Cuộc sống mới của Nadia:
từ bỏ ước mơ để phục vụ
người mắc hội chứng Down
Cuộc sống mới của Nadia: từ bỏ ước mơ để phục vụ người mắc hội chứng Down.
Hồng Thủy
Ucraina (Vatican News 23-12-2019) - Ðức Giáo hoàng Phanxicô thường nói về cuộc cách mạng của sự dịu dàng. Ngài dạy chúng ta rằng dịu dàng nghĩa là dùng đôi mắt của chúng ta để nhìn người khác, dùng đôi tai để lắng nghe người khác. Có lẽ chúng ta cần ơn này để là người mang lòng thương xót, sự dịu dàng và tình yêu của Chúa. Câu chuyện của Nadia và Khrystyna là ví dụ của cách nhìn và nghe đó. Ðó là câu chuyện của tình yêu: một tình yêu nhận ra vẻ đẹp nội tâm của người khác.
Nadia Kalachova là một thiếu nữ sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Cô đã học về kinh tế 4 năm nhưng ước mơ thời niên thiếu của cô là trở thành một nhà báo. Khi ước mơ trở thành sự thật, Nadia khám phá ra rằng Chúa lại có điều đặc biệt dành cho cô.
Khi đang theo học ngành Báo chí tại đại học Công giáo Ucraina, Nadia bắt đầu đào sâu sự hiểu biết về Thiên Chúa. Cô kể: "Khi tôi vào đại học Công giáo Ucraina, tôi mang theo những câu hỏi chưa được giải đáp. Cha mẹ tôi thuộc cộng đoàn Tin Lành, vì vậy tôi cũng có một ít kinh nghiệm đức tin. Nhưng tôi tìm hiểu thêm về những điều này và trong lòng tôi bắt đầu nổi lên những nghi ngờ".
Kinh nghiệm ở đại học Công giáo: những buổi học hứng thú, những cuộc trò chuyện với các giáo sư và lắng nghe kinh nghiệm đức tin của bạn bè đã tỏ cho Nadia thấy cách thế Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Khi Nadia hoàn tất chương trình học, cô phải nghĩ về nghề nghiệp. Cô chia sẻ: "Tôi đam mê làm một nhà báo nhưng đồng thời tôi cầu nguyện và hỏi Chúa nơi Người muốn tôi đến. Từ từ, con đường mở ra trước mắt tôi, thúc đẩy tôi đến với những người khuyết tật tâm trí."
Tất cả bắt đầu khi Nadia đọc cuốn sách "The Chrysalis" của Dorota Terakowska, kể về câu chuyện của một gia đình chăm sóc cho đứa con gái bị một dạng hội chứng Down nghiêm trọng. Và không lâu sau đó, Nadia đã gặp Roman Maksymovych, một người trẻ bị cùng bệnh lý về gien như trong câu chuyện cô đã đọc. Nadia bị đánh động bởi cách Roman đọc bài ca Bác ái trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.
Nadia chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng nhìn thấy nơi những người khuyết tật phẩm giá và món quà mà Chúa ban cho họ. Rồi chúng tôi cố gắng giúp họ tìm thấy vị trí của họ trong xã hội, bởi vì Chúa trao cho mỗi người một sứ vụ trong cuộc sống. Các thành viên của cộng đoàn Emmaus ở đại học Công giáo Ucraina mà Nadia là thành viên, gọi những người khuyết tật là "bạn".
Nadia tìm thấy nguồn cảm hứng từ ông Jean Vanier, người sáng lập cộng đoàn "Con Tàu", một tổ chức tình nguyện chuyên nâng đỡ và trợ giúp những người cần sự giúp đỡ đặc biệt. Nadia tìm thấy câu nói sau đây dành cho mình: "Không phải chỉ người yếu mới cần người khỏe mạnh, nhưng cả người khỏe mạnh cũng cần người yếu đuối. Bởi vì sự yếu đuối của họ đánh thức năng lực dịu dàng nơi chúng ta." Nadia nhớ lại nhiều lần những người khuyết tật giúp cô tái khám phá sự dịu dàng này.
Kiến tạo tương quan với những người khuyết tật không phải là điều dễ dàng. Nadia đã có kinh nghiệm thất bại trong việc nối kết với họ. Cô hiểu là có những điều cần có thời gian. Ðối với thế giới ngày nay, mọi việc phải được làm ngay lập tức. Người khuyết tật dạy chúng ta cách chậm lại. Khám phá ra sự kỳ bí và độc đáo của người khuyết tật cần thời gian và sự kiên nhẫn. Người khuyết tật bày tỏ những khả năng của họ cách chậm chạp và trong cách thế sâu sắc. Với sự xấu hổ, đơn giản và tự phát, họ dạy chúng ta cách tin tưởng nhau.
Một sinh viên trẻ khác của đại học Công giáo Ucraina, là Khrystyna Moroz , cũng làm việc với cộng đoàn Emmaus tại đại học Công giáo Ucraina. Cô nhận xét: "Những người khuyết tật thấy rất nhiều. Họ có thể quan sát những điều mà đối với người khác dường như vô hình. Qua họ chúng ta khám phá ra một thế giới ít phức tạp." Trước đó, cô không có những kinh nghiệm giao tiếp với những người khuyết tật này. Khi đang học ở đại học, cô chưa bao giờ chú ý đến họ. Tất cả bắt đầu khi cô nhìn thấy một quảng cáo thuê người làm trợ lý cho cộng đoàn Emmaus. Cô được nhận vào làm việc với ý nghĩ đây chỉ là điểm dừng trước khi tìm được công việc tốt hơn. Giờ đây cô đã làm việc với cộng đoàn Emmau được 4 năm.
Khrystyna chia sẻ: "Vài tháng đầu thật khó khăn và dường như công việc thực sự là không dành cho tôi. Nó không phù hợp với việc đào tạo và tham vọng của tôi. Nhưng sau một năm tôi nhận ra những người ở đó quan trọng với tôi và tôi quyết định ở lại." Cô nói tiếp: "Ngay cả nếu tôi không đang làm điều tôi đã học, tôi đang phục vụ cho điều cao đẹp hơn. Tôi luôn học được điều gì đó mới mẻ." Càng phục vụ lâu ở đó, cô càng cảm thấy đây là nơi cô muốn ở.