Bài Diễn văn của Ðức Phanxicô
với các nhà cầm quyền Nhật và Ngoại giao đoàn
Bài Diễn văn của Ðức Phanxicô với các nhà cầm quyền Nhật và Ngoại giao đoàn.
Vũ Văn An
Tokyo (VietCatholic News 25-11-2019) - Hôm 25 tháng 11 năm 2019, sau khi cử hành Thánh Lễ đại trào tại Tokyo Dome, Ðức Phanxicô đã tới viếng thăm tư Thủ Tướng Nhật và sau đó gặp gỡ các nhà cầm quyền, xã hội dân sự Nhật và ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Nhật. Tại đây, ngài đã nói chuyện với họ, thúc giục họ trân qúy di sản văn hóa quí giá của họ và duy trì tình liên đới với mọi thành viên trong gia đình nhân loại, với câu trích dẫn bất hủ của nhà truyền giáo Dòng Tên Alessandro Valignano, người năm 1579 từng viết: "Bất cứ ai muốn thấy Chúa chúng ta đã ban tặng những gì cho con người chỉ cần họ đến Nhật Bản để thấy". Ngài cũng không quên nhắc đến Thế Vận Hội tại Tokyo vào năm tới, sẽ "đóng góp hòa hợp, công lý, liên đới và hoà giải vốn là chất vữa xây dựng tòa nhà hoà bình".
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài nói chuyện của ngài:
Thưa Thủ tướng
Qúy Thành viên Chính phủ,
Qúy Thành viên Ngoại giao đoàn,
Thưa quý bà qúy Ông,
Tôi cảm ơn Thủ tướng vì những lời giới thiệu tốt đẹp của ông và tôi gửi lời chào trân trọng tới qúy vị, qúy nhà cầm quyền và các thành viên của ngoại giao đoàn. Mỗi qúy vị, theo cách riêng của mình, đang tận tụy làm việc cho hòa bình và thịnh vượng của nhân dân quốc gia cao quý này và của các quốc gia mà qúy vị đại diện. Tôi biết ơn một cách đặc biệt đối với Hoàng đế Naruhito vì đã tiếp tôi sáng nay. Tôi ngỏ với ngài những lời chúc tốt đẹp của tôi và tôi cầu xin Chúa ban phước lành cho Hoàng gia và cho tất cả nhân dân Nhật Bản vào đầu kỷ nguyên mới được khai mở với triều đại của ngài.
Các mối liên hệ hữu nghị hiện có giữa Tòa thánh và Nhật Bản đã có từ lâu và bắt nguồn từ việc đánh giá cao và ngưỡng mộ được các nhà truyền giáo đầu tiên cảm nhận đối với lãnh thổ này. Chúng ta chỉ cần nhắc lại những lời của vị tu sĩ Dòng Tên Alessandro Valignano, người vào năm 1579 đã viết: "Bất cứ ai muốn thấy Chúa chúng ta ban tặng những gì cho con người chỉ cần họ đến Nhật Bản để thấy". Về phương diện lịch sử, nhiều tiếp xúc và các sứ bộ văn hóa và ngoại giao đã phát huy mối liên hệ này và giúp vượt qua căng thẳng và rắc rối. Những tiếp xúc này đã dần dần mang hình thức định chế, vì lợi ích của cả hai bên.
Tôi đến để củng cố người Công Giáo Nhật Bản trong đức tin của họ, trong việc họ nối vòng tay lớn bác ái với những người có nhu cầu và việc họ phục vụ đất nước mà họ là các công dân đầy tự hào. Là một quốc gia, Nhật Bản đặc biệt nhạy cảm đối với sự đau khổ của những người kém may mắn, những người tàn tật và khuyết tật. Chủ đề chuyến viếng thăm của tôi là "Hãy bảo vệ mọi sự sống", qua việc nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của nó và tầm quan trọng của việc bày tỏ tình liên đới và sự hỗ trợ cho anh chị em của chúng ta trong bất cứ loại nhu cầu nào. Tôi đã có một trải nghiệm mạnh mẽ về điều này khi lắng nghe những câu chuyện của những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa ba mặt, và cảm động trước những gian khổ họ đã chịu đựng.
Theo bước chân của những người đi trước, tôi cũng đến để cầu khẩn Thiên Chúa và mời gọi tất cả những người có thiện chí khuyến khích và cổ vũ mọi biện pháp can gián cần thiết để việc hủy diệt do bom nguyên tử tạo ra ở Hiroshima và Nagasaki sẽ không bao giờ xảy ra nữa trong lịch sử con người. Lịch sử dạy chúng ta rằng các xung đột và hiểu lầm giữa các dân tộc và quốc gia chỉ có thể tìm ra các giải pháp hợp pháp thông qua đối thoại, vốn là vũ khí duy nhất xứng đáng với con người và có khả năng bảo đảm nền hòa bình lâu dài. Tôi xác tín việc cần phải xử lý vấn đề hạch nhân trên bình diện đa phương, cổ vũ một diễn trình chính trị và định chế có khả năng tạo ra sự đồng thuận và hành động quốc tế rộng lớn hơn.
