Ðức Thánh Cha
thăm Bệnh viện Thánh Louis
Ðức Thánh Cha thăm Bệnh viện Thánh Louis.
Ngọc Yến
Bangkok (Vatican News 21-11-2019) - 10 giờ 50' sáng 21 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha đến thăm Bệnh việnThánh Louis. Trong bài diễn văn Ðức Thánh Cha nói: "Các nữ tu khi phục vụ bệnh nhân đó chính là khuôn mặt người mẹ của Thiên Chúa. Khi phục vụ hãy mở ra cho những điều bất ngờ, trở thành dấu chỉ của một Giáo hội đi ra".
Bệnh viện Thánh Louis
Bệnh viện Thánh Louis, còn được gọi là Bệnh viện Nhi đồng Thánh Louis, là một bệnh viện tư phi lợi nhuận, được Ðức Tổng Giám Mục Louis Vey, Ðại diện Tông Tòa Siam thành lập vào năm 1898 và giao cho các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres coi sóc. Các nữ tu phục vụ tại đây dựa trên phương châm "Ðâu có lòng thương xót, ở đó có Thiên Chúa". Hiện nay, Bệnh viện có các chuyên gia y tế, y tá và nhà nghiên cứu chuyên môn cao, những người sử dụng các thiết bị y tế tinh vi, cung cấp hỗ trợ cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú.
Chào đón Ðức Thánh Cha tại lối vào của Bệnh viện có Ðức Tổng Giám Mục Bangkok, Giám đốc bệnh viện. Một nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tặng hoa cho Ðức Thánh Cha. Sau đó, mọi người đến hội trường của bệnh viện. Tại đây có khoảng 700 người bao gồm bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện và các trung tâm phúc lợi khác của Giáo hội đang chờ đợi Ðức Thánh Cha.
Sau lời chào mừng của Giám đốc bệnh viện, Ðức Thánh Cha có bài huấn dụ dành cho các nhân viên Bệnh viện.
Trước hết, Ðức Thánh Cha ca ngợi việc phục vụ của các nhân viên, đối với Ðức Thánh Cha đó là một phúc lành nâng đỡ, phục vụ quý giá mà Giáo hội cung cấp cho người dân Thái Lan, đặc biệt là những người có nhu cầu.
Khuôn mặt người mẹ của Thiên Chúa
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha chào các nữ tu đang phục vụ tại Bệnh viện: "Tôi xin chào với lòng trìu mến các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, cũng như các nữ tu của các Hội dòng khác đang hiện diện nơi đây, và tôi xin cám ơn chị em vì sự cống hiến thầm lặng và vui tươi cho hoạt động tông đồ này. Chị em giúp chúng tôi chiêm ngưỡng khuôn mặt người mẹ của Chúa cúi xuống xức dầu và nuôi dạy con cái của mình: xin cám ơn chị em".
Môn đệ truyền giáo
"Tôi rất vui khi nghe Giám đốc nói về nguyên tắc hoạt động của Bệnh viện "Ubi caritas, Deus ibi est", "Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Chúa". Thực vậy, trong khi thực thi bác ái, chúng ta không chỉ chứng tỏ mình là những môn đệ truyền giáo mà còn tỏ cho thấy sự trung thành đối với Hội dòng. Chúa nói: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.' (Mt 25,40). Các môn đệ truyền giáo làm việc trong lãnh vực y tế mở ra cho một tình huynh đệ mầu nhiệm, một tình huynh đệ chiêm niệm. Nó là một tình huynh đệ có khả năng nhìn thấy sự cao cả thánh thiêng của người khác, nhìn thấy Thiên Chúa nơi mọi người, mở lòng ra cho tình thương của Thiên Chúa và tìm kiếm hạnh phúc của tha nhân theo gương Cha chúng ta ở trên trời". (Evangelii gaudium, 92).
Mở ra cho những điều bất ngờ
"Từ cái nhìn này, anh chị em hoàn thành một trong những công trình lớn nhất của lòng thương xót. Dấn thân này không chỉ thể hiện trong việc thực hiện một số hành động hoặc chương trình nhất định, nhưng anh chị em phải đi xa hơn, mở ra cho những điều bất ngờ".
Quan tâm đến đời sống của nhân viên
Ðức Thánh Cha khuyến khích việc quan tâm đến đời sống của nhân viên: "Tôi biết đôi khi công việc phục vụ của anh chị em có thể nặng nề và mệt mỏi. Vì thế anh chị em cần được nâng đỡ trong công việc. Tầm quan trọng của việc phát triển một mục vụ sức khỏe trong đó không chỉ bệnh nhân mà tất cả các thành viên của cộng đoàn này có thể cảm thấy được đồng hành và nâng đỡ trong sứ vụ của họ".
Hoạt động tông đồ của bệnh viện: Dấu chỉ một Giáo hội đi ra
Nhắc đến sự kiện Bệnh viện Thánh Louis kỷ niệm 120 năm thành lập. Ðức Thánh Cha nói: "Trong đau khổ, biết bao người đã được an ủi! Ðể tạ ơn Chúa vì sự hiện diện của anh chị trong thời gian qua, tôi xin anh chị em hãy làm cho hoạt động tông đồ ngày càng trở thành một dấu chỉ và biểu hiệu của một Giáo hội đi ra, muốn sống sứ mạng của mình, tìm được can đảm để mang tình yêu chữa lành của Chúa Kitô cho những người đau khổ".
Cầu nguyện trong đau khổ
"Chúng ta biết rằng bệnh tật luôn mang theo những câu hỏi lớn. Phản ứng đầu tiên của chúng ta có thể là nổi loạn, hoang mang và sầu muộn. Ðó là tiếng kêu đau đớn. Không sao cả, chính Chúa Giêsu đã chịu như vậy, và Ngài biến nó thành lời cầu nguyện. Với lời cầu nguyện, chúng ta hiệp thông với tiếng kêu của Chúa Giêsu. Kết hợp với Chúa trong cuộc khổ nạn, chúng ta khám phá ra sức mạnh của sự mòng dòn và những vết thương của chúng ta".
Sau bài phát biểu, Ðức Thánh Cha tặng quà cho Bệnh viện. Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đi thăm khoảng 40 bệnh nhân và khuyết tật của Bệnh viện Thánh Louis và các trung tâm y tế khác.