Tài liệu Làm việc của
Thượng Hội Ðồng Toàn Vùng Amazon
Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Ðồng Toàn Vùng Amazon.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 11-07-2019) - Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Ðồng Toàn Vùng Amazon:
Tài Liệu Làm Việc Vùng Amazon:
Các Nẻo Ðường Mới Cho Giáo Hội Và Nền Sinh Thái Toàn Diện
Thượng Hội Ðồng Giám Mục
Phiên Ðặc Biệt Dành Cho Toàn Vùng Amazon
Các chữ viết tắt
AG : Sắc lệnh Ad Gentes, Vatican Council II, 1965.
AL : Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Amoris Laetitia, Francis, 016.
CIMI : Hội đồng Truyền Giáo Bản địa, Hội Ðồng Giám Mục Ba Tây
CNBB : Hội Ðồng Giám Mục Ba Tây
CV : Thông điệp Caritas in Veritate, Benedict XVI, 2009.
DAp. : Tài liệu của Hội Nghị Toàn thể Thứ V của Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribbean (CELAM), Aparecida, Brazil, 2007.
DM : Tài liệu Hội Nghị Toàn Thể thứ II của CELAM, Medellín, Colombia, 1968.
Doc. Bolivia : Tài liệu Bolivia: Informe país: consulta pre-sinodal, Bolivia 2019.
Doc. Eje de Fronteras : Tài liệu Eje de Fronteras, Preparacão ao Sinodo para a Amazônia. Tabatinga, Brasil, 11 a 13 de fevereiro de 2019
Doc. Manaus : Documento da Assembleia dos Regionais Norte 1 e 2 da CNBB, "A Igreja e faz carne e arma sua tenda na Amazônia", Manaus, 1997, en: CONFERÊNCIA NACIONAL DOS BISPOS DO BRASIL, Desafio missionário, Documentos da Igreja na Amazônia, Coletânea, Ed. CNBB, Brasília, 2014, 67-84.
Doc. Preparatorio. : Tài liệu Chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng về Vùng Amazon: Những nẻo đường mới cho Giáo Hội và Nền Dinh thái Tòan diện, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng giám mục, 2018.
Doc. Venezuela : Tài liệu Venezuela. CEV. Respuestas asambleas (2019).
DP : Tài liệu của Hội Nghị Toàn thể Thứ III của Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribbean (CELAM), Puebla, Mexico, 1979.
DSD : Tài liệu của Hội Nghị Toàn thể Thứ IV của Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribbean (CELAM), Santo Domingo, Dominican Republic, 1992.
DV : Hiến chế Tín lý Dei Verbum, Vatican Council II, 1965.
EC : Tông hiến Episcopalis Communio, Francis, 2018.
EG : Tông huấn Evangelii Gaudium, Francis, 2013.
Fr.PM : Ðức Phanxicô, Diễn văn với "Cuộc Gặp gỡ của Người vùng Amazon", Coliseo Regional Madre de Dios (Puerto Maldonado), 19 tháng Giêng 2018.
IBGE : Viện Ðịa dư và Thống ke Ba Tây
LS : Thông điệp Laudato Si', Francis, 2015.
NMI : Tông thư Novo Millennio Ineunte, John Paul II, 2001.
OA : Tông thư Octogesima Adveniens, Paul VI, 1971.
PIAV : Các Dân tộc Bản địa Tự nguyện Cô lập
RM : Thông điệp Redemptoris Missio, John Paul II, 1990.
RP : Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Reconciliatio et Paenitentia, John Paul II, 1984.
SC : Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Vatican Council II, 1963.
Sint. REPAM : AA.VV., "Sistematización de aportes esenciales desde las voces de los actores territoriales", en: REPAM, Amazonía: Nuevos Caminos para la Iglesia y para la Ecología Integral. Síntesis general de la Red Eclesial Panamazónica - REPAM - Asambleas Territoriales, Foros Temáticos, Contribuciones especiales y escuchas sobre el Sínodo,Secretaría Ejecutiva de la REPAM, Quito, 2019.
SRS : Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, John Paul II, 1987.
VG : Tông hiến Veritatis Gaudium, Francis, 2017.
Dẫn Nhập
Thượng Hội Ðồng Giám mục ngày càng trở thành một dụng cụ ưu tuyển để lắng nghe dân Chúa: 'Cho các Nghị phụ Thượng Hội Ðồng, trước hết, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban ơn biết lắng nghe: lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Người chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu than của người ta; lắng nghe người ta cho đến khi hít được lòng khao khát mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tới" (EC 6)
1.Ngày 15 tháng 10 năm 2017, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô công bố việc triệu tập Thượng Hội Ðồng Ðặc biệt cho vùng Amazon, khởi diễn một diễn trình lắng nghe của Thượng Hội Ðồng bắt đầu tại Vùng Amazon với cuộc viếng thăm của ngài tại Puerto Maldonado (19/01/2018). Tài liệu Làm việc này là thành quả của một diễn trình dài bao gồm việc soạn thảo Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng vào tháng 6 năm 2018; và một cuộc thăm dò sâu rộng các cộng đồng Amazon [1].
2. Ngày nay, Giáo hội lại có cơ hội trở thành người lắng nghe, và đặc biệt tại khu vực này, nơi có rất nhiều điều đang gặp khó khăn. Lắng nghe ngụ ý nhìn nhận sự xuất hiện đầy cảm kích của Amazon như một chủ thể mới. Vì nhận được sự xem xét chưa đầy đủ trong bối cảnh quốc gia hoặc thế giới hoặc trong đời sống Giáo hội, chủ thể mới này hiện là một người đối thoại ưu tuyển.
3. Nhưng lắng nghe không phải là chuyện dễ. Một mặt, việc tổng hợp các câu trả lời cho bản câu hỏi của các Hội đồng Giám mục và cộng đồng vẫn luôn có tính tạm thời và không đầy đủ. Mặt khác, sự cấp thiết phải xác nhận các nội dung và đề nghị phải được dung hòa bởi một diễn trình hóan cải sinh thái và mục vụ cho phép nó được thách thức nghiêm túc bởi các khu ngoại vi về địa dư và hiện sinh (xem EG 20). Và diễn trình này phải tiếp tục trong và sau Thượng Hội Ðồng như một yếu tố chính của đời sống tương lai của Giáo hội. Amazon đang kêu nài một đáp ứng cụ thể và có tính hòa giải.
4. Tài liệu Làm việc bao gồm ba phần. Phần đầu tiên liên quan đến việc nhìn - nghe và có tựa đề là "Tiếng nói Amazon"; mục đích của nó là trình bày thực tại lãnh thổ và các dân tộc của nó. Phần thứ hai, "Sinh thái toàn diên": tiếng kêu than của trái đất và của người nghèo", nêu ra các vấn đề sinh thái và mục vụ, trong khi phần thứ ba, "Một Giáo hội Tiên tri ở Amazon: các thách thức và hy vọng", được dành cho các vấn đề giáo hội học và mục vụ.
5. Do đó, một Giáo hội được mời gọi ngày một có tính đồng nghị hơn bắt đầu bằng cách lắng nghe các dân tộc và trái đất nhờ việc tiếp xúc với thực tại phong phú của một Amazon đầy sức sống và khôn ngoan nhưng cũng đầy tương phản. Nó tiếp tục với tiếng kêu được kích thích bởi các hoạt động phá rừng và khai khoáng có tính phá hoại và đòi phải có một sự hóan cải sinh thái toàn diện. Và nó kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa biết linh hứng cho những nẻo đường, thách thức và hy vọng mới của một Giáo hội, khi chủ trương hóan cải mục vụ, ước muốn trở thành người Samaria nhân hậu và có tính tiên tri. Theo đề nghị của Mạng lưới Giáo hội Toàn-Amazon (REPAM), tài liệu này được cấu trúc trên cơ sở ba hóan cải mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta thực hiện: hóan cải mục vụ mà ngài gọi chúng ta trong Tông huấn Evangelii Gaudium (xem - nghe); hóan cải sinh thái mà Thông điệp Laudato si' thúc giục, thiết lập ra lộ trình (phán đoán - hành động); và hóan cải sang tính đồng nghị Giáo Hội được chi tiết hóa trong Tông hiến Episcopalis Communio, 1 tông hiến hướng dẫn việc cùng nhau bước đi (phán đoán - hành động). Tất cả những điều này diễn ra trong một diễn trình năng động lắng nghe và biện phân những nẻo đường mới, theo đó, Giáo hội tại Amazon sẽ công bố Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô trong những năm tới.
Phần I. Tiếng Nói AMAZON
"Thật là tốt đẹp khi, giờ đây, chính các bạn là những người tự xác định chính mình và cho chúng tôi thấy bản sắc của các bạn. Chúng tôi cần lắng nghe các bạn" (Fr.PM)
6. Truyền giảng Tin Mừng tại Châu Mỹ Latinh là một hồng ân Chúa Quan Phòng kêu gọi mọi người tới với sự cứu rỗi trong Chúa Kitô. Bất chấp việc thuộc địa hóa về quân sự, chính trị và văn hóa, và vuợt quá tham vọng và lòng tham của những người thực dân, có nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của mình để truyền bá Tin Mừng. Sự nhạy cảm truyền giáo này không chỉ linh hứng cho việc hình thành ra các cộng đồng Kitô hữu, mà cả việc ban hành luật lệ như các Ðạo Luật của Vùng Indies nhằm bảo vệ phẩm giá các dân tộc bản địa chống lại sự lạm dụng dân số và lãnh thổ của họ. Những sự lạm dụng như vậy đã làm tổn thương cộng đồng và làm lu mờ thông điệp của Tin mừng; Chúa Kitô thường bị công bố đồng lõa với các thế lực khai thác tài nguyên và đàn áp dân chúng.
7. Ngày nay, để thực thi vai trò tiên tri của mình một cách trong sáng, Giáo hội có cơ hội lịch sử để tự làm cho mình khác biệt rõ ràng với các thế lực thực dân mới bằng cách lắng nghe các dân tộc Amazon. Cuộc khủng hoảng xã hội môi trường hiện nay mở ra những cơ hội mới để trình bày Chúa Kitô trong mọi quyền năng giải phóng và nhân bản hóa của Người. Chương đầu tiên này được cấu trúc quanh bốn khái niệm chủ chốt liên quan chặt chẽ với nhau: sự sống, lãnh thổ, thời gian và đối thoại, trong đó, Giáo hội nhập thể với một khuôn mặt Amazon và truyền giáo.
Chương I: Sự sống
"Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào" (Ga 10:10)
Amazon, nguồn sự sống
8. Thượng Hội Ðồng này xoay quanh sự sống: sự sống của lãnh thổ Amazon và của các dân tộc của nó, sự sống của Giáo hội, sự sống của hành tinh. Như được phản ảnh trong các cuộc tham khảo với các cộng đồng Amazon, sự sống ở Amazon được đồng hóa, trong số những thứ khác, với nước. Sông Amazon giống như một động mạch của lục địa và thế giới, nó chảy như những mạch máu cung cấp cho hệ thực vật và động vật của lãnh thổ, giống như một dòng suối cho các dân tộc, các nền văn hóa và những biểu thức linh đạo của nó. Như trong Vườn Ðịa Ðàng (St 2: 6), nước là nguồn sự sống, nhưng cũng là mối liên hệ giữa các biểu hiện khác nhau của sự sống, trong đó mọi thứ đều được nối kết (xem LS, 16, 91, 117, 138, 240). "Dòng sông không phân cách chúng ta, nó hợp nhất chúng ta, nó giúp chúng ta cùng tồn tại giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau" (2).
9. Lưu vực sông Amazon và các khu rừng nhiệt đới bao quanh nuôi dưỡng đất đai và điều hòa các chu trình nước, năng lượng và thán khí ở cấp độ hành tinh, nhờ việc tái chế biến độ ẩm. Chỉ riêng sông Amazon đã chuyển 15% tổng lượng nước ngọt của hành tinh mỗi năm vào Ðại Tây Dương [3]. Amazon rất cần thiết cho việc phân phối lượng nước mưa ở các khu vực xa xôi khác của Nam Mỹ và góp phần vào sự chuyển động lớn của không khí quanh khắp hành tinh. Hơn nữa, nó nuôi dưỡng thiên nhiên, sự sống và văn hóa của hàng ngàn cộng đồng bản địa, nông dân, hậu duệ da đen (afro-descendant), sông hồ và đô thị. Nhưng cần lưu ý rằng theo các chuyên gia quốc tế, Amazon là khu vực dễ bị tổn thương thứ hai của hành tinh, sau Bắc Cực, nếu nói đến sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.
10. Lãnh thổ Amazon bao gồm một phần của Ba Tây, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và French Guiana. Nó có tổng cộng 7.8 triệu kilô mét vuông ở trung tâm Nam Mỹ. Các khu rừng Amazon có diện tích khoảng 5.3 triệu kilô mét vuông, chiếm 40% diện tích rừng nhiệt đới hoàn cầu. Ðây chỉ là 3.6% diện tích đất của trái đất, chiếm khoảng 149 triệu kilô mét vuông, tương đương khoảng 30% bề mặt hành tinh của chúng ta. Lãnh thổ Amazon chứa một trong những sinh quyển (biospheres) giàu nhất và phức tạp nhất về địa chất trên hành tinh. Sự phong phú tự nhiên của nó về nước, sức nóng và độ ẩm có nghĩa là hệ sinh thái của Amazon làm chủ khoảng 10% đến 15% sự đa dạng sinh học của mặct đất và lưu trữ từ 150 đến 200 tỷ tấn thán khí mỗi năm.
Sự sống dồi dào
11. Chúa Giêsu ban sự sống viên mãn (x. Ga 10,10), một sự sống tràn đầy Thiên Chúa, một sự sống cứu rỗi (zoe), bắt đầu với sáng thế và tự biểu lộ ngay từ đầu trong chiều kích căn bản nhất của sự sống (bios). Ở Amazon, nó được phản ảnh trong sự đa dạng sinh học và văn hóa phong phú của nó. Ðiều này có nghĩa, một sự sống trọn vẹn và toàn diện, một sự sống ca hát, một bài hát nừng sự sống, giống như những bài ca ngợi dòng sông. Ðó là một sự sống nhảy múa và đại diện cho thiên tính và mối liên hệ của chúng ta với thần tính này. "Như các giám mục khẳng định tại Aparecida, việc phục vụ mục vụ của chúng ta là một việc phục vụ "sự sống viên mãn của các dân tộc bản địa [1 điều] đòi phải công bố Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng của Nước Thiên Chúa, tố cáo các tình huống tội lỗi, các cơ cấu của chết chóc, bạo lực, và các bất công bên trong và bên ngoài, và cổ vũ đối thoại liên văn hóa, liên tôn giáo và đại kết (DAp 95). Việc công bố và tố cáo như vậy đuợc chúng ta biện phân dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kytô, Ðấng Hằng Sống (Kh 1:18), "sự viên mãn của mọi mặc khải" (DV 2).
"Sống tốt" (buen vivir)
12. Việc các dân tộc bản địa Amazon tìm kiếm sự sống dồi dào được phát biểu trong điều họ gọi là "sống tốt" (buen vivir) [4]. Tức là sống "hài hòa với bản thân, với thiên nhiên, với những con người nhân bản và với đấng tối cao, vì có sự thông đạt qua lại giữa toàn bộ vũ trụ, nơi không có người loại trừ hay người bị loại trừ, và giữa mọi người chúng ta, chúng ta có thể khuôn đúc một dự án sống viên mãn" (5).
13. Một cái hiểu như vậy về sự sống có đặc trưng ở tính nối kết và hài hòa các mối liên hệ giữa nước, lãnh thổ và thiên nhiên, đời sống cộng đồng và văn hóa, Thiên Chúa và các lực lượng tâm linh khác nhau. "Sống tốt" nghĩa là hiểu được tính trung tâm của đặc tính tương quan - siêu việt của con người nhân bản và của sáng thế, và bao gồm việc "làm tốt" hay các hành động tốt. Các chiều kích vật chất và tinh thần không thể bị ngắt kết. Cách thức toàn diện này tự phát biểu ra trong việc tự tổ chức cách khác biệt, bắt đầu từ gia đình và cộng đồng, và chấp nhận việc sử dụng có trách nhiệm mọi của cải của sáng thế. Một số người nói đến việc bước tới "vùng đất không có sự ác", hoặc đi tìm "ngọn đồi linh thánh", những hình ảnh phản ảnh các chuyển dịch cộng đồng và khái niệm hiện hữu của họ.
Sự sống bị đe dọa
14. Nhưng sự sống ở Amazon đang bị đe dọa bởi sự hủy hoại và khai thác môi trường và bởi sự vi phạm có hệ thống các nhân quyền căn bản của người Amazon. Cách riêng, việc vi phạm các quyền của các dân tộc bản địa, như quyền lãnh thổ, quyền tự quyết, quyền phân định lãnh thổ, được tham khảo và đồng ý trước. Theo các cộng đồng tham gia vào việc lắng nghe có tính đồng nghị này, mối đe dọa đối với sự sống xuất phát từ lợi ích kinh tế và chính trị của các nhóm thống trị trong xã hội ngày nay, đặc biệt là các công ty khai khoáng tài nguyên, thường có sự thông đồng hoặc được dung túng bởi chính quyền địa phương và quốc gia cũng như các nhà lãnh đạo bản địa truyền thống. Như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định, những người theo đuổi những lợi ích như vậy dường như đã bị ngắt kết hoặc thờ ơ trước các tiếng kêu than của người nghèo và của trái đất (x. LS 49, 91).
15. Nhiều cuộc tham khảo được tổ chức khắp Amazon cho thấy các cộng đồng cho rằng sự sống ở Amazon bị đe dọa đặc biệt bởi: (a) kết tội và ám sát các nhà lãnh đạo và người bảo vệ lãnh thổ; (b) chiếm đoạt và tư nhân hóa các của cải tự nhiên, chẳng hạn như nước; (c) cả nhượng bộ khai thác gỗ hợp pháp và khai thác gỗ bất hợp pháp; (d) săn bắn và câu cá có tính trấn lột, chủ yếu ở các dòng sông; (e) các siêu dự án: các nhượng quyền thủy điện và rừng, khai thác gỗ để sản xuất độc canh, xây dựng đường bộ và đường sắt, hoặc các dự án khai thác và dầu khí; (f) ô nhiễm do toàn bộ ngành công nghiệp khai khoáng gây ra, tạo nên nhiều vấn đề và bệnh tật, nhất là nơi trẻ em và thanh thiếu niên; (g) buôn bán ma túy; (h) các vấn đề xã hội do đó mà ra liên quan đến các mối đe dọa như nghiện rượu, bạo lực chống phụ nữ, mại dâm, buôn người, mất văn hóa và bản sắc gốc (ngôn ngữ, các thực hành và phong tục tâm linh), và mọi điều kiện nghèo đói mà người dân Amazon bị kết án (xem Fr.PM).
16. Hiện nay, biến đổi khí hậu và việc gia tăng sự can thiệp của con người (phá rừng, hỏa hoạn và thay đổi sử dụng đất) đang đẩy Amazon đến một điểm không thể quay trở lại, với tỷ lệ mất rừng cao, dân số bị buộc phải di dời và ô nhiễm. Chúng đang đặt các hệ sinh thái của nó vào nguy cơ và gây áp lực lên các nền văn hóa địa phương. Mức 4 độ bách phân của việc nóng lên hoặc 40% nạn phá rừng là "những điểm quá độ" (tipping points) của quần thể sinh vật Amazon theo hướng sa mạc hóa, nghĩa là một quá độ sang trạng thái sinh học mới thường là không thể đảo ngược. Và quả là điều đáng lo ngại khi nạn phá rừng hiện nay đã đạt tới từ 15 đến 20%.
Bảo vệ sự sống, đối đầu với bóc lột
17. Các cộng đồng được tham khảo ý kiến cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự đe dọa đối với sự sống sinh học và sự sống tinh thần, nghĩa là mối đe dọa toàn diện tổng thể. Sự phá hủy nhiều mặt lưu vực sông Amazon tạo ra sự mất cân bằng: mất cân bằng về lãnh thổ địa phương và hoàn cầu, mất cân bằng trong các mùa, mất cân bằng về khí hậu. Một trong những điều bị điều này ảnh hưởng là năng động lực sinh sản và tái sinh động vật và thực vật, gây khốn khổ cho mọi cộng đồng Amazon. Ví dụ, việc phá hủy và ô nhiễm thiên nhiên ảnh hưởng đến sản xuất, tiếp cận và phẩm chất thực phẩm. Vì vậy, việc chăm sóc có trách nhiệm đối với sự sống và "sống tốt" gắn liền với việc khẩn trương đối đầu với các mối đe dọa, xâm lược và thờ ơ trong lĩnh vực này. Việc chăm sóc sự sống trái ngược với nền văn hóa vứt bỏ, với nền văn hóa bóc lột, áp bức và dối trá. Ðồng thời, điều này có nghĩa là chống lại viễn kiến vô độ phải gia tăng không giới hạn, thờ ngẫu thần tiền bạc, một thế giới bị cắt rời khỏi cội nguồn và môi trường của nó, một nền văn hóa chết chóc. Nói tóm lại, việc bảo vệ sự sống ngụ ý bảo vệ lãnh thổ và các tài nguyên hoặc của cải tự nhiên của nó; nó cũng ngụ ý bảo vệ sự sống và nền văn hóa của các dân tộc của nó, củng cố các tổ chức của họ, khả năng thực thi đầy đủ các quyền của họ và khả thể được lắng nghe. Theo lời của chính người dân bản địa: "Chúng tôi, người bản địa Guaviare (Colombia), là một phần của thiên nhiên bởi vì chúng tôi là nước, không khí, trái đất và sự sống của môi trường do Thiên Chúa tạo dựng. Do đó, chúng tôi yêu cầu chấm dứt việc ngược đãi và hủy diệt 'Mẹ Trái đất'. Trái đất có máu và đang chảy máu, các công ty đa quốc gia đã cắt đứt các tĩnh mạch của 'Mẹ Trái đất' của chúng tôi. Chúng tôi muốn tiếng khóc bản địa của chúng tôi được cả thế giới lắng nghe" (6).
