Cái nhìn thương xót của

Chúa Giêsu đưa đến hoán cải

 

Ðức Thánh Cha: Cái nhìn thương xót của Chúa Giêsu đưa đến hoán cải.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (Vatican News 03-11-2019) - Trưa Chúa nhật 03 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 25 ngàn tín hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Nhân dịp này, ngài mời gọi các tín hữu hãy đón nhận lòng thương xót của Chúa để có lòng từ nhân, quảng đại và bao dung hơn đối với tha nhân. Ðó cũng là thái độ của ông Giakêu trong bài Tin Mừng, được Chúa Giêsu hoán cải.

Trong bài huấn dụ ngắn, trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm nay (Xc Lc 19,1-10) đặt chúng ta theo Chúa Giêsu, trong hành trình hướng về thành Jerusalem, Ngài dừng lại tại Giêricô. Có đông đảo dân chúng đón tiếp Ngài, trong đó có một người tên là Giakêu, thủ lãnh những người "thu thuế", nghĩa là những người Do thái thu thuế cho đế quốc Roma. Ông ta giàu có, không phải nhờ làm ăn lương thiện, nhưng vì ông đòi "tiền hối lộ", và điều này làm cho người ta khinh rẻ ông. Ông Giakêu tìm cách nhìn xem ai Ðức Giêsu là ai" (v.3); ông không muốn gặp Ngài, nhưng chỉ tò mò: ông muốn xem nhân vật mà người ta nói là đã làm những điều lạ lùng. Vì thân mình thấp bé, