Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 14-11-1990
Bài 12

Thần Linh
là Tình Yêu Xuất Thân

Hôm nay chúng ta bắt đầu buổi giáo lý bằng việc lập lại câu phát biểu trước đây chúng ta đã tuyên xưng khi nói đến đề tài Một Thiên Chúa duy nhất là Ðấng đức tin Kitô giáo dạy chúng ta phải nhận biết và tôn thờ như Thiên Chúa Ba Ngôi. "Tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con đã làm xuất thân nơi các Ngài và từ các Ngài một Ngôi Vị: Chúa Cha và Chúa Con 'nhiệm xuất' (spirate) Thần Linh Yêu Thương cùng bản thể với các Ngài". Từ ban đầu Giáo Hội đã xác tín rằng Chúa Thánh Thần như Tình Yêu xuất thân từ Chúa Cha và Chúa Con.

Nền tảng được lưu truyền từ các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh được căn cứ vào Tân Ước, nhất là vào những lời của Thánh Gioan trong bức thư thứ nhất của thánh nhân: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Jn.4:8).

Những lời này có ý nói đến chính yếu tính của Thiên Chúa, với yếu tính này Ba Ngôi chỉ có một bản thể duy nhất và tất cả ba đều là Tình Yêu, tức là đều muốn tốt cho nhau, một tác lực nội tại hướng về đối tượng được yêu, ở bên trong cũng như bên ngoài sự sống của Ba Ngôi.

Thế nhưng, cùng với Thánh Tôma chúng ta phải nhận định rằng ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn chữ nghĩa để có thể nói lên tác động của lòng muốn là tác động kéo chủ thể yêu đến với đối tượng yêu. Tác động này là do bản chất nội tại của tình yêu. Bởi nó xuất phát từ lòng muốn hay con tim, do đó, nó không rõ ràng và tự thức như một tư tưởng xuất phát từ lý trí. Trong lãnh vực tâm thức, chúng ta có những chữ khác nhau để diễn đạt, cả về mối liên hệ giữa chủ thể biết với đối tượng biết (biết, hiểu), lẫn về việc phát hiện tư tưởng từ trí khôn theo tác động biết (phát ngôn hay verbum, lời nói tiến hành từ trí khôn). Trường hợp thuộc lãnh vực lòng muốn và con tim thì lại khác. Ðúng thế, "giả sử người ta yêu một vật gì đó thì sẽ có một ấn tượng lưu lại nơi người đó, nơi cảm tình của anh ta hay chị ta, một ấn tượng về vật được yêu, vì vật được yêu ở trong con người yêu cũng như đối tượng biết ở trong con người biết nó.

"Vậy nếu một người biết mình và yêu mình thì người ấy ở trong chính mình, không phải chỉ vì người đó đồng nhất với chính mình, mà vì người ấy còn là đối tượng nhận biết cũng như yêu thương của chính họ". Tuy thế, theo ngôn ngữ loài người, "có những từ ngữ khác chưa được tạo ra để diễn đạt mối liên hệ hiện hữu giữa tình cảm, hay ấn tượng của đối tượng yêu cũng thế, với nguyên lý (nội tại) làm cho cảm tình này phát hiện, hoặc ngược lại. Bởi thế, vì từ vựng nghèo nàn (propter vocabulorum inopiam), mà những mối liên hệ kia cũng được diễn tả bằng những từ ngữ yêu thương và hoan lạc. Như người ta đã gọi Ngôi Lời là nhận thức được cưu mang hay khôn ngoan được hạ sinh".

Thế rồi từ đó thánh Tiến Sĩ Thiên Thần kết luận: "Nếu trong những chữ tình yêu và yêu thương (diligere) người ta chỉ muốn nói đến mối liên hệ giữa người yêu và vật được yêu, thì những chữ này (nơi Ba Ngôi), như chữ biết và chữ hiểu, cũng ám chỉ yếu tính của Thiên Chúa. Ngoài ra, nếu chúng ta cũng sử dụng những chữ này để nói đến mối liên hệ vốn có giữa cái phát xuất bởi hay tiến hành từ tác động cùng đối tượng yêu thương, với nguyên lý tương hệ, nhờ đó Tình Yêu được coi như là Tình Yêu xuất thân, và Yêu Thương được coi như là nhiệm xuất tình yêu xuất thân, thì Tình Yêu là danh xưng của một ngôi vị..." và là tên gọi của chính Chúa Thánh Thần (Summa Theol., I,q.37,a.1).

