Hướng đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam:

nghĩ về truyền thống "tôn sư trọng đạo"

 

Hướng đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam: nghĩ về truyền thống "tôn sư trọng đạo".

Khắc Bá, SJ - CTV

Sàigòn (Vatican News 18-11-2019) - Ðã thành thông lệ, trong ngày 20 Tháng Mười Một, các thầy cô được tặng hoa, quà và những lời chúc tụng nồng nhiệt. Trong mức độ nhất định, đó là cách thể hiện đáng quý của một truyền thống tốt đẹp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những diễn tả rầm rộ bề ngoài trong một ngày như thế cũng không che lấp được hiện trạng đáng buồn: tinh thần 'tôn sư trọng đạo' của người Việt dường như đang mai một đi, mà bằng chứng là các trường hợp xung đột giữa thầy - trò hoặc giữa giáo viên - phụ huynh diễn ra ngày một nhiều.

Nói đúng hơn, theo thiển ý của người viết, quan niệm về 'tôn sư trọng đạo' đang phần nào bị lệch lạc. Cụ thể, ý niệm này dường như chỉ còn được hiểu, hay được chú trọng ở một vế là phần 'tôn sư' mà thôi. Ngày nay, người ta thường hay trích dẫn câu 'nhất tự vi sư, bán tự vi sư' (một chữ cũng là thầy, nửa chữa cũng là thầy) nhằm nhắc nhau phận sự tôn trọng người có công mang lại tri thức cho mình. Kỳ thực, nếu quay lại truyền thống của cha ông, vế 'trọng đạo' mới là trọng tâm của ý niệm đó, và chính nó làm nên tinh thần 'tôn sư' đúng nghĩa. Vì vậy, hướng đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam, chúng ta thử lạm bàn đến vấn đề này, không phải chỉ để gìn giữ một truyền thống, mà vì tính chất quan trọng của nó đối với nền giáo dục hiện tại, và do đó, đối với vận mệnh quốc gia.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page