Khóc cho sự sống
18. Sự xâm lược và các mối đe dọa chống lại sự sống tạo ra các tiếng kêu khóc, cả từ người dân lẫn từ trái đất. Bắt đầu từ tiếng kêu khóc này như một chủ đề thần học (một nguồn cứ liệu [locus] để suy nghĩ về đức tin), người ta có thể khởi xướng các nẻo đường hoán cải, hiệp thông và đối thoại, những nẻo đường của Chúa Thánh Thần, của sự dồi dào và "sống tốt". Hình ảnh sự sống và "sống tốt" như "cách lên đồi linh thánh", ngụ ý hiệp thông với những người cùng hành hương và với thiên nhiên nói chung, nghĩa là một con đường hòa nhập với sự dồi dào sự sống, với lịch sử và với tương lai. Những nẻo đường mới này là điều cần thiết vì, từ góc độ mục vụ, khoảng cách địa dư lớn lao và sự đa dạng văn hóa phong phú của Amazon vẫn chưa được đề cập về phương diện mục vụ. Các nẻo đường mới đặt căn bản "trên các mối liên hệ liên văn hóa trong đó, sự đa dạng không có nghĩa đe dọa và không biện minh cho các phẩm trật quyền lực của một số người đối với những người khác, mà là đối thoại từ các viễn kiến văn hóa khác nhau, các cử hành, mối liên hệ qua lại và sự hồi sinh hy vọng" (DAp 97).
Chương II: Lãnh thổ
"Hãy cởi đôi dép của ngươi ra khỏi đôi chân của Ngươi, vì nơi ngươi bước lên là nơi thánh thiêng (Xh 3: 5)
Lãnh thổ, sự sống và mặc khải Thiên Chúa
19. Tại Amazon, sự sống được lồng, liên kết và tích hợp vào lãnh thổ. Không gian vật chất quan yếu và nuôi dưỡng này cung cấp khả thể, duy trì và giới hạn sự sống. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng Amazon - hoặc một lãnh thổ hoặc cộng đồng bản địa khác - không chỉ là một ubi hoặc một nơi (một không gian địa dư), mà còn là một quid hay một điều gì đó, một nơi có ý nghĩa đối với đức tin hoặc kinh nghiệm về Thiên Chúa trong lịch sử. Do đó, lãnh thổ là một cứ liệu thần học nơi đức tin được sống, và cũng là một nguồn mặc khải đặc biệt của Thiên Chúa: những nơi hiển dung (epiphanic) trong đó, dự trữ sự sống và sự khôn ngoan dành cho hành tinh này được biểu lộ, một sự sống và sự khôn ngoan nói về Thiên Chúa. Ở Amazon, "những cái vuốt ve của Thiên Chúa" trở thành hiển hiện và nhập thể vào lịch sử (x. LS 84, "Ðất, nước, núi non: mọi thứ đều như thể một sự vuốt ve của Thiên Chúa).
Một lãnh thổ trong đó mọi sự được nối kết
20. Một cái nhìn chiêm niệm, chăm chú và tôn kính vào anh chị em của mình, và cả thiên nhiên nữa - anh cây, chị hoa, chị em chim, anh em cá, và thậm chí cả những chị em nhỏ nhất như kiến, ấu trùng, nấm hoặc côn trùng ( xem LS 233) - cho phép các cộng đồng Amazon khám phá ra mọi sự được nối kết với nhau ra sao, trân qúy từng sinh vật, thấy mầu nhiệm vẻ đẹp của Thiên Chúa được mặc khải trong chúng (xem LS 84, 88) và sống với nhau một cách thân thiện.
21. Không có phần nào của lãnh thổ Amazon có thể tự mình tồn tại. Các bộ phận không những liên hệ với nhau ở bên ngoài, đúng hơn, chúng là các chiều kích từ cơ cấu, vốn hiện hữu trong tương quan, tạo thành một tổng thể quan yếu. Do đó, lãnh thổ Amazon cung cấp một giáo lý quan yếu để ta hiểu một cách toàn diện các tương quan của chúng ta với những người khác, với thiên nhiên và với Thiên Chúa, như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói (xem LS 66).
Vẻ đẹp và mối đe dọa đối với lãnh thổ
22. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lãnh thổ Amazon, chúng ta khám phá ra một kiệt tác sáng tạo của Thiên Chúa Sự Sống. Các chân trời vô tận với vẻ đẹp vô biên là một bài ca, một bài thánh ca dâng lên Ðấng Tạo Hóa. "Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Áo Ngài mặc : toàn oai phong lẫm liệt, cẩm bào Ngài khoác : muôn vạn ánh hào quang" (Tv 104 (3): 1-2). Biểu thức muôn mầu của sự sống là một bức tranh ghép của Thiên Chúa, Ðấng ban cho chúng ta một "di sản nhưng không mà chúng ta nhận được để bảo vệ, như một không gian quý giá dành cho cuộc sống chung của con người" và trách nhiệm chung "đối với lợi ích của mọi người" (DAp. 471). Lời mời gọi của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tại Puerto Maldonado để bảo vệ khu vực bị đe dọa này, để bảo tồn và khôi phục nó vì lợi ích của mọi người, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng vào khả năng của mình để xây dựng lợi ích chung và ngôi nhà chung của chúng ta.
23. Ngày nay, Amazon đang bị thương, vẻ đẹp của nó bị biến dạng, một nơi đau đớn và bạo lực, như các báo cáo của các Giáo hội địa phương đã chỉ ra một cách hùng hồn: "Rừng hoang không phải là một tài nguyên để khai thác, nó là một hữu thể hoặc nhiều hữu thể khác nhau để ta có tương quan với" [7]. "Chúng ta bị tổn thương bởi việc hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại rừng nhiệt đới, sự sống, con cái chúng ta và các thế hệ tương lai" [8]. Sự hủy hoại đa dạng sự sống con người và môi trường, các bệnh tật và ô nhiễm sông ngòi và đất đai, đốn và đốt cây, mất đa dạng sinh học một cách ồ ạt, nhiều loài diệt chủng (hơn một triệu trong số tám triệu động vật và thực vật đang gặp nguy cơ) [9], tạo thành một thực tại tàn bạo thách thức mọi người chúng ta.
Bạo lực, hỗn loạn và tham nhũng tràn lan. Lãnh thổ đã trở thành một không gian bất hòa và hủy diệt các dân tộc, văn hóa và các thế hệ. Những người bị buộc phải rời khỏi đất đai của họ thường rơi vào bẫy của mafias, buôn bán ma túy và buôn người (chủ yếu là phụ nữ), lao động trẻ em và mãi dâm trẻ em [10]. Thực tại bi thảm và phức tạp này nằm bên ngoài giới hạn của luật pháp và nhân quyền. Tiếng khóc than đau đớn của Amazon vang vọng lại tiếng khóc than của dân bị làm nô lệ ở Ai Cập, những người không bị Thiên Chúa bỏ rơi: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Aicập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập" (Xh 3: 7-8).
Lãnh thổ của hy vọng và "sống tốt"
24. Amazon là nơi có khả thể "sống tốt", và hứa hẹn cùng hy vọng có những nẻo đường mới cho sự sống. Sự sống ở Amazon được hòa nhập và hợp nhất với lãnh thổ; không có sự phân tách hoặc phân chia giữa các bộ phận. Sự hợp nhất này bao gồm trọn hiện sinh: việc làm, nghỉ ngơi, các liên hệ nhân bản, các nghi thức và cử hành. Mọi sự đều được chia sẻ; không gian tư riêng, rất đặc trưng của thời hiện đại, là điều tối thiểu. Sự sống diễn tiến trên nẻo đường cộng đồng nơi các nhiệm vụ và trách nhiệm được phân phối và chia sẻ vì lợi ích chung. Không có chỗ cho ý niệm cá nhân tách rời khỏi cộng đồng hoặc lãnh thổ của nó.
25. Cuộc sống của các cộng đồng Amazon chưa bị ảnh hưởng bởi nền văn minh phương Tây được phản ảnh trong các niềm tin và nghi thức liên quan đến các hành động của các thần linh, của 1 thần tính được đằt bằng nhiều tên gọi khác nhau hành động với và trong lãnh thổ, với và trong tương quan với thiên nhiên. Thế giới quan này được nắm bắt trong 'câu thần chú' của Ðức Phanxicô: "mọi sự được nối kết với nhau" (LS 16, 91, 117, 138, 240).
26. Sự hòa nhập của sáng thế, của sự sống được coi như một tổng thể bao trùm trọn hiện sinh, là nền tảng của nền văn hóa truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ qua việc lắng nghe túi khôn của tổ tiên - một kho dự trữ sống động của nền linh đạo và văn hóa bản địa. Sự khôn ngoan này linh hứng cho việc quan tâm và tôn trọng sáng thế, vì ý thức rõ ràng được các giới hạn của nó và ngăn cấm việc lạm dụng nó. Lạm dụng thiên nhiên là lạm dụng tổ tiên, anh chị em mình, sáng thế và Ðấng Tạo hóa. Lạm dụng tất cả những điều này là thế chấp tương lai.
27. Vũ trụ quan của Amazon và thế giới quan Kitô giáo đều đang gặp khủng hoảng do việc áp đặt chủ nghĩa trọng thương, thế tục hóa, nền văn hóa vứt bỏ và việc thờ ngẫu thần tiền bạc (x. EG 54-55). Cuộc khủng hoảng này đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ và bối cảnh đô thị vốn đánh mất gốc rễ vững chắc của truyền thống họ.
Chương III: Hoàng thời (Kairós)
"Ta đã nhậm lời ngươi vào thời Ta thi ân" (Is 49: 8; 2 Cr 6: 2)
Thời ân sủng
28. Amazon đang sống một thời ân sủng, một kairós (hoàng thời). Thượng Hội Ðồng Amazon là một dấu chỉ thời đại khi Chúa Thánh Thần mở ra những nẻo đường mới mà chúng ta biện phân được nhờ một cuộc đối thoại hỗ tương giữa toàn thể Dân Thiên Chúa. Cuộc đối thoại đã bắt đầu một thời gian trước đây, từ những người nghèo nhất, bắt đầu từ dưới đi lên, vì giả thiết rằng, "mọi diễn trình xây dựng đều chậm và khó khăn. Nó bao gồm thử thách phá vỡ không gian và cởi mở chính mình để làm việc với nhau, sống nền văn hóa gặp gỡ, [...]xây dựng một giáo hội chị em (11).
29. Các dân tộc nguyên thủy của Amazon có nhiều điều để dạy chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng trong hàng ngàn năm, họ đã chăm sóc đất đai, nước và rừng của họ và đã cố gắng bảo tồn chúng cho đến ngày hôm nay để nhân loại có thể hưởng lợi trong việc thưởng thức những hồng phúc nhưng không trong sáng thế của Thiên Chúa. Các nẻo đường truyền giảng Tin Mừng mới phải được xây dựng trong cuộc đối thoại với sự khôn ngoan của tổ tiên, trong đó những hạt giống của Lời Chúa trở nên hiển hiện.
Một thời để hội nhập văn hóa và tính liên văn hóa
30. Giáo hội tại Amazon đã đánh dấu sự hiện diện của nó trong khu vực bằng những kinh nghiệm đáng chú ý và theo những cách độc đáo, sáng tạo và hội nhập văn hóa. Phong cách truyền giảng Tin Mừng của nó không phải chỉ đơn thuần là một phản ứng chiến lược đối với thực tại hiện nay; đúng hơn, nó đi theo một nẻo đường tương ứng với các kairós (hoàng thời) có thể thúc đẩy dân Thiên Chúa đến chỗ chào đón Vương quốc của Người giữa tính đa dạng sinh học và xã hội của họ. Giáo hội trở nên xác thịt bằng cách quyết định cư ngụ - dựng "tapiri" hay nhà mái rạ - ở Amazon [12]. Ðiều này phù hợp với một cuộc hành trình đã bắt đầu với Công đồng Vatican II cho toàn thể Giáo hội; đã được công nhận trong Huấn quyền Châu Mỹ Latinh kể từ Medellin (1968); và được giả định rõ ràng cho Amazon ở Santarém (1972) [13]. Kể từ đó, Giáo hội tiếp tục tìm cách hội nhập văn hóa Tin mừng trước các thách thức lãnh thổ và các dân tộc của nó, trong cuộc đối thoại liên văn hóa với họ. Sự đa dạng độc đáo của khu vực Amazon - sinh học, tôn giáo và văn hóa - gợi ý một Lễ Ngũ Tuần mới.
Một thời của những thách thức nghiêm trọng và khẩn cấp
31. Ðẩy nhanh diễn trình đô thị hóa và mở rộng nông nghiệp được thực hiện bởi các doanh nghiệp nông nghiệp cộng với việc lạm dụng tài sản thiên nhiên bởi chính các dân tộc Amazon: Tất cả những điều này cộng với các than phiền lớn đã đề cập trước đó. Việc bóc lột thiên nhiên và các dân tộc Amazon (người bản địa, người mestizos (tạp chủng), người cạo mủ cao su, dân sông nước và thậm chí cả cư dân thành phố) gây ra một cuộc khủng hoảng hy vọng.
32. Các cuộc di cư trong những năm gần đây cũng làm tăng các thay đổi về tôn giáo và văn hóa trong khu vực. Ðối diện với các diễn trình biến đổi nhanh chóng, Giáo hội đã không còn là điểm tham chiếu duy nhất cho quyết định của người ta. Hơn nữa, cuộc sống mới tại thành phố không phải lúc nào cũng tử tế đối với các giấc mơ và khát vọng, nhưng thường làm mất phương hướng và mở cửa cho chủ nghĩa cứu thế (messianism) non yểu, bất nối kết, tha hóa và vô nghĩa.
Một thời của hy vọng
33. Trái ngược với thực tại trên, Thượng Hội Ðồng Amazon vì thế trở thành một dấu hiệu hy vọng cho người dân Amazon và cho toàn nhân loại. Ðó là một cơ hội lớn lao để Giáo hội khám phá sự hiện diện nhập thể và tích cực của Thiên Chúa: trong các biểu hiện đa dạng nhất của sáng thế; trong linh đạo của các dân tộc nguyên thủy; trong các biểu thức của lòng đạo bình dân; trong các tổ chức bình dân khác nhau nhằm chống lại các siêu dự án; và trong đề xuất một nền kinh tế liên đới, có năng suất và bền vững, tôn trọng thiên nhiên. Trong những năm gần đây, sứ mệnh của Giáo hội đã được thực hiện trong sự hợp tác với các khát vọng và đấu tranh vì sự sống và tôn trọng thiên nhiên của các dân tộc Amazon và các tổ chức của riêng họ.
34. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo hội, được nhận diện nhờ lịch sử thập giá và phục sinh này, muốn học hỏi, đối thoại và đáp ứng một cách đầy hy vọng và hân hoan các dấu chỉ thời đại cùng với các dân tộc của Amazon. Chúng ta hy vọng rằng việc học hỏi, đối thoại và đồng trách nhiệm như vậy cũng có thể mở rộng đến mọi ngõ ngách của hành tinh vốn mong muốn đạt tới sự viên mãn trọn vẹn của sự sống theo mọi ý nghĩa. Chúng ta tin rằng kairós (hoàng thời) này của Amazon, vốn là thời của Thiên Chúa, sẽ triệu tập và kích thích và là thời của ân sủng và giải phóng, của ký ức và hoán cải, của các thách thức và hy vọng.
Chương IV: Ðối thoại
"Chúng có mắt mà không thấy, chúng có tai mà không nghe" (Mc 8:18)
Các nẻo đường đối thoại mới
35. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra cho chúng ta nhu cầu nhìn lại để mở ra những nẻo đường đối thoại sẽ giúp chúng ta thoát khỏi con đường tự hủy hoại của cuộc khủng hoảng xã hội môi trường hiện nay [14]. Ðề cập đến các dân tộc Amazon, Ðức Giáo Hoàng cho rằng điều chủ yếu là thực hiện "cuộc đối thoại liên văn hóa, trong đó chính anh chị em sẽ là 'đối tác đối thoại chính, nhất là khi các dự án lớn ảnh hưởng đến vùng đất của anh chị em được đề xuất'. Việc nhìn nhận và đối thoại sẽ là cách tốt nhất để biến đổi các mối liên hệ lịch sử vốn có đặc điểm loại trừ và kỳ thị" (Fr.PM). Cuộc đối thoại địa phương trong đó Giáo hội muốn tham gia là để phục vụ sự sống và "tương lai của hành tinh chúng ta" (LS 14).
Ðối thoại và sứ mệnh
36. Vì Amazon là một thế giới đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo (xem DAp 86), nên việc thông đạt, và do đó truyền giảng Tin Mừng, đòi hỏi những cách gặp gỡ và sống chung với nhau có thể cổ vũ đối thoại. Trái ngược với đối thoại là việc thiếu lắng nghe và áp đặt nhằm ngăn cản chúng ta gặp gỡ, thông đạt và do đó, sống với nhau. Chúa Giêsu là một người đối thoại và gặp gỡ. Vì vậy, chúng ta thấy Người "với người phụ nữ Samaria, tại chiếc giếng nơi cô ấy tìm cách làm dịu cơn khát của mình (x. Ga 4: 7-26)" (EG 72); Cô ấy "đã trở thành một nhà truyền giáo ngay sau khi nói chuyện với Chúa Giêsu", và khi cô trở về làng của mình, "nhiều người Samaria đã tin vào Người 'vì chứng từ của người phụ nữ' (Ga 4:39)" (EG 120) . Chúa Giêsu đã có thể đối thoại và yêu thương vượt ra ngoài tính đặc thù trong di sản tôn giáo Samaria của cô. Ðây là cách truyền giảng Tin Mừng được thực hiện trong cuộc sống bình thường của Samaria, ở Amazon, trên toàn thế giới. Ðối thoại là một cuộc thông đạt vui tươi giữa "những người bày tỏ tình yêu của họ cho nhau" (EG 142).
37. Kể từ biến cố Nhập thể, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô luôn diễn ra trong phạm vi một cuộc đối thoại lịch sử và cánh chung của cõi lòng. Nó xảy ra trong các khung cảnh khác nhau của thế giới đa nguyên và đan kết qua lại với nhau của Amazon. Nó bao gồm các liên hệ chính trị với các quốc gia, các liên hệ xã hội với các cộng đồng, các liên hệ văn hóa với nhiều lối sống khác nhau và các liên hệ sinh thái với thiên nhiên và với chính mình. Ðối thoại tìm kiếm sự trao đổi qua lại, đồng thuận và thông đạt, thỏa hiệp và liên minh, nhưng không đánh mất vấn đề căn bản, nghĩa là, mối quan tâm đối với "một xã hội công bằng, biết đáp ứng và bao gồm" (EG 239). Do đó, đối thoại luôn ưu tiên chọn người nghèo, người bị gạt bỏ và loại trừ. Chính nghĩa công lý và sự khác biệt là các chính nghĩa của Nước Thiên Chúa. Chúng ta không bảo vệ "các kế hoạch do một số ít dành cho một số ít, hoặc một nhóm thiểu số hiểu biết hoặc bạo ăn bạo nói phác thảo" (EG 239).
Ðối thoại là về việc "đồng ý sống với nhau, một hiệp ước văn hóa và xã hội" (EG 239). Ðối với hiệp ước này, Amazon đại diện cho một pars pro toto, một phần cho toàn bộ, một mô hình, một hy vọng cho thế giới. Ðối thoại là phương pháp luôn phải được áp dụng để đạt được cuộc sống tốt [nếu buen vivir, thì sống tốt] cho mọi người. Những vấn đề lớn lao của nhân loại phát sinh ở Amazon sẽ không tìm được giải pháp qua bạo lực hoặc áp đặt, mà qua đối thoại và thông đạt.
Ðối thoại với các dân tộc Amazon
38. Chính các dân tộc của Amazon, nhất là người nghèo và khác biệt về văn hóa, là những người đối thoại và nhân vật chủ đạo của cuộc đối thoại. Họ đối mặt với chúng ta bằng ký ức quá khứ và với những vết thương gây ra trong thời kỳ lâu dài của thực dân. Ðó là lý do tại sao Ðức Giáo Hoàng Phanxicô khiêm tốn xin sự tha thứ, không chỉ vì những vi phạm của chính Giáo hội mà còn vì những tội ác chống lại các dân tộc nguyên thủy trong cuộc được gọi là chinh phục Mỹ Châu (15). Ðã có những khoảnh khắc lúc Giáo Hội đồng lõa với những người thực dân, và điều này đã bóp nghẹt tiếng nói tiên tri của Tin Mừng. Nhiều trở ngại đối với việc truyền giảng Tin Mừng theo lối đối thoại và việc cởi mở với sự khác biệt về văn hóa có tính lịch sử và ẩn khuất phía sau các học thuyết đã hóa đá. Ðối thoại là một diễn trình học hỏi, được tạo điều kiện bởi "việc cởi mở hướng tới siêu việt" (EG 205) và bị cản trở bởi các ý thức hệ.
Ðối thoại và học hỏi
39. Nhiều người Amazon vốn cố hữu là những người đối thoại và thông đạt. Có một diễn đàn đối thoại rộng lớn và chủ yếu giữa các linh đạo, tín ngưỡng và tôn giáo của Amazon, đòi hỏi cách tiếp cận của trái tim đối với các nền văn hóa khác nhau. Tôn trọng không gian này không có nghĩa là tương đối hóa các xác tín riêng của người ta, mà là nhìn nhận những con đường / nẻo đường khác biết tìm cách giải đoán mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Sự cởi mở không thành thật với người khác, giống như thái độ phò những nhóm quyền lợi lớn (corporatist), vốn chỉ dành ơn cứu rỗi độc nhất cho tín ngưỡng riêng của họ, là phá hoại chính tín ngưỡng đó. Ðây là điều Chúa Giêsu đã giải thích cho Luật sĩ trong dụ ngôn Người Samaria nhân hậu (Lc 10: 30-37). Tình yêu mang ra sống trong bất cứ tôn giáo nào cũng làm hài lòng Thiên Chúa. "Qua việc trao đổi các ơn phúc, Chúa Thánh Thần có thể dẫn chúng ta trọn vẹn hơn vào sự thật và sự thiện" (EG 246).
