Sáng lập viên cộng đồng thánh Egidio
phê bình chính sách di dân của EU
Sáng lập viên cộng đồng thánh Egidio phê bình chính sách di dân của EU.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Frankfurt (Vatican News 28-12-2019) - Sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, giáo sư Andrea Riccardi, phê bình chính sách của Liên hiệp Âu Châu đối với người di dân và tị nạn, đồng thời nói rằng vấn đề này không hề được xử lý một cách thích đáng.
Giáo sư Riccardi bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Frankfurt toàn báo (Frankfurter Allgemeinen Zeitung), số ra ngày 27 tháng 12 năm 2019 vừa qua tại Ðức.
Giáo sư Riccardi từng là Bộ trưởng của Italia trong nội các của thủ tướng Mario Monti, từ 2011 đến 2013. Ông nói: "nước Ðức và Pháp đã để cho Italia phải tự mình đối phó với vấn đề di dân và tị nạn, và tình trạng này đã góp phần tạo nên sự thắng thế của đảng Liên minh Bắc Italia là đảng chủ trương hạn chế việc nhận người di dân và tị nạn."
Giáo sư Riccardi kêu gọi tân Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu Châu thi hành chính sách "trách nhiệm chung đối với vấn đề di dân", mau lẹ giải quyết những tình trạng nhân đạo cấp thiết, trợ giúp ngắn hạn và dài hạn cho các nước Phi châu trong việc điều hành sức ép di cư. Sức ép này dự kiến sẽ gia tăng vì sự thay đổi khí hậu.
Theo ông Riccardi, với chính sách trục xuất và dựng lên các hàng rào để chống di dân, người ta sẽ không đạt được điều gì.
Chiến tranh tại Trung Ðông
Trong cuộc phỏng vấn, giáo sư Riccardi cũng đề cập đến chiến tranh tại Trung Ðông. Chiến tranh tại Siria kéo dài quá lâu cho đến khi tổng thống Al Assad đang chiến thắng. Nhiều vấn đề, như vấn đề người Kurdes vẫn chưa có giải pháp. Thêm vào đó là hiện nay tại Siria hiện nay không còn xã hội dân sự nữa.
Kitô hữu trả giá vì ủng hộ chế độ Assad và Sadam Hussein
Giáo sư Riccardi cũng nhận xét rằng các tín hữu Kitô, dưới chế độ của tổng thống al Assad ở Siria và Saddam Hussein ở Irak tương đối được tự do hành đạo, và vì thế họ ủng hộ các chế độ này trong thời gian dài. Nay họ đang phải trả giá cao vì sự ủng hộ ấy. Trung Ðông, với các cuộc trục xuất và xuất cư của các tín hữu Kitô thiểu số trở nên nghèo nàn hơn về mặt tôn giáo và văn hóa.
Liên hiệp Âu Châu mất uy tín vì chiến tranh Siria
Theo giáo sư Riccardi, đứng trước chiến tranh tại Siria, Âu Châu bị mất mặt: cuộc chiến tại đây chứng tỏ cho thế giới thấy sự bất lực của Âu Châu về phương diện ngoại giao, và trong cuộc chiến tranh tị nạn, đông và tây phương bị chia rẽ. Âu Châu cần cấp thiết hiệp nhất và thống nhất để chống lại sự xung đột đối đầu với các nước khổng lồ ở Á châu. Chỉ có một Âu Châu hiệp nhất mới có thể tránh cho đại lục này một ngày kia khỏi trở thành một thứ Hong Kong hoặc một khu giải trí Dysneyland của lịch sử.
(KNA 27-12-2019)