Ðức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền,
các đại diện xã hội
và ngoại giao đoàn tại Thái Lan
Ðức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn tại Thái Lan.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Bangkok (Vatican News 21-11-2019) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cộng đồng quốc tế dấn thân giải quyết các nguyên nhân đưa tới nạn xuất cư ồ ạt, cổ võ việc di cư an toàn và có trật tự, đồng thời góp phần bài trừ tệ nạn bóc lột, nô lệ hóa phụ nữ và trẻ em.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ hơn 200 quan khách gồm các quan chức chính quyền, các đại diện các tầng lớp xã hội Thái Lan cũng như ngoại giao đoàn tại nước này sáng ngày 21 tháng 11 năm 2019 tại dinh chính phủ Thái.
Diễn văn chào mừng của thủ tướng
Trong diễn từ chào mừng Ðức Thánh Cha, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những cố gắng của Ðức Thánh Cha nhắm thăng tiến sự hòa hợp trong nhân loại, sự phát triển con người, đặc biệt nơi giới trẻ, xóa bỏ nghèo đói, cổ võ bình đẳng xã hội và bảo tồn môi trường, kiến tạo một bối cảnh dẫn đến hòa bình ở mọi nơi trên thế giới. Thủ tướng nói: "Vai trò hàng đầu của Ðức Giáo Hoàng về những vấn đề này mang lại sự phấn khởi cho mọi người, bất luận họ thuộc tín ngưỡng và giai tầng xã hội nào".
Thủ tướng Prayut Chan-o-chan cũng nhắc đến những cố gắng của Thái Lan trong những vấn đề trên đây, thăng tiến các quyền căn bản của con người, bảo đảm quyền tự do tôn giáo và các quyền khác, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và môi trường, củng cố cơ chế gia đình và sự bình quyền của các nhóm trong xã hội...
Diễn văn của Ðức Thánh Cha
Về phần Ðức Thánh Cha, trong diễn văn đầu tiên trên đất Thái, ngài nhắc đến các làn sóng di dân như một trong những dấu hiệu quan trọng thời nay, nhất là những hoàn cảnh và tình trạng dẫn đến hiện tượng di dân, như một trong những vấn đề lớn về luân lý đạo đức thế hệ chúng ta ngày nay đang gặp phải. Ngài nói:
Thảm trạng di dân và tị nạn
"Không thể làm ngơ không biết đến cuộc khủng hoảng về di dân. Chính Thái Lan, vốn nổi tiếng về việc đón nhận những người di dân và tị nạn, đã kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng này, qua những kết quả thảm trạng của những người tị nạn từ các nước láng giềng. Một lần nữa tôi bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ hành động trong tinh thần trách nhiệm và nhìn xa trông rộng, nỗ lực làm việc để giải quyết những vấn đề đưa tới nạn xuất cư bi thảm này, và đồng thời thăng tiến một sự di cư an toàn, có trật tự và hợp qui luật. Ước gì mỗi quốc gia tìm ra những phương thức hữu hiệu để bảo vệ phẩm giá và các quyền của những người di dân và tị nạn, đang gặp nguy hiểm, bất bênh và bị bóc lột trong khi đi tìm kiếm tự do và đời sống xứng đáng cho gia đình họ. Vấn đề ở đây không phải chỉ liên hệ đến người di dân, nhưng còn liên quan đến bộ mặt mà chúng muốn tạo nên cho xã hội chúng ta".
Các phụ nữ và trẻ em bị bóc lột
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Ở đây tôi cũng nghĩ đến các phụ nữ và trẻ em thời nay, nhất là những gì bị thương tổn, bị xâm phạm, bạo hành và phải chịu mọi hình thức bóc lột, nô lệ, bạo lực và lạm dụng. Tôi đánh giá cao những cố gắng của chính phủ Thái nhắm bài trừ tệ nạn này và của tất cả những cá nhân và các tổ chức đang hoạt động để nhổ bỏ tai ương này, đồng thời cung cấp những phương thế để tái lập phẩm giá cho họ. Năm nay là năm kỷ niệm 30 năm Hiệp ước về các quyền của trẻ em và thiếu niên, tất cả chúng ta được mời gọi suy nghĩ về nhu cầu phải bảo vệ an sinh của các em trẻ, sự phát triển các em về mặt xã hội và trí thức, việc học hành cũng như sự tăng trưởng về thể lý, tâm lý và tinh thần của các em. Tương lai các dân tộc chúng ta phần lớn tùy thuộc cách thức chúng ta đảm bảo một tương lai xứng đáng cho các trẻ em của chúng ta".
Ca ngợi Thái Lan kiến tạo sự hòa hợp
Trước đó, trong phần đầu của bài diễn văn đầu tiên trên đất Thái, một quốc gia gồm nhiều sắc tộc khác nhau, Ðức Thánh Cha ca ngợi đất nước này từ lâu vẫn biết tầm quan trọng của việc xây dựng sự sống chung hòa hợp và an bình giữa nhiều nhóm chủng tộc, đồng thời tôn trọng, quý chuộng các văn hóa khác nhau, các nhóm tôn giáo, các tư tưởng và ý nghĩ khác biệt.
Ðức Thánh Cha nói với chính quyền Thái rằng: "Tôi hài lòng được biết sáng kiến của quý vị thành lập một Ủy ban đạo đức xã hội và mời các tôn giáo truyền thống tại đất nước này tham gia, cũng như đón nhận những đóng góp của các tôn giáo và giữ cho ký ức tinh thần của dân tộc quý vị luôn sinh động... Về vấn đề này, tôi muốn cam đoan với quý vị về sự dấn thân hoàn toàn của cộng đoàn Công Giáo Thái Lan bé nhỏ nhưng sinh động trong việc duy trì và thăng tiến các đặc tính của dân tộc Thái, như được nhắc đến trong quốc ca của quý vị: 'hòa bình và yêu thương, nhưng không hèn nhát'. Các tín hữu Công Giáo Thái cũng quyết tâm đương đầu với tất cả những gì khiến chúng ta không nhạy cảm đối với tiếng kêu của nhiều anh chị em chúng ta, đang mong ước được giải thoát khỏi cái ách nghèo đói, bạo lực và bất công. Ðất nước này mang tên là "tự do". Chúng ta biết rằng tự do chỉ có thể có nếu chúng ta có khả năng cảm thấy đồng trách nhiệm đối với nhau và loại trừ mọi hình thức chênh lệch, bất bình đẳng. Vì thế có nhu cầu cần làm sao để các cá nhân và cộng đoàn được hưởng nền giáo dục, công ăn việc làm xứng đáng và được săn sóc sức khỏe, nhờ đó đạt được những mức độ quan trọng tối thiểu để sống còn, giúp phát triển nhân bản toàn diện".
Rời dinh chính phủ Thái, Ðức Thánh Cha tiếp tục chương trình với cuộc viếng thăm vị Tăng Thống của Phật Giáo Thái Lan.