Một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, được đánh dấu bằng túi khôn, sự sáng suốt và viễn kiến xa rộng, là điều chủ yếu để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Nhật Bản đã nhìn nhận tầm quan trọng của việc cổ vũ các tiếp xúc bản thân trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, vì biết rằng những điều này có thể đóng góp không ít vào sự hài hòa, công lý, liên đới và hòa giải, vốn là chất vữa xây dựng toà nhà hòa bình. Chúng ta thấy một ví dụ nổi bật của điều này trong tinh thần Thế Vận Hội, một tinh thần kết hợp các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới trong một cuộc thi không nhất thiết dựa trên sự cạnh tranh mà đúng hơn dựa trên việc theo đuổi sự xuất sắc. Tôi tin tưởng rằng Thế vận hội và Thế Vận Hội Song Hành, được tổ chức tại Nhật Bản trong năm tới, có thể đóng vai trò thúc đẩy tinh thần liên đới vượt qua mọi biên giới quốc gia và khu vực và mưu cầu thiện ích của cả gia đình nhân loại chúng ta.
Trong những ngày này, tôi đã trải nghiệm và tiến tới chỗ quý trọng một lần nữa di sản văn hóa quý giá mà Nhật Bản suốt trong nhiều thế kỷ lịch sử của nó đã có thể khai triển và bảo tồn, và các giá trị tôn giáo và đạo đức sâu sắc vốn lên đặc điểm cho nền văn hóa cổ đại này. Các mối liên hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo khác nhau không chỉ có tính chủ yếu đối với tương lai hòa bình, mà còn đào tạo các thế hệ hiện tại và tương lai biết trân trọng các nguyên tắc đạo đức làm nền tảng cho một xã hội thực sự công bằng và nhân ái. Như lời của Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản mà tôi đã ký với Ðại Giáo Sĩ của Al-Azhar vào tháng 2 vừa qua, mối quan tâm chung của chúng ta đối với tương lai của gia đình nhân loại thúc đẩy chúng ta "chấp nhận nền văn hóa đối thoại làm đường đi; hợp tác lẫn nhau làm quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn".
Không du khách nào đến Nhật Bản mà không xúc động trước vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của đất nước này, vốn được các nhà thơ và nghệ sĩ của nó ca tụng từ lâu và được biểu tượng trên hết bằng hình ảnh hoa anh đào nở. Tuy nhiên, sự mảnh mai của cảnh hoa anh đào nở nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ngôi nhà chung của chúng ta, phải chịu các thảm họa không những do tự nhiên mà còn do lòng tham, bóc lột và tàn phá trong bàn tay của con người nữa. Cùng với việc cộng đồng quốc tế đấu tranh để tôn vinh các cam kết của mình trong việc bảo vệ sáng thế, chính các người trẻ đang càng ngày càng lên tiếng và đòi hỏi các quyết định can đảm. Họ thách thức chúng ta thấy rằng thế giới không phải là một sở hữu để bị lãng phí, mà là một di sản quý giá cần được lưu truyền. Về phần chúng ta, "chúng ta nợ họ nhiều câu trả lời có thực chất chứ không phải những hạn từ trống rỗng; hành động chứ không ảo tưởng" (Thông điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện năm 2019 Cho sự Chăm sóc Sáng thế).
Về phương diện này, một phương thức toàn diện để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng phải xem xét hệ sinh thái nhân bản của nó. Cam kết bảo vệ có nghĩa là phải đối đầu với hố phân cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo trong một hệ thống kinh tế hoàn cầu, vốn để cho một số ít người được sống trong dư thừa trong khi phần lớn dân số thế giới sống trong nghèo đói. Tôi nhận thức được mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản trong việc cổ vũ các chương trình khác nhau về phương diện này và tôi khuyến khích họ kiên trì trong việc tạo ý thức ngày một tăng về tính đồng trách nhiệm giữa các quốc gia trên thế giới.
Nhân phẩm cần phải là trung tâm của mọi hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị; tình liên đới liên thế hệ phải được phát huy, và ở mọi bình diện của đời sống cộng đồng, phải chứng tỏ có sự quan tâm tới những người bị lãng quên và bị loại trừ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người trẻ, những người thường xuyên cảm thấy choáng ngợp khi đối diện với những thách thức của việc lớn lên, những người già và người cô đơn đang phải chịu cảnh cô lập. Chúng ta biết rằng, cuối cùng, sự lịch lãm của mọi quốc gia hay mọi dân tộc được đo lường không phải bằng sức mạnh kinh tế của nó, mà bằng sự chú ý nó dành cho những người có nhu cầu và khả năng sinh hoa trái và cổ vũ sự sống của nó.
Nay, khi chuyến viếng thăm Nhật Bản của tôi sắp kết thúc, một lần nữa tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với lời mời tôi đã nhận được, lòng hiếu khách lịch thiệp trong đó tôi đã được đón tiếp và lòng quảng đại của tất cả những người đã đóng góp vào thành quả hạnh phúc của chuyến viếng thăm. Khi trình bày những suy nghĩ này để qúy vị xem xét, tôi muốn khuyến khích qúy vị trong nỗ lực của qúy vị để hình thành một trật tự xã hội mỗi ngày một bảo vệ nhiều hơn cho sự sống, tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mỗi thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta. Trên qúy vị và gia đình qúy vị, và tất cả những người qúy vị phục vụ, tôi cầu xin rất nhiều phước lành của Thiên Chúa. Cảm ơn qúy vị rất nhiều.