40. Một cuộc đối thoại có lợi cho sự sống là để phục vụ cho "tương lai của hành tinh chúng ta" (LS 14), của việc biến đổi các não trạng hẹp hòi, hóan cải các trái tim sắt đá và chia sẻ các sự thật với toàn thể nhân loại. Chúng ta có thể nói rằng đối thoại có tính Ngũ Tuần, cũng như sự ra đời của Giáo hội, một Giáo Hội đang hành trình tìm kiếm bản sắc mình hướng tới sự hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta khám phá ra bản sắc của chúng ta từ cuộc gặp gỡ với người khác, từ các khác biệt và sự trùng hợp cho chúng ta thấy sự khôn dò của thực tại và sự mầu nhiệm của việc Thiên Chúa hiện diện.
Ðối thoại và kháng cự
41. Sẵn lòng tham gia đối thoại thường gặp phải sự kháng cự. Các lợi ích kinh tế và mô hình kỹ trị (technocratic) bác bỏ bất cứ cố gắng thay đổi nào. Những người ủng hộ chúng sẵn lòng áp đặt bằng vũ lực, vi phạm các quyền căn bản của các dân tộc ở Amazon và các qui luật bảo đảm sự bền vững và bảo tồn nó. Trong tình huống như vậy, các khả thể đối thoại và gặp gỡ bị giảm thiểu rất nhiều và thậm chí biến mất trong một số trường hợp. Phải phản ứng với điều này ra sao? Một mặt, người ta nhất thiết sẽ trở nên phẫn nộ, không phải một cách bạo động, nhưng kiên quyết và có tính tiên tri. Ðó là sự phẫn nộ của Chúa Giêsu chống lại người Biệt Phái (x. Mc 3: 5; Mt 23) hoặc chống lại chính Phêrô (Mt 16:23) - điều mà Thánh Tôma Aquinô gọi là "sự phẫn nộ thánh thiện", bị kích động bởi các bất công [16], hoặc liên kết với các lời hứa chưa được thực hiện hoặc các phản bội đủ loại. Bước tiếp theo là tìm kiếm sự thỏa thuận, như chính Chúa Giêsu gợi ý (x. Lc 14: 31-32). Ðây là vấn đề thiết lập ra một cuộc đối thoại khả hữu và không bao giờ thờ ơ với những bất công của khu vực hoặc của thế giới [17].
42. Một Giáo hội tiên tri là một Giáo Hội lắng nghe các tiếng khóc và bài ca về nỗi đau và niềm vui. Ðồng thời khi chúng truyền cảm hứng, các bài hát dõi sáng các tình huống sống của người ta và trực giác được các giải pháp khả hữu và các thay đổi có tính biến đổi. Có những dân tộc hát lịch sử của họ và cả hiện tại của họ nữa, đến nỗi các người nghe các bài hát đó có thể thoáng thấy, có thể phác thảo tương lai của họ. Nói tóm lại, một Giáo hội tiên tri ở Amazon là một Giáo Hội đối thoại, biết cách tìm kiếm các thỏa thuận, và, từ việc chọn người nghèo và các chứng từ của họ về sự sống, biết tìm kiếm các đề xuất cụ thể có lợi cho một hệ sinh thái toàn diện. Một Giáo hội có khả năng biện phân và táo bạo khi đối mặt với việc lạm dụng các dân tộc và việc phá hủy các lãnh thổ của họ, biết đáp ứng không chậm trễ tiếng kêu của trái đất và của người nghèo.
Kết luận
43. Sự sống ở Amazon, nơi nước, lãnh thổ, và các bản sắc và linh đạo của các dân tộc được đan kết qua lại với nhau, mời gọi đối thoại và học hỏi về tính đa dạng sinh học và văn hóa của nó. Giáo hội tham dự và tạo ra các diễn trình học hỏi nhằm mở ra các nẻo đường đào tạo liên tục về ý nghĩa sự sống được hòa nhập vào lãnh thổ của nó và được làm giàu bằng túi khôn và kinh nghiệm của tổ tiên. Các diễn trình như vậy mời gọi chúng ta đáp ứng một cách trung thực và tiên tri tiếng kêu van sự sống của các dân tộc và vùng đất của Amazon. Ðiều này ngụ ý một cảm thức đổi mới về sứ mệnh của Giáo hội tại Amazon, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, đi ra ngoài gặp gỡ người khác, khởi diễn các diễn trình hóan cải. Trong bối cảnh này, không gian hiện đang được mở rộng để tái tạo các thừa tác vụ phù hợp với thời điểm lịch sử này. Ðây là thời điểm thích hợp để lắng nghe tiếng nói của Amazon và đáp ứng như một Giáo Hội có tính tiên tri và Samaria.
Phần II: Hệ Sinh Thái Toàn Diện: Tiếng Kêu Của Trái Ðất Và Của Người Nghèo
"Tôi đề nghị giờ đây chúng ta nên xem xét một số yếu tố của hệ sinh thái toàn diện ... các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội" (LS 137-8).
44. Phần II đề cập đến các vấn đề nghiêm trọng do các cuộc tấn công chống lại sự sống trên lãnh thổ Amazon gây ra. Sự gây hấn đối với khu vực quan trọng này của Mẹ Ðất và cư dân của Mẹ đe dọa sự tồn vong, nền văn hóa và linh đạo của họ. Nó cũng ảnh hưởng đến sự sống của toàn thể nhân loại, nhất là người nghèo, người bị loại trừ, bị đẩy qua bên lề, bị đàn áp. Tình hình hiện nay đang khẩn thiết kêu gọi phải có một cuộc hóan cải sinh thái toàn diện.
Chương I: Sự phá hủy của chính sách duy khai khoáng
"Ngày nay ... tội lỗi hiển hiện trong mọi sức mạnh hủy diệt của nó dưới ... các hình thức bạo lực và lạm dụng đa dạng, bỏ rơi những người dễ bị tổn thương nhất và tấn công vào thiên nhiên" (LS 66).
Tiếng kêu của Amazon
45. "Các dân tộc bản địa Amazon có lẽ chưa bao giờ bị đe dọa như vậy trên chính lãnh thổ của họ như hiện nay" (Fr.PM). Các dự án khai khoáng và nông nghiệp nhằm khai thác lãnh thổ mà không hề xem xét bất cứ điều gì đang phá hủy lãnh thổ này (xem LS 4, 146), một lãnh thổ đang có nguy cơ biến thành một hoang mạc (savannah) [18]. Amazon đang bị giành giật ở một số trận tuyến. Một trong số này đáp ứng các lợi ích kinh tế to lớn chỉ muốn dầu hỏa, khí đốt, gỗ, vàng, độc canh công nông nghiệp, v.v. Một trận tuyến khác là chủ nghĩa duy bảo tồn sinh thái chỉ quan tâm đến sinh quần nhưng bỏ qua các dân tộc ở Amazon. Cả hai mối đe dọa làm tổn thương đất đai và các dân tộc: "Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi những người khai thác gỗ, chủ trang trại và các bên thứ ba khác. Chúng tôi đang bị đe dọa bởi các tác nhân kinh tế đang thực thi một mô hình hoàn toàn xa lạ trong lãnh thổ của chúng tôi. Các công ty đốn gỗ vào lãnh thổ để khai thác rừng. Chúng tôi chăm sóc rừng cho con cái của chúng tôi. Chúng tôi có thịt, cá, cây dược liệu, cây ăn trái [...] Việc lắp đặt thủy điện và dự án đường thủy có tác động đến sông ngòi và các vùng lãnh thổ [...] Chúng tôi là một vùng lãnh thổ bị đánh cắp" (19).
46. Theo các cuộc tham khảo, tiếng kêu của Amazon phản ảnh ba nguyên nhân chính gây đau đớn. (a) Việc thiếu sự công nhận, phân định ranh giới và quyền sở hữu các vùng đất bản địa vốn là một phần tạo ra cuộc sống của họ. (b) Cuộc xâm lược của các dự án gọi là "phát triển" vĩ đại, mà thực sự phá hủy cả các vùng đất lẫn các dân tộc. Ví dụ quan trọng là các dự án thủy điện; khai thác mỏ hợp pháp và bất hợp pháp liên kết với các garimpeiros bất hợp pháp (những thợ mỏ không chính thức khai khoáng vàng); các dự án đường thủy đe dọa các nhánh chính của sông Amazon; các hoạt động hydrocarbon, các hoạt động chăn nuôi, phá rừng, canh tác độc canh, kỹ nghệ nông nghiệp và grilagem (chiếm dụng đất đai bằng cách sử dụng tài liệu giả). Nhiều trong số các dự án phá hoại nhân danh sự tiến bộ này được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương, quốc gia và nước ngoài. (c) Sự ô nhiễm sông ngòi, không khí, đất và rừng và sự suy giảm phẩm chất sự sống, các nền văn hóa và linh đạo. Do đó, ngày nay, "chúng ta phải nhận ra rằng một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn trở thành một cách tiếp cận xã hội; nó phải tích hợp các vấn đề công lý trong các cuộc tranh luận về môi trường, để nghe được "cả tiếng kêu của trái đất lẫn tiếng kêu của người nghèo" (LS 49). Ðó là điều Ðức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là hệ sinh thái toàn diện.
Hệ sinh thái toàn diện
47. Sinh thái toàn diện dựa trên việc thừa nhận ở trong các mối liên hệ là một phạm trù căn bản của con người. Ðiều này có nghĩa: chúng ta phát triển như những hữu thể nhân bản trên cơ sở các mối liên hệ của chúng ta với chính mình, với những người khác, với xã hội nói chung, với thiên nhiên / môi trường và với Thiên Chúa. Tính nối kết toàn diện này thường xuyên được nhấn mạnh trong các cuộc tham khảo với các cộng đồng Amazon.
48. Thông điệp Laudato Si' (các số 137-142) giới thiệu mô hình liên hệ này trong sinh thái toàn diện như là sự nối khớp căn bản các dây liên kết vốn làm cho sự phát triển thực sự nhân bản trở thành khả hữu. Các hữu thể nhân bản là một phần của hệ sinh thái tạo điều kiện cho các mối liên hệ đem lại sự sống cho hành tinh của chúng ta; do đó việc chăm sóc các hệ sinh thái này là rất cần thiết. Và nó có tính nền tảng đối với cả việc cổ vũ nhân phẩm lẫn lợi ích chung của xã hội và đối với việc chăm sóc môi trường. Khái niệm sinh thái toàn diện đã và đang soi sáng cho các quan điểm khác nhau tìm cách giải quyết các tương tác phức tạp giữa môi trường và con người, giữa việc quản lý của cải của sáng thế và các đề xuất phát triển và truyền giảng Tin Mừng.
Sinh thái toàn diện tại Amazon
49. Ðối với sự chăm sóc vùng Amazon, các cộng đồng thổ dân là những người đối thoại không thể thiếu, vì chính họ là những người thường chăm sóc tốt nhất các lãnh thổ của họ (xem LS 149). Do đó, lúc bắt đầu diễn trình Thượng Hội Ðồng, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, trong chuyến viếng thăm đầu tiên một khu vực Amazon, đã nói với các nhà lãnh đạo thổ dân địa phương: "Tôi muốn đến thăm anh chị em và lắng nghe anh chị em, để được ở bên nhau giữa lòng Giáo hội, để hợp nhất chúng ta trong việc đối đầu với các thách thức của anh chị em và cùng anh chị em tái khẳng định việc chân thành lựa chọn bảo vệ sự sống, bảo vệ đất đai và bảo vệ các nền văn hóa" (Fr.PM). Các cộng đồng Amazon chia sẻ quan điểm này về hệ sinh thái toàn diện: "mọi hoạt động của Giáo Hội ở Amazon phải bắt đầu từ tính toàn diện của hữu thể nhân bản (sự sống, lãnh thổ và văn hóa)" [20].
50. Tuy nhiên, để cổ vũ hệ sinh thái toàn diện trong đời sống hàng ngày của Amazon, điều cũng cần là phải hiểu khái niệm thông đạt và công lý liên thế hệ, bao gồm việc truyền tải kinh nghiệm, vũ trụ học, linh đạo và thần học có tính tổ tiên của người bản địa trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta [21]. "Trong cuộc tranh đấu, chúng ta phải tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa, vì sáng thế là của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa tiếp tục công việc của Người. Cuộc tranh đấu của tổ tiên chúng ta là tranh đấu cho những dòng sông này, cho các lãnh thổ của chúng ta, tranh đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn cho con cái chúng ta" (22).
Ðừng phá hủy Amazon
51. Nói một cách chuyên biệt, tiếng kêu của Amazon nói với chúng ta về những cuộc đấu tranh chống lại những kẻ muốn hủy diệt sự sống như được quan niệm một cách toàn diện. Các lực lượng như vậy được hướng dẫn bởi một mô hình kinh tế liên kết với sản xuất, thương mại và tiêu thụ, trong đó việc tối đa hóa lợi nhuận ưu tiên hơn nhu cầu con người và môi trường. Nói cách khác, các cuộc đấu tranh chống lại những người không tôn trọng nhân quyền và quyền thiên nhiên ở Amazon.
52. Một cuộc tấn công khác vào nhân quyền là việc qui thành tội phạm các cuộc biểu tình chống lại việc phá hủy lãnh thổ và các cộng đồng của nó, vì một số luật lệ trong khu vực mô tả chúng là bất hợp pháp [23]. Một sự lạm dụng nữa là phần lớn các quốc gia bác bỏ việc tôn trọng quyền tham khảo và chấp thuận trước của các nhóm bản địa và địa phương trước khi ban các nhượng quyền và hợp đồng khai thác lãnh thổ, mặc dù quyền như thế được Tổ chức Lao động Quốc tế công nhận rõ ràng: "những người có liên quan có quyền quyết định các ưu tiên của họ đối với diễn trình phát triển vì nó ảnh hưởng đến đời sống, các niềm tin, định chế và phúc lợi tinh thần của họ và vùng đất mà họ chiếm giữ hoặc sử dụng, và thi hành việc kiểm soát, tới mức có thể, trong phạm vi có thể, việc phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của riêng họ" [24]. Cũng những quyền này được các hiến pháp của một số quốc gia Amazon công nhận.
53. Bi kịch của cư dân Amazon xuất hiện không những ở việc mất đất do bị buộc phải di dời, mà còn chịu bị khuất phục trước sự dụ dỗ của tiền bạc, hối lộ và tham nhũng của các tác nhân của mô hình kinh tế kỹ thuật của "nền văn hóa vứt bỏ" (xem LS 22), đặc biệt là trong giới trẻ. Sự sống được liên kết và hòa nhập vào lãnh thổ, vì vậy bảo vệ sự sống là bảo vệ lãnh thổ, không có sự tách biệt giữa hai khía cạnh. Ðây là thông điệp trong rất nhiều chứng từ: "Họ đang lấy mất đất đai của chúng tôi - chúng tôi sẽ đi đâu? Vì bị lấy mất quyền này là hết đường tự bảo vệ mình trước những kẻ đe dọa sự sống còn của họ.
54. Việc đốn cây ồ ạt, tận diệt rừng nhiệt đới bằng những vụ đốt rừng có chủ ý, việc mở rộng biên giới nông nghiệp và độc canh là nguyên nhân của sự mất cân bằng khí hậu tại khu vực hiện nay, với những hiệu quả rõ rệt đối với khí hậu hoàn cầu, với kích thước hành tinh như hạn hán lớn và lũ lụt ngày càng thường xuyên hơn. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô gọi các lưu vực sông Amazon và Congo là "những lá phổi của hành tinh chúng ta", nhấn mạnh sự cấp bách phải bảo vệ chúng (LS 38).
55. Sáng thế được trình bày trong sách Sáng thế như một biểu hiện của sự sống, nuôi dưỡng, khả thể và giới hạn. Trong trình thuật đầu tiên (St 1: 1-2: 4a), con người được mời gọi liên hệ với sáng thế theo cùng một cách như Thiên Chúa. Trình thuật thứ hai (St 2: 4b-25) làm sâu sắc thêm quan điểm này với mệnh lệnh phải "canh tác" (trong tiếng Do Thái, nó cũng có nghĩa là "phục vụ") và "giữ" (thái độ bảo vệ và yêu thương) khu vườn (St 2: 15). Ðiều này ngụ ý mối quan hệ chịu trách nhiệm lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên" (LS 67), một quan hệ đòi hỏi phải thừa nhận một giới hạn thích hợp của thân phận tạo vật và do đó một thái độ khiêm nhường vì chúng ta không phải là chủ sở hữu hữu hoàn toàn (St 3: 3).
Các gợi ý
56. Thách thức đưa ra rất lớn: Làm thế nào phục hồi được lãnh thổ Amazon, giải cứu nó khỏi sự suy thoái do chính sách tân thực dân và khôi phục lại phúc lợi đích thực và lành mạnh của nó? Ðối với các cộng đồng thổ dân, chúng ta nợ họ hàng ngàn năm chăm sóc và canh tác Amazon. Trong túi khôn tổ tiên của họ, họ đã nuôi dưỡng xác tín rằng toàn bộ sáng thế đều được nối kết với nhau, và điều này đáng được chúng tôn trọng và chịu trách nhiệm. Nền văn hóa của Amazon, một nền văn hóa tích hợp con người với thiên nhiên, tạo nên một chuẩn mực để xây dựng một mô hình mới về sinh thái toàn diện. Trong sứ mệnh của mình, Giáo hội cần đảm nhận việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta:
a) Ðề xuất các đường hướng hành động có tính định chế có thể cổ vũ sự tôn trọng môi trường.
b) Sắp đặt các chương trình huấn luyện chính thức và không chính thức về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta cho các tác nhân mục vụ và tín hữu, và cởi mở đối với toàn thể cộng đồng, để "nâng cao ý thức của mọi người" (LS 214) như đã được yêu cầu bởi các chương V và VI của Thông điệp Laudato Si'.
c) Tố cáo việc vi phạm nhân quyền và sự hủy diệt gây ra bởi chủ nghĩa khai khoáng không hạn chế.
Chương II: Các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện (PIAV): Các mối đe dọa và việc bảo vệ
"Tôi nghĩ tới [...] các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện (PIAV). Chúng ta biết rằng họ là những người dễ bị tổn thương nhất trong số những người dễ bị tổn thương" (Fr.PM).
Các dân tộc ở các vùng ngoại vi
57. Trong lãnh thổ Amazon, theo các dữ kiện của các tổ chức Giáo hội chuyên ngành (ví dụ: CIMI) và các tổ chức khác, hiện có từ 110 đến 130 dân tộc bản địa khác nhau trong vùng Cô lập Tự nguyện hay "các dân tộc tự do". Họ sống bên lề xã hội hoặc chỉ tiếp xúc lẻ tẻ với nó. Chúng ta không biết tên, ngôn ngữ hoặc văn hóa riêng của họ. Ðó cũng là lý do tại sao chúng ta gọi họ là "những dân tộc cô lập", "tự do", "tự trị" hay "các dân tộc không có tiếp xúc". Những dân tộc này sống trong mối liên hệ sâu sắc với thiên nhiên. Nhiều người trong số họ đã quyết định tự cô lập mình vì trước đây họ bị chấn thương; những người khác đã bị bạo lực gạt sang một bên bởi việc bóc lột kinh tế Amazon. Các dân tộc này chống lại mô hình phát triển kinh tế săn mồi, diệt chủng và diệt môi sinh hiện thời, lựa chọn sống giam hãm để sống tự do (xem Fr.PM).
56. Một số "các dân tộc cô lập" sống trên những vùng đất độc hữu bản địa, những người khác sống trên các vùng đất bản địa chung với các "dân tộc đã được tiếp xúc", lại có những người sống trong khu vực bảo tồn và một số sống trong các vùng lãnh thổ biên giới.
Những người dễ bị tổn thương
59. Các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa của các doanh nghiệp kỹ nghệ nông nghiệp và của những người khai thác khoáng sản, gỗ và các tài nguyên thiên nhiên khác. Họ cũng là nạn nhân của nạn buôn bán ma túy, các siêu dự án về cơ sở hạ tầng như đập thủy điện và siêu lộ quốc tế, và các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến mô hình phát triển khai khoáng.
60. Nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ của những ngôi làng này gia tăng do sự hiện diện của những người lập cư, đốn gỗ, binh lính và nhân viên của các kỹ nghệ tài nguyên, hầu hết là đàn ông. Ở một số vùng của Amazon, 90% người bản địa bị sát hại tại các khu lập cư biệt lập là phụ nữ. Bạo lực và kỳ thị như vậy đe dọa nghiêm trọng sự sống còn về thể chất, tinh thần và văn hóa của các dân tộc bản địa này.
61. Thêm vào đó là sự thiếu công nhận quyền lãnh thổ của các dân tộc bản địa và của các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện. Việc qui kết là phạm tội các đồng minh của họ vì các cuộc biểu tình và việc cắt giảm ngân sách vốn dành để bảo vệ vùng đất của họ làm cho việc xâm chiếm lãnh thổ của họ trở nên dễ dàng hơn, do đó, đe dọa hơn nữa đến cuộc sống dễ bị tổn thương của họ.
Các gợi ý
62. Trước tình huống bi thảm này, và nghe thấy những tiếng kêu than của trái đất và của người nghèo (xem LS 49), quả là thích đáng để:
a) Yêu cầu các chính phủ liên hệ bảo đảm các nguồn lực cần thiết để bảo vệ hữu hiệu các dân tộc bản địa sống cô lập. Các chính phủ phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn thể lý của họ và sự toàn vẹn của lãnh thổ họ, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa hoặc các cơ chế bảo vệ khác theo luật pháp quốc tế, như các Khuyến cáo chuyhên biệt được quy định bởi Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (IACHR của OAS) và chứa trong chương cuối cùng của báo cáo, các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện và việc tiếp xúc ban đầu ở châu Mỹ (2013). Cũng cần phải bảo đảm quyền tự do được từ bỏ sự cô lập của họ khi họ muốn.
b) Yêu cầu bảo vệ các khu vực / khu bảo tồn thiên nhiên tại nơi chúng tọa lạc, đặc biệt là về việc phân ranh giới / quyền sử dụng của chúng để ngăn chặn sự xâm chiếm của những nơi họ sống.
c) Cổ vũ việc cập nhật điều tra dân số và lập bản đồ các vùng lãnh thổ nơi những dân tộc này sinh sống.
d) Thành lập các nhóm chuyên biệt trong các giáo phận và giáo xứ và lên kế hoạch hành động mục vụ chung tại các vùng biên giới vì đó là nơi người chuyên di chuyển được tìm thấy.
e) Thông báo cho các dân tộc bản địa về các quyền lợi của họ và thông báo cho công chúng về tình hình của họ.
