Ðức Thánh Cha gặp gỡ

chính quyền Nhật Bản

 

Ðức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền Nhật Bản.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Tokyo (Vatican News 25-11-2019) - Trong buổi gặp gỡ chính phủ Nhật Bản, các đại diện tầng lớp xã hội và ngoại giao đoàn ở Tokyo, Ðức Thánh Cha Phanxicô tái cổ võ chống võ khí hạt nhân, đối thoại để giải quyết các xung đột, bảo tồn thiên nhiên và nhất là thi hành những cam kết quốc tế trong lãnh vực này.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc quá 6 giờ chiều ngày 25 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở chính phủ Nhật, quen gọi là dinh Kantei. Ðức Thánh Cha đến đây sau khi cử hành thánh lễ tại Sân vận động Tokyo Dome.

Ðến nơi lúc 6 giờ 15 chiều, ngài đã gặp gỡ và hội kiến với thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe năm nay 65 tuổi (1954), tốt nghiệp chính trị học và sau một thời gian hoạt động trong ngành luyện kim, ông bắt đầu hoạt động chính trị trong đảng Dân Chủ tự do. Năm 2006, ông đảm nhận chức vụ thủ tướng Nhật lần đầu tiên, và được tái cử hồi năm 2012.

Sau cuộc gặp gỡ riêng, Ðức Thánh Cha và thủ tướng tiến sang một đại sảnh đường để gặp gỡ hàng trăm nhân vật trong chính phủ và đại diện các tầng lớp xã hội, cũng như ngoại giao đoàn.

Trong lời chào mừng Ðức Thánh Cha, Thủ Tướng Shinzo Abe đã nói đến tấm hình chụp một em bé Nhật 10 tuổi, đang cõng xác em gái đến nhà hỏa thiêu sau khi em bé bị thiệt mạng vì bom nguyên tử ở Nagasaki. Trên tấm hình ngài có ghi chú: đó là hậu quả của chiến tranh.

Thủ tướng Abe cho biết Nhật bản là quốc gia duy nhất đã bị bom nguyên tử trong chiến tranh, vì thế Nhật cảm thấy có sứ mạng dấn thân mạnh mẽ trên thế giới để chống loại võ khí này, làm sao để thế giới không còn các võ khí hạt nhân. Cũng trong ý hướng đó, Nhật Bản dấn thân trong các công tác nhân đạo và từ thiện trên thế giới, giúp đỡ những người đang chịu đau khổ vì nghèo đói và các tai ương khác.

Diễn từ của Ðức Thánh Cha

Trong lời đáp từ, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến tương quan tốt đẹp giữa Nhật Bản và Tòa Thánh và đề cập đến mục đích chuyến viếng thăm của ngài tại Nhật Bản:

"Tôi đến để củng cố các tín hữu Công Giáo Nhật trong đức tin, trong sự dấn thân bác ái của họ giúp người nghèo và phục vụ đất nước này mà họ hãnh diện là công dân. Như một quốc gia, Nhật Bản đặc biệt nhạy cảm đối với đau khổ của những người kém may mắn và bị khuyết tật. Chủ đề cuộc viếng thăm của tôi là "Bảo vệ mọi sự sống", qua việc nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của sự sống và cần chứng tỏ tình liên đới và nâng đỡ các anh chị em chúng ta trước đất kỳ nhu cầu nào..."

Chống võ khí hạt nhân và cổ võ đối thoại

"Theo vết các vị tiền nhiệm của tôi, tôi cũng muốn khẩn cầu Thiên Chúa và mời gọi tất cả những người thiện chí tiếp tục thăng tiến và tạo điều kiện cho mọi hoạt động trung gian nhắm cản ngăn để không bao giờ trong lịch sử nhân loại tái diễn sự tàn phá do bom nguyên tử, như tại Hiroshima và Nagasaki nữa. Lịch sử dạy chúng ta rằng những cuộc xung đột giữa các dân nước, cả những xung đột trầm trọng nhất, chỉ có thể tìm được những giải pháp hữu hiệu nhờ đối thoại, là võ khí duy nhất xứng đáng với con người và có khả năng bảo đảm một nền hòa bình lâu bền. Tôi xác tín về sự cần thiết phải giải quyết vấn đề hạt nhân trên bình diện đa phương, cổ võ một tiến trình chính trị và cơ chế có thể kiến tạo một sự đồng thuận và hoạt động quốc tế rộng lớn hơn."

Thăng tiến văn hóa gặp gỡ và đối thoại

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: "Một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại - trong sự khôn ngoan, với quan niệm và chân trời bao quát - đó là điều thiết yếu để kiến tạo một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Nhật Bản đã nhìn nhận tầm quan trọng của sự thăng tiến những tiếp xúc bản thân trong các lãnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, biết rằng những tiếp xúc này có thể góp phần rất nhiều vào sự hòa hợp, công lý, liên đới và hòa giải, là những chất ximăng để kiến tạo hòa bình."

Tương quan tốt đẹp giữa các tôn giáo

"Trong những ngày này, tôi lại có dịp quý chuộng gia sản văn hóa quý giá mà Nhật Bản, qua dòng lịch sử, đã phát triển và bảo tồn, những giá trị tôn giáo và luân lý như những đặc tính của văn hóa cổ kính này. Tương quan tốt đẹp giữa các tôn giáo khác nhau không phải chỉ là điều thiết yếu đối với một tương lai hòa bình, nhưng còn để chuẩn bị các thế hệ hiện tại và tương lai đề cao giá trị của những nguyên tắc luân lý đạo đức làm căn bản cho một xã hội thực sự công chính và nhân bản..."

Bảo tồn thiên nhiên mong manh, căn nhà chung của nhân loại

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nói rằng: "Không có khách viếng thăm nào tại Nhật Bản có thể không bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước này, được các thi sĩ và nghệ sĩ biểu lộ qua các thế kỷ và nhất là diễn tả bằng biểu tượng anh đào. Nhưng sự mong manh của hoa anh đào nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của căn nhà chung chúng ta, phải chịu thiên tai và cả lòng tham lam, sự bóc lột và tàn phá do tay con người. Khi cộng đồng quốc tế gặp khó khăn trong việc tôn trọng những cam kết bảo vệ thiên nhiên, thì chính những người trẻ, ngày càng đông đảo, lên tiếng và đòi hỏi những quyết định can đảm. Những người trẻ thách thức chúng ta hãy coi thế giới không phải như một vật sở hữu để khai thác, nhưng như một gia sản quý giá cần thông truyền. Về phần chúng ta, "chúng ta phải có những câu trả lời đích thực, chứ không phải những lời nói xuông; bằng những sự kiện, chứ không phải bằng những ảo tưởng" (Sứ điệp Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên 2019).

Cuộc gặp gỡ của Ðức Thánh Cha với chính quyền Nhật là hoạt động chính thức cuối cùng của ngài trong 3 ngày viếng thăm.

Sáng Thứ Ba, 26 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ đến gặp gỡ các cha dòng Tên tại Ðại học Sophia của dòng, đồng tế thánh lễ và trao đổi với các tu sĩ cùng dòng, chào thăm các cha cao niên và bị bệnh, trước khi đọc diễn văn tại thính đường Ðại học.

Sau đó lúc gần 11 giờ rưỡi giờ địa phương, ngài sẽ ra Phi trường Tokyo để đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ đến nơi vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày 26 tháng 11 năm 2019.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page