Ðức Phanxicô gặp gỡ các linh mục,
tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan
Ðức Phanxicô gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan.
Vũ Văn An
Bangkok (VietCatholic News 22-11-2019) - Theo Vatican News, sáng thứ Sáu, 22 tháng 11 năm 2019, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp và nói chuyện với các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan tại nhà thờ giáo xứ Thánh Phêrô ở Bangkok, và chia sẻ với họ các chỉ dẫn phải làm sao đạt được tính hữu hiệu của việc tông đồ và ý nghĩa của việc làm Kitô hữu.
Ðức Giáo Hoàng bắt đầu bằng cách tỏ lòng biết ơn "với mọi người thánh hiến, những người nhờ âm thầm chịu tử đạo vì lòng trung thành và dấn thân hằng ngày, đã sinh nhiều hoa trái lớn lao". Ngài cũng tỏ lòng biết ơn "với mọi giáo lý viên và các người thánh hiến nam nữ trọng tuổi đã lôi kéo chúng ta đến gần tình yêu và tình bạn của Chúa Giêsu Kitô".
Hãy biết ơn
Ðức Giáo Hoàng nói rằng: Lịch sử từng mỗi ơn gọi của chúng ta "được đánh dấu bởi những người từng giúp chúng ta khám phá và biện phân được ngọn lửa của Thần Khí", đây là lý do tại sao ta cần phải biết ơn. Ngài nói tiếp "Lòng biết ơn luôn là một vũ khí mạnh mẽ. Ðứng trên vai họ, ước chi chúng ta cũng cảm thấy mình được kêu gọi trở thành những người nam nữ biết giúp một tay tạo nên cuộc sống mới mà Thiên Chúa vốn ban cho chúng ta".
Hội nhập văn hóa Tin Mừng
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi những người có mặt "mau mắn ý thức được vẻ đẹp, có được cảm thức ngạc nhiên thán phục có khả năng mở ra những chân trời mới và nêu lên những câu hỏi mới". Ngài nói rằng đời sống tận hiến nào "không có khả năng cởi mở trước những bất ngờ chỉ là một nửa cuộc đời. Giáo hội không phát triển bằng việc cải đạo mà bằng sự lôi cuốn". Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng những lời lẽ này của Ðức Bênêđíctô XVI có tính tiên tri cho thời đại chúng ta. Ngài nói thêm, "chúng ta đừng ngại tiếp tục truyền bá Tin Mừng. Chúng ta cần tìm ra những cách thức mới để truyền tải Lời Chúa, Lời vốn có khả năng huy động và đánh thức lòng mong muốn được biết Chúa".
Nói "tiếng địa phương"
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô gợi ý rằng chúng ta nên tìm các cách "nói về đức tin 'theo tiếng địa phương', giống như một bà mẹ hát những bài hát ru con mình". Từ đó, ngài nói, với cùng sự thân mật đó, "chúng ta hãy cho đức tin một khuôn mặt và xác thịt Thái Lan, một điều liên quan nhiều hơn các việc dịch thuật". Chúng ta cần để cho Tin mừng "hát" bằng âm nhạc bản địa của lãnh thổ này, và "truyền cảm hứng cho trái tim anh chị em của chúng ta với cùng một vẻ đẹp khiến trái tim chúng ta rực cháy".
Tấm gương của Ðức Maria
Quay sang Ðức Maria như một tấm gương của chúng ta, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ánh mắt của ngài "thúc đẩy chúng ta hướng mắt về ánh mắt kia và làm bất cứ điều gì Người nói với chúng ta". Ánh mắt của Chúa Giêsu quyến rũ bởi vì nó thâm nhập và phá vỡ các vẻ bề ngoài: Ðức Giáo Hoàng nói rằng, Nơi nhiều người chỉ thấy kẻ phạm thượng, người thu thuế, kẻ bất lương hay thậm chí kẻ phản bội, thì Chúa Giêsu có thể nhìn thấy các tông đồ".
Làm Kitô hữu có nghĩa gì
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng nhiều ơn gọi đã bắt đầu bằng cách ra đi "thăm viếng những người nghèo khổ, bị bỏ rơi và cả những người bị khinh miệt, những trẻ mồ côi và người già cao tuổi". Ðức Giáo Hoàng nói, nơi khuôn mặt của những người chúng ta gặp ở đường phố, "chúng ta có thể khám phá vẻ đẹp của việc có thể đối xử với nhau như anh chị em. Chúng ta không thấy họ như những trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, bị ruồng bỏ hay bị khinh miệt. Bây giờ mỗi người trong số họ có khuôn mặt của một người anh chị em được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Là một Kitô hữu có nghĩa như thế!"
Thấy vẻ đẹp
Ðức Giáo Hoàng hỏi: "Liệu có thể hiểu sự thánh thiện mà không cần phải thừa nhận cách sống động phẩm giá của mỗi con người hay không?" Ngài thừa nhận rằng nhiều người trong số những người có mặt "đang xoay sở để thấy vẻ đẹp ở nơi những người khác chỉ nhìn thấy sự khinh miệt, bị bỏ rơi hoặc một đối tượng để thỏa mãn tình dục. Ngài nói, nhờ cách này, anh chị em là dấu hiệu cụ thể của lòng Chúa thương xót, một lòng thương xót sống động và đang hành động, một dấu xức dầu của Ðấng Thánh ở lãnh thổ này".
Trung thành cầu nguyện
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó nói về tầm quan trọng của cầu nguyện: ngài nói "Việc tông đồ muốn sinh hoa trái phải được duy trì bằng lòng trung thành với việc cầu nguyện sâu sắc. Bao nhiêu người trong chúng ta đã nhận được đức tin từ ông bà của chúng ta, nhờ việc nhìn thấy các ngài làm việc nhà, tràng mân côi trong tay, thánh hóa trọn ngày sống của họ. Ðức Giáo Hoàng nói, đó là chiêm niệm trong hành động, làm cho Thiên Chúa trở thành một phần của những điều nhỏ nhặt mỗi ngày. Không có cầu nguyện, cuộc sống và sứ mệnh của chúng ta sẽ mất hết ý nghĩa, sức mạnh và lòng nhiệt thành".
Một nơi yên tĩnh
"Chìm đắm trong vô vàn trách nhiệm, chúng ta luôn có thể muốn tìm được một nơi yên tĩnh để có thể, trong lúc cầu nguyễn, nhớ rằng Chúa đã cứu thế giới và chúng ta được yêu cầu, nhờ kết hợp với Người, làm cho ơn cứu rỗi này được mọi người cảm nhận".
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết luận bằng cách mời gọi những người có mặt nghĩ về họ như "những công cụ nhỏ bé trong bàn tay sáng tạo của Chúa. Người sẽ dùng cuộc đời của anh chị em để viết lên những trang đẹp nhất trong lịch sử cứu độ ở lãnh thổ này".