Chương III: Di dân
"Cha tôi là một người Aram lang thang..." (Ðnl 26: 5)
Các dân tộc Amazon rời cư
63. Ở Amazon, di cư để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn là một hằng số lịch sử. Nó giống như một con lắc đến rồi đi [25], buộc phải di cư trong cùng một đất nước và ra nước ngoài, tự ý di cư từ khu vực nông thôn tới các thành phố cũng như di cư quốc tế. Sự chuyển dịch này [26] ở Amazon chưa được hiểu rõ hoặc giải quyết đầy đủ theo quan điểm mục vụ. Tại Puerto Maldonado, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến thực tại này: "Nhiều người đã di cư đến Amazon để tìm kiếm nhà ở, đất đai và việc làm. Họ đến tìm kiếm một tương lai tốt hơn cho bản thân và gia đình. Họ từ bỏ cuộc sống nghèo khó, nhưng xứng đáng. Nhiều người trong số họ, vì hy vọng rằng một số công việc nào đó sẽ chấm dứt tình trạng bấp bênh của họ, được lôi kéo bởi sức hấp dẫn đầy hứa hẹn của việc khai thác vàng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng vàng có thể biến thành một vị thần giả đòi hỏi sự hy sinh của con người" (27).
Nguyên nhân của di cư
64. Amazon là một trong những khu vực có mức độ di động quốc nội và quốc tế cao nhất ở Châu Mỹ Latinh. Các nguyên nhân của nó là chính trị xã hội, khí hậu và kinh tế cũng như đàn áp sắc tộc. Các nguyên nhân kinh tế chủ yếu được gây ra bởi các dự án chính trị, các siêu dự án và các công ty khai khoáng, thu hút công nhân nhưng đồng thời trục xuất cư dân của các khu vực bị ảnh hưởng. Sự xâm lăng đối với môi trường dưới danh nghĩa "phát triển" [28] đã làm giảm đáng kể phẩm chất cuộc sống của các dân tộc Amazon, cả dân cư thành thị lẫn nông thôn, do ô nhiễm lãnh thổ và mất khả năng sinh sản.
65. Do những nguyên nhân này, trên thực tế, khu vực đã trở thành một hành lang di cư. Những cuộc di cư như vậy xảy ra giữa các quốc gia vùng Amazon (như làn sóng di cư đang gia tăng từ Venezuela) hoặc đến các khu vực khác (ví dụ: đến Chile và Argentina) [29].
Các hậu quả của việc di cư
66. Hiện tượng di cư, bị lãng quên cả về chính trị lẫn mục vụ, đã góp phần gây bất ổn xã hội trong các cộng đồng Amazon. Các thành phố trong khu vực, nơi liên tục nhận được số lượng lớn người mới nhập cư, không thể cung cấp các dịch vụ căn bản mà người di cư cần. Ðiều này đã khiến nhiều người đi lang thang và ngủ ở các khu vực trung tâm thành phố, không có công ăn việc làm, không có thức ăn, không có nơi trú ẩn. Nhiều người trong số này thuộc các dân tộc bản địa buộc phải từ bỏ vùng đất của họ. "Các thành phố dường như là một vùng đất không có chủ sở hữu. Chúng là đích đến mà người ta thường hướng về sau khi bị đuổi khỏi lãnh thổ của họ. Thành phố phải được hiểu theo mô hình khai thác này: làm trống các vùng lãnh thổ để chiếm đoạt chúng, di dời dân cư và trục xuất họ vào thành phố" [30].
67. Hiện tượng này, trong nhiều điều khác, gây bất ổn cho các gia đình khi một trong hai cha mẹ đi xa tìm việc làm, để lại con cái và người trẻ lớn lên không có hình ảnh người cha và / hoặc người mẹ. Những người trẻ cũng di chuyển để tìm kiếm việc làm hoặc việc làm không đâu vào đâu miễn giúp duy trì những gì còn lại của gia đình, bỏ cả nền giáo dục tiểu học và chịu đựng đủ thứ lạm dụng và bóc lột. Ở nhiều vùng Amazon, những người trẻ này là nạn nhân của buôn bán ma túy, buôn người hoặc mại dâm (nam và nữ) [31].
68. Sự lơ là của các chính phủ liên quan đến việc thực thi các chính sách công có chất lượng trong nội địa, chủ yếu là giáo dục và y tế, cho phép diễn trình di động này tăng tốc mỗi ngày. Mặc dù Giáo hội đã đồng hành với dòng di cư này, những khoảng trống mục vụ vẫn còn trong khu vực Amazon cần được giải quyết.
Các gợi ý
69. Người di cư mong đợi gì từ Giáo hội? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ cách hữu hiệu hơn? Làm thế nào chúng ta có thể cổ vũ việc hội nhập giữa người di cư và cộng đồng địa phương?
a) Cần có sự hiểu biết tốt hơn về các cơ chế dẫn đến sự tăng trưởng bất cân xứng của các trung tâm đô thị và và việc bỏ các khu vực nội địa, bởi vì cả hai năng động tính đều là thành phần của cùng một hệ thống (mọi sự đều được nối kết). Mọi điều này đều đòi hỏi sự chuẩn bị của đầu và tim của các tác nhân mục vụ để đối diện với tình huống nguy cấp này.
b) Cần phải làm việc theo nhóm, thấm nhiễm lý tưởng truyền giáo mạnh mẽ và được phối hợp bởi những người có kỹ năng đa dạng và bổ túc cho nhau để hành động hữu hiệu. Vấn đề di cư cần được xử lý một cách có phối hợp, nhất là bởi các Giáo Hội ở biên giới.
c) Thiết lập một dịch vụ tiếp đón trong mỗi cộng đồng đô thị, có thể nhanh chóng chào đón những người đến bất ngờ có các nhu cầu khẩn cấp và cũng có thể cung cấp sự bảo vệ chống lại mối đe dọa của các tổ chức tội phạm.
d) Cổ vũ các dự án nông nghiệp-gia đình trong các cộng đồng nông thôn.
e) Làm cho cộng đồng giáo hội can dự vào việc áp lực các cơ quan công quyền đáp ứng các nhu cầu và quyền lợi của người di cư.
f) Cổ vũ sự hòa nhập giữa người di cư và cộng đồng địa phương trong khi tôn trọng bản sắc văn hóa của nhau, như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô từng tuyên bố:
"Hòa nhập, một điều không phải là đồng hóa hay sáp nhập, là một diễn trình hai chiều, bắt nguồn từ sự thừa nhận chung sự giàu có về văn hóa của người khác: đó không phải là sự áp đặt một nền văn hóa lên một nền văn hóa khác, cũng không phải là sự cô lập lẫn nhau, với rủi ro xảo quyệt và nguy hiểm tạo nên các khu 'ghettos' (biệt cư)" [32].
Chương IV: Ðô thị hóa
"Các thành phố tạo ra một lưỡng phân (ambivalence) vĩnh viễn vì, trong khi cung cấp cho các cư dân của chúng vô số khả thể, chúng cũng đem lại cho nhiều người đủ thứ trở ngại đối với việc phát triển toàn diện của cuộc sống của họ" (EG 74).
Ðô thị hóa vùng Amazon
70. Mặc dù ngày nay, người ta nói đến Amazon như lá phổi của hành tinh (xem LS 38) và là rổ bánh của thế giới, nhưng việc tàn phá khu vực và cảnh nghèo đói đã gây ra sự rời cư lớn lao của dân chúng nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Kết quả của cuộc "xuất hành này để đi tìm vùng đất hứa" là sự tăng trưởng của hiện tượng đô thị hóa trong khu vực [33], nơi các thành phố cấu thành một thực tại lưỡng phân. Kinh thánh miêu tả sự mơ hồ này khi trình bày Cain như người sáng lập các thành phố sau tội lỗi của hắn (St 4:17), nhưng sau đó cũng trình bầy nhân loại đang cố gắng hướng tới việc thực hiện lời hứa về Giêrusalem trên trời, nơi ở của Thiên Chúa với loài người (Kh 21 : 3).
71. Theo thống kê, dân số đô thị của Amazon đã tăng theo cấp số nhân; hiện có từ 70% đến 80% dân số cư trú tại các thành phố [34]. Nhiều người trong số họ thiếu cơ sở hạ tầng và các tài nguyên công cộng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đô thị. Khi số lượng thành phố tăng lên, số lượng cư dân nông thôn giảm đi.
Văn hóa đô thị
72. Tuy nhiên, vấn đề đô thị hóa không chỉ bao gồm việc rời cư của người dân và sự phát triển của các thành phố, mà cả việc truyền tải lối sống đô thị đặc thù. Kiểu mẫu của nó đi vào thế giới nông thôn, thay đổi tập quán, phong tục và cách sống truyền thống. Văn hóa, tôn giáo, gia đình, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, việc làm và các khía cạnh khác của cuộc sống thay đổi nhanh chóng để đáp ứng các lời mời gọi mới của thành phố.
Các thách thức đô thị
73. Ðưa Amazon vào thị trường hoàn cầu hóa tạo ra nhiều loại trừ hơn, cũng như việc đô thị hóa nghèo đói. Theo các câu trả lời cho Bảng câu hỏi của Tài liệu chuẩn bị, các vấn đề chính nảy sinh với việc đô thị hóa là:
a) Tăng bạo lực đủ loại.
b) Lạm dụng và khai thác tình dục, mại dâm và buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ.
c) Buôn bán và tiêu thụ ma túy.
d) Buôn bán vũ khí.
e) Di động tính nhân bản và khủng hoảng bản sắc.
f) Gia đình tan vỡ [35].
g) Các xung đột văn hóa và mất ý nghĩa trong cuộc sống.
h) Sự không hữu hiệu của các dịch vụ y tế / vệ sinh. [36]
i) Thiếu phẩm chất giáo dục và bỏ học [37].
j) Thiếu đáp ứng của các cơ quan công quyền đối với cơ sở hạ tầng và việc cổ vũ nhân dụng.
k) Thiếu tôn trọng quyền tự quyết và quyền tự chủ của dân chúng.
l) Tham nhũng hành chánh [38].
Các gợi ý
74. Có đề nghị cho rằng :
a) Phải cổ vũ một môi trường đô thị nơi các không gian công cộng được hồi sinh, với các quảng trường và trung tâm văn hóa được phân phối tốt.
b) Phải cổ vũ việc tiếp cận phổ cập giáo dục và văn hóa.
c) Phải cổ vũ ý thức về môi trường, tái chế rác và tránh đốt rác.
d) Phải cổ vũ một hệ thống vệ sinh môi trường và tiếp cận y tế phổ quát.
e) Phải biện phân cách giúp cải thiện cuộc sống nông thôn, với các phương thế sinh tồn khác như nông nghiệp gia đình.
f) Phải tạo các không gian để tương tác giữa túi khôn của người bản địa, sông ngòi và các dân tộc "quilombola" (nô lệ gốc Phi châu đã giải phóng ở Ba Tây) trong các khung cảnh đô thị và túi khôn của người dân thành thị, để tạo ra cuộc đối thoại và hòa nhập quanh việc chăm sóc cuộc sống.
Chương V: Gia đình và cộng đồng
"Chính Chúa Giêsu cũng được sinh ra trong một gia đình khiêm tốn, phải sớm chạy trốn đến một vùng đất xa lạ" (AL 21)
Các gia đình Amazon
75. Một chiều kích vũ trụ (cosmovivencia) của kinh nghiệm đang đập nhịp trong các gia đình. Nó dựa trên kiến thức và thực hành truyền thống lâu đời trong các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, y học, săn bắn và câu cá, hài hòa với Thiên Chúa, thiên nhiên và cộng đồng. Cũng chính trong gia đình, các giá trị văn hóa được truyền tải, như tình yêu đất đai, tính hỗ tương, liên đới, sống trong hiện tại, cảm thức gia đình, sự đơn giản, công việc cộng đồng, tự tổ chức, y học tổ tiên và giáo dục. Ngoài ra, văn hóa truyền khẩu (những câu chuyện, tín ngưỡng và bài hát) với màu sắc, quần áo, thức ăn, ngôn ngữ và nghi lễ của nó là một phần của di sản này được lưu truyền trong gia đình. Tóm lại, gia đình là nơi người ta học cách sống hòa hợp: giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, với thiên nhiên, trong cuộc đối thoại với các vị thần [39].
Các thay đổi xã hội và tính dễ bị tổn thương của gia đình
76. Gia đình ở vùng Amazon vốn đã là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân trong quá khứ và chủ nghĩa tân thực dân trong hiện tại. Việc áp đặt mô hình văn hóa phương tây đã khắc sâu một sự khinh miệt nào đó đối với người dân và phong tục của lãnh thổ Amazon, thậm chí còn gọi họ là những kẻ man rợ. Ngày nay, việc áp đặt mô hình kinh tế khai khoáng phương Tây một lần nữa ảnh hưởng đến các gia đình bằng cách xâm chiếm và phá hủy đất đai, văn hóa và cuộc sống của họ, buộc họ phải di cư đến các thành phố và vùng ngoại vi.
77. Những thay đổi tăng tốc hiện tại ảnh hưởng đến gia đình ở vùng Amazon. Do đó, chúng ta tìm thấy nhiều cơ cấu gia đình mới: gia đình cha mẹ đơn thân do một người phụ nữ đứng đầu; sự gia tăng các gia đình ly thân, các cuộc kết hợp đồng thuận và các gia đình tập hợp; và ít hơn là các cuộc hôn nhân theo định chế. Ngoài ra, người ta vẫn thấy phụ nữ bị khuất phục trong gia đình, trong khi bạo lực gia đình, cha mẹ vắng mặt, mang thai ở tuổi thiếu niên và phá thai đang gia tăng.
78. Gia đình trong thành phố là nơi tổng hợp, trong đó, các nền văn hóa truyền thống và hiện đại gặp nhau. Tuy nhiên, các gia đình thường phải chịu cảnh nghèo đói, nhà cửa bấp bênh, thiếu việc làm, tăng tiêu thụ ma túy và rượu, kỳ thị và thiếu niên tự tử. Ngoài ra, thiếu đối thoại giữa các thế hệ trong gia đình; các truyền thống và ngôn ngữ bị đánh mất. Các gia đình cũng phải đối diện với các vấn đề mới về sức khỏe; cần có sự giáo dục đầy đủ về việc làm mẹ. Người ta cũng thấy thiếu chú ý đến phụ nữ trong lúc mang thai và các giai đoạn trước lúc sinh và sau khi sinh [40].
Các gợi ý
79. Vùng Toàn Amazon rất đa văn hóa, do đó đóng góp lớn nhất là tiếp tục tranh đấu để bảo tồn vẻ đẹp của nó bằng cách củng cố cơ cấu gia đình-cộng đồng của các dân tộc của nó. Ðể đạt mục đích này, Giáo hội phải coi trọng và tôn trọng các bản sắc văn hóa. Cách riêng, nên:
a) Tôn trọng cách tổ chức cộng đồng riêng. Xét vì nhiều chính sách công ảnh hưởng đến bản sắc gia đình và tập thể, cần phải khởi xướng và hỗ trợ các diễn trình bắt đầu từ gia đình / thị tộc / cộng đồng để cổ vũ lợi ích chung, giúp vượt qua các cơ cấu nhằm tha hoá: "chúng ta phải tự tổ chức từ gia đình của mình" [41].
b) Nghe những bài hát học được trong gia đình như một cách phát biểu lời tiên tri trong thế giới Amazon.
c) Phát huy vai trò của phụ nữ, nhìn nhận các chức năng căn bản của họ trong việc hình thành và liên tục tính của các nền văn hóa, trong linh đạo, trong các cộng đồng và gia đình. Phụ nữ phải đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Giáo hội.
d) Nói rõ ràng các yếu tố của thừa tác vụ gia đình phản ảnh lời khuyên của Tông huấn Amoris laetitia:
i. Một thừa tác mục vụ đồng hành toàn diện với gia đình, không loại trừ các gia đình bị thương tích.
ii. Một thừa tác mục vụ bí tích có thể củng cố và khuyến khích mọi người và không loại trừ ai.
iii. Ðào tạo liên tục các tác nhân mục vụ, lưu ý tới Thượng Hội Ðồng gần đây và các thực tại của các gia đình Amazon.
iv. Một thừa tác mục vụ gia đình trong đó gia đình vừa là chủ thể vừa là nhà chủ đạo.
Chương VI: Tham nhũng
"Mọi điều này càng khiến những người bị thiệt thòi trở nên bực tức hơn trong bối cảnh tham nhũng tràn lan và có gốc rễ sâu xa ở nhiều quốc gia - trong chính phủ, doanh nghiệp và các định chế của họ - bất kể ý thức hệ chính trị nào của các nhà lãnh đạo của họ" (EG 60)
Tham nhũng ở Amazon
80. Tham nhũng ở Amazon ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các dân tộc và lãnh thổ của nó. Có ít nhất hai loại tham nhũng: một loại tồn tại bên ngoài luật pháp và loại kia được bảo vệ bởi luật pháp phản bội lợi ích chung.
81. Trong những thập niên gần đây, việc đầu tư vào việc khai thác các tài nguyên phong phú của khu vực Amazon bởi các công ty lớn đã tăng tốc. Nhiều công ty trong số này theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá mà không quan tâm đến sự thiệt hại xã hội - môi trường mà họ gây ra. Các chính phủ từng cho phép các thực hành như vậy, vì cần ngoại hối để thúc đẩy các chính sách công của họ, không phải lúc nào cũng chu toàn nghĩa vụ bảo vệ môi trường và quyền lợi người dân của họ. Do đó, tham nhũng chăng bẫy các thẩm quyền chính trị, tư pháp, lập pháp, xã hội, giáo hội và tôn giáo, những người nhận được lợi ích, nhưng đổi lại, phải cho phép các hành động của các công ty này (xem DAp 77). Có những trường hợp trong đó các công ty lớn và chính phủ tạo ra các hệ thống tham nhũng. Một số cá nhân giữ chức vụ công cộng hiện đang bị xét xử, đang ở tù hoặc đã bỏ trốn. Như Tài liệu Aparecida nói: "Cũng báo động tương tự là mức độ tham nhũng trong các nền kinh tế, bao gồm các khu vực công và tư, gia trọng bởi sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với toàn thể công dân. Tham nhũng thường liên kết với tai họa buôn bán ma túy hoặc các doanh nghiệp ma túy được tài trợ là những doanh nghiệp thực sự đang phá hủy cơ cấu kinh tế và xã hội trong toàn bộ khu vực" (DAp. 70).
Một tai họa đạo đức thuộc cơ cấu
82. Một nền văn hóa được tạo ra như thế để đầu độc nhà nước và các định chế của nó, thấm nhiễm mọi tầng lớp xã hội, kể cả các cộng đồng bản địa. Ðây thực sự là một tai họa đạo đức; kết quả là, niềm tin vào các định chế và đại diện của nó bị mất đi, chính trị và các tổ chức xã hội hoàn toàn mất uy tín. Các dân tộc Amazon không xa lạ gì với tham nhũng, và họ trở thành nạn nhân chính của nó.
Các gợi ý
83. Xét vì rõ ràng thiếu các phương tiện kinh tế của các Giáo hội đặc thù ở Amazon, cần đặc biệt chú ý đến nguồn gốc của các quyên góp hoặc các loại phúc lợi khác, cũng như các khoản đầu tư của các định chế giáo hội hoặc Kitô giáo. Các Hội đồng Giám mục có thể cung cấp một dịch vụ tư vấn và đồng hành, tham vấn và cổ vũ các chiến lược chung khi đối diện với tham nhũng tràn lan và cũng để giải quyết nhu cầu tạo ra và đầu tư các nguồn lực để hỗ trợ công việc mục vụ. Một phân tích cẩn thận là điều cần thiết khi đối đầu với việc buôn bán ma túy.
a) Chuẩn bị hàng giáo sĩ đúng cách để đối đầu với sự phức tạp, tinh tế và trầm trọng của các vấn đề cấp bách liên kết với tham nhũng và thi hành quyền lực.
b) Cổ vũ nền văn hóa trung thực và tôn trọng người khác và lợi ích chung.
c) Ðồng hành, cổ vũ và huấn luyện giáo dân, để họ hiện diện công khzai và có ý nghĩa trong chính trị, kinh tế, đời sống học thuật và mọi hình thức lãnh đạo (xem DAp. 406).
d) Ðồng hành cùng người dân trong cuộc tranh đấu của họ để chăm sóc các lãnh thổ của họ và tôn trọng quyền lợi của họ.
e) Ðiều tra cách tạo ra tiền bạc và cách đầu tư trong Giáo hội, vượt qua sự ngây thơ về vấn đề này qua một hệ thống quản trị và kiểm toán cộng đồng, lưu ý đến các quy tắc hiện hành của giáo hội.
f) Thiết lập các hình thức hùn hạp (partnership) của Giáo hội với các thực thể khác trong các sáng kiến đòi hỏi các công ty chịu trách nhiệm đối với các tác động xã hội - sinh thái trong hành động của họ, phù hợp với các thông số pháp lý của chính các quốc gia.
Chương VII: Vấn Ðề Sức Khỏe Toàn Diện
"Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng Arava, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành ... Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc" (Edk 47: 8,12 ).
