Chúa kêu gọi chúng ta trở thành
những người kiến tạo hòa bình
và là chứng nhân hy vọng
Chúa kêu gọi chúng ta trở thành những người kiến tạo hòa bình và là chứng nhân hy vọng.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (Vatican News 17-11-2019) - Sau khi chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ ba, vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật ngày 17 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ căn hộ Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với khoảng 20 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới trời mưa nặng hạt.
Trong bài huấn dụ ngắn, trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Bài Tin Mừng Chúa nhật áp chót trong năm phụng vụ hôm nay (Xc. Lc 21,5-19) trình bày cho chúng ta diễn văn của Chúa Giêsu về tận thế, theo trình thuật của thánh Luca. Chúa Giêsu nói bài này trước Ðền thờ Jerusalem, vốn được dân chúng ngưỡng mộ vì sự hùng vĩ và huy hoàng. Nhưng Chúa tiên báo rằng tất cả vẻ đẹp và điều vĩ đại ấy "sẽ không còn hòn đá nào trên hoàn đá nào" (v.6). Sự phá hủy đền thờ mà Chúa Giêsu tiên báo không phải là hình ảnh sự chấm dứt lịch sử cho bằng mục đích của lịch sử. Thực vậy, đứng trước những người nghe muốn biết khi nào những dấu hiệu ấy sẽ xảy ra và như thế nào, Chúa Giêsu trả lời bằng một ngôn ngữ Kinh Thánh báo hiệu tai ương.
Ý nghĩa tiên báo Ðền thờ bị phá hủy
"Chúa dùng hai hình ảnh có vẻ đối nghịch nhau: hình ảnh thứ nhất là một loạt những biến cố gây lo âu: tai ương, chiến tranh, đói kém, loạn lạc và bách hại (vv. 9-12); hình ảnh thứ hai trấn an hơn: "Không một sợi tóc nào trên đầu các con bị mất đi" (v.18). Trước tiên có một cái nhìn thực tiễn về lịch sử, với những tai ương, và cả những bạo lực, những chấn thương làm thương tổn thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta, và cả gia đình nhân loại ở trên trái đất, và chính cộng đồng Kitô.
Hình ảnh thứ hai - được gói ghém trong sự trấn an của Chúa Giêsu - nói với chúng ta rằng thái độ tín hữu Kitô phải việc sống lịch sử ấy, với những bạo lực và nghịch cảnh. Ðó là thái độ hy vọng nơi Thiên Chúa, giúp chúng ta không để mình bị những biến cố thê thảm đánh bại. Trái lại, chúng là "cơ hội để làm chứng" (v.13).
Ðức Thánh Cha giải thích rằng:
"Các môn đệ Chúa Kitô không thể làm nô lệ cho sợ hãi và lo âu; trái lại họ được kêu gọi ở trong lịch sử, ngăn chặn sức mạnh tàn phá của sự ác, với xác tín rằng sự dịu dàng quan phòng và trấn an của Chúa luôn đi kèm việc làm điều thiện của các môn đệ Chúa. Ðó là dấu chỉ hùng hồn chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang đến với chúng ta, nghĩa là chúng ta đang đến gần việc thực hiện thế giới như Thiên Chúa muốn. Chính Chúa hướng dẫn cuộc sống chúng ta và biết mục tiêu tối hậu của sự việc và các biến cố. Dưới cái nhìn thương xót của Chúa, những thế sự của nhân loại diễn ra trong cái dòng bất định và sự thiện xen lẫn sự ác. Nhưng tất cả những gì xảy ra đều được giữ gìn trong Chúa; sự sống chúng ta không thể mất đi vì nó ở trong tay Chúa."
