Hơn 50 ngàn tín hữu

dự lễ Ðức Thánh Cha cử hành tại Tokyo

 

Hơn 50 ngàn tín hữu dự lễ Ðức Thánh Cha cử hành tại Tokyo.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Tokyo (Vatican News 25-11-2019) - Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu "đừng quá lo lắng về ngày mai", vượt thắng lối sống quá cạnh tranh, và hãy đón nhận cuộc sống như một hồng ân và chia sẻ với tha nhân.

Ðây là ý chính bài giảng thánh lễ Ðức Thánh Cha cử hành chiều ngày 25 tháng 11 năm 2019 tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ngày thứ 3 trong cuộc viếng thăm của ngài tại nước này.

Thánh lễ được ngài cử hành tại Sân vận động Tokyo Dome, thuộc khu vực Bynkyo phía đông thủ đô Nhật. Thao trường được khánh thành cách đây 31 năm (1988), sau 3 năm kiến thiết và được dành cho nhiều bộ môn thể thao, nhưng chủ yếu là cho môn dã cầu.

Sự hiện diện của Công giáo Việt Nam trong thánh lễ

Trong số hơn 50 ngàn người hiện diện tại buổi lễ, có nhiều linh mục và tín hữu Công Giáo người Việt Nam từ các nơi ở Nhật tựu về, đứng đầu là cha Phêrô Nguyễn Hữu Hiến, tuyên úy trưởng Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Nhật. Ngoài ra có một số đông giáo dân từ Việt Nam sang Nhật để dự lễ với Ðức Thánh Cha. Họ được sự hướng dẫn của 3 Giám mục: Ðức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo Phận Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ðức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục Bà Rịa và Ðức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Phụ tá Sàigòn, cùng với 40 linh mục.

Ngoài ra cũng có một nhóm tu sĩ Phật Giáo được mời tham dự thánh lễ.

Ðến nơi lúc quá 3 giờ rưỡi chiều, Ðức Thánh Cha đã đi xe vòng quanh sân vận động để chào thăm các tín hữu trong bầu không khí rất tưng bừng và phấn khởi. Mọi người đã vẫy cờ Tòa Thánh có huy hiệu chuyến viếng thăm. Ðức Thánh Cha đã hôn nhiều em bé được các nhân viên an ninh bế lên đưa cho ngài.

Thánh lễ bắt đầu lúc 4 giờ chiều có chủ đề là: "Hồng ân sự sống con người", và được cử hành bằng tiếng La tinh, với các bài đọc bằng tiếng Bồ Ðào Nha và Nhật Bản. Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có hơn 40 Hồng y, Giám mục Nhật bản và Á châu, cùng với hơn 500 linh mục.

Bài giảng của Ðức Thánh Cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu về bài giảng trên núi (Mt 6,24-34), trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Các con đừng lo lắng về ngày mai". Ðây là một đề tài rất thích hợp và thời sự trong bối cảnh xã hội nước Nhật: nhiều người sống trong lo lắng vì sự cạnh tranh, tập trung nhiều quan tâm và năng lực tốt nhất vào việc miệt mài lo sản xuất và tiêu thụ như tiêu chuẩn duy nhất để đo lường và định giá những chọn lựa của chúng ta, hoặc để xác định chúng ta là ai và giá trị bao nhiêu.

Ðức Thánh Cha nhận xét rằng: "Mực thước này dần dần làm cho chúng ta không còn nhạy cảm đối với những điều quan trọng, thúc đẩy con tim đập theo những điều dư thừa hoặc phù du. Thật là điều đè nén và xiềng xích tâm hồn khi miệt mài tin rằng mọi sự đều có thể được sản xuất, chinh phục và kiểm soát được!"

Nhận xét về xã hội Nhật

Ðức Thánh Cha nói: "Tại Nhật bản này, trong một xã hội với nền kinh tế rất phát triển, sáng hôm nay nhiều người trẻ nói với tôi trong cuộc gặp gỡ rằng có nhiều người bị cô lập về mặt xã hội, họ ở ngoài lề, không có khả năng hiểu ý nghĩa cuộc sống và ngay cả cuộc đời của mình. Nhà ở, trường học và cộng đoàn, lẽ ra phải là những nơi, trong đó mỗi người hỗ trợ và nâng đỡ người khác, nhưng nay ngày càng bị suy thoái vì sự cạnh tranh thái quá trong việc tìm kiếm lợi nhuận và hiệu năng. Nhiều người cảm thấy hoang mang và bất an, bị đè nén vì quá nhiều đòi hỏi và bận tâm, làm cho họ mất bằng an và quân bình".