Sức khỏe ở Amazon
88. Khu vực Amazon ngày nay chứa đựng sự đa dạng lớn nhất của hệ thực vật và động vật trên thế giới, và dân số bản địa của nó có một ý thức toàn diện về sự sống không bị ô nhiễm bởi chủ nghĩa duy vật kinh tế. Amazon là một lãnh thổ lành mạnh trong lịch sử lâu dài và sinh hoa trái của nó, mặc dù không thiếu bệnh tật. Tuy nhiên, với tính di động của người dân, với sự xâm lấn không kiểm soát của các ngành kỹ nghệ gây ô nhiễm, với các điều kiện biến đổi khí hậu, và trước sự thờ ơ của các cơ quan y tế công cộng, nhiều bệnh mới đã xuất hiện và các bệnh lý đã xuất hiện trở lại. Mô hình phát triển tập trung hoàn toàn vào khai thác kinh tế rừng, khai thác mỏ và sự phong phú hydrocarbon của Toàn Vùng Amazon ảnh hưởng đến sức khỏe của các sinh quần Amazon, cộng đồng của họ và toàn bộ hành tinh! Thiệt hại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn cả văn hóa và linh đạo của người dân: nó gây thiệt hại tới "sức khỏe toàn diện" của họ. Người dân Amazon có quyền có sức khỏe và "sống khỏe mạnh", có nghĩa là hài hòa với "những gì Mẹ Ðất cung ứng cho chúng ta" [42].
Ðánh giá và phát triển các loại thuốc truyền thống
85. Ðáp lại "nền văn hóa vứt bỏ" (xem LS 22), các môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi cổ vũ nền văn hóa chăm sóc và sức khỏe. Do đó, cam kết chăm sóc sức khỏe đòi hỏi các thay đổi khẩn cấp trong lối sống bản thân và trong các cơ cấu.
86. Sự phong phú của hệ thực vật và động vật của rừng nhiệt đới chứa "dược điển (pharmacopoeias) sống động" chân chính và các nguyên tắc di truyền chưa được khám phá. Nạn phá rừng ở Amazon sẽ ngăn chúng ta chia sẻ những phong phú như vậy, làm nghèo nàn các thế hệ tương lai. Hiện tại, tỷ lệ tuyệt chủng của các loài ở Amazon do các hoạt động của con người lớn hơn hàng ngàn lần so với các diễn trình tự nhiên. Cách duy nhất để bảo tồn sự phong phú này là chăm sóc lãnh thổ và rừng nhiệt đới Amazon và trao quyền cho người dân và công dân bản địa.
87. Các nghi thức và nghi lễ bản địa rất chủ yếu đối với sức khỏe toàn diện vì chúng tích hợp các chu kỳ khác nhau của sự sống con người và thiên nhiên. Chúng tạo ra sự hài hòa và cân bằng giữa con người và vũ trụ. Chúng bảo vệ sự sống khỏi những tội ác có thể gây ra bởi cả con người lẫn các sinh vật khác. Chúng giúp chữa các bệnh gây hại cho môi trường, sự sống con người và các sinh vật khác.
Các gợi ý
88. Chăm sóc sức khỏe của các cư dân bao gồm kiến thức chi tiết về cây thuốc và các yếu tố truyền thống khác vốn là thành phần của diễn trình chữa bệnh. Ðể đạt mục tiêu này, người dân bản địa dựa vào những người, trong suốt cuộc đời của họ, chuyên quan sát thiên nhiên và lắng nghe cùng thu thập kiến thức của người cao niên, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng vì ô nhiễm môi trường, cả thiên nhiên lẫn cơ thể của người dân ở Amazon đang xấu đi. Việc tiếp xúc với các yếu tố độc hại mới như thủy ngân làm cho các bệnh mới xuất hiện mà cho đến nay, các thầy lang cao tuổi chưa biết đến. Tất cả những điều này đặt túi khôn của tổ tiên vào nguy cơ. Ðó là lý do tại sao các câu trả lời cho Tài liệu Chuẩn bị nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn và truyền đạt kiến thức về y học cổ truyền [43]. Có đề nghị cho rằng phải giúp các dân tộc của Amazon duy trì, phục hồi, hệ thống hóa và phổ biến kiến thức này để cổ vũ sức khỏe toàn diện.
89. Ðương đầu với những căn bệnh mới này, cư dân buộc phải mua thuốc từ các công ty dược phẩm sử dụng cùng loại cây cỏ từ Amazon. Sau khi được tung ra thị trường, các loại thuốc này nằm ngoài khả năng tài chính của họ vì những lý do bao gồm bằng sáng chế thuốc và giá quá cao. Do đó, có đề nghị phải coi trọng y học cổ truyền, sự khôn ngoan của người cao niên và các nghi thức bản địa, và đồng thời tạo điều kiện để tiếp cận với các loại thuốc chữa các bệnh mới.
90. Nhưng không phải chỉ có dược liệu và thuốc hỗ trợ chữa bệnh. Nước và không khí sạch, và thực phẩm lành mạnh, trái cây của chính họ trồng trọt, hái lượm, săn bắn và đánh cá, đều là các điều kiện cần thiết cho sức khỏe toàn diện của các dân tộc bản địa [44]. Do đó, có đề nghị yêu cầu các chính phủ ra qui định nghiêm ngặt cho các ngành kỹ nghệ và tố cáo những kỹ nghệ làm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, có đề nghị phải tạo ra các không gian để tương tác và đồng hành giáo dục để phục hồi các thói quen "sống tốt", nhờ thế, tạo ra một nền văn hóa chăm sóc và phòng ngừa.
91. Cuối cùng, có đề nghị phải đánh giá các cơ cấu y tế của Giáo hội, như các bệnh viện và trung tâm y tế, về mặt sức khỏe toàn diện sẵn sàng có đó cho mọi cư dân vốn cậy nhờ y học cổ truyền như một thành phần trong các chương trình sức khỏe của họ.
Chương VIII: Giáo dục toàn diện
"Những người trẻ chúng tôi đã và đang đánh mất bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của chúng tôi nói riêng. Chúng tôi quên rằng chúng tôi có nguồn gốc của mình, rằng chúng tôi thuộc về một dân tộc nguyên thủy và chúng tôi đang để bản thân mình bị kỹ nghệ kéo đi. Không phải là điều tệ hại khi đi bằng cả hai chân, vừa biết hiện đại vừa chăm sóc truyền thống. Luôn luôn ở nơi bạn có cả hai thứ này hiện diện, ghi nhớ nguồn gốc của bạn, nơi bạn phát xuất và đừng quên đi" (Slendy Grefa, Doc. Consulta, Ecuador)
Một Giáo hội Ðồng nghị: Trò và Thầy
92. Thông qua việc lắng nghe hỗ tương các dân tộc và thiên nhiên, Giáo hội biến thành một Giáo hội đi ra ngoài cả về phương diện địa lý lẫn cơ cấu, và một Giáo hội là chị em và môn đệ thông qua tính Ðồng nghị (synodality). Ðây là điều Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ trong Tông Hiến Episcopalis Communio: "Do đó, Giám mục vừa là thầy vừa là trò ... Ngài là trò khi, nhờ biết rằng Chúa Thánh Thần đã được ban cho mọi người đã được rửa tội, ngài lắng nghe tiếng Chúa Kitô nói qua toàn thể dân Chúa" (EC 5). Chính Ðức Phanxicô đã trở thành học trò ở Puerto Maldonado bằng cách bày tỏ sự sẵn lòng lắng nghe tiếng nói của Amazon.
Giáo dục như một cuộc gặp gỡ
93. Giáo dục hàm ý một cuộc gặp gỡ và trao đổi trong đó các giá trị được thẩm hóa. Mỗi nền văn hóa đều giàu và nghèo cùng một lúc. Vì có tính lịch sử, văn hóa luôn có một chiều kích sư phạm học tập và cải tiến. "Khi các phạm trù nào đó của lý trí và khoa học được tiếp nhận vào việc công bố sứ điệp, các phạm trù này sẽ trở thành công cụ truyền giảng Tin Mừng; nước được đổi thành rượu. Bất cứ điều gì được tiếp nhận không chỉ được cứu chuộc, mà còn trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần để khai sáng và làm mới thế giới" (EG 132). Cuộc gặp gỡ "là việc mở lòng ra làm thành khả hữu sự gần gũi đó" (EG 171) của Chúa Thánh Thần, một sự gần gũi có thể dẫn đến nhiều học hỏi đa dạng.
94. Nền giáo dục này, một nền giáo dục phát triển qua sự gặp gỡ, khác với nền giáo dục tìm cách áp đặt lên người khác (và đặc biệt là người nghèo và dễ bị tổn thương) chính các thế giới quan vốn là chính nguyên nhân gây ra sự nghèo đói và dễ bị tổn thương của họ. Giáo dục ở Amazon không có nghĩa là áp đặt các thông số văn hóa, triết học, thần học, phụng vụ và các phong tục xa lạ lên các dân tộc Amazon. Ngày nay, "một số người chỉ đơn giản tự hài lòng với việc đổ lỗi cho người nghèo và các nước nghèo hơn vì đã gây rắc rối cho họ; tự cho phép mình tổng quát hóa không chính đáng, họ cho rằng giải pháp là một nền 'giáo dục' làm cho họ trầm lặng, khiến họ thuần hóa và vô hại" (EG 60). "Ðể đáp lại, chúng ta cần cung cấp một nền giáo dục dạy suy tư có phê phán và khuyến khích sự phát triển các giá trị đạo đức trưởng thành" (EG 64), một nền giáo dục cởi mở đối với tính liên văn hóa.
Giáo dục trong một hệ sinh thái toàn diện
95. Thế giới quan của các dân tộc bản địa Amazon bao gồm lời kêu gọi tự giải thoát khỏi một tầm nhìn rời rạc về thực tại, không có khả năng tri nhận các nối kết đa dạng, các liên hệ lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Giáo dục trong một hệ sinh thái toàn diện bao gồm mọi mối liên hệ cấu thành của các cá nhân và các dân tộc. Ðể hiểu viễn kiến giáo dục này, điều đáng làm là áp dụng cùng một nguyên tắc như trong vấn đề sức khỏe: mục tiêu là quan sát toàn bộ cơ thể và các nguyên nhân gây bệnh chứ không chỉ các triệu chứng mà thôi. Một hệ sinh thái lâu bền cho các thế hệ tương lai "không thể bị giản lược thành một loạt các giải đáp khẩn cấp và phiến diện cho các vấn đề tức thời như ô nhiễm, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Cần phải có một cách nhìn sự vật khác biệt, cách suy nghĩ, các chính sách, một chương trình giáo dục..." (LS 111). Một nền giáo dục chỉ dựa trên các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề môi trường phức tạp đã che giấu "các vấn đề thực sự và sâu sắc nhất của hệ thống hoàn cầu" (LS 111).
96. Như thế, đây là một nền giáo dục về sự liên đới phát sinh từ việc "ý thức được nguồn gốc chung của chúng ta" và "tương lai chung của mọi người" (LS 202). Các dân tộc bản địa có một phương pháp dạy-học dựa trên truyền tống truyền khẩu và thực hành kinh nghiệm với một diễn trình sư phạm được bối cảnh hóa trong từng giai đoạn. Thách thức là tích hợp phương pháp này trong cuộc đối thoại với các đề xuất giáo dục khác. Ðiều này đòi hỏi "một cuộc phát triển một nền đạo đức sinh thái và giúp người ta, qua nền sư phạm hữu hiệu, phát triển trong tình liên đới, trách nhiệm và chăm sóc cảm thương" (LS 210). Amazon mời chúng ta khám phá ra nhiệm vụ giáo dục như một dịch vụ toàn diện đối với toàn nhân loại nhằm một nền công dân có tinh thần sinh thái" (LS 211).
97. Giáo dục như vậy kết hợp cam kết chăm sóc trái đất với cam kết đối với người nghèo, và kích thích thái độ điều độ và tôn trọng mang ra sống qua "lối sống đơn giản có trách nhiệm, trong chiêm niệm một cách biết ơn thế giới của Thiên Chúa và quan tâm đến các nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường" (LS 214). Nền giáo dục như vậy "phải được diễn dịch thành các thói quen mới" (LS 209) lưu ý đến các giá trị văn hóa. Giáo dục, theo quan điểm sinh thái và Amazon, cổ vũ việc 'sống tốt', việc 'sống tốt với nhau' và 'các hành động tốt'; các điều này phải có thể tri nhận được và bền bỉ để có tác động đáng kể đối với ngôi nhà chung của chúng ta.
Các gợi ý
98. Các điều sau đây đã được gợi ý:
a) Ðào tạo các tác nhân mục vụ giáo dân trưởng thành để giúp họ phát triển về tinh thần trách nhiệm và óc sáng tạo.
b) Ðào tạo các thừa tác viên được phong chức:
1. Các kế hoạch đào tạo phải phản ảnh một nền văn hóa thần và triết học thích nghi với các nền văn hóa của Amazon, có khả năng được hiểu rõ và do đó nuôi dưỡng được đời sống Kitô hữu. Nền thần học và sinh thái học bản địa nên được tích hợp vì chính lý do này: điều này sẽ chuẩn bị cho họ biết lắng nghe và mở ra cuộc đối thoại trong đó việc truyền giảng Tin Mừng diễn ra.
2. Có đề nghị cải cách các cơ cấu chủng viện để tạo điều kiện cho việc tích nhập các ứng cử viên chức linh mục trong cộng đồng.
c) Các trung tâm đào tạo:
1. Các trường học: các kế hoạch giáo dục cần thiết để tập chú vào nền giáo dục có thể phản ảnh nền văn hóa của chính người ta và tôn trọng ngôn ngữ bản địa, một nền giáo dục toàn diện tương ứng với thực tại của chính người ta, để đối phó với tình trạng bỏ học và mù chữ, đặc biệt là nơi phụ nữ.
2. Ðại học: cần cổ vũ không những định hướng liên khoa mà còn giải quyết các vấn đề theo cách thức liên khoa, nghĩa là, ủng hộ một cách tiếp cận có thể khôi phục sự thống nhất trong đa dạng đối với kiến thức con người, dọc theo đường hướng nghiên cứu một hệ sinh thái toàn diện theo lời mở đầu của Tông Hiến Veritatis Gaudium.
3. Việc giảng dạy nền thần học bản địa Toàn-Amazon được yêu cầu trong mọi định chế giáo dục.
d) Nền thần học thổ dân vùng Amazon:
1. Ðiều đáng ước ao là làm sâu sắc hơn nền thần học thổ dân của người Amazon hiện nay, một điều sẽ giúp hiểu rõ hơn và nhiều hơn về nền linh đạo bản địa và do đó tránh phạm các sai lầm lịch sử từng xúc phạm nền văn hóa nguyên thủy.
2. Chẳng hạn, có yêu cầu phải lưu ý đến các huyền thoại, truyền thống, biểu tượng, kiến thức, nghi thức và các cử hành nguyên thủy, những điều vốn bao gồm các chiều kích siêu việt, cộng đồng và sinh thái.
Chương IX: Hoán cải sinh thái
"Vì vậy, điều mọi người cần là một sự hoán cải sinh thái, nhờ đó, các hiệu quả của việc họ gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô trở nên rõ ràng trong mối liên hệ của họ với thế giới xung quanh" (LS 217).
Chúa Kitô kêu gọi chúng ta hoán cải (x. Mc 1:15)
99. Một khía cạnh căn bản của gốc rễ tội lỗi con người là tách mình ra khỏi thiên nhiên và không nhìn nhận nó như một phần của con người và khai thác thiên nhiên không giới hạn, do đó phá vỡ giao ước nguyên thủy với sáng thế và với Thiên Chúa (St 3: 5). "Sự hài hòa giữa Tạo hóa, nhân loại và sáng thế như một toàn bộ đã bị phá vỡ bởi sự cao ngạo của chúng ta muốn thay thế Thiên Chúa và từ chối thừa nhận các hạn chế trong thân phận tạo vật của chúng ta" (LS 66).
Sau các gián đoạn do tội lỗi và trận lụt hoàn cầu, Thiên Chúa lập lại giao ước với chính con người và với sáng thế (St 9: 9-17), kêu gọi loài người chăm sóc nó.
100. Sự hòa giải với sáng thế mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta (xem LS 218) trước nhất hàm ý chúng ta phải vượt qua sự thụ động - như thái độ thụ động của Vua David từ chối nhận sứ mệnh của mình (x. 2 Sm 11: 1). Diễn trình phạm tội của Vua David bắt đầu với việc đích thân bỏ sót (ngài ở lại cung điện của mình khi quân đội xông pha ngoài chiến trận) và sau đó mang hình thức tích cực vi phạm các hành vi đáng trách dưới con mắt Thiên Chúa (ngoại tình, nói dối và giết người) liên quan đến những người khác, tạo ra một mạng lưới đồng lõa (2 Sm 11: 3-25). Tương tự như vậy, Giáo hội có thể bị cám dỗ cứ mãi khép kín trong chính mình, từ bỏ sứ mệnh loan báo Tin Mừng và làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện. Trái lại, một Giáo hội hướng ngoại là một giáo hội đối đầu với tội lỗi của thế giới này mà mình không hề xa lạ (x. EG 20-24). Tội lỗi này, như thánh Gioan Phaolô II đã nói, không chỉ mang tính bản thân mà còn có tính xã hội và cơ cấu nữa (Xem RP 16; SRS 36; SD 243; DAp. 92). "Mọi sự đều được nối kết", Ðức Phanxicô vốn cho biết (LS 138); "một khi con người tuyên bố độc lập khỏi thực tại và hành xử một cách thống trị tuyệt đối, thì chính các nền tảng của cuộc sống chúng ta bắt đầu sụp đổ" (LS 117). Chúa Kitô cứu chuộc toàn bộ sáng thế vốn bị nhân loại quy phục vào tội lỗi (Rm 8: 19-22).
Hoán cải toàn diện
101. Do đó, hoán cải cũng phải có cùng những bình diện cụ thể: bản thân, xã hội và cơ cấu, lưu ý các khía cạnh khác nhau của tính tương quan. Ðó là "một sự hoán cải bản thân toàn diện" xuất phát từ trái tim và mở ra "một sự hoán cải cộng đồng" nhìn nhận các liên kết xã hội và môi trường của nó, nghĩa là, một "hoán cải sinh thái" (xem LS 216-221). Việc hoán cải này ngụ ý nhìn nhận sự đồng lõa của bản thân và xã hội trong các cơ cấu tội lỗi, vạch mặt những ý thức hệ chuyên biện minh cho một lối sống tấn công sáng thế. Chúng ta thường nghe những câu chuyện nhằm biện minh cho hành động phá hoại của các nhóm quyền lực chuyên khai thác thiên nhiên, thống trị cư dân của nó một cách chuyên chế (x. LS 56, 200) và phớt lờ tiếng khóc đau đớn của trái đất và của người nghèo (x. LS 49 ).
Hoán cải Giáo Hội ở Amazon
102. Diễn trình hoán cải mà Giáo hội được kêu gọi thực hiện liên quan đến việc học bỏ (unlearning), học hỏi và học lại. Con đường này đòi một sự quan tâm phê phán và tự phê giúp chúng ta xác định được điều chúng ta cần phải học bỏ, điều gây hại cho ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó. Chúng ta cần thực hiện một hành trình nội tâm để tìm ra thái độ và não trạng ngăn cản chúng ta nối kết với chính mình, với người khác và với thiên nhiên. Như Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói, "các sa mạc bên ngoài trên thế giới đang phát triển, vì các sa mạc bên trong đã trở nên quá rộng lớn" [45]. Diễn trình này tiếp diễn khi người ta bắt đầu thán phục túi khôn của các dân tộc bản địa. Cuộc sống hàng ngày của họ cho chúng ta nhiều chứng từ cho thấy họ từng chiêm niệm, chăm sóc và liên hệ với thiên nhiên. Họ dạy chúng ta nhận ra chính mình như một phần của sinh quần và như những người đồng trách nhiệm cho việc chăm sóc nó trong hiện tại và tương lai. Do đó, chúng ta phải học lại cách dệt các mối dây nhằm nối kết mọi chiều kích của cuộc sống và thực hiện một cuộc khổ hạnh bản thân và cộng đồng giúp chúng ta "vun sới một cuộc sống điều độ và thỏa mãn" (LS 225).
103. Hoán cải được trình bày trong Sách Thánh như một chuyển động từ tội lỗi bước sang tình bạn với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô; đó là lý do tại sao nó thuộc về tiến trình đức tin (Mc 1:15). Nhìn vào thực tại của Amazon bằng con mắt đức tin giúp chúng ta đánh giá cao công việc của Thiên Chúa trong sáng thế và các dân tộc của nó, nhưng chúng ta cũng thấy sự hiện diện của cái ác ở nhiều bình diện khác nhau: chủ nghĩa thực dân (thống trị), một não trạng duy kinh tế - duy thương mại, chủ nghĩa duy tiêu thụ, chủ nghĩa duy cá nhân, kỹ trị, văn hóa vứt bỏ.
* Một não trạng đã được phát biểu trong lịch sử trong một hệ thống thống trị lãnh thổ, chính trị, kinh tế và văn hóa vẫn tồn tại cho đến ngày nay theo nhiều cách khác nhau nhằm kéo dài chủ nghĩa thực dân.
* Một nền kinh tế chỉ độc nhất dựa vào lợi nhuận như mục tiêu duy nhất của nó, loại trừ và chà đạp lên kẻ yếu nhất và lên thiên nhiên, tạo thành một ngẫu thần gieo rắc hủy diệt và chết chóc (x. EG 53-56).
* Một não trạng thực dụng quan niệm thiên nhiên như một nguồn tài nguyên đơn thuần và con người như những người sản xuất- tiêu dùng đơn thuần, xóa bỏ giá trị nội tại và đặc tính tương quan của tạo vật.
* "Chủ nghĩa duy cá nhân làm suy yếu các dây nối kết cộng đồng" (DAp. 44), làm lu mờ trách nhiệm đối với người hàng xóm, cộng đồng và thiên nhiên của ta.
* Sự phát triển kỹ thuật đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân loại, nhưng nó cũng đã trở thành một tuyệt đối và một công cụ để sở hữu, thống trị và thao túng (xem LS 106) thiên nhiên và con người. Tất cả những điều này tạo ra một nền văn hóa hoàn cầu chiếm ưu thế mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi là "mô hình kỹ trị" (LS 109).
