và sự chết" (Rm.8:2). Theo thánh Tông Ðồ, Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống, vì nhờ Ngài, tâm linh con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, cũng trở nên một nguyên lý mới và nguồn mạch cho hoạt động con người: "để việc đòi hỏi chính đáng của lề luật được hoàn thành nơi chúng ta là những người không bước đi theo xác thịt song theo Thần Linh" (Rm.8:4).

Có thể Thánh Phaolô đã căn cứ giáo huấn của mình vào chính Chúa Giêsu, Ðấng đã nói thẳng ra trong Bài Giảng trên Núi rằng: "Ðừng tưởng Thày đến để hủy bỏ lề luật và lời các tiên tri; Thày đến không phải để hủy bỏ chúng mà là để làm cho chúng được nên trọn" (Mt.5:17). Việc Chúa Giêsu Kitô hoàn tất lề luật như thế, bằng lời cũng như bằng gương lành, đã cấu tạo nên một mẫu thức cho việc bước đi theo Thần Linh. Như thế, lề luật của thần trí, được Người viết trên những tấm lòng con người, hiện hữu và hoạt động nơi những ai tin vào Chúa Kitô và thông phần với Thần Linh của Người.

Chúng ta đã thấy trong sách Tông Ðồ Công Vụ, toàn thể cuộc sống của Giáo Hội sơ khai là một cuộc biểu hiện chân lý như Thánh Phaolô đã nói đến. Theo thánh nhân, "tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thần Linh là Ðấng được ban cho chúng ta" (Rm.5:5). Bất chấp những giới hạn và khiếm khuyết nơi các phần tử của Giáo Hội, cộng đoàn Gialiêm đã thông phần vào cuộc sống mới được "Thần Linh ban cho"; Giáo Hội đã sống tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta cũng đã lãnh nhận sự sống này như một tặng vật đến từ Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu - yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân - nội dung chính yếu của giới răn trọng nhất. Như thế, lề luật mới, được in ấn nơi tâm can nhân loại bằng tình yêu như một tặng ân của Chúa Thánh Thần, là lề luật của Thần Linh nơi họ. Ðó là một thứ lề luật ban tự do, như Thánh Phaolô viết: "Lề luật của thần trí sự sống nơi Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát tôi khỏi lề luật tội lỗi và sự chết" (Rm.8:2).

Vì lý do này, tức bởi "việc tuôn đổ vào lòng chúng ta" tình yêu của Thiên Chúa (x.Rm.5:5), mà Ngày Lễ Hiện Xuống đánh dấu một cuộc khởi sự của một nền luân lý nhân bản mới được dựa trên lề luật Thần Linh. Nền luân lý này vượt ra ngoài việc chỉ biết tuân giữ lề luật theo lý trí truyền khiến hay theo chính mạc khải mà thôi. Nó còn phát xuất từ và tiến đến một cái gì đó sâu xa hơn. Nó phát xuất từ Chúa Thánh Thần và có thể sống bằng tình yêu đến từ Thiên Chúa. Nó trở nên một thực tại trong đời sống của chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần là Ðấng "được tuôn đổ vào lòng chúng ta".

Thánh Tông Ðồ Phaolô là một vị tông đồ đệ nhất truyền đạt nền luân lý cao trọng hơn này, một nền luân lý được ăn rễ trong lề luật của Thần Linh. Thánh nhân đã từng là một người Pharisiêu nhiệt thành, một nhà thông luật, một người giữ luật từng li từng tí và là một kẻ chuyên bảo vệ cho chữ nghĩa của lề luật cũ, và cũng là vị sau này đã trở nên một tông đồ của Chúa Kitô, mới có thể viết về mình rằng: "Thiên Chúa... đã tuyển chọn chúng tôi làm những thừa tác viên cho một giao ước mới, không phải bằng văn tự luật mà là bằng Thần Linh: vì văn tự luật chỉ sát hại, còn Thần Linh mới ban sự sống" (2Cor.3:6).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page