Bài giảng của Ðức Thánh Cha

trong thánh lễ tại Sân Vận Ðộng Quốc Gia Bangkok

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ tại Sân Vận Ðộng Quốc Gia Bangkok.

J.B. Ðặng Minh An dịch

Bangkok (VietCatholic News 21-11-2019) - Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 9g sáng thứ Năm 21 tháng 11 năm 2019 đã có lễ nghi chào đón chính thức Ðức Thánh Cha tại vườn tòa nhà chính phủ.

Sau đó, Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ Thủ tướng tại phòng "Cẩn ngà voi" của Tòa nhà Chính phủ.

Kế đó ngài có cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Hội trường "Santi Maitri" của Tòa nhà Chính phủ.

Sau cuộc gặp gỡ này Ðức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Ðức Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Thái Lan tại chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram vào lúc 10g sáng.

Sau buổi ăn trưa, lúc 5g chiều, Ðức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ riêng với vua Maha Vajirusongkorn "Rama thứ 10" tại Cung điện Hoàng gia Amphorn

Sinh hoạt cuối cùng là thánh lễ bên trong sân vận động quốc gia của thủ đô Bangkok vào lúc 6g chiều.

Giảng trong thánh lễ, Ðức Thánh Cha nói:

"Ai là mẹ tôi, và ai là anh em của tôi? " (Mt 12:48).

Với câu hỏi này, Chúa Giêsu đã thách thức đám đông thính giả của Ngài suy tư về một điều xem ra là hiển nhiên và đương nhiên: Ai là thành viên trong gia đình chúng ta, là người thân và người thương mến của chúng ta? Sau khi dành thời gian để câu hỏi có thể lắng đọng trong lòng người nghe, Chúa Giêsu đã trả lời, "ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." (c. 50). Như thế, Chúa Giêsu không chỉ lật nhào các định kiến tôn giáo và pháp lý vào thời ấy, mà còn bác bỏ chính cái yêu sách không bằng không cớ từ phía những người nghĩ rằng họ ở trên Ngài. Tin Mừng là một lời mời và một quyền được trao ban nhưng không cho tất cả những ai muốn nghe.

Thật đáng ngạc nhiên khi thấy Tin Mừng có quá nhiều những câu hỏi cố gắng làm xáo trộn và khuấy động trái tim của các môn đệ, mời họ lên đường khám phá sự thật có khả năng ban phát và tạo ra sự sống. Ðó là những câu hỏi thách thức chúng ta mở rộng trái tim và khối óc để gặp được một sự mới mẻ tuyệt vời hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra. Những câu hỏi của Thầy luôn có ý nghĩa làm mới cuộc sống của chúng ta và cộng đồng chúng ta với niềm vui không gì có thể sánh được (Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Phúc Âm, 11).

Ðó chính là trường hợp của những nhà truyền giáo lần đầu tiên đặt chân đến những vùng đất này. Khi lắng nghe lời Chúa và đáp lại các đòi buộc của những lời này, họ nhận ra rằng họ là một phần của một gia đình lớn hơn bất kỳ định chế nào dựa trên huyết thống, văn hóa, địa phương hay sắc tộc. Ðược thúc đẩy bởi sức mạnh của Thánh Linh, những chiếc túi của họ chứa đầy hy vọng do tin mừng Phúc Âm mang đến, họ lên đường tìm kiếm những thành viên trong gia đình mà họ chưa biết. Họ lên đường tìm kiếm khuôn mặt của họ. Trái tim của họ đã được mở ra cho một cách suy nghĩ mới có khả năng vượt qua những "tính từ" tạo ra sự ngăn cách; điều này cho phép họ khám phá ra nhiều "bà mẹ và anh chị em" Thái là những người vẫn còn vắng mặt tại bàn tiệc Chúa Nhật của họ. Không chỉ chia sẻ với người dân Thái mọi thứ mà bản thân các ngài có thể trao ra, các ngài còn nhận được những gì các ngài cần để phát triển trong đức tin và trong sự hiểu biết về Kinh thánh của chính mình (x. Tông huấn Dei Verbum - Lời Chúa, 8).