* Kết quả là sự mất đi một chân trời siêu việt và nhân đạo và sự tràn lan của luận lý học "sử dụng rồi vứt đi" (LS 123), tạo ra "một nền văn hóa vứt bỏ" (LS 22) tấn công chính sáng thế.
Các gợi ý
104. Ðã có các gợi ý sau đây:
a. Vạch mặt các hình thức mới của chủ nghĩa thực dân hiện diện ở Amazon.
b. Nhận diện và phân tích có phê phán các ý thức hệ mới chuyên biện minh cho nạn diệt chủng ở Amazon.
c. Tố cáo các cơ cấu tội lỗi tại nơi làm việc trong lãnh thổ Amazon.
d. Nhận diện các lý do mà chúng ta thường dùng để biện minh cho sự tham gia của chúng ta vào các cơ cấu tội lỗi để phân tích chúng một cách có phê phán.
e. Ủng hộ một giáo hội như một định chế phục vụ (chứ không phải một định chế tự qui chiếu vào chính mình) biết chia sẻ trách nhiệm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và bảo vệ các quyền của các dân tộc.
f. Cổ vũ các thị trường liên đới sinh thái (eco-solidarity), tiêu thụ hợp tình hợp lý và "điều độ hạnh phúc" (LS 224, 225) biết tôn trọng thiên nhiên và các quyền lợi của người lao động. "Mua hàng luôn luôn là một hành động đạo đức - chứ không chỉ đơn giản kinh tế" (CV 66; LS 206).
g. Cổ vũ thói quen về tác phong, sản xuất và tiêu thụ, tái chế biến và tái sử dụng chất thải.
h. Cứu các huyền thoại và cập nhật các nghi thức và cử hành cộng đồng có khả năng góp phần đáng kể vào diễn trình hoán cải sinh thái.
i. Cảm ơn các dân tộc bản địa đã chăm sóc lãnh thổ suốt thời gian qua và nhận ra trong đó túi khôn tổ tiên từng tạo cơ sở cho cách hiểu tốt đẹp về sinh thái toàn diện.
j. Tạo nên các hành trình mục vụ hữu cơ trên cơ sở nền sinh thái toàn diện để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, với sự hướng dẫn của chương 5 và 6 trong thông điệp Laudato Si'.
k. Giáo hội địa phương chính thức công nhận thừa tác vụ đặc biệt của các tác nhân mục vụ, nhằm cổ vũ việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
Phần III: Một Giáo Hội Tiên Tri Tại Amazon: Các Thách Thức Và Hy Vọng
"Phải chi toàn dân của Chúa đều được làm tiên tri! Ước chi Chúa ban Thần khí của Người xuống trên họ" (Ds 11:29)
105. Việc tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô và việc được gặp gỡ sâu sắc với Người qua hoán cải và kinh nghiệm đức tin giả định một Giáo hội biết chào đón và có tinh thần truyền giáo được nhập thể vào các nền văn hóa. Giáo Hội này phải lưu ý các bước đã thực hiện để đáp ứng các chủ đề đầy thách thức về tính trung tâm của sứ điệp sơ truyền (kerygma) và của sứ mệnh trong khu vực Amazon. Mô hình này của hành động Giáo Hội truyền cảm hứng cho các thừa tác vụ, giáo lý, phụng vụ và thừa tác mục vụ xã hội ở cả nông thôn lẫn thành thị.
106. Những nẻo đường mới cho thừa tác mục vụ ở Amazon đòi hỏi "phải tái phát động ... một cách trung thành và táo bạo" sứ mệnh của Giáo Hội (DAp. 11) tại lãnh thổ và làm sâu sắc thêm "diễn trình hội nhập văn hóa" (EG 126) và tính liên văn hóa (x. LS 63, 143, 146). Ðiều này đòi hỏi những đề xuất "mạnh bạo" của Giáo hội tại Amazon; ngược lại, Giáo Hội này giả thiết phải có can đảm và đam mê, như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu chúng ta. Truyền giảng Tin Mừng tại Amazon là một tập hợp các thử nghiệm cho Giáo hội và cho xã hội [46].
Chương I: Một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon và truyền giáo
"Hãy để khuôn mặt Ngài tỏa sáng trên tôi tớ Ngài" (Tv 31 [30]: 17)
Một khuôn mặt biểu cảm phong phú
107. Bộ mặt Amazon của Giáo hội được biểu lộ rõ qua sự đa dạng của các dân tộc, nền văn hóa và hệ sinh thái của nó. Sự đa dạng này đòi hỏi Giáo hội phải quyết định trở thành một Giáo hội đi ra ngoài và truyền giáo, được nhập thể vào mọi hoạt động, cách diễn đạt và ngôn ngữ của nó. Các Giám mục ở Santo Domingo đề nghị với chúng ta mục tiêu của một việc truyền giảng Tin Mừng hội nhập văn hóa "sẽ luôn là sự cứu rỗi và giải thoát toàn diện một dân tộc hoặc một nhóm người đặc thù; nó cũng sẽ củng cố bản sắc và niềm tin của họ vào tương lai chuyên biệt, chống lại quyền lực sự chết" (DSD, Kết luận 243). Và Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu rõ ràng nhu cầu phải có một Giáo hội hội nhập văn hóa và liên văn hóa này: "chúng ta cần các dân tộc bản địa lên khuôn nền văn hóa của các Giáo hội địa phương ở Amazon" (Fr.PM).
108. Sự hòa nhập và tính liên văn hóa không đối nghịch lẫn nhau; chúng bổ túc cho nhau. Như Chúa Giêsu nhập thể vào một nền văn hóa đặc thù (hội nhập văn hóa) thế nào, các môn đệ truyền giáo của Người cũng dấn bước theo chân Người như vậy. Vì lý do này, các Kitô hữu từ một nền văn hóa này đi ra ngoài để gặp gỡ những người từ các nền văn hóa khác (tính liên văn hóa). Ðiều này xảy ra từ buổi đầu của Giáo hội khi các Tông đồ người Do Thái mang Tin mừng đến các nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như văn hóa Hy Lạp, phát hiện ở đó "nhiều hạt giống của Lời Chúa" [47]. Những nẻo đường mới của Chúa Thánh Thần xuất hiện từ cuộc gặp gỡ và đối thoại ấy giữa các nền văn hóa. Ngày nay, trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với các nền văn hóa Amazon, Giáo hội tiếp tục tìm kiếm những nẻo đường mới.
109. Theo Tài liệu Aparecida, việc ưu tiên chọn người nghèo là tiêu chuẩn giải thích để phân tích các đề nghị xây dựng xã hội (501, 537, 474, 475) và tiêu chuẩn để Giáo hội tự hiểu chính mình. Ðây cũng là một trong những đặc điểm theo qui luật tự nhiên rất đặc trưng cho Giáo hội Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean (391, 524, 533) và mọi cơ cấu của nó, từ giáo xứ đến các trung tâm giáo dục và xã hội (176, 179, 199, 334 , 337, 338, 446, 550). Khuôn mặt Amazon là khuôn mặt của một Giáo hội với việc rõ ràng lựa chọn người nghèo (và với người nghèo) [48] và sự chăm sóc sáng thế. Từ người nghèo, và từ thái độ chăm sóc của cải Thiên CHúa ban, những nẻo đường mới được mở ra cho Giáo hội địa phương và từ đó hướng tới Giáo hội hoàn vũ.
Một khuôn mặt địa phương với chiều kích hoàn vũ
110. Một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon cố gắng trở thành một Giáo Hội "đi ra ngoài" (EG 20-23), bác bỏ truyền thống chỉ có một nền văn hóa, giáo sĩ trị và thực dân tự áp đặt lên chính mình, và biết cách biện phân và không sợ hãi ủng hộ các biểu thức văn hóa đa dạng của các dân tộc. Khuôn mặt này cảnh cáo rằng quả thật là nguy hiểm "khi chúng ta phải thốt ra một thông điệp thống nhất và đưa ra một giải pháp có giá trị phổ quát" (x. OA 4; EG 184). Chắc chắn thực tại xã hội văn hóa phức tạp, đa nguyên, mâu thuẫn và mờ đục ngăn cản việc áp dụng "một bộ học thuyết độc khối được bảo vệ bởi mọi người và không chừa chỗ nào cho các sắc thái" (EG 40). Do đó, tính phổ quát hay Công Giáo của Giáo hội được làm phong phú "bởi vẻ đẹp trên khuôn mặt đa dạng của Giáo hội" (NMI 40) trên đó các biểu hiện khác nhau của các giáo hội đặc thù và các nền văn hóa của họ tạo nên một Giáo hội đa diện (xem EG 236).
Một khuôn mặt thách thức đối đầu với các bất công
111. Lên khuôn một Giáo hội với khuôn mặt Amazon bao gồm một chiều kích giáo hội, xã hội, sinh thái và mục vụ, thường xung đột nhau. Thực thế, tổ chức chính trị và pháp lý không phải lúc nào cũng lưu ý đến bộ mặt văn hóa của nền công lý riêng của các dân tộc và định chế của họ. Giáo hội không xa lạ gì với sự căng thẳng này. Ðôi khi nó có xu hướng áp đặt một nền văn hóa xa lạ đối với Amazon khiến chúng ta không thể hiểu được các dân tộc của nó và đánh giá được thế giới quan của họ.
112. Thực tại của các giáo hội địa phương đòi một Giáo hội biết tham gia tự làm cho mình hiện diện trong đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và sinh thái của cư dân; một Giáo hội biết chào đón hiếu khách đối với sự đa dạng văn hóa, xã hội và sinh thái để có thể phục vụ các cá nhân hoặc các nhóm mà không kỳ thị; một Giáo hội có óc sáng tạo biết đồng hành cùng người dân của mình trong việc đưa ra các đáp ứng cho những nhu cầu mới mẻ; và một Giáo hội hòa hợp biết phát huy các giá trị hòa bình, thương xót và hiệp thông.
Một khuôn mặt hội nhập văn hóa và truyền giáo
113. Sự đa dạng về văn hóa đòi hỏi một sự nhập thể mạnh mẽ hơn để đón nhận những cách sống và các nền văn hóa khác nhau. "Nguyên tắc nhập thể được Thánh Irênê phát biểu vẫn còn hiệu lực trong trật tự mục vụ: 'Ðiều gì không được tiếp nhận thì không được cứu chuộc'"[49]. Những thúc đẩy và cảm hứng quan trọng cho việc hội nhập văn hóa hằng mong muốn này được tìm thấy trong huấn quyền Giáo hội và trong tiến trình của các Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Châu Mỹ Latinh (Medellín, 1968, Puebla, 1979, Santo Domingo, 1992, Aparecida, 2007), của các cộng đồng, các vị thánh và các vị tử đạo của nó [50]. Một thực tại quan trọng của diễn trình này là sự xuất hiện của nền thần học Mỹ Latinh, nhất là nền thần học Thổ dân.
114. Xây dựng một Giáo hội truyền giáo với khuôn mặt địa phương có nghĩa là tiến bộ trong việc xây dựng một Giáo hội hội nhập văn hóa, biết cách làm việc và ăn khớp (như các dòng sông trong lưu vực sông Amazon) với những gì có sẵn về mặt văn hóa, trong mọi lĩnh vực nơi nó hiện diện và hoạt động. "Làm Giáo Hội có nghĩa làm dân Thiên Chúa" (EG 114), được nhập thể "vào các dân tộc trên trái đất" và vào nền văn hóa của họ (EG 115).
Chương II: Những thách thức của việc hội nhập văn hóa và tính liên văn hóa [51]
"Trong sự đa dạng của các dân tộc đang trải nghiệm ơn phúc của Thiên Chúa, mỗi dân tộc theo văn hóa riêng của mình, Giáo hội phát biểu tính Công Giáo chân chính của mình và cho thấy 'vẻ đẹp khuôn mặt đa dạng của mình'" (EG 116).
Trên nẻo đường dẫn đến một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon và bản địa
115. Sứ mệnh của Giáo hội là loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu thành Nadarét, Người Samaria nhân hậu (Lc 10: 25-36), Ðấng có lòng cảm thương đối với nhân loại bị thương và bị bỏ rơi. Giáo hội công bố mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh của Người cho mọi nền văn hóa và mọi dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28:19). Theo gương của Thánh Phaolô, người đã muốn trở thành người Hy Lạp với người Hy Lạp, cố gắng tự thích nghi: "để giành chiến thắng càng nhiều càng tốt ... Tôi đã trở thành mọi mọi thứ cho mọi người (xem 1 Cr 9: 19- 22), Giáo hội đã làm một cố gắng lớn để truyền giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trong suốt lịch sử. Giáo Hội đã cố gắng thi hành mệnh lệnh truyền giáo này bằng cách nhập thân và phiên dịch sứ điệp Tin Mừng trong các nền văn hóa khác nhau, giữa những khó khăn đủ loại - chính trị, văn hóa, địa lý. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
116. Giáo hội đã cố gắng trong nhiều thế kỷ để chia sẻ Tin Mừng với các dân tộc Amazon, nhiều dân tộc trong số này đã tham gia cộng đồng Giáo Hội. Các người đàn ông và đàn bà truyền giáo có một lịch sử liên hệ sâu xa với khu vực này. Họ đã để lại dấu vết sâu thẳm trong tâm hồn của người Công Giáo Amazon. Giáo hội đã đi một chặng đường dài, nhưng việc đào sâu và cập nhật vẫn cần thiết để trở thành một Giáo hội vớ khuôn mặt bản địa và Amazon.
117. Tuy nhiên, như đã được tiết lộ trong các cuộc tham khảo khu vực của chúng ta, vẫn còn một vết thương toang hóac do các lạm dụng trong quá khứ. Thực thế, vào năm 1912, Ðức Giáo Hoàng Piô X đã nhìn nhận ra sự tàn ác mà người dân bản địa bị đối xử trong Thông điệp Lacrimabili Statu Indorum (tình thế đầy nước mắt của người thổ dân). Các giám mục Châu Mỹ Latinh ở Puebla đã chấp nhận sự hiện hữu của "một diễn trình thống trị khổng lồ", đầy "các mâu thuẫn và nước mắt" (DP 6). Ở Aparecida, các giám mục kêu gọi "phi thực dân hóa các tâm trí" (DAp 96). Trong cuộc gặp gỡ với các dân tộc Amazon ở Puerto Maldonado, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những lời của Thánh Toribio de Mogrovejo: "không những trong thời quá khứ, các sai lầm lớn và các hành động cưỡng chế đã được thực hiện đối với những người khốn khổ này, mà trong chính thời đại của chúng ta, nhiều người tìm cách làm điều y hệt" [52]. Xét vì não trạng thuộc địa và cha chú vẫn còn tồn tại, một diễn trình hoán cải và hòa giải sâu sắc hơn là điều cần thiết [53].
Các gợi ý
118. Các cộng đồng được hỏi ý kiến mong muốn Giáo hội cam kết chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó, "[...] bảo vệ các lãnh thổ, giúp các dân tộc bản địa tố cáo những gì gây ra chết chóc và đe dọa các lãnh thổ" [54]. Một Giáo hội tiên tri không thể ngừng biện hộ cho những người bị vứt bỏ và cho những người đau khổ (xem Fr.PM).
119. Lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong tiếng khóc than của các dân tộc Amazon và trong huấn quyền của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đòi hỏi một diễn trình hóan cải mục vụ và truyền giáo (x. EG 25). Ðể đạt được mục đích này, có những gợi ý sau đây:
a) Tránh đồng nhất hóa văn hóa để nhìn nhận và phát huy giá trị của các nền văn hóa ở Amazon.
b) Bác bỏ liên minh với nền văn hóa thống trị và với quyền lực chính trị và kinh tế để cổ vũ các nền văn hóa và quyền lợi của người bản địa, của người nghèo và của lãnh thổ.
c) Vượt qua mọi hình thức giáo sĩ trị; sống tình huynh đệ và phục vụ như các giá trị Tin Mừng vốn làm sinh động mối liên hệ giữa thẩm quyền và các thành viên của cộng đồng.
d) Loại bỏ các chủ trương cứng ngắc không lưu ý đến cuộc sống cụ thể của con người và thực tại mục vụ, để thay vào đó thỏa mãn các nhu cầu thực sự của các dân tộc và văn hóa bản địa.
Truyền giảng Tin Mừng trong các nền văn hóa [55]
120. Thánh Thần Tạo Dựng, Ðấng lấp đầy vũ trụ (Kn 7: 1), là Ðấng đã nuôi dưỡng nền linh đạo của các dân tộc này trong nhiều thế kỷ, trước cả lúc công bố Tin Mừng, và đã thúc đẩy họ chấp nhận nó từ bên trong các nền văn hóa và truyền thống của họ. Việc công bố này phải lưu ý đến các "hạt giống Lời Chúa" [56] hiện diện trong chúng. Nó cũng nhìn nhận rằng hạt giống đã mọc lên và sinh hoa trái ở nhiều nền văn hóa và truyền thống này. Nó giả định việc lắng nghe đầy tôn trọng, không áp đặt các công thức đức tin đã được phát biểu với các tham chiếu (referents) văn hóa khác, những công thức không đáp ứng với thực tại sống của họ. Trái lại, hãy lắng nghe "tiếng Chúa Kitô nói qua toàn thể dân Chúa" (EC 5).
121. Ðiều cần thiết là phải nắm bắt những gì Thánh Thần của Chúa đã dạy cho các dân tộc này trong suốt nhiều thế kỷ: đức tin vào Thiên Chúa Cha-Mẹ Tạo Dựng; hiệp thông và hòa hợp với trái đất; liên đới với các bạn đồng hành của mình; phấn đấu để 'sống tốt'; túi khôn của các nền văn minh đã tồn tại hàng ngàn năm mà người cao niên vốn sở hữu và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống chung, giáo dục, canh tác đất đai, mối liên hệ sống động với thiên nhiên và "Mẹ Ðất", các khả năng đề kháng và phục hồi nữ giới nói riêng, các nghi thức và biểu thức tôn giáo, các mối liên hệ với tổ tiên, thái độ chiêm niệm, cảm thức cho không, cử hành và lễ hội, và ý nghĩa thánh thiêng của lãnh thổ.
122. Việc hội nhập văn hóa của đức tin không phải là một diễn trình từ trên xuống dưới hay một áp đặt từ bên ngoài, mà là việc làm phong phú lẫn nhau của các nền văn hóa trong đối thoại (liên văn hóa) [57]. Các chủ thể tích cực của việc hội nhập văn hóa chính là các dân tộc bản địa. Như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định, "ơn thánh giả thiết văn hóa" (EG 115).
Các gợi ý
123. Ðiều thích đáng là:
a) Bắt đầu từ nền linh đạo được sống bởi những các dân tộc bản địa khi tiếp xúc với thiên nhiên và văn hóa của họ, để chúng được soi sáng bởi tính mới mẻ của Chúa Kitô đã chết và sống lại và đạt được sự nên trọn nơi Người.
b) Nhìn nhận nền linh đạo bản địa như nguồn phong phú cho kinh nghiệm Kitô giáo.
c) Xét vì tính tự sự là một đặc điểm của các dân tộc nguyên thủy và là các phương tiện để họ truyền đạt túi khôn lâu đời của họ, nên hãy thực hiện một thứ giáo lý mang ngôn ngữ và ý nghĩa của các câu chuyện trong các nền văn hóa bản địa và hậu duệ Châu Phi hòa hợp với các trình thuật Kinh Thánh.
d) Theo cùng một đường hướng trên, cách giảng các bài giảng phải đáp ứng các kinh nghiệm sống và với thực tại xã hội môi trường của người ta (EG 135-144) trong một văn phong kể chuyện thích hợp. Hy vọng rằng điều này sẽ khơi dậy sự quan tâm và tham gia của các tín hữu và ăn khớp với thế giới quan bản địa toàn diện, kích thích một sự hóan cải mục vụ ủng hộ hệ sinh thái toàn diện.
e) Trước sự xâm chiếm thực dân của các phương tiện truyền thông đại chúng, các cộng đồng đã kiên quyết yêu cầu các lối truyền thông thay thế, đặt cơ sở trên các ngôn ngữ và nền văn hóa của chính họ. Ðể đạt mục đích này, chính các chủ thể bản địa nên có mặt trên các phương tiện truyền thông đương thời [58].
f) Cũng sẽ thuận lợi khi tạo ra các đài phát thanh mới của Giáo hội nhằm cổ vũ Tin Mừng và các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ nguyên thủy [59].
Chương III: Cử hành đức tin, một phụng vụ hội nhập văn hóa
"Việc truyền giảng Tin Mừng trong niềm vui trở thành vẻ đẹp trong phụng vụ, như một phần trong quan tâm hàng ngày của chúng ta muốn truyền bá sự tốt lành" (Evangelii Gaudium, 24).
124. Hiến chế Sacrosanctum Concilium (37-40, 65, 77, 81) đề nghị rằng phụng vụ nên được hội nhập văn hóa nơi các dân tộc bản địa. Tính đa dạng văn hóa chắc chắn không đe dọa tính hợp nhất của Giáo Hội; đúng hơn, Giáo Hội phát biểu tính Công Giáo chân thực của mình bằng cách trưng bày "vẻ đẹp trên khuôn mặt đa dạng của mình" (Evangelii Gaudium 116). Ðó là lý do tại sao "chúng ta phải bạo dạn đủ để khám phá ra các dấu chỉ mới và các biểu tượng mới, các xương thịt mới để hiện thân và thông truyền lời Chúa, và các hình thức khác của vẻ đẹp vốn được trân qúy trong các khung cảnh văn hóa khác..." (Evangelii Gaudium 167). Không có sự hội nhập văn hóa này, phụng vụ có thể bị giản lược thành "món đồ ở viện bảo tàng" hay "tài sản của một ít người ưu tuyển" (Evangelii Gaudium 95).
