Cuộc phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Tokyo

của hãng tin Zenit:

sự sống từ lúc thụ thai

cho tới lúc chết là điều vô giá

 

Cuộc phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Tokyo của hãng tin Zenit: sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết là điều vô giá.

Vũ Văn An

Tokyo (VietCatholic News 23-11-2019) - Trong một cuộc phỏng vấn của Hãng tin Zenit trên chuyến máy bay chở Ðức Giáo Hoàng Phanxicô qua thăm hai nước Thái Lan và Nhật Bản, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi của Tokyo, người tháp tùng Ðức Thánh Cha suốt chuyến viếng thăm, đã nói lên mối quan tâm của ngài đối với việc tôn trọng sự sống, đồng thời cho biết nhiều điều về hiện tình người Công Giáo và xã hội Nhật Bản.

Ít ai biết Ðức Thánh Cha

Về không khí tại Nhật trước chuyến viếng thăm của Ðức Phanxicô, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi cho biết: Người Công Giáo, hay thậm chí cả toàn bộ cộng đồng Kitô giáo, chỉ là một thiểu số tí hon ở Nhật Bản, nên, Ðức Thánh Cha không được công chúng biết nhiều. , Ðức Tổng Giám Mục họa hiếm mới thấy hoặc nghe các phương tiện truyền thông Nhật nhắc đến Ðức Thánh Cha. Ngay trong các viên chức chính phủ hay các chính trị gia, tầm quan trọng của Ðức Thánh Cha trong các liên hệ quốc tế như một thế giá tinh thần cũng không được hiểu biết sâu sắc lắm. Ðối với nhiều người, chuyến viếng thăm chỉ được coi như một chuyến viếng thăm nữa của một trong các nhà lãnh đạo tôn giáo "nổi tiếng". Nên, việc Giáo Hội Công Giáo ở Nhật làm là cố gắng hết mình để phổ biến tin tức về Ðức Thánh Cha, vai trò của Tòa Thánh trong các liên hệ quốc tế và, dĩ nhiên, về Giáo Hội Công Giáo nói chung. Ngài hy vọng rằng Ðức Thánh Cha sẽ để lại một ấn tượng sâu xa trong lòng nhiều người qua sứ điệp yêu thương, bình an và hy vọng để nhiều người tìm thấy chìa khóa chọn đường lối tốt hơn để có được hy vọng vào tương lai.

Bảo vệ sự sống

Ðược hỏi tại sao khẩu hiệu của chuyến viếng thăm nói về sự sống, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi nói rằng ngày nay, "tin Mừng Sự Sống", một khẩu hiệu của Ðức Gioan Phaolô II, là điều thực sự cần thiết đối với xã hội Nhật Bản nơi sự sống con người không được tôn trọng, các con người nhân bản được định giá bằng việc họ góp phần bao nhiêu vào việc phát triển xã hội. Và người khuyết tật bị đẩy qua bên lề, đôi khi quyền sống của họ không được bảo vệ. Ở Nhật hiện nay, rất nhiều người rối trí khi đi tìm hy vọng cho tương lai, cảm thấy bị cô lập hay bị đẩy qua bên lề. Việc phát triển kinh tế là câu truyện của quá khứ. Với rất ít ngoại lệ, đại đa số người trẻ không tìm được việc làm ổn định dù đã nhiều năm học đại học hay cao đẳng. Trẻ già đều bị cô lập trong xã hội vì không ai săn sóc họ. Truyền thống tốt đẹp như cộng đồng trợ giúp cũng đang trở thành những câu truyện của quá khứ, nhất là ở các đô thị lớn nơi dân số gia tăng nhanh chóng. Ở các khu vực nông thôn, dân số già đi và các cộng đồng đang có nguy cơ bị tận diệt. Cô lập, nghèo khó, không tôn trọng sự sống và không thể tìm được hy vọng cho tương lai đang giết dần con người trong xã hội hiện đại Nhật Bản. Ðó là lý do Giáo Hội Nhật phải cổ vũ và bảo vệ sự sống.

Quá khứ bách hại và hiện tình cộng đồng Công Giáo Nhật

Ðáp lại một câu hỏi, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi cho hay: gần đây, Giáo Hội Nhật cổ vũ việc tôn kính các vị tử đạo thời bách hại, bắt đầu với 188 vị tử đạo được phong chân phước năm 2008 và một mình Ukon Takayama được phong chân phước năm 2017; ngài là một người Công Giáo "kirishitan daimyo" (đại danh Kitô hữu) và "samurai" (dũng sĩ) vốn sống và lưu vong tại Phi Luật Tân thế kỷ 17. Người Công Giáo Nhật muốn học hỏi từ các vị tử đạo thánh thiện này không chỉ vì các ngài đã can đảm tuyên xưng đức tin mà còn vì cách các ngài đã sống làm chứng tá cho Tin Mừng ra sao giữa đa số người không phải là Kitô hữu. Các ngài không rao giảng Tin Mừng chỉ bằng lời mà bằng cách sống và tương tác với người khác nhất là với những người cần được giúp đỡ. Nhờ hành động từ nhân của các ngài, 53 vị tử đạo ở Yonezawa được nhiều người thừa nhận ngay thời bách hại. Người Công Giáo Nhật muốn noi gương các vị này. Họ hiện là thiểu số, nhưng họ muốn chứng tỏ cho người khác thấy họ sống ra sao như con cái Thiên Chúa, sống tốt lành bằng lời nói và hành động, qua các mối liên hệ với người khác.