Việc Thánh Tôma phân tách ngữ học rất hữu dụng để có một ý niệm tương đối rõ ràng về Chúa Thánh Thần như Ngôi-Vị-Tình-Yêu trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, tất cả Ba đều "là Tình Yêu". Thế nhưng, phải nói rằng, việc gán ghép tình yêu cho Chúa Thánh Thần, như danh xưng xứng hợp của Thần Linh, được thánh Tiến Sĩ Thiên Thần rút từ giáo huấn của các Giáo Phụ Giáo Hội. Phần các Giáo Phụ, các vị là những vị loan truyền mạc khải của Chúa Giêsu và giáo huấn của các tông đồ, những gì chúng ta cũng đã biết qua những bản văn Tân Ước. Thế nên, trong lời cầu linh mục dâng lên Chúa Cha tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nguyện rằng: "Con đã tỏ danh Cha cho họ, và Con còn tỏ ra nữa, để tình yêu Cha yêu Con cũng ở trong họ và Con cũng ở trong họ" (Jn.17:26). Ở đây chúng ta đối diện với tình yêu Cha yêu Con "trước khi thế gian được tạo dựng" (Jn.17:24). Theo một số nhà chú giải thánh kinh, những lời Chúa Giêsu ấy, một cách gián tiếp, chỉ về Chúa Thánh Thần, Tình Yêu Chúa Cha đời đời yêu Chúa Con, Ðấng đời đời được Chúa Cha yêu. Trước đó, Thánh Tôma đã cẩn thận nghiên cứu một bản văn của Thánh Augustinô về tình yêu hỗ tương này của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần (x.De Trinitate, VI,5; XIV,7, PL 43,928,1065). Bản văn này cũng được các học giả khác bàn luận đến vì nó đã đi vào nền thần học thời trung cổ: "Utrum Pater et Filius diligant se Spiritu Sancto"; thánh nhân đã kết luận việc phân tách văn tự và giáo thuyết bằng một giải thích tuyệt vời như sau: "Cũng thế, chúng ta nói cây cối nở hoa thế nào thì chúng ta cũng nói được rằng Chúa Cha nói với chính mình và nói với tạo vật trong Lời là Con Ngài, và Chúa Cha với Chúa Con yêu nhau và yêu chúng ta trong Chúa Thánh Thần, đó là trong Tình Yêu nhiệm xuất" (Summa Theol., I, q.37,a.2).

Trong cùng bài từ biệt, Chúa Giêsu cũng loan báo rằng Chúa Cha sẽ sai đến với các tông đồ và Giáo Hội "Ðấng An Ủi... Thần chân lý" (Jn.14:16-17), và Người là Con cũng sẽ sai Ngài đến (x.Jn.16:7) "để ở cùng các con luôn mãi" (Jn.14:16-17). Bởi thế, các tông đồ sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần như Tình Yêu hiệp nhất Chúa Cha với Chúa Con. Nhờ quyền năng của Tình Yêu này, Chúa Cha và Chúa Con "sẽ đến lập cư nơi họ" (Jn.14:23).

Ý nghĩa này còn được Chúa Giêsu nhắc đến trong một đoạn khác của lời cầu linh mục về việc hiệp nhất của các môn đệ Người: "Ðể tất cả được nên một trong chúng ta, cho thế gian biết rằng Cha đã sai Con" (Jn.17:21). Nếu các môn đệ phải là "một trong chúng ta", tức là, trong Chúa Cha và Chúa Con, thì sự hiệp nhất này chỉ được thực hiện bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, Ðấng cũng được Chúa Kitô đồng thời loan báo là sẽ đến và ở với các vị: Ngài "ở với các con và ở trong các con" (Jn.14:17).