125. Việc cử hành đức tin phải được tiến hành một cách hội nhập văn hóa để nó trở thành một biểu thức cho kinh nghiệm tôn giáo của riêng người ta và trở thành sợi dây hiệp thông trong cộng đoàn cử hành. Một nền phụng vụ hội nhập văn hóa cũng sẽ là một bảng thăm dò đối với các tranh đấu và hoài vọng của các cộng đồng và là một lực đẩy có tính biến đổi hướng tới một "lãnh thổ không có sự ác".
Các Gợi Ý
126. Nên lưu ý các điều sau đây:
a) Một diễn trình biện phân là điều cần thiết liên quan đến các nghi lễ, biểu tượng, và phong thái cử hành các nền văn hóa bản địa khi tiếp xúc với thiên nhiên, những điều cần được tích nhập vào các nghi thức phụng vụ và bí tích. Ðiều cần là chú ý để nắm bắt ý nghĩa đích thực của các biểu tượng, một ý nghĩa vượt lên trên thẩm mỹ và văn hóa dân gian, đặc biệt trong bí tích khai tâm Kitô Giáo và Hôn Phối. Có gợi ý cho rằng các cử hành nên có tính lễ hội, với âm nhạc và điệu múa của riêng họ, sử dụng ngôn ngữ và trang phục bản địa, trong hiệp thông với thiên nhiên và cộng đồng. Một phụng vụ biết đáp ứng nần văn hóa riêng của họ để trở thành nguồn cội và đỉnh cao đời sống Kitô hữu của họ (xem Sacrosanctum Concilium 10) và liên kết với các tranh đấu, đau khổ và niềm vui của họ.
b) Các bí tích nên là nguồn sống và thuốc chữa ai cũng với tới được (xem Evangelii Gaudium 47), nhất là người nghèo (xem Evangelii Gaudium 200). Chúng ta được yêu cầu vượt quá các cứng ngắc về kỷ luật vốn có tính loại trừ và tha hóa, và thực hành một nhậy cảm mục vụ biết đồng hành và tích nhập (Amoris Laetitia 297, 312).
c) Các cộng đồng thấy khó có thể cử hành bí tích Thánh Thể vì thiếu linh mục. "Giáo Hội rút tỉa sự sống của mình từ Thánh Thể" và Thánh Thể xây dựng Giáo Hội (60). Do đó, thay vì để các cộng đồng không có Thánh Thể, cần phải có sự thay đổi trong các tiêu chuẩn lựa chọn và chuẩn bị các thừa tác viên được phép cử hành bí tích Thánh Thể.
d) Phù hợp với việc "tản quyền lành mạnh" trong Giáo Hội (Evangelii Gaudium 16), các cộng đồng yêu cầu các Hội Ðồng Giám Mục thích ứng các nghi thức của bí tích Thánh Thể theo nền văn hóa của họ.
e) Các cộng đồng yêu cầu đánh giá cao hơn, đồng hành và cổ vũ lòng đạo đức mà người nghèo và những người đơn sơ vốn dùng để phát biểu đức tin của họ qua hình ảnh, biểu tượng, truyền thống, nghi lễ và các á bí tích khác. Tất cả các điều này diễn ra nhờ các hiệp hội của cộng đồng biết tổ chức các biến cố như cầu nguyện, hành hương, thăm viếng các đền thánh, và rước kiệu cũng như các lễ hội mừng thánh quan thầy. Ðây là bằng chứng của túi khôn và nền linh đạo từng tạo nên một nguồn cứ liệu thần học (theological locus) thực sự có tiềm năng truyền giảng Tin Mừng (xem Evangelii Gaudium 122-126).
Chương IV: Tổ chức các cộng đồng
"Việc đúng là phải thừa nhận sự hiện hữu của các sáng kiến đầy hứa hẹn phát xuất từ các cộng đồng và tổ chức của riêng anh chị em" (Fr.PM).
Thế giới quan của người bản địa
127. Giáo hội phải được nhập thể vào các nền văn hóa Amazon vốn có cảm thức cộng đồng, bình đẳng và liên đới rõ rệt - và đó là lý do tại sao chủ nghĩa giáo sĩ trị không được chấp nhận dưới mọi chiêu bài của nó. Các dân tộc bản địa có một truyền thống tổ chức xã hội phong phú, nơi thẩm quyền có tính luân phiên và có cảm thức phục vụ sâu sắc. Vì kinh nghiệm tổ chức này, điều thích hợp là xem xét lại ý niệm cho rằng việc thực thi quyền tài phán (quyền cai trị) phải được liên kết trong mọi lĩnh vực (bí tích, tư pháp, hành chính) và theo cách vĩnh viễn với Bí tích Truyền Chức Thánh.
Các khoảng cách địa dư và mục vụ
128. Ngoài tính đa nguyên văn hóa tại Amazon, các khoảng cách cũng tạo ra một thách thức mục vụ nghiêm trọng không thể giải quyết bằng các phương thế máy móc và kỹ thuật mà thôi. Các khoảng cách địa dư làm xuất hiện cả các khoảng cách văn hóa và mục vụ nữa; thành thử "thừa tác mục vụ thăm viếng" cần nhường bước cho "thừa tác mục vụ hiện diện". Ðiều này đòi giáo hội địa phương tái cấu hình mọi chiều kích của nó: các thừa tác vụ, các bí tích, thần học và các dịch vụ xã hội.
Các Gợi Ý
129. Các gợi ý sau đây từ các cộng đồng gợi nhớ các khía cạnh của Giáo Hội sơ khai khi đáp ứng các nhu cầu của mình bằng cách tạo ra các thừa tác vụ thích đáng (Cv 6:1-7; 1 Tm 3:1-13):
a) Các thừa tác vụ mới để đáp ứng hữu hiệu hơn các nhu cầu của các dân tộc vùng Amazon:
1. Cổ vũ các ơn gọi nơi các đàn ông và đàn bà bản địa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc mục vụ và bí tích. Việc đóng góp chủ yếu của họ nằm trong phong trào hướng tới một việc truyền giảng Tin Mừng chân chính theo quan điểm bản địa phù hợp với các thói quen và phong tục của họ. Ðây sẽ là việc người bản địa truyền giảng cho người bản địa theo một nhận thức sâu sắc nền văn hóa và ngôn ngữ của họ, có khả năng thông đạt sứ điệp Tin Mừng bằng sức mạnh và sự hữu hiệu của những người có chung một bối cảnh văn hóa với họ. Ðiều cần là chuyển dịch từ một "Giáo Hội thăm viếng" sang một "Giáo Hội hiện diện", một Giáo Hội biết đồng hành và hiện diện qua các thừa tác viên xuất phát từ chính các cộng đồng của họ.
2. Trong khi quả quyết rằng sống độc thân là một hồng phúc đối với Giáo Hội, có yêu cầu cho rằng, đối với các khu vực xa xôi hẻo lánh nhất trong vùng, nên nghiên cứu khả thể truyền chức linh mục cho các người cao niên, ưu tiên là người bản địa, được cộng đồng của họ kính trọng và chấp nhận, dù họ đang có một gia đình vững ổn, để bào đảm có sẵn các bí tích để đồng hành và nâng đỡ đời sống Kitô hữu.
3. Nhận diện loại thừa tác vụ chính thức có thể trao cho phụ nữ, lưu ý đến vai trò trung tâm mà ngày nay họ đang đóng trong Giáo hội ở Amazon.
b) Vai trò của giáo dân:
1. Các cộng đồng bản địa có tính tham gia với một cảm thức đồng trách nhiệm cao. Với suy nghĩ này, có yêu cầu đặt giá trị đúng đắn vào vai trò chủ động của những người đàn ông và đàn bà Kitô hữu và nhìn nhận vị trí của họ như các chủ thể trong Giáo hội biết vươn tay ra.
2. Cung cấp các giải pháp đào tạo toàn diện để đảm nhận vai trò của họ như những người cổ vũ đáng tin cậy và đồng trách nhiệm của các cộng đồng.
3. Tạo ra các hành trình đào tạo dưới ánh sáng của Học thuyết xã hội của Giáo hội với tập chú Amazon cho các người nam nữ làm việc trong các lãnh thổ của Amazon, đặc biệt là trong các lĩnh vực công dân và chính trị.
4. Mở các kênh mới của các diễn trình đồng nghị, với sự tham gia của mọi tín hữu, nhằm hướng tới việc tổ chức cộng đồng Kitô giáo để thông truyền đức tin.
c) Vai trò của phụ nữ:
1. Trong lĩnh vực giáo hội, sự hiện diện của phụ nữ trong các cộng đồng không phải lúc nào cũng được coi trọng. Việc công nhận phụ nữ được tìm kiếm vì các đặc sủng và tài năng của họ. Họ yêu cầu lấy lại vị trí mà Chúa Giêsu đã ban cho phụ nữ, "trong đó tất cả chúng ta, đàn ông và đàn bà, tất cả chúng ta đều thích đáng" [61].
2. Cũng có đề nghị cho rằng phụ nữ được bảo đảm có cơ hội lãnh đạo, cũng như phạm vi ngày càng rộng và thích hợp trong lĩnh vực đào tạo: thần học, giáo lý, phụng vụ và các trường phái đức tin và chính trị.
3. Cũng có lời yêu cầu phải lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, họ được tham khảo và tham gia vào việc ra quyết định, và do đó có thể đóng góp với sự nhạy cảm của họ vào tính đồng nghị trong Giáo hội.
4. Mong sao Giáo hội đón nhận ngày càng nhiều phong cách nữ trong hành động và hiểu các biến cố.
d) Vai trò của đời sống thánh hiến:
1. "Các dân tộc Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê rất mong đợi nơi đời sống thánh hiến [...một đời sống cho thấy] khuôn mặt mẫu thân của Giáo Hội. Lòng khao khát lắng nghe, chào đón và phục vụ của họ, và chứng tá của họ đối với các giá trị thay thế của Nước Chúa, cho ta thấy rằng một xã hội Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê mới, được đặt nền tảng trên Chúa Kitô, là điều khả hữu" (DAp. 224). Do đó, có đề nghị phải cổ vũ một đời sống thánh hiến thay thế và có tính tiên tri, liên hội dòng và liên định chế, chuyên để hiện diện ở những nơi không ai muốn hiện diện và với những người không ai muốn trở thành.
2. Hỗ trợ những người đàn ông và đàn bà thánh hiến trong việc họ đi tới và hiện diện với những người nghèo khổ và bị loại trừ nhất, và vào việc vận động chính trị, để biến đổi thực tại.
3. Khuyến khích các tu sĩ nam nữ đến từ nước ngoài sẵn lòng chia sẻ cuộc sống địa phương với hết trái tim, đầu óc và tay chân của họ để học bỏ các mô hình, công thức, kế sách và cơ cấu đã thiết lập trước; và để học hỏi các ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống khôn ngoan, vũ trụ học và thần thoại học của các dân tộc bản địa.
4. Vì các cấp bách mục vụ và cơn cám dỗ muốn làm việc ngay tức khắc, nên có khuyến cáo phải dành thời gian để học ngôn ngữ và văn hóa nhằm tạo ra các dây nối kết và phát triển một thừa tác mục vụ toàn diện.
5. Có khuyến cáo nên bao gồm vào việc đào tạo đời sống tu trì các diễn trình đào tạo tập chú vào tính liên văn hóa, hội nhập văn hóa và đối thoại giữa các nền linh đạo và thế giới quan của Amazon.
6. Có gợi ý phải dành ưu tiên cho các nhu cầu của người dân địa phương hơn là các hội dòng.
e) Vai trò của người trẻ:
1. Có một nhu cầu cấp thiết là đối thoại với những người trẻ để lắng nghe các nhu cầu của họ.
2. Cần phải đồng hành với các diễn trình trong gia đình để truyền tải và tiếp nhận di sản văn hóa và ngôn ngữ [62] để vượt qua các khó khăn trong thông đạt liên thế hệ.
3. Những người trẻ tuổi thấy mình ở giữa hai thế giới, giữa não trạng bản địa và sự lôi cuốn của não trạng hiện đại, đặc biệt khi họ di cư đến các thành phố. Một mặt, cần có các chương trình để củng cố bản sắc văn hóa của họ trước sự mất mát các giá trị, ngôn ngữ và mối liên hệ với thiên nhiên; mặt khác, các chương trình giúp họ bước vào cuộc đối thoại với văn hóa đô thị hiện đại.
4. Việc giải quyết vấn đề di cư của người trẻ đến các thành phố là điều rất cấp bách [63].
5. Cần nhấn mạnh hơn vào việc bảo vệ và phục hồi các nạn nhân của các mạng lưới buôn bán ma túy và buôn người, cũng như nghiện ma túy và rượu.
f) Các giáo phận ở khu vực biên giới:
1. Biên giới là một nhân tố căn bản trong cuộc sống của các dân tộc Amazon. Ðây là vị trí rất tốt cho các xung đột và bạo lực trở nên tồi tệ hơn; và là nơi luật pháp không được tôn trọng và tham nhũng làm suy yếu việc kiểm soát của Nhà nước, khiến nhiều công ty tự do khai thác bừa bãi. Vì tất cả những lý do này, cần phải làm việc để biến Amazon thành ngôi nhà cho mọi người và đáng được sự chăm sóc của mọi người. Các Giáo hội biên giới nên tham gia với nhau vào hành động mục vụ để đối phó với các vấn đề chung như khai thác lãnh thổ, phạm pháp, buôn bán ma túy, buôn bán người, mại dâm, v.v.
2. Các mạng lưới mục vụ tại các khu vực biên giới nên được khuyến khích và củng cố như một nẻo đường dẫn đến hành động mục vụ xã hội và sinh thái hữu hiệu hơn, tiếp tục dịch vụ của Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Amazon (REPAM).
3. Vì các đặc điểm chuyên biệt của lãnh thổ Amazon, nên phải xem xét cơ cấu giám mục của Amazon để thực thi Thượng Hội Ðồng.
4. Có lời yêu cầu phải tạo ra một quỹ kinh tế để hỗ trợ việc truyền giảng Tin Mừng, cổ vũ nhân bản và sinh thái toàn vẹn, nhất là việc thi hành các đề nghị của Thượng Hội Ðồng.
Chương V: Truyền giảng Tin Mừng trong các thành phố [64]
"Một nền văn hóa hoàn toàn mới đã đi vào cuộc sống và tiếp tục lớn mạnh ở các thành phố" (EG 73).
Sứ mệnh đô thị
130. Thánh Gioan Phaolô II từng cảnh báo chúng ta: "Ngày nay hình ảnh của sứ mệnh ad gentes (đi tới các dân tộc, truyền giáo) có lẽ đang thay đổi: nên tập trung các cố gắng vào các thành phố lớn, nơi các phong tục và phong cách sống mới cùng phát sinh với các hình thức văn hóa và truyền thông mới, là các hình thức sau đó ảnh hưởng đến dân số rộng lớn hơn" (RM, 37b). Giáo hội cần phải đối thoại thường trực với thực tại đô thị, một thực tại đòi hỏi những phản ứng khác nhau và sáng tạo. Ðối với điều này, điều cần thiết là các linh mục, nam và nữ tu sĩ, và giáo dân của các thừa tác vụ, phong trào, cộng đồng và các nhóm khác nhau trong cùng một thành phố hoặc giáo phận, nên ngày càng hợp nhất trong việc thực hiện các hoạt động truyền giáo chung, thông minh và có khả năng tham gia các lực lượng. Sứ mệnh đô thị sẽ chỉ tiến triển chừng nào còn có sự hiệp thông lớn lao giữa những người làm vườn nho của Chúa, vì, đối diện với sự phức tạp của thành phố, hành động mục vụ cá nhân và biệt lập sẽ mất hiệu quả.
Các thách thức đô thị
131. Thành phố, dù có những thách thức của nó, có thể chứng kiến một vụ bừng nở cuộc sống. Các thành phố là một phần của lãnh thổ, vì vậy chúng phải chăm sóc rừng và tôn trọng người dân bản địa. Tuy nhiên, nhiều cư dân của các thành phố Amazon, coi người bản địa như một trở ngại cho sự tiến bộ của họ và sống quay lưng đối với rừng.
132. Các cá nhân bản địa trong thành phố là những người di cư, những con người không có đất đai, những kẻ sống sót trận chiến lịch sử để phân định đất đai của họ, với bản sắc văn hóa của họ rơi vào khủng hoảng. Ở các trung tâm đô thị, các cơ quan chính phủ thường né tránh trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm quyền lợi của họ, bác bỏ căn tính của họ và buộc họ phải vô hình. Về phần họ, một số giáo xứ, vẫn chưa nhận trách nhiệm hoàn toàn trong thế giới đa văn hóa vốn đang chờ một thừa tác mục vụ mục vụ chuyên biệt, truyền giáo và có tính tiên tri.
133. Một hiện tượng quan trọng cần được lưu ý là sự tăng trưởng nhanh chóng của các nhà thờ Phúc Âm mới được thành lập gần đây có nguồn gốc Ngũ Tuần, đặc biệt ở các vùng ngoại vi [65].
134. Tất cả những điều đó khiến chúng ta phải tự hỏi: cơ cấu giáo xứ nào có thể đáp ứng tốt nhất với thế giới đô thị, nơi việc ẩn danh, ảnh hưởng của truyền thông và sự bất bình đẳng xã hội rõ rệt đang ngự trị một cách tối cao? Các định chế Công Giáo có thể cổ vũ nền giáo dục nào ở các bình diện chính thức và không chính thức?
Các gợi ý
135. Những điều có thể thích đáng là:
a. Cổ vũ một thừa tác mục vụ chuyên biệt cho những người bản địa sống ở các thành phố, với việc họ tham gia như các nhân vật chủ động.
b. Cổ vũ sự hòa nhập người dân bản địa vào các hoạt động mục vụ khác nhau của giáo xứ với sự theo dõi và đào tạo, biết đánh giá sự đóng góp của họ ngày càng nhiều hơn.
c. Phát triển một chiến lược chung cho công việc mục vụ tại các thành phố [66].
d. Suy nghĩ lại về cơ cấu Giáo Hội, khắc phục các hình thức văn hóa lỗi thời đã thu lượm được trong nhiều thế kỷ qua [67].
e. Cổ vũ các cơ hội cho một sự đào tạo toàn diện [68].
f. Nâng cao ý thức về tầm quan trọng sống còn của vị trí thành phố trong lãnh thổ và đánh giá cao khu rừng và cư dân của nó. Cổ vũ các thay đổi cần thiết trong cơ cấu kinh tế và xã hội để sự phát triển của các thành phố không là một mối đe dọa.
g. Nhạy cảm hóa cộng đồng về các cuộc đấu tranh xã hội, hỗ trợ các phong trào xã hội khác nhau để cổ vũ nền công dân sinh thái và bảo vệ các nhân quyền [69].
h. Cổ vũ một Giáo hội truyền giáo và truyền giảng Tin Mừng, thăm viếng và lắng nghe thực tại hiện nay trong các khu phố mới.
i. Cập nhật giải pháp dành cho những người trẻ [70], lên khuôn một thừa tác mục vụ trong đó chính họ là các nhân vật chủ chốt [71].
j. Có mặt trên các phương tiện truyền thông và chính truyền thông để truyền giảng Tin Mừng và cổ vũ các nền văn hóa nguyên thủy [72].
Chương VI: Ðối thoại đại kết và liên tôn
"Bây giờ chúng ta sẽ cố gắng phác thảo những nẻo đường chính của cuộc đối thoại có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy tự hủy diệt hiện đang nhấn chìm chúng ta" (LS 163)
136. Cuộc đối thoại đại kết diễn ra giữa những người có chung niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô như Con Thiên Chúa và Ðấng Cứu Thế, và dựa vào Kinh thánh, tìm cách làm chứng chung. Cuộc đối thoại liên tôn diễn ra giữa những tín đồ chia sẻ cuộc sống, cuộc đấu tranh, các mối quan tâm và kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa, làm cho sự khác biệt của họ trở thành một sự kích thích để phát triển và đào sâu đức tin của chính họ.
137. Một số nhóm truyền bá một nền thần học thịnh vượng và hạnh phúc dựa trên cách họ đọc Kinh thánh. Cũng có những xu hướng định mệnh thuyết tìm cách làm bối rối người nghe; sau đó, trả lời cho cái nhìn tiêu cực về thế giới, họ đưa ra một cầu nối dẫn đến sự một sự cứu rỗi nào đó. Những xu hướng này có tác động tiêu cực đến các nhóm tại Amazon, một số bằng sợ hãi và số khác bằng cách tìm kiếm thành công.
138. Tuy nhiên, ở giữa rừng nhiệt đới Amazon cùng với những người nghèo nhất, các nhóm khác có mặt, truyền giảng Tin Mừng và giáo dục; họ duy trì được một sức hấp dẫn lớn đối với người dân mặc dù không đánh giá tích cực nền văn hóa của họ. Sự hiện diện của họ đã cho phép họ phổ biến và dạy Kinh Thánh được dịch sang các ngôn ngữ nguyên thủy. Phần lớn các phong trào này đã lan rộng do sự vắng mặt của các thừa tác viên Công Giáo. Các mục sư của họ đã tạo ra các cộng đồng nhỏ với khuôn mặt người, nơi người ta đích thân cảm thấy mình có giá trị. Một yếu tố tích cực khác là sự hiện diện địa phương, gần gũi và cụ thể của các mục sư đến thăm viếng, đồng hành, an ủi, biết và cầu nguyện cho các nhu cầu chuyên biệt của các gia đình. Họ là những người giống như những người khác, dễ gặp gỡ, sống cùng những vấn đề và trở nên "gần gũi hơn" và ít "khác biệt" hơn với các thành viên khác trong cộng đồng. Họ đang chỉ cho chúng ta một cách khác để làm Giáo Hội nơi người ta cảm thấy họ là những nhân vật chủ động và là nơi tín hữu có thể tự do tự phát biểu mà không bị kiểm duyệt hay giáo điều hay kỷ luật nghi lễ.
