Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 1-8-1990
Bài 10

Thần Linh
và Khôn Ngoan

Trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, Tôi đã viết: "Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, như một con người, bằng lời nguyện cầu mong tới cuộc tử nạn của mình, đã làm cho Chúa Thánh Thần, Ðấng đã thấm nhập sâu đậm vào nhân tính của Người, biến đổi nhân tính ấy thành một hy tế qua hành động chết đi của Người như tế vật yêu thương trên thập giá. Người đã tự mình hiến dâng hy tế này. Như là một tư tế, 'Người đã hiến dâng chính mình vô tì tích lên Thiên Chúa" (Heb.9:14)" (đoạn 40). Hy tế thập giá là tột đỉnh của một sự sống, làm cho chúng ta, theo các bản văn Phúc Âm, thấy được sự thật về Chúa Thánh Thần, kể từ giây phút Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể này đã là đề tài của các buổi giáo lý trước đây, các buổi giáo lý chú trọng đến những thời điểm thuộc về đời sống và sứ vụ của Chúa Kitô là những thời điểm làm cho mạc khải về Chúa Thánh Thần sáng tỏ một cách đặc biệt. Ðề tài của buổi giáo lý hôm nay là biến cố thập giá.

Chúng ta hãy chú ý đến những lời cuối cùng của Chúa Giêsu thốt ra trong cuộc khổ nạn của Người trên đồi Canvê. Theo bản văn của thánh Luca thì những lời này là: "Lạy Cha, Con xin ký thác thần trí của Con trong tay Cha" (Lk.23:46). Mặc dù mỗi một lời trong câu than này, trừ lời "Cha", là những lời của Thánh Vịnh 31, song, theo kết cấu Phúc Âm, chúng lại mang một ý nghĩa khác. Tác giả Thánh Vịnh đã nguyện cầu cùng Thiên Chúa cứu mình khỏi chết. Trái lại, sử dụng cùng những lời của tác giả Thánh Vịnh này, Chúa Giêsu trên thập giá lại chấp nhận cái chết, hoàn trả thần trí mình (tức là "sự sống của mình") cho Chúa Cha. Tác giả Thánh Vịnh hướng về Thiên Chúa như là một đấng giải thoát của mình; Chúa Giêsu lại dâng hiến (tức là trao phó) thần trí mình cho Chúa Cha, hướng về cuộc phục sinh. Chúa Giêsu đã trao phó toàn thể nhân tính của mình cho Chúa Cha. Tuy nhiên, cái "Tôi" thần linh của Con liên kết với Cha và Thánh Thần lại cùng hiện hữu nơi nhân tính của Người. Do đó, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần vẫn không biểu lộ một cách rõ ràng nơi bản văn của thánh Luca như nơi Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái.

Trước khi sang bản văn khác này, chúng ta cần phải lưu ý đến cấu trúc hơi khác nhau nơi những lời của Chúa Giêsu hấp hối theo Phúc Âm thánh Gioan. Chúng ta đọc thấy nơi Phúc Âm này là: "Sau khi Chúa Giêsu nếm rượu rồi thì Người phán: 'Ðã hoàn tất!' Rồi gục đầu xuống, Người trao phó thần trí mình" (Jn.19:30). Thánh ký đã không đề cao "việc trao phó" (hay "ký thác") thần trí cho Chúa Cha. Toàn bộ kết cấu của Phúc Âm thánh Gioan, nhất là đoạn về cuộc tử nạn của Người trên thập giá như muốn nói lên là cái chết của Người khai mào cho việc sai Chúa Thánh Thần đến như một tặng ân được trao trối từ việc ra đi của Chúa Kitô.

Cả ở đoạn Phúc Âm của thánh Gioan này cũng không rõ ràng nói đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thế nhưng, chúng ta không thể nào bỏ qua sự liên kết bất ngờ xẩy ra giữa bản văn của Phúc Âm thánh Gioan và lời dẫn giải về cái chết của Chúa Kitô nơi Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái. Tác giả của bức thư này nói về phận vụ theo nghi lễ của những huyết tế nơi cựu ước được dùng để thanh tẩy dân khỏi những lỗi lầm phạm đến lề luật. Tác giả đã so sánh những huyết tế này với hy tế thập giá rồi kết thúc bằng lời than: "Thế thì còn hơn thế nữa đối với máu của Chúa Kitô, Ðấng nhờ Thần Linh vĩnh cửu đã hiến dâng mình vô tì tích lên Thiên Chúa, trong việc tẩy rửa lương tâm của chúng ta khỏi những công việc chết chóc để tôn thờ Thiên Chúa hằng sống" (Heb.9:14).

Như Tôi đã viết trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem: "Nơi nhân tính của Người (Ðức Kitô) hy tế này đã trở nên xứng đáng, vì chỉ có một mình Người mới 'vô tì vết'. Thế nhưng, Người đã hiến dâng hy tế này 'nhờ Thần Linh vĩnh cữu', tức là Chúa Thánh Thần đã thực hiện một cách đặc biệt nơi việc tự hiến tuyệt đối này của Con Người, để biến đổi việc khổ nạn ấy thành tình yêu cứu độ" (đoạn 40). Việc liên kết mầu nhiệm giữa Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần nơi hoạt động thiên sai được hàm chứa trong đoạn Phúc Âm của thánh Luca thuật lại biến cố truyền tin đã từ đó chuyển sang đoạn Thư gửi giáo đoàn Do Thái này. Mầu nhiệm của việc liên kết đây nói lên mức độ sâu xa của hoạt động thiên sai đi sâu vào lương tâm con người để thanh tẩy và canh tân lương tâm họ bằng ân sủng thần linh - một đòi hỏi cần phải có nơi hình thức của những biểu hiệu lễ nghi bề ngoài.

