Nỗ lực cải tổ tài chánh của Tòa Thánh
Nỗ lực cải tổ tài chánh của Tòa Thánh.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vatican News 30-12-2019) - Năm cùng tháng tận là lúc thích hợp để nhìn lại những gì xảy ra trong năm sắp kết thúc và hướng nhìn về năm tới. Trong chương trình cải tổ tại Tòa Thánh từ gần 7 năm nay, được Ðức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, con đường cải tổ kinh tế và tài chánh của Vatican dường như là con đường cam go hơn cả và cho đến nay chưa đạt được những thành quả mong muốn, ít là theo những nhận định của giới báo chí và tài chánh.
Thực vậy, từ khi lên làm Giáo Hoàng hồi trung tuần tháng 3 năm 2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nỗ lực đẩy mạnh việc cải tổ giáo triều Roma về nhiều mặt, theo lời thỉnh cầu của Hồng Y đoàn trước mật nghị hồng y bầu Giáo Hoàng. Trong số các cải tổ đầu tiên ngài tiến hành, có lãnh vực kinh tế tài chánh, nhưng cho đến nay, người ta chưa thấy có những kết quả cụ thể, và thậm chí có ký giả cho rằng tài chánh Vatican có nguy cơ "sập tiệm" và "phá sản".
Vụ cuốn sách của ký giả G. Nuzzi
Ngày 21 tháng 10 năm 2019, ký giả Gianluigi Nuzzi của báo Espresso ở Italia đã xuất bản cuốn sách tựa đề "Phán xét chung" (Giudizio Universale) và đưa ra lời báo động: Vatican sắp bị phá sản! Ký giả này, đã từng "tấn công" Vatican nhiều lần, quả quyết mình dựa trên "hơn 3 ngàn tài liệu được thu thập từ năm 2013 đến nay, tất cả đều là văn kiện mật và chưa hề được công bố". Ðó là những biên bản các cuộc họp của các cơ quan kinh tế của Vatican, những trao đổi giữa các cơ quan này, những phúc trình của các cơ quan ngoài Vatican thẩm định, những can thiệp kín đáo của Ðức Giáo Hoàng. Từ những văn kiện đó, người ta thấy một tình trạng đáng lo âu, những vụ xung đột, đặc biệt là đường lối quản trị theo phương thức "khách hàng" và tình trạng thiếu hụt chưa từng có của Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gặp tắt là Apsa.
Từ những dữ kiện trên đây, ký giả Nuzzi kết luận rằng tình trạng tài chánh của Vatican đang bị đe dọa trầm trọng, số tiền thu nhập giảm sút rất nhiều mà số chi tiếp tục gia tăng. Số tiền gọi là "Ðồng tiền thánh Phêrô" các tín hữu đóng góp để Ðức Giáo Hoàng làm việc bác ái, chỉ có 20% được dùng vào việc này, và phần lớn còn lại được dùng để bù đắp số chi của Tòa Thánh. Một nguyên do khác nữa là 4,400 bất động sản của Tòa Thánh ở trong tình trạng quản lý kém, không sinh lợi, nên góp phần tạo nên tình trạng thâm thủng ngân sách.
Phản ứng bác bỏ của Ðức Cha Galantino
Lập trường và kết luận của ký giả Nuzzi bị Ðức Cha Nunzio Galantino, Chủ tịch cơ quan APSA bác bỏ. Ðức Cha năm nay 71 tuổi (1948), nguyên là Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Italia trong 5 năm trước khi được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm Chủ tịch cơ quan Apsa, từ ngày 26 tháng 6 năm 2018.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) số ra ngày 22 tháng 10 năm 2019, tức là ngay hôm sau ngày cuốn sách của ký giả Nuzzi được xuất bản, Ðức Cha Galantino cho biết "tình trạng hiện nay trong việc quản trị của Tòa Thánh không có gì khác so với tất kỳ gia đình hoặc quốc gia nào ở các đại lục khác. Ðến lúc nào đó cần phải xét lại những chi tiêu của mình để tìm cách quân bình ngân sách".
Ðức Cha Galatino nhìn nhận rằng trong năm 2018, việc quản trị tài chánh bình thường của Tòa Thánh đã kết thúc với số thặng dư là hơn 22 triệu Euro. Sự thiếu hụt về kế toán chỉ do một sự can thiệp ngoại thường nhắm cứu một nhà thương Công Giáo và công ăn việc làm của các nhân viên nhà thương ấy.
Về việc quản lý các bất động sản do cơ quan APSA điều hành ở Roma và Castel Gandolfo, có hơn 2,400 căn hộ, và có 600 cửa tiệm và văn phòng. Có nhiều căn hộ không mang lại lợi tức vì được dùng làm văn phòng cho các cơ quan trung ương Tòa Thánh và 60% được dành cho các nhân viên Tòa Thánh thuê mướn để cư ngụ.