Thái độ cần phải có
Từ những điều trên đây, Ðức Thánh Cha rút ra những kết luận và nói rằng:
"Chúa kêu gọi chúng ta cộng tác vào việc kiến tạo lịch sử, cùng với Ngài trở thành những người kiến tạo hòa bình và là chứng nhân hy vọng vào một tương lai cứu độ và phục sinh. Ðức tin làm cho chúng ta tiến bước với Chúa Giêsu trên những con đường quanh co của trần thế này, với xác tín chắc chắn rằng sức mạnh của Chúa Thánh Linh đã bẻ gẫy quyền lực của sự ác, bắt chúng phải tùng phục quyền năng tình thương của Thiên Chúa. Chẳng hạn có những vị tử đạo Kitô ngày nay, dù bị bách hại, vẫn tiếp tục là những con người hòa bình. Họ giao cho chúng ta một gia sản phải bảo tồn và noi theo: đó là Tin Mừng tình yêu và lòng thương xót. Ðó là kho tàng quý giá nhất được ban cho chúng ta và là chứng tá hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể nêu lên cho những người thời nay, đáp trả oán thù bằng tình thương, đáp lại xúc phạm bằng tha thứ.
Xin Ðức Trinh Nữ Maria, qua lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, nâng đỡ hành trình đức tin hằng ngày của chúng ta, bước theo Chúa là Ðấng hướng dẫn lịch sử."
Chào thăm
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, trong phần chào thăm, Ðức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước hôm Thứ Bảy 16/11 vừa qua, tại Riobamba bên Ecuador, cho Cha Emilio Moscoso, dòng Tên Ecuador, bị sát hại vì đức tin ngày 04/05/1897 lúc 51 tuổi.
Thủ phạm vụ sát nhân là một toán quân cách mạng bài Công Giáo. Chúng vào nhà nguyện trường học dòng Tên nơi cha Moscoco làm giám đốc và lúc ấy cha đang cầu nguyện trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, chúng vứt các Bánh Thánh xuống đất, và uống rượu lễ, chế nhạo các nghi thức thánh, trước khi tìm thấy cha Moscoco đang quỳ trước tượng Thánh Giá. Bọn sát nhân bắn cha 2 phát đạn, rồi đặt súng cạnh thi thể cha như thể nói rằng cha bị bắn chết trong lúc cầm súng chống cách mạng.
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Ước gì tấm gương của một tu sĩ khiêm tốn, tông đồ cầu nguyện và nhà giáo dục giới trẻ này nâng đỡ hành trình đức tin và chứng tá Kitô của chúng ta". Ngài xin mọi người vỗ tay mừng vị chân phước mới.
Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: "Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ ba. Tôi cám ơn các giáo phận và giáo xứ trên thế giới đã đề xướng và thực hiện những sáng kiến cụ thể để mang lại hy vọng cho những người túng thiếu nhất. Tôi cũng cám ơn các bác sĩ, y tá và bao nhiêu người thiện nguyện đã phục vụ tại Trạm Y tế ở quảng trường thánh Phêrô để khám bệnh và săn sóc cho các bệnh nhân nghèo, thực hiện cả những cuộc khám bệnh với bác sĩ chuyên môn, phân tích và khám miễn phí. Tất cả những sáng kiến ấy chứng tỏ sự quan tâm không thể thiếu đối vơi các anh chị em chúng ta.
"Sáng nay tôi đã đọc thống kê về số người nghèo trên thế giới. Thật là đau lòng khi thấy tình trạng dửng dưng đối với bao nhiêu người nghèo."
Ðức Thánh Cha cũng thông báo ngài sắp dùng bữa trưa với 1,500 người nghèo ở hành lang Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Tại đây 150 bàn ăn được bố trí tại đây và được 70 người thiện nguyện phục vụ. Sau bữa ăn, các thực khách nghèo còn được tặng một số thực phẩm khác do lòng hảo tâm của một số công ty thực phẩm.
Sau cùng Ðức Thánh Cha cũng xin các tín hữu cầu nguyện cho ngài nhân chuyến viếng thăm ngài sẽ thực hiện từ chiều Thứ Ba 19 tháng 11 năm 2019 để tới Thái Lan và Nhật Bản.