Nếu không có cuộc gặp gỡ đó, Kitô giáo sẽ thiếu đi khuôn mặt của anh chị em. Kitô giáo sẽ thiếu các bài hát và điệu nhảy miêu tả nụ cười của người Thái, rất điển hình ở vùng đất này của anh chị em. Các nhà truyền giáo đã hiểu đầy đủ hơn về kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, không chỉ giới hạn trong một vài lựa chọn hoặc những nền văn hóa cụ thể, nhưng lớn hơn tất cả các tính toán và dự đoán của con người chúng ta. Một môn đệ truyền giáo không phải là một lính đánh thuê cho đức tin hay một nhà sản xuất các chương trình chiêu dụ tín đồ, nhưng người ấy là một vị khất sĩ khiêm nhường, là người cảm nhận ra sự vắng mặt của những người anh, người chị, người em và người mẹ để chia sẻ món quà hòa giải không thể chối bỏ mà Chúa Giêsu trao ban cho tất cả. "Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." (x Mt 22: 4). Ðối với chúng ta, lời mời này là một nguồn mạch của niềm vui, lòng biết ơn và hạnh phúc to lớn, vì nó cho phép chúng ta "để cho Chúa đưa chúng ta vượt qua chính mình ngõ hầu đạt đến chân lý viên mãn nhất của con người chúng ta. Ở đây chúng ta tìm ra nguồn cảm hứng của tất cả các nỗ lực của mình trong việc loan báo Tin Mừng" (Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Phúc Âm, 8).

Năm nay là năm kỷ niệm 350 năm thành lập Miền Phủ Doãn Tông Tòa Xiêm La (1669-2019), đó là dấu chỉ của vòng tay huynh đệ được đưa ra ở những vùng đất này. Chỉ hai nhà truyền giáo thôi đã có thể gieo hạt giống, mà từ thời xa xôi đó đến nay, đã phát triển và thăng hoa trong một loạt các sáng kiến tông đồ đóng góp cho cuộc sống của quốc gia này. Kỷ niệm này không phải là một kỷ niệm hoài vọng về quá khứ, nhưng là một ngọn lửa hy vọng cho phép chúng ta, ở đây và bây giờ, có thể đáp lại với cùng một quyết tâm, sức mạnh và sự tự tin tương tự. Ðó là lễ hội kỷ niệm và biết ơn giúp chúng ta hân hoan ra đi chia sẻ cuộc sống mới được phát sinh từ Tin Mừng với tất cả các thành viên trong gia đình mà chúng ta chưa biết.

Tất cả chúng ta trở thành các môn đệ truyền giáo khi chúng ta chọn trở thành một phần sống động trong gia đình của Chúa. Chúng ta làm điều này bằng cách chia sẻ với những người khác như chính Chúa đã làm. Ngài đã ăn uống với những người tội lỗi, đã bảo đảm với họ rằng họ cũng có một vị trí trên bàn tiệc của Cha và bàn tiệc của thế giới này; Ngài đã chạm vào những người bị coi là ô uế và khi để mình được họ chạm vào, Ngài đã giúp họ nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa và hiểu rằng họ được chúc phúc (x. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 11).

Ở đây tôi nghĩ về những trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của mại dâm và buôn người, bị làm nhục phẩm giá thiết yếu của họ. Tôi nghĩ đến những người trẻ tuổi bị nô lệ vì nghiện ma túy và thiếu ý nghĩa cuộc sống khiến họ chán nản và phá hủy giấc mơ của mình. Tôi nghĩ đến những người di cư, bị tước đoạt nhà cửa và gia đình họ, và rất nhiều những người khác, những người cũng có thể cảm thấy bị mồ côi, bị bỏ rơi, "mất hết sức lực, ánh sáng và sự an ủi phát sinh từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, và không có một cộng đồng đức tin hỗ trợ cho họ, không thấy được ý nghĩa và mục tiêu của cuộc sống" (Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Phúc Âm, 49). Tôi cũng nghĩ đến những ngư dân bị bóc lột và những người hành khất bị lờ đi.

Tất cả họ đều là một phần trong gia đình chúng ta. Họ là mẹ của chúng ta, là anh chị em của chúng ta. Chúng ta đừng để cộng đồng của chúng ta mất đi cơ hội được nhìn thấy khuôn mặt của họ, vết thương của họ, nụ cười và cuộc sống của họ. Chúng ta đừng ngăn cản họ trải nghiệm sự dịu dàng thương xót của tình yêu của Chúa, một tình yêu chữa lành các vết thương và nỗi đau của họ. Một môn đệ truyền giáo biết rằng truyền giáo không phải là để có thêm thành viên hay tỏ ra mạnh mẽ. Thay vào đó, đó là về việc mở các cánh cửa để trải nghiệm và chia sẻ vòng tay thương xót và chữa lành của Chúa Cha, là điều khiến chúng ta nên một gia đình.

Các cộng đồng Thái Lan thân mến, chúng ta hãy tiếp tục đi theo bước chân của những nhà truyền giáo đầu tiên, để gặp gỡ, khám phá và nhận ra niềm vui trên khuôn mặt của tất cả những người mẹ, người anh, người chị, người em, là những người mà Chúa muốn ban cho chúng ta và những người vẫn còn vắng mặt trong bàn tiệc Chúa Nhật của chúng ta.

(Source: Holy See Press OfficeVisita privata a Sua Maestà il Re della Thailandia e Santa Messa nello Stadio Nazionale di Bangkok, 21.11.2019)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page