Cựu Ước có một số lần nói đến "lửa từ trời" thiêu hủy những lễ vật do con người hiến dâng (x.Lev.9:24; 1Kgs.18:38; 2Chr.7:1). "Lửa trên bàn thờ phải được cháy sáng; không được tắt đi. Mỗi sáng vị tư tế phải chất củi đốt trên bàn thờ. Trên bàn thờ này, vị tư tế phải bày tế vật rồi đốt cháy mỡ của các lễ tế cầu an" (Lev.6:5). Nay chúng ta hiểu được rằng những tế vật ngày xưa ám chỉ hy tế thập giá, một tế vật hoàn hảo. "So sánh với nhau người ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là 'lữa từ trời' tác dụng âm thầm nơi mầu nhiệm thập giá. Nhiệm xuất từ Cha, Ngài hướng hy tế của Con về Cha, đem hy tế này vào thực tại thần linh của mối hiệp thông ba ngôi" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 41).

Thế nên, suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta có thế nói rằng con người thấy được lời loan báo của thánh Gioan Tẩy Giả ở sông Dược Ðăng đã trọn vẹn hoàn tất: "Người (Ðức Kitô) sẽ rửa trong Thánh Thần và trong lửa" (Mt.3:11). Trong khi theo Cựu Ước thì lửa mà vị Tẩy Giả nói đến là biểu hiệu cho sự can thiệp tối cao của Thiên Chúa qua tác động nhờ Thánh Thần thanh tẩy lương tâm con người (x.Is.1:25; Zech.13:9; Mal.3:2-3; Sir.2:5), thì thực tại vượt trên tầm mức mẫu nghi tới chính hy tế thập giá đây là "phép rửa (hoàn hảo) chính Chúa Kitô phải lãnh nhận" (x.Mk.10:38). Trong cuộc sống và sứ vụ trần gian của mình, Chúa Kitô đã hết sức mong ngóng phép rửa này, như chính Người phán: "Thày đã đến để thắp lửa trên thế gian. Thày còn muốn gì hơn là làm cho nó bùng lên! Thày phải chịu một phép rửa. Thày cảm thấy sầu buồn biết mấy cho đến khi hoàn tất!" (Lk.12:49-50). Chúa Thánh Thần là ngọn "lửa" cứu độ, một ngọn lửa hoàn tất hy tế này.

Trong Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, chúng ta còn đọc thấy rằng, Chúa Kitô, "mặc dầu là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu" (5:8). Khi vào trần gian Người đã thưa cùng Cha: "Này Con xin đến để thực thi ý Chúa" (Heb.10:9). Nơi hy tế thập giá việc Người tuân phục hoàn toàn được thể hiện: "Nếu tội lỗi gây nên đau khổ, thì nỗi khổ đau của Thiên Chúa nơi Ðức Kitô bị đóng đanh nhờ Thánh Thần đã được diễn tả trọn vẹn nơi nhân loại... Thế nhưng, cũng từ thâm cung của nỗi khổ đau này... Thần Linh đã làm phát sinh một tầm mức mới của tặng ân đã được ban cho nhân loại cũng như cho tạo vật ngay từ ban đầu. Tình yêu làm việc nơi thâm cung của mầu nhiệm thập giá, một tình yêu mang con người về lại với việc thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 41).

Như thế, trong mối liên hệ với Thiên Chúa, "chúng ta có một vị thượng tế cao cả là Ðấng có thể cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách mọi bề song không hề phạm tội" (Heb.4:15). Trong mầu nhiệm Chúa Kitô tư tế làm môi giới trước nhan Chúa Cha mới này, có một can dự thiết yếu của Thần Linh vĩnh cửu là ngọn lửa yêu thương vô cùng.

"Chúa Thánh Thần xuống như tình yêu và tặng ân, bằng một cách nào đó, ngay lòng hy tế được hiến dâng trên thập giá. Căn cứ vào truyền thống Thánh Kinh, chúng ta có thể nói rằng: Ngài thiêu đốt hy tế này bằng ngọn lửa yêu thương hiệp nhất Con với Cha trong mối hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Mà bởi hy tế thập giá là một tác động xứng hợp với Chúa Kitô, do đó, cũng nơi hy tế này, Người đã 'nhận lấy' Chúa Thánh Thần. Người đã nhận lấy Thần Linh ở chỗ, Người - và chỉ một mình Người với Chúa Cha - có thể trao ban Thần Linh cho các tông đồ, cho Giáo Hội, cho nhân loại" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 41).

Thế nên, cũng có lý khi cho rằng mạc khải về Chúa Thánh Thần trong cuộc sống Chúa Kitô được hoàn trọn nơi thời điểm của hy tế thập giá. Biến cố Hiện Xuống và toàn bộ hiệu năng phát sinh bởi biến cố này cho thế gian đều được bắt nguồn từ thời điểm trọng yếu ấy. Vị "Thần Linh vĩnh cửu" làm việc nơi mầu nhiệm thập giá cũng là vị sẽ hiện xuống dưới hình thể "lưỡi lửa" đậu trên đầu các tông đồ ở nhà tiệc ly. Biểu hiệu "lưỡi lửa" này biểu hiệu cho việc Ngài dần dần sẽ thấm nhập vào giòng lịch sử nhân loại qua hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Cả chúng ta nữa cũng được kêu gọi tham gia vào lãnh vực hoạt động của quyền lực cứu độ nhiệm mầu này, một quyền lực đã được bắt đầu từ thập giá và nhà tiệc ly để, trong quyền lực này và nhờ quyền lực này, chúng ta được thu hút vào mối hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page