Lời loan báo này đã được Giáo Hội sơ khai chấp nhận và thấu hiểu. Ngoại trừ Phúc Âm thánh Gioan, sự hiệp nhất này còn được trình bày nơi bút tích của Thánh Phaolô về tình yêu Thiên Chúa "đã được tuôn tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta" (Rm.5:5). Những lời Thánh Gioan trong thư thứ nhất của thánh nhân cũng nói lên như thế: "Nếu chúng ta yêu nhau thì Thiên Chúa sẽ ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài được trọn hảo nơi chúng ta. Ðây là cách chúng ta biết rằng chúng ta ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta; đó là Ngài đã ban cho chúng ta Thần Linh của Ngài" (1Jn.4:12-13).

Truyền thống về Chúa Thánh Thần là Ngôi-Vị-Tình-Yêu đã được khai triển từ những căn gốc này. Công cuộc của ba ngôi trong việc thánh hóa cứu độ đã khiến cho các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh "phóng tầm mắt thấu suốt" vào mầu nhiệm mật thiết của Ba-Ngôi-Thiên-Chúa.

Thánh Augustinô đã "phóng tầm mắt thấu suốt" này đặc biệt nơi tác phẩm "De Trinitate" của mình, bằng cách đóng góp quan trọng vào việc thành hình và phổ biến giáo thuyết về Chúa Thánh Thần ở Tây Phương. Tư tưởng của thánh nhân đã khai triển ý niệm về Chúa Thánh Thần là Tình Yêu hỗ tương và là mối hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con trong niềm thông hiệp của Ba Ngôi. Thánh nhân viết: "Như chúng ta gọi cách xứng hợp một mình Lời Thiên Chúa là 'Khôn Ngoan', mặc dù nói chung Thánh Thần và chính Chúa Cha cũng là Khôn Ngoan, thì Thần Linh được gọi bằng một danh xưng xứng hợp là Tình Yêu, mặc dù Chúa Cha và Chúa Con theo nghĩa chung cũng là Tình Yêu" (De Trinitate, XV,17,31; CC 50,505).

Chúa Thánh Thần có một cái gì đó chung với Chúa Cha và Chúa Con... một hiệp thông cùng bản thể và đồng vĩnh cửu... Các Ngài không quá ba vị; một vị yêu vị từ mình mà ra; một vị yêu vị mà mình từ đó phát sinh; và vị chính là Tình Yêu" (De Trinitate, VI,5,7; CC 50,295,236).

Ðông Phương cũng chủ trương như vậy, nơi mà các vị Giáo Phụ nói về Chúa Thánh Thần như Ðấng là hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, và là mối giây liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa. Các thánh Cyril of Alexandria (+444) và Epiphanius of Salamis (+403) đã viết như thế (x.Ancoratus,7; PG 43,28 B).

Các nhà thần học Ðông Phương sau này cũng theo truyền thống ấy. Trong số này có đan sĩ Gregory Palamas, Tổng Giám Mục ở Thessalonika (thế kỷ 14), đã viết: "Thần Linh của Lời cao cả giống như một thứ tình yêu mà Chúa Cha dành cho Lời được nhiệm sinh; và chính tình yêu này mà Lời cũng là Con chí ái của Chúa Cha đã yêu Ðấng đã nhiệm sinh ra Người" (Capita Physica, 36; PG 150,1144 D-1145 A).

Chính giáo thuyết của cả Ðông và Tây này đã được Ðức Lêô XIII từ lưu truyền tập trung lại và tổng kết lại trong thông điệp của mình về Chúa Thánh Thần, trong đó, chúng ta đọc thấy Chúa Thánh Thần "là Sự Thiện thần linh và là Tình Yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con" (x.DS 3326). Tuy nhiên, để kết luận, chúng ta lại trở về với Thánh Augustinô: "Tình Yêu có do Thiên Chúa và là Thiên Chúa: thế nên, Thánh Thần đúng là Ðấng mà nhờ Ngài tình yêu Thiên Chúa tràn vào lòng chúng ta để làm cho Ba Ngôi ngự trong chúng ta... Chúa Thánh Thần đáng được gọi là Tặng Ân do Tình Yêu trao ban" (De Trinitate, XV,18,32; PL 42,1082-1083). Vì là Tình yêu, Chúa Thánh Thần là Tặng Ân. Ðó là đề tài cho buổi giáo lý lần tới.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page