Mất ý nghĩa cuộc sống

là mối đe dọa trầm trọng nhất

tại các nước phát triển

 

Mất ý nghĩa cuộc sống là mối đe dọa trầm trọng nhất tại các nước phát triển.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (Vatican News 27-11-2019) - Tuy mới trở lại Roma chiều Thứ Ba, 26 tháng 11 năm 2019, sau 7 ngày viếng thăm khẩn trương, lúc 9 giờ 20 sáng Thứ Tư, 27 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã mở lại ngay các hoạt động bình thường, và ngài tiếp kiến chung khoảng 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng đẹp, khác với 2 buổi tiếp kiến chung dưới trời mưa trước đây.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua một đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu, đoạn 28 từ câu 16 đến câu 20, trong đó Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp nơi, mời gọi các dân tộc trở thành môn đệ của Ngài, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã thuật lại những nét chính trong cuộc tông du thứ 32 ngài mới thực hiện tại Thái Lan và Nhật Bản.

Ðức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm qua (26/11/2019) tôi đã trở về sau cuộc tông du tại Thái Lan và Nhật Bản, một hồng ân mà tôi rất cảm tạ Chúa. Tôi muốn tái bày tỏ lòng biết ơn đối với các chính quyền và các Giám mục hai nước đã mời và đón tiếp tôi rất ân cần, và nhất là cám ơn nhân dân Thái Lan và Nhật Bản. Cuộc viếng thăm này gia tăng sự gần gũi và lòng quý mến của tôi đối với các dân tộc ấy: Xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho họ dồi dào thịnh vượng và an bình.

Thăm Thái Lan

Thái Lan là một vương quốc kỳ cựu được tân tiến hóa cao độ. Khi gặp Quốc Vương, thủ tướng và các giới chức chính quyền, tôi đã ca ngợi truyền thống phong phú về tinh thần và văn hóa của nhân dân Thái. Tôi đã khích lệ sự dấn thân hòa hợp giữa các thành phần của quốc gia, cũng như để sự phát triển kinh tế có thể mưu ích cho tất cả mọi người và chữa lành các vết thương do sự bóc lột, nhất là các phụ nữ và trẻ vị thành niên. Phật giáo là thành phần trong lịch sử và cuộc sống của dân tộc này, vì thế tôi đã đến viếng thăm Hòa Thượng Tăng Thống Phật Giáo, tiếp tục con đường quý chuộng nhau đã được các vị Tiền Nhiệm của tôi khởi xướng, để gia tăng trên thế giới sự cảm thông và tình huynh đệ. Theo nghĩa đó, thật là điều ý nghĩa cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn diễn ra tại Ðại học lớn nhất nước Thái.

Giáo Hội Công Giáo Thái Lan

"Chứng tá của Giáo Hội tại Thái Lan cũng được biểu lộ qua các công tác phục vụ bệnh nhân và những người rốt cùng. Trong số này nổi bật là Nhà thương thánh Louis, mà tôi đã viếng thăm, khích lệ các nhân viên y tế và gặp gỡ một số bệnh nhân. Rồi tôi cũng dành những lúc đặc biệt cho các linh mục và những người thánh hiến, các Giám mục, và cả các anh em cùng dòng Tên. Tại Bangkok tôi đã cử hành thánh lễ với toàn dân Chúa tại Sân vận động quốc gia và sau đó với giới trẻ tại Nhà Thờ Chính Tòa. Tại đó tôi đã cảm nghiệm thấy trong gia đình mới do Chúa Giêsu Kitô thành lập, cũng có cả những khuôn mặt và tiếng nói của dân tộc Thái.

Thăm Nhật bản

Tiếp đến tôi đã đi thăm Nhật Bản. Khi đến tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Tokyo, tôi đã được các Giám mục Nhật đón tiếp, và tôi đã chia sẻ ngay với các vị về thách đố làm mục tử của một Giáo Hội rất bé nhỏ, nhưng mang nước hằng sống, là Tin Mừng của Chúa Giêsu.

"Bảo vệ mọi sự sống", đó là khẩu hiệu cuộc viếng thăm của tôi ở Nhật Bản, một nước còn mang những vết thương do cuộc dội bom nguyên tử và là phát ngôn viên cho toàn thế giới về quyền căn bản là quyền sống và được hòa bình.

Tại Nagasaki và Hiroshima, tôi đã dừng lại để cầu nguyện, gặp gỡ một số người sống sót và người thân của các nạn nhân, và tôi đã tái nghiêm khắc lên án các võ khí hạt nhân và sự giả hình khi nói về hòa bình, mà đồng thời chế tạo và bán các võ khí. Sau thảm trạng ấy, Nhật Bản đã chứng tỏ một khả năng ngoại thường tranh đấu cho sự sống; và cũng đã thi hành như vậy trong thời gian gần đây sau 3 thảm họa hồi năm 2011: động đất, sóng thần và tai nạn ở trung tâm năng lượng hạt nhân.