Ðức Cha Galantino nhắc nhở rằng về kết toán chi thu của Vatican, cần phân biệt kết toán của các cơ quan trung ương Tòa Thánh phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, kết toán này thường bị thiếu hụt vì không sinh lợi, còn kết toán của Quốc gia thành Vatican thì có số thặng dư, trong đó một phần lớn đến từ bảo tàng viện Vatican.
Ðức Cha Chủ tịch cơ quan Apsa kết luận rằng: "Báo chí thường đặt Ðức Giáo Hoàng với giáo triều Roma như hai cơ quan đối lập nhau, nhưng đó là cái trò cũ kỹ của báo chí. Tất cả chúng tôi đều đang tiếp tục làm việc để quân bình chi thu và vì thể chúng tôi tìm cách thi hành điều Ðức Giáo Hoàng muốn". (Avvenire 22-10-2019)
Tiếp tục có những "xì căng đan" được khui ra
Những trấn an trên đây của Ðức Cha Galantino không có hiệu quả lắm, vì thế báo chí tiếp tục nói đến những khó khăn và những thiếu sót trong việc quản trị tài sản của Tòa Thánh, đặc biệt vụ Apsa bị thất thoát 200 triệu mỹ kim khi đầu tư vào việc mua căn nhà sang trọng ở Luân đôn, hoặc tin của báo Wall Street Journal chuyên về tài chánh ở Mỹ, cho biết: chỉ có 10% số tiền các tín hữu đóng góp, quen gọi là "Ðồng tiền thánh Phêrô" được dùng vào việc giúp đỡ người nghèo, và phần lớn được dùng cho các chi phí khác của Tòa Thánh. Không có cải chính nào từ phía Tòa Thánh về những tin này.
Thêm vào đó có tình trạng từ 5 năm nay, kết toán chi thu chính thức của Tòa Thánh không được công bố, khiến dư luận đưa ra những tin đồn đại loại như thế.
Có thiếu sót, ít là về thông tin
Vì vậy, hồi trung tuần tháng 12 năm 2019, Ðức Cha Nunzio Galantino đã nhìn nhận có sự thiếu sót của các chức sắc Tòa Thánh trong vấn đề thông tin, khiến cho dư luận có một hình ảnh xấu về Vatican trong những vấn đề tài chánh.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo "Gia đình Kitô" (Famiglia Cristiana), số ra trung tuần tháng 12 năm 2019 ở Italia, Ðức Cha Galantino nói: Các vị lãnh đạo Giáo Hội cần thông tin tốt hơn và nhiều hơn về các vấn đề tài chánh... Những thông tin báo chí tạo cho người ta có cảm tưởng Vatican thi hành các dịch vụ tài chánh một cách "vui vẻ, thiếu suy nghĩ, và ngày càng có những hậu quả thê thảm... Thực tế rất khác. Nhưng chân lý nửa chừng rốt cuộc trở thành những điều phản sự thật lan tràn trong lãnh vực này" (KNA 13-12-2019)
Hy vọng có những cải tiến
Một điều được nhiều người chào mừng như một sự kiện hy vọng, đó là hôm 14 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã bổ nhiệm cha Juan Antonio Guerrero Alves, Tổng Cố Vấn Dòng Tên, làm tân Bộ trưởng Bộ Kinh Tế, thay thế Ðức Hồng Y George Pell.
Từ sau khi Ðức Hồng Y George Pell về Australia để chịu xử án, ngài vẫn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh Tế, và nay Ðức Thánh Cha mới bổ người thay thế Ðức Hồng Y. Cha Guerro không chịu chức Giám Mục, để sau khi thi hành nhiệm vụ giúp cải tiến kinh tế và tài chánh của Vatican, cha sẽ trở lại thi hành các công tác của Dòng Tên.
Trước đó, ngày 3 tháng 10 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã bổ nhiệm Ông Giuseppe Pignatore, làm Viện trưởng Viện Kiểm sát (Công tố viện) ở Reggio Calabria và Roma, làm tân chánh án tòa án Vatican. Ông có tiếng là thanh liêm và nghiêm túc. Ông đã không sợ các nhóm mafia và sẽ không sợ các "Ðức Ông". Chức vụ của ông không liên hệ trực tiếp tới các vấn đề kinh tế, tài chánh, nhưng vì tại Vatican liên tục có những vụ kinh tế được đưa ra tòa, và có thể bị ém nhẹm, nên sự kiện ông được bổ nhiệm, có thể là một cải tiến.
Ngoài ra, ngày 27 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã bổ nhiệm tân Chủ tịch cơ quan tình báo tài chánh (Aif) của Vatican là ông Carmelo Barbagallo, đã từng làm việc lâu năm trong Ngân Hàng Italia về vấn đề này, và nổi tiếng là người có tài, và nghiêm túc, nên có thể mang lại sự cải tiến cho ngành tài chánh và kinh tế của Vatican.