Trong bối cảnh trên đây, - Ðức Thánh Cha nói - lời Chúa Giêsu như phương dược chữa trị. Ba lần Chúa lặp lại: "Các con đừng lo lắng vì cuộc sống, ... đừng lo lắng vì ngày mai" (Xc. Mt, 6,25.31.34). Lời này không phải là lời mời gọi làm ngơ không biết đến những gì xảy ra quanh chúng ta hoặc trở thành người vô tư đối những công việc và trách nhiệm hằng ngày của chúng ta; đúng hơn đó là một sự khiêu khích, thúc giục chúng ta dành ưu tiên cho một chân trời ý nghĩa rộng lớn hơn và tạo nên một không gian để nhìn theo hướng đi Chúa chỉ dẫn: "Các con hãy tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Nước Chúa, và mọi sự sẽ được ban thêm cho chúng con" (Mt 6,33).

Xét lại những chọn lựa hằng ngày

Chúa không nói với chúng ta rằng những nhu cầu cơ bản như lương thực và y phục không phải là điều quan trọng; đúng hơn, Chúa mời gọi chúng ta hãy xét lại những chọn lựa hằng ngày của chúng ta để không bị mắc kẹt hoặc bị cô lập trong việc tìm kiếm thành công bằng mọi giá, kể cả mạng sống của mình. Những thái độ trần tục, chỉ tìm kiếm và theo đuổi lợi lộc của mình trong trần thế, và sự ích kỷ muốn được coi là hạnh phúc cho bản thân, trong thực tế chúng chỉ làm cho chúng ta bất hạnh và thành nô lệ, đồng thời chúng cản trở sự phát triển một xã hội thực sự hòa hợp và xứng với con người.

Chia sẻ và đón nhận sự sống như một hồng ân

Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: "Ðối nghịch với "cái tôi" bị cô lập, tách biệt và thậm chí bị ngộp thở, chỉ có thể là "chúng ta" được chia sẻ, được cử hành và đả thông với tha nhân. Lời mời gọi này của Chúa nhắc nhở chúng ta rằng "chúng ta cần vui mừng nhìn nhận thực tại chúng ta là kết quả của một hồng ân, và chấp nhận tự do của chúng ta như một ân phúc. Ðây là điều khó khăn ngày nay, trong một thế giới người ta tưởng là mình sở hữu cái gì đó là do chính mình, là kết quả của đặc tính riêng và tự do của mình" (Gaudete et exsultate, 55). Chính vì thế, trong bài đọc thứ I hôm nay, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng thế giới này đầy sự sống và vẻ đẹp, trước tiên là một hồng ân tuyệt vời của Ðấng Tạo Hóa, Ðấng đã thấy công trình của Ngài thật là tốt đẹp (St 1,31): thế giới đẹp đẽ tốt lành này được Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta cũng có thể chia sẻ, cống hiến cho tha nhân, chứ không phải để hành động như chủ nhân hoặc sở hữu chủ; chúng ta cần hành động như người tham gia cùng một ước mơ của Ðấng Sáng tạo".

Trong chiều hướng trên đây, Ðức Thánh Cha mời gọi cộng đồng Kitô hãy bảo vệ mọi sự sống và khôn ngoan, can đảm làm chứng về điều đó bằng một lối sống mang đậm tinh thần nhưng không và cảm thương, quảng đại và lắng nghe, có khả năng đón nhận, ấp ủ sự sống như được trình bày cho chúng ta, "với tất cả sự mong manh và bé nhỏ của nó, và nhiều khi với tất cả những mâu thuẫn và thiếu ý nghĩa của nó" (Bài giảng tại Panama, Ngày Quốc Tế giới trẻ, 26/01/2019).

Trong phần lời nguyện giáo dân, các ý nguyện được xướng lên bằng 6 thứ tiếng: Anh, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn quốc, Tagalog Philippines và Tây Ban Nha.

Cuối thánh lễ Ðức Cha Tarcisio Isao Kikuchi, dòng Ngôi Lời, Tổng giám mục giáo phận Tokyo sở tại, đã chào mừng và cám ơn Ðức Thánh Cha. Ngài đã tặng cho giáo phận một chén lễ quý giá.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page