Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
ca ngợi Cộng đồng thánh Egidio
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ca ngợi Cộng đồng thánh Egidio.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Roma (Vatican News 20-12-2019) - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ông António Guterres, ca ngợi sự dấn thân của Cộng đồng thánh Egidio trong lãnh vực nhân đạo, với nhiều sáng kiến bênh vực hòa bình và đối thoại liên tôn.
Ông Guterres đã bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ với các vị đại diện Cộng đồng thánh Egidio ở Roma hôm 19 tháng 12 năm 2019.
Trong cuộc hội kiến với Ông Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio, Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến các vấn đề di dân, các hành lang nhân đạo, chiến dịch cổ võ loại bỏ án tử hình và tiến trình hòa giải quốc gia tại Cộng hòa Trung Phi, là những lãnh vực được Cộng đồng Thánh Egidio đặc biệt dấn thân hoạt động.
Ông Guterres cũng đặc biệt chú ý đến tình hình tại Nam Sudan. Hiện thời có một phái bộ của Cộng đồng thánh Egidio đang ở thủ đô Juba, để thúc giục các nhóm đối lập chưa ký vào hiệp định hòa bình tại Addis Abeba bên Etiopia, hãy tham gia tiến trình hòa bình.
Cuối buổi hội kiến, Ông Guterres đã gặp và chào thăm một vài người tị nạn đã đến Italia hôm 04 tháng 12 năm 2019 theo hành lang nhân đạo. Ông cầu chúc những người tị nạn này bắt đầu một cuộc sống mới tại Italia.
Lai lịch Cộng đồng thánh Egidio
Cộng đồng thánh Egidio được một nhóm học sinh trung học Công Giáo ở Roma thành lập hồi năm 1968. Giữa lúc các sinh viên học sinh tại nhiều nước Âu Châu nổi loạn, thì nhóm học sinh này họp nhau, chia sẻ Lời Chúa và thực thi các công tác bác ái, như giúp đỡ những người di dân và tị nạn học tiếng Ý. Cộng đồng phát triển và hiện nay có khoảng 70 ngàn thành viên ở 60 nước, chuyên dấn thân trong các lãnh vực từ thiện bác ái, đối thoại liên tôn và xây dựng hòa bình.
Ông Guterres bênh vực người di dân và tị nạn
Mặt khác, hôm 18 tháng 12 năm 2019, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ông António Guterres, đã kêu gọi bênh vực quyền tị nạn, đang bị tấn công hiện nay giữa lúc nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, kể cả đối với các trẻ em. Theo Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, trên thế giới có hơn 70 triệu người buộc lòng phải rời rỏ đất nước đi tị nạn nơi khác. Ðây là một con số chưa từng có, và nhiều trại tị nạn giống như một trại tù, như những trại ở Libia, nơi giam giữ gần 9 ngàn người đã toan tính vượt biên để vào Âu Châu, và Liên Hiệp Quốc tố giác thảm trạng khôn tả của họ trong các trại này. Nói chung, xu hướng hiện nay trên thế giới là không đón nhận người tị nạn nữa.
Thứ Sáu 20 tháng 12 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã tiếp kiến ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và cũng đề cập đến vấn đề bênh vực người di dân, người tị nạn và tự do tôn giáo.
(KNA 19-12-2019)