Cuộc họp báo trên máy bay
của Ðức Thánh Cha:
Ghi việc cấm võ khí hạt nhân
vào Sách Giáo Lý Công Giáo
Cuộc họp báo trên máy bay của Ðức Thánh Cha: Ghi việc cấm võ khí hạt nhân vào Sách Giáo Lý Công Giáo.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (Vatican News 27-11-2019) - Ðức Thánh Cha Phanxicô cho biết chính ngài cho phép khám xét và tịch thu các tài liệu tại 5 văn phòng ở Vatican và điều tra về 5 viên chức bị tình nghi là tham nhũng, hoặc quản lý kém.
Ðức Thánh Cha tiết lộ như trên trong cuộc họp báo trên máy bay ngày 26 tháng 11 năm 2019, trong chuyến bay dài hơn 13 tiếng đồng hồ từ Tokyo, Nhật Bản về Roma.
"Nội chiến về tài chánh tại Vatican"
Ký giả Philip Pullella của hãng tin Reuters, Anh quốc hỏi Ðức Thánh Cha về những tin tức trong những tuần lễ gần đây tại Vatican, như có một cuộc nội chiến để kiểm soát tài chánh, phần lớn các thành viên Hội đồng quản trị cơ quan Tình Báo tài chánh AIF từ chức, giám đốc cơ quan này bị ngưng chức, chủ tịch cơ quan tình báo này không được gia hạn. Ngoài ra có vụ "Ðồng tiền Thánh Phêrô" (Obolo di San Pietro), khoảng 200 triệu đôla Mỹ được dùng để mua một tòa nhà sang trọng ở Luân Ðôn...
Trả lời của Ðức Thánh Cha:
Ðức Thánh Cha cho biết Vatican đã có những tiến bộ về việc quản trị. Ví dụ Viện Giáo Vụ (IOR) hay ngân hàng Vatican, nay được tất cả các ngân hàng chấp nhận và có thể hoạt động như những ngân hàng Italia, điều mà cách đây 1 năm không được như vậy.
Về việc nhóm kiểm soát tài chánh Egmont ở Canada ngưng cộng tác với Vatican, Ðức Thánh Cha giải thích rằng tổ chức này là một nhóm quốc tế không chính thức, thuộc về Cơ quan tình báo tài chánh AIF, một nhóm tư nhân, tuy là quan trọng.
Moneyval cơ quan chính thức
Cơ quan Moneyval sẽ thực hiện cuộc thanh tra tài chánh Vatican theo chương trình đã ấn định vào những tháng đầu năm tới. Giám đốc Cơ quan tình báo tài chánh Vatican bị ngưng chức vì bị nghi là không quản lý tốt, không thi hành nhiệm vụ kiểm soát của mình. Chủ tịch cơ quan AIF Vatican tìm cách lấy lại các tài liệu đã bị Viện Kiểm sát, hay Viện Công Tố của Vatican tịch thu để điều tra, nhưng theo công lý, nhóm Egmont không thể làm điều đó được.
Ðức Thánh Cha tiết lộ là ngài đã tham khảo ý kiến một pháp quan cấp cao của Italia về vụ này. Ðứng trước một sự cáo buộc tham nhũng, thì công lý có chủ quyền tối thượng trong một nước và không ai có quyền xen mình vào cuộc điều tra này, không ai có thể đòi lại các tài liệu bị tịch thu để trao cho nhóm Egmont. Các tài liệu đó phải được nghiên cứu, cứu xét để xem có tham nhũng hay không.
Ðức Thánh Cha cho biết là đã tìm được một người thay thế Chủ tịch cơ quan tình báo tài chánh (AIF) của Vatican, một pháp quan có trình độ rất cao về pháp luật và kinh tế quốc gia và quốc tế, và ông sẽ nhận nhiệm vụ trong những ngày tới đây.
Trong cuộc họp báo, Ðức Thánh Cha bênh vực việc dùng Ðồng tiền thánh Phêrô để đầu tư, để tránh tình trạng tiền bị mất giá: không thể chỉ giữ tiền trong két sắt. Trong vụ mua tòa nhà sang trọng ở Luân Ðôn, mục đích là đầu tư, nhưng trong vụ này có sự không ổn, có xì xăng đan, vì thế cần điều tra để làm sáng tỏ sự việc.
Ðức Thánh Cha Kêu gọi ngưng sản xuất và bán võ khí
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Thánh Cha kêu gọi ngưng sản xuất và bán khí giới, để tạo điều kiện cho các cuộc thương thuyết, với sự trợ giúp của những người trung gian. Ngài nói:
"Ví dụ trong trường hợp Ucraina và Nga, người ta không nói về võ khí, nhưng đã thương thuyết để trao đổi các tù binh, đó là điều tích cực. Tại miền Donbass ở mạn đông Ucraina, giáp giới Nga, người ta nghĩ đến một việc hoạch định một chế độ cai trị khác, và họ đang thảo luận. Ðó là một bước tiến tích cực."'
Tố cáo sự giả hình
Ðức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng: "Một điều xấu xa là sự "giả hình về vấn đề khí giới". Những nước Kitô giáo, những nước Âu Châu nói về hòa bình nhưng sống bằng võ khí, đó là một sự giả hình, Chúa Giêsu đã nói điều đó trong chương 23 của Tin Mừng theo thánh Matthêu: cần chấm dứt sự giả hình như thế. Chúng ta cần can đảm nói rằng: "Tôi không thể nói về hòa bình, vì nền kinh tế của tôi được rất nhiều lợi lộc với khí giới".
Ðức Thánh Cha kể lại trường hợp một tàu chở võ khí tới một hải cảng để chuyển võ khí sang một tàu khác, đi tới Yemen, nhưng các công nhân cảng đó đã từ chối không chịu chuyển các võ khí đó, và tàu chở võ khí ấy đã phải quay trở về nhà... Và ngài kết luận rằng hòa bình ngày nay rất mong manh, nhưng chúng ta không được nản chí.
Bỏ quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc
Ðức Thánh Cha cũng đề nghị Liên Hiệp Quốc tiến đến việc bãi bỏ quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngài nói: "Nếu có một vấn đề về võ khí, tất cả các nước đều đồng ý để giải quyết vấn đề ấy để tránh chiến tranh, tất cả các nước đều bỏ phiếu ủng hộ, nhưng một nước với quyền phủ quyết bỏ phiếu chống, vậy là tất cả bị khựng lại. Có lẽ điều tốt là Liên Hiệp Quốc phải làm một bước tiến: từ bỏ quyền phủ quyết của một số nước tại Hội đồng bảo an."
Ghi việc cấm võ khí hạt nhân vào Sách Giáo Lý Công Giáo
Cũng nên nói thêm rằng trong cuộc phỏng vấn, Ðức Thánh Cha tái khẳng định việc sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân là điều vô luân, và "điều này phải được ghi vào trong sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, vì một tai nạn, hoặc sự điên rồ của vài nhà cầm quyền, sự điên rồ của một cá nhân có thể hủy diệt nhân loại. Chúng ta hãy nghĩ đến điều mà Einstein đã nói: Thế chiến thứ tư, người ta sẽ đánh nhau bằng gậy và đá".
(Vatican News 26-11-2019)