Các gợi ý
139. Những điều có thể thích đáng là:
a. Tìm kiếm cơ sở chung qua các cuộc gặp gỡ định kỳ với đại diện của các tôn giáo khác để cùng làm việc với nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cùng nhau đấu tranh vì lợi ích chung trước sự xâm lấn từ bên ngoài.
b. Hãy xem xét những khía cạnh nào của việc làm Giáo Hội mà các tôn giáo khác có thể dạy chúng ta và những khía cạnh nào cần được kết hợp vào những nẻo đường mới cho Giáo hội ở Amazon.
c. Khuyến khích dịch Kinh thánh sang các ngôn ngữ nguyên thủy của Amazon.
d. Cổ vũ các cuộc gặp gỡ với các nhà thần học Kitô giáo Phúc Âm.
Chương VII: Sứ mệnh của Các Phương Tiện Truyền thông và của chính Truyền Thông
"Giáo hội sẽ dành tầm quan trọng lớn hơn cho các phương tiện truyền thông xã hội và sẽ sử dụng chúng để truyền giảng Tin Mừng" (DP 158)
Các phương tiện truyền thông, các ý thức hệ và các nền văn hóa
140. Một trong những thách thức lớn đối với Giáo hội là suy nghĩ về việc làm cách nào tự định vị mình trong thế giới liên nối kết này. Các phương tiện truyền thông xã hội đại chúng truyền tải các mẫu mực tác phong, lối sống, các giá trị và não trạng nhằm truyền bá một nền văn hóa có xu hướng tự áp đặt và tiêu chuẩn hóa thế giới nối kết qua lại của chúng ta. Vấn đề là sự quyến rũ về ý thức hệ bởi não trạng duy tiêu thụ, chủ yếu ảnh hưởng đến giới trẻ. Trong nhiều trường hợp, người trẻ bị dẫn đến chỗ không còn qúy chuộng - và thậm chí bác bỏ - nền văn hóa và truyền thống riêng của chính họ, chấp nhận một cách không phê phán mô hình văn hóa đương thịnh. Ðiều này gây ra việc bứng gốc và mất bản sắc.
Các phương tiện truyền thông của Giáo Hội
141. Giáo hội có một cơ sở hạ tầng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các đài phát thanh, vốn là phương tiện truyền thông chính của mình. Các phương tiện truyền thông có thể là một dụng cụ rất quan trọng để truyền tải lối sống Tin Mừng, các giá trị và tiêu chuẩn của nó. Chúng cũng là một phương tiện để cung cấp thông tin về những gì đang xảy ra ở Amazon, đặc biệt liên quan đến các hậu quả của một lối sống nhằm hủy hoại - được truyền thông che giấu trong tay các tập đoàn lớn. Ðã có một số trung tâm truyền thông xã hội được điều hành bởi chính người dân bản địa; họ trải nghiệm niềm vui khi có thể phát biểu lời lẽ và tiếng nói của chính họ không những với các cộng đồng của chính họ mà còn với cả thế giới bên ngoài nữa. Thế giới bản địa cho thấy các giá trị không được thế giới hiện đại chia sẻ. Ðó là lý do tại sao điều quan trọng là chính các người bản địa được trao quyền sử dụng các phương tiện truyền thông. Việc đóng góp của họ có thể cộng hưởng với và hỗ trợ cho việc hoán cải sinh thái của Giáo hội và hành tinh. Ðây là về thực tại Amazon phát sinh từ Amazon và có các hậu quả hành tinh.
Các gợi ý (xem DAp. 486)
142. Những điều sau đây được đề nghị:
a. Huấn luyện toàn diện các nhà truyền thông bản địa, đặc biệt là người bản địa, để tăng cường các trình thuật chuyên biệt đối với lãnh thổ.
b. Sự hiện diện của các tác nhân mục vụ trong các phương tiện truyền thông đại chúng.
c. Tạo ra, cổ vũ và củng cố các đài phát thanh và các đài truyền hình mới với các nội dung phù hợp với thực tại Amazon.
d. Sự hiện diện của Giáo hội trên Internet và các mạng truyền thông khác để nâng cao ý thức về thực tại của Amazon ở các phần khác của thế giới.
e. Một kế hoạch mục vụ chuyên biệt bao gồm các phương tiện truyền thông khác nhau trong tay của Giáo hội và những người làm việc trong các phương tiện truyền thông khác.
f. Phải cổ vũ trong các cơ cấu và máng chuyển của Giáo hội hoàn vũ việc tạo ra và phổ biến nội dung về tính liên quan của Amazon, các dân tộc và các nền văn hóa của nó đối với thế giới.
Chương VIII: Vai trò tiên tri của Giáo hội và việc cổ vũ nhân bản toàn diện
"Từ tâm điểm của Tin Mừng, chúng ta thấy mối nối kết sâu sắc giữa việc truyền giảng Tin Mừng và sự tiến bộ của con người, một điều nhất thiết phải tìm được biểu thức và phát triển trong mọi công việc truyền giảng Tin Mừng" (EG 178)
Giáo hội vươn tay ra
143. Giáo hội có sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng, một điều cũng ngụ ý cam kết cổ vũ việc thi hành trọn vẹn các quyền của các dân tộc bản địa. Thực thế, khi những dân tộc này họp nhau, họ nói về linh đạo cũng như về những gì đang xảy ra với họ và các vấn đề xã hội của họ. Giáo hội không thể từ bỏ mối quan tâm của mình đối với sự cứu rỗi toàn diện con người, một điều đòi phải ủng hộ nền văn hóa của các dân tộc bản địa, nói đến các nhu cầu sống còn của họ, đồng hành với các cuộc di chuyển của họ và tham gia các lực lượng để đấu tranh cho quyền lợi của họ.
Giáo hội lắng nghe
144. Chúa Thánh Thần nói trong tiếng nói của người nghèo; Giáo hội phải lắng nghe họ vì họ là nguồn cứ liệu tư tưởng thần học. Khi lắng nghe nỗi đau, sự im lặng trở nên cần thiết để có thể nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Giọng nói tiên tri ngụ ý một ánh mắt chiêm niệm mới có khả năng thương xót và cam kết. Là thành phần của người dân Amazon, Giáo hội làm mới lời tiên tri từ truyền thống bản địa và Kitô giáo. Nhưng nó cũng có nghĩa là nhìn bằng một lương tâm có phê phán một loạt các tác phong và thực tại của các dân tộc bản địa đi ngược lại Tin Mừng. Thế giới Amazon yêu cầu Giáo hội làm đồng minh của nó.
Giáo hội và quyền lực
145. Làm Giáo hội ở Amazon một cách thực tế có nghĩa là nêu vấn đề về quyền lực một cách tiên tri, vì ở khu vực này, người dân không thể khẳng định quyền của họ chống lại các lợi ích kinh tế và định chế chính trị to lớn. Ngày nay, đặt vấn đề quyền lực trong việc bảo vệ lãnh thổ và các nhân quyền là liều mạng sống của mình, là bước lên con đường thập giá và tử đạo. Số các tử đạo ở Amazon rất đáng báo động (ví dụ, chỉ riêng ở Brazil, 1,119 người bản địa đã bị sát hại từ năm 2003 đến năm 2017 vì bảo vệ lãnh thổ của họ) [73]. Giáo hội không thể thờ ơ; ngược lại, nó phải giúp bảo vệ những người nam nữ đang bảo vệ nhân quyền và tưởng nhớ các vị tử đạo của họ, trong số đó có các nhà lãnh đạo như Nữ tu Dorothy Stang.
Các gợi ý
146. Là một cộng đồng liên đới khắp thế giới, Giáo hội phản ứng có trách nhiệm đối với tình hình hoàn cầu về bất công, nghèo đói, bất bình đẳng, bạo lực và loại trừ ở Amazon. Giả định căn bản của Giáo Hội là thừa nhận các mối liên hệ bất công. Do đó, điều cần là phải:
a. Tố cáo các mô hình khai khoáng gây thiệt hại cho lãnh thổ và vi phạm quyền lợi của các cộng đồng. Cất cao tiếng nói chống lại các dự án ảnh hưởng đến môi trường và cổ vũ chết chóc.
b. Tham gia các phong trào xã hội cơ sở, để công bố cách tiên tri một chương trình nghị sự về công lý nông nghiệp nhằm cổ vũ việc cải cách nông nghiệp sâu sắc, hỗ trợ nông nghiệp và nông lâm hữu cơ. Tiếp nhận chính nghĩa nền sinh thái nông nghiệp bằng cách lồng nó vào các hoạt động huấn luyện của họ nhằm phát triển một ý thức lớn hơn đối với chính người dân bản địa [74].
c. Cổ vũ việc đào tạo, bảo vệ và tính có thể chấp pháp các nhân quyền của các dân tộc Amazon, của các sắc dân khác và của thiên nhiên. Bảo vệ các nhóm thiểu số và những người dễ bị tổn thương nhất.
d. Lắng nghe tiếng khóc của "Mẹ Ðất" đang bị tấn công và bị tổn thương nghiêm trọng bởi mô hình kinh tế của việc phát triển săn mồi và tiêu diệt sinh thái, vốn được hình thành và áp đặt từ bên ngoài để phục vụ các lợi ích bên ngoài hết sức mạnh mẽ, và là những lợi ích sát hại, cướp bóc, tiêu diệt và tàn phá, trục xuất và vứt bỏ.
e. Cổ vũ phẩm giá và sự bình đẳng của phụ nữ ở nơi công cộng, tư riêng và Giáo hội, bằng cách bảo đảm có cơ hội để tham gia; bằng cách chống lại bạo lực thể xác, gia đình và tâm lý, sát hại con gái, phá thai, khai thác và buôn bán tình dục; và bằng cách cam kết đấu tranh để bảo đảm quyền lợi của họ và vượt qua bất cứ loại tiên mẫu nào.
f. Cổ vũ một ý thức sinh thái mới có thể dẫn chúng ta đến chỗ thay đổi thói quen tiêu thụ, cổ vũ việc sử dụng năng lượng tái tạo, tránh các vật liệu có hại và thực thi các nẻo đường hành động khác được nêu bật bởi thông điệp Laudato Si'" [75]. Cổ vũ các liên minh để chống phá rừng và cổ vũ việc tái trồng rừng.
g. Tiếp nhận một cách không sợ hãi và cụ thể việc ưu tiên chọn người nghèo trong cuộc đấu tranh của các dân tộc bản địa, các cộng đồng truyền thống, các di dân và người trẻ để hình thành đặc tính của Giáo hội ở Amazon.
h. Tạo ra các mạng lưới hợp tác trong các lĩnh vực vận động khu vực, toàn cầu và quốc tế, trong đó Giáo hội tham gia một cách hữu cơ, để chính các dân tộc có thể tố cáo sự vi phạm các nhân quyền của họ.
Kết luận
147. Trong suốt hành trình dài của nó, Tài liệu Làm việc này đã lắng nghe tiếng nói của Amazon dưới ánh sáng đức tin (Phần I); và nó đã cố gắng đáp lại tiếng kêu của người dân và lãnh thổ Amazon về nền sinh thái toàn diện (Phần II) và tìm kiếm những nẻo đường mới cho một Giáo hội tiên tri ở Amazon (Phần III). Những tiếng nói của Amazon này kêu gọi một đáp ứng mới cho các thách thức đa dạng; họ yêu cầu những nẻo đường mới để làm một "kairós" (hoàng thời) trở thành khả hữu, một thời của ơn thánh và hy vọng trong Giáo hội và cho thế giới. Chúng ta kết luận dưới sự che chở của Mẹ Maria, đấng được tôn kính dưới nhiều tước hiệu khác nhau khắp Amazon. Chúng ta hy vọng rằng Thượng Hội Ðồng này sẽ là một biểu thức cụ thể của tính đồng nghị của một Giáo hội đang vươn tay ra ngoài, để sự sống viên mãn mà Chúa Giêsu đã mang đến cho thế giới (Ga 10:10) có thể đến tay mọi người, nhất là người nghèo.
* * * * * *
[1] Ngoài diễn trình chính thức này, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức tại Washington D.C., Rome và Bogotá, với các chuyên viên thuộc nhiều khu vực và đại diện các dân tộc Amazon, để suy tư về các vấn đề được phân tích ở đây.
[2] Tài liệu Eje de Fronteras, p. 3.
[3] Xem Nobre, C. A., Sampaio, G., Borma, L. S., Castilla-Rubio, J. C., Silva, J. S., Cardoso, M., et al., "The Fate of the Amazon Forests: land-use and climate change risks and the need of a novel sustainable development paradigm", Proceedings of the National Academy of Sciences U.S.A., 113(39), September 2016.
[4] Có một số kiểu phát biểu khác nhau về điều này trong ngôn ngữ của họ như Sumak Kawsay trong tiếng Quechua, hay Suma Qamana trong tiếng Aymara, hay Teko Porã trong tiếng Guaraní. Trong triết học Châu Phi, chữ ubuntu có nghĩa tương tự như sumak kawsay của tiếng quechua: đại lượng, liên đới, cảm thương đối với những người thiếu thốn, và thành thực mong muốn hạnh phúc và hoà hợp giữa mọi người.
[5] Xem "The cry of sumak kawsay in the Amazon,'' Tuyên ngôn của các dân tộc và quốc tịch bản địa các vùng Mesoamerican, Andean, Caribbean, Southern Cone và Amazon, tụ họp tại thành phố Pujili-Cotopaxi nhằm mục đích đào sâu ý nghĩa chân thực của sumak kawsay, trong: trang nhà của Tòa Ðại diện Aguarico; Acosta, A., Good living, an opportunity to build, Ecuador Debate: Quito, 2008; xem "Sumak Kawsa, Suma Qamana, Teko Porã. O Bem-Viver" (Year X, n. 340, 23.08.2010), in: IHUOnlineEdicao 340.pdf.
[6] Giáo phận San José del Guaviare và Tổng giáo phận Villavicencio và Granada (Colombia, Biên giới Brazil, Colombia và Peru).
[7] Tài liệu Bolivia, 36.
[8] Tài liệu Venezuela, 1.
[9] IPBES, Nature's Dangerous Decline 'Unpredented' Species Extintion Rates 'Accelerating'; https://www.ipbes.net/news/Media-Release-Global-Assessment#_Indigenous_Peoples,_Local
[10] Xem Phần II, Chương III của Tài liệu này: Di Dân.
[11] Tài liệu Eje de Fronteras, 1.
[12] Tài liệu của Assembleia dos Regionais Norte 1 e 2 da CNBB, "A Igreja e faz carne e arma sua tenda na Amazônia", Manaus, 1997, trong: CNBB, Desafio missionário: Các Văn kiện của Giáo Hội vùng Amazônia. Coletânea, Ed. CNBB, Brasília, 2014, 67-84.
[13] Santarém (1972) và Manaus (1997) trong CNBB, Desafio missionário: Các Văn kiện của Giáo Hội vùng Amazônia. Coletânea, Ed. CNBB, Brasília, 2014, 9-28 và 67-84.
[14] Xem LS 163, và Tài liệu Chuẩn bị số 13.
[15] Ðức Phanxicô, Diễn văn Nhân Cuộc Gặp gỡ Các Phong trào Bình dân Thế giới Lần II, Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, 9 Tháng Bầy 2015. Xem Phần II, Ch. I: Sự hủy diệt của duy khai khoáng.
[16] Xem Summa Theologiae II-II, q. 158, art. 1.
[17] XemSint. REPAM, 135.
[18] Một chữ Tây Ban Nha mới, "sabanizarse", đặt tên cho diễn trình qua đó 1 cánh rừng hay 1 cánh rừng nhiệt đới bị biến thành thảo nguyên.
[19] Xem Sint. REPAM - Brazil, 120.
[20] Xem Sint. REPAM, 43.
[21] Xem Sint. REPAM, 86.
[22] Xem Sint. REPAM, Antonio, Brazil, 57.
[23] Xem Phần II, Ch. II: Các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện (PIAV): Các mối đe dọa và việc bảo vệ.
[24] Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Công Ước 169: Về Các Dân tộc và Bộ lạc Bản địa, 1989, điều 7.
[25] Một số người di cư tới các thành phố để mua bán các nhu yếu phẩm hay để làm việc tạm bợ kiếm tiền nuôi sống gia đình (thí dụ việc di cư đu đưa nội địa để làm việc với các người đốn cây).
[26] Thói quen chuyển lên núi dựa vào hai hiện tượng tự nhiên có liên hệ qua lại với nhau: sự khác biệt về mùa trong sản xuất nông nghiệp và việc rời cư của thú vật. Như thế, việc chuyển người lên núi được liên kết với nền sinh thái toàn diện: con người cần sản xuất, và với tình hình sinh thái khiến một số nhóm người phải di cư.
[27] Ðức Phanxicô, Gặp mặt Dân chúng, Viện Jorge Basadre (Puerto Maldonado), 19 tháng Giêng 2018.
[28] Xem Phần I, Ch. I, số 14; Phần II, Ch. I, số 48.
[29] Các Môn Ðệ Truyền Giáo vùng Amazônia, 2007. Tài liệu IX, Phiên họp các Giám mục vùng Amazônia, Manaus (2007), trong: CNBB, Desafio missionário: Các Văn kiện của Giáo Hội vùng Amazônia, Coletânea, Ed. CNBB, Brasília, 2014, 161-216 (269).
[30] Xem REPAM Synthesis, 124.
[31] Xem Tài liệu Venezuela, Tóm tắt Cuối cùng, 4.
[32] Ðức Phanxicô, Diễn văn với các Tham dự viên Diễn đàn Quốc tế "Di dân và Hòa bình" 21 tháng Hai 2017.
[33] Xem Phần II, Ch. III: Di dân.
[34] Xem Tài liệu Chuẩn bị, 6.
[35] Xem Phần II, Ch. V: Gia đình và Cộng đồng.
[36] Xem Phần II, Ch. VII: Vấn đề Sức khỏe Toàn diện.
[37] Xem Phần II, Ch. VIII: Giáo dục Tòa diện.
[38] Xem Phần II, Ch. VI: Tham nhũng.
[39] Sint. REPAM, 42.
[40] Xem Sint. REPAM, 71, và Phần II, Ch. VII: Vấn đề Sức khỏe Toàn diện.
[41] Sint. REPAM, 57.
[42] Xem Sint. REPAM, 161.
[43] Xem Sint. REPAM, 125.
[44] Xem Sint. REPAM, 125.
[45] Ðức Bênêđictô XVI, Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc Thừa tác vụ Phêrô (24 tháng Tư 2005).
[46] Ðức Phanxicô, Diễn văn trước Hội Nghị các Giám mục Ba tây (27 tháng Bẩy 2013).
[47] Xem Thánh Justinô, II Apologia, 7,3; 8,1; 13, 2-3; 13, 6; AG 11; DP 401, 403.
[48] Xem Huấn quyền châu Mỹ Latinh trong các Phiên họp Toàn thể của CELAM; Thánh Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis 42 và Centesimus annus 11, 57; Ðức Bênêđictô XVI, Diễn văn trước Phiên Khai mạc Hội Nghị Toàn thể lần Thứ 5 các Giám mục châu Mỹ Latinh và vùng Caribê (2007); EG 197-201.
[49] DP 400; xem Thánh Irênê thành Lyon, Contra Herejes, V, praef; I, 6, 1.
[50] Trong số những người khác, ta có thể kể: Rodolfo Lunkenbein SDB và Simão Bororo (1976), Marçal de Souza Tupã-i (1983, Guaraní), Ezequiel Ramin (1985, Comboniano), Sr. Cleusa Carolina Rody (1985, nhà truyền giáo thuộc Dòng Cải Cách Thánh Augustinô), Josimo Moraes Tavavares (1986, linh mục triều), Vicente Canas SJ (1987), Ðức Cha Alejandro Labaka và Nữ tu Inés Arango (1987, cả hai thuộc dòng Capuchins), Chico Mendes (1988, nhà sinh thái học), Galdino Jesus dos Santos (1997, Pataxó Hã-Hã-Hãe), Ademir Federici (2001), Sr. Dorothy Mae Stang (2005, Dòng N.S. de Namur).
[51] Xem EG 68-70, 116, 122, 126, 129.
[52] Ibid.
[53] Ibid.
[54] Xem Tài liệu Chuẩn bị, 4; Phần I, Ch. IV: Ðối thoại.
[55] Sint. REPAM, 58.
[56] Xem Phần I, Ch. III: Hoàng thời (kairós), số 30; Phần III, Ch. I: Một Giáo hội với Khuôn mặt Amazon và Truyền giáo, các số 106-107, 113.
[57] Xem Thánh Justinô, Apología II, 8; AG 11.
[58] Xem Phần III, Ch. I: Một Giáo hội với Khuôn mặt Amazon và Truyền giáo, số 107.
[59] Xem Phần III, Ch. VI: Sứ mệnh của các Phương tiện Truyền thông.
[60] Ðức Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia (2003), 1, Ch. II.
[61] Xem Sint. REPAM, 78.
[62] Xem Phần II, Ch. V: Gia đình và Cộng đồng.
[63] Xem Phần II, Ch. III: Di dân.
[64] Xem Phần II, Ch. IV: Ðô thị hóa.
[65] Xem Phần III, Ch. V: Ðối thoại Ðại kết và Liên tôn.
[66] Xem Phần II, Ch. IV: Ðô thị hóa.
[67] Xem Phần III, Ch. IV: Việc Tổ chức các cộng đồng.
[68] Xem Phần III, Ch. IV: Việc Tổ chức các cộng đồng.
[69] Xem Phần III, Ch. VII: Vai trò Tiên tri của Giáo Hội và việc Cổ Vũ Con người Toàn diện.
[70] Xem DP 1166-1205; Tài liệu Sau cùng của Khóa Họp Thường Lệ lần thứ XV của Thượng Hội Ðồng Giám mục về Người trẻ, Ðức tin và việc Biện phân Ơn gọi; Ðức Phanxicô, Tông huấn Hậu-Thượng Hội Ðồng Christus Vivit (25 tháng Ba 2019).
[71] Xem Phần III, Ch. IV: Việc Tổ chức các cộng đồng.
[72] Xem Phần III, Ch. II: Các Thách đố Hội nhập Văn hóa và Tính Liên Văn hóa.
[73] Xem CIMI, "Relatório de violência contra os Povos Indígenas no Brasil".
[74] Xem Sint. REPAM, 142, 146.
[75] Xem Phần II, Ch. IX, Hoán cải Sinh thái.