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: "Ðể bảo vệ sự sống, cần yêu mến sự sống, và ngày nay đe dọa trầm trọng nhất, tại các nước phát triển cao, là sự đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Các tài nguyên kinh tế, kỹ thuật, vẫn chưa đủ, còn cần có tình thương của Chúa Cha mà Chúa Giêsu Kitô đã và đang ban cho chúng ta. Tình yêu thương đã linh hoạt chứng tá của các vị tử đạo, các vị tử đạo ở Nagasaki, thánh Phaolô Miki và 25 bạn tử đạo; tình yêu đã nâng đỡ chân phước Justo Takayama Ukon và bao nhiêu người nam nữ vô danh đã bảo tồn đức tin trong những thời kỳ bị bách hại.

Gặp giới trẻ Nhật

Những nạn nhân đầu tiên của tình trạng trống rỗng ý nghĩa chính là những người trẻ. Vì thế một cuộc gặp gỡ tại Tokyo đã được dành cho họ. Tôi đã lắng nghe các câu hỏi và những ước mơ của người trẻ, và khích lệ họ hãy cùng nhau chống lại mọi hình thức bắt nạt, và chiến thắng sợ hãi, cũng như thái độ khép kín, chống lại bằng cách cởi mở đối với tình yêu của Thiên Chúa, trong kinh nguyện và trong việc phục vụ tha nhân. Những người trẻ khác tôi đã gặp họ tại đại học Sophia, cùng với cộng đoàn đại học. Ðại học này, cũng như tất cả các trường Công Giáo, rất được đánh giá cao tại Nhật Bản.

Tại Tokyo, tôi đã được cơ hội viếng thăm Nhật Hoàng Naruhito, và nay tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với Người; và tôi đã gặp chính quyền Nhật cùng với ngoại giao đoàn. Tôi đã cầu chúc một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, mang đặc tính khôn ngoan và có chân trời mở rộng. Nhờ trung thành với các giá trị tôn giáo và luân lý của mình, cởi mở đối với sứ điệp Tin Mừng, Nhật Bản có thể là một nước có sức lôi kéo tiến tới một thế giới công chính và an bình hơn, và tiến đến sự hòa hợp giữa con người và môi trường.

Và Ðức Thánh Cha kết luận với lời mời gọi: "Anh chị em thân mến, chúng ta hãy phó thác cho lòng từ nhân và sự quan phòng của Thiên Chúa hai dân tộc Thái Lan và Nhật Bản."

Chào thăm các tín hữu

Sau huấn từ trên đây của Ðức Thánh Cha bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã lần lượt tóm lược bằng một số ngôn ngữ chính, có kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh Cha bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan.

Sau cùng, trong lời chào thăm các tín hữu hành hương bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha ứng khẩu bày tỏ sự gần gũi với dân nước Albani, vì cuộc động đất hôm 26/11 vừa qua ở độ 6,4 gần thành phố Durazzo, làm cho ít nhất 18 người chết và hàng trăm người bị thương, thiệt hại vật chất rất quan trọng. Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng Albani là quốc gia Âu Châu ngài viếng thăm và ngài rất quý mến.

Ðức Thánh Cha nói tiếp: "Thứ Bảy vừa qua, tại Tambau bên Brazil, có lễ phong chân phước cho linh mục Donizetti Tavares, thành Lima, vị mục tử hoàn toàn tận tụy đối với dân của mình, chứng nhân bác ái Tin Mừng và là người can đảm bảo vệ những người nghèo. Ước gì các linh mục, những người thánh hiến và cả các giáo dân có thể làm chứng tá đức tin như chân phước Donizetti, qua những chọn lựa trong cuộc sống phù hợp với Tin Mừng. Chúng ta hãy vỗ tay mừng vị Chân Phước mới!

Ðức Thánh Cha cũng chào thăm các tham dự viên đại hội của Liên hiệp Tông Ðồ giáo sĩ do Ðức Cha Mansi hướng dẫn. Ngài nhắc đến và chào thăm các cảnh sát viên từ thành phố Nettuno và nhân viên sở cảnh sát ở thành phố Bari, nam Italia. Với mọi người, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng Chúa nhật tới đây là bắt đầu Mùa Vọng và nói: "Tôi cầu chúc cho tất cả anh chị em một cuộc chờ đợi Ðấng Cứu Thế làm cho tâm hồn anh chị em tràn đầy hy vọng và anh chị em được vui tươi trong việc phục vụ những người túng thiếu".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page