Ðức Tổng Giám Mục thuật lại một số điển hình sống đạo của người Công Giáo Nhật hiện nay: Sau thảm họa ngày 11 tháng Ba năm 2011 ở khu vực Tohoku, Caritas Nhật Bản cùng với toàn thể Cộng Ðồng Công Giáo ở Nhật đã lập 4 trung tâm thiện nguyện ở vùng duyên hải để trợ giúp các nạn nhân và góp phần phục hồi các cộng đồng địa phương. Hiện họ vẫn duy trì 5 căn cứ và được dân địa phương đánh giá cao; một số gọi các tình nguyện viên là "Ông Caritas" hay "Bà Caritas". Ðó là lối truyền giảng tin mừng của người Công Giáo Nhật, qua việc đóng góp cho xã hội bằng cách giúp một tay cho những ai gặp khó khăn trong cuộc sống và cũng tái tạo nhiều mối liên hệ giữa con người để cứu họ ra khỏi cảnh cô lập.

Các thách đố lớn nhất của xã hội Nhật

Về các thách đố của xã hội Nhật, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi cho hay tháng 7 năm 2016, việc sát hại 19 người khuyết tật tại Tsukui Yamayurien cho thấy xã hội Nhật không tôn trọng sự sống. Người thanh niên sát hại họ nói rằng họ không có gì để đóng góp cho xã hội và do đó, không đáng sống. Ðiều đáng nói là nhiều người Nhật ủng hộ hành động của anh ta trên internet. Rõ ràng sự sống con người đang gặp nguy hiểm trong xã hội Nhật. Nó phải được bảo vệ từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc tự nhiên. Sứ điệp này hiện đang thiếu bóng trong xã hội Nhật.

Ngài cũng kể thêm các nguy hiểm cận kề sự sống con người. Kể từ năm 1998 cho tới nay, hơn 20,000, có khi hơn 30,000 người tự tử ở Nhật. Trong xã hội hiện đại và tiên tiến này, dư đầy của cải vật chất, người ta bị dồn vào chân tường đành phải kết liễu mạng sống.

Một khía cạnh khác của xã hội Nhật là vấn đề di dân. Một số khó hội nhập xã hội Nhật và do đó bị cô lập. Một số bị chủ nhân xử tệ. Nói chung, người tị nạn không được cả chính phủ lẫn công chúng hoan nghinh. Miễn cưỡng lắm chính phủ Nhật mới chịu cấp tư cách tị nạn cho những người tới đất nước họ để tìm an toàn. Tất cả những vấn đề này đều được xếp vào loại de dọa đối với sự sống. Sự sống con người quả đang đương đầu với thách thức lớn tại đất nước này và che chở sự sống con người phải được coi là một ưu tiên.

Ðạo Công Giáo và người Nhật

Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi cho rằng người Nhật ít biết Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng đạo Công Giáo thì được nhiều người Nhật biết đến, nhờ sự hiện hữu của các định chế giáo dục Công Giáo từ Mẫu giáo tới Ðại học. Có khá nhiều các định chế như thế khắp nước Nhật. Nên khá nhiều người có dịp gặp gỡ Chúa Kitô ít nhất trong thời gian đến trường.

Ý nghĩa việc đến thăm Hiroshima và Nagasaki

Nhắc đến hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi cho hay: gửi thông điệp hòa bình từ 2 thành phố bị bỏ bom nguyên tử có tác động rất sâu xa đối với mọi người trên thế giới và công chúng Nhật. Ðức Tổng Giám Mục cho rằng chính phủ Nhật cũng muốn một vị như Ðức Thánh Cha với tiếng nói tinh thần mạnh mẽ đưa ra lập trường rõ ràng chống lại vũ khí hạch nhân và lên tiếng từ đó. Nên việc viếng thăm Hiroshima và Nagasaki của Ðức Thánh Cha có ý nghĩa lớn đối với chuyến đi. Ðức Tổng Giám Mục hy vọng rằng sứ điệp của Ðức Thánh Cha sẽ gây cảm hứng cho cả chính phủ lẫn công chúng Nhật một lần nữa nghiêm túc cam kết không phổ biến lan tràn hạch nhân và hoàn toàn loại bỏ vũ khí hạch nhân lúc các căng thẳng quốc tế tại các nước láng giềng lên đến mức báo động.

Ý nghĩa chuyến viếng thăm

Về chuyến viếng thăm, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi tin rằng Ðức Thánh Cha đến Nhật để chỉ cho người Công Giáo Nhật cách nên truyền giảng tin mừng ra sao tại Nhật. Là người kế nhiệm Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha cố gắng chu toàn sứ mệnh hàng đầu của ngài là công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, công bố bằng lời và bằng hành động. Ngài làm như thế trong thời gian ở Nhật.

Về ý nghĩa đối với toàn bộ Á Châu, Ðức Tổng Giám Mục Kikuchi cho rằng có nhiều Lãnh thổ Truyền giáo trên thế giới, nhưng Kitô hữu là thiểu số tí hon ở hầu hết các quốc gia Á Châu. "Chúng tôi lao đao không phải chỉ vì sự sống còn của chính mình mà còn để làm nhân chứng cho Tin Mừng. Chúng tôi đánh giá cao tình yêu của Ðức Thánh Cha đối với Á Châu và nhất là tình yêu của ngài đối với Nhật Bản. Ðây quả là một khích lệ lớn đối với tất cả chúng tôi ở Á Châu. Tại đây, chúng tôi luôn cố gắng đối thoại với văn hóa, tôn giáo và người ta, nhất là người nghèo, và cuộc đối thoại tay ba này nhất định là điều cần thiết trong các cố gắng truyền giáo của chúng tôi. Nên chúng tôi sung sướng nghinh đón Ðức Thánh Cha, người vốn tôn trọng các nền văn hóa và tôn giáo khác và là người biểu lộ lòng cảm thương sâu xa đối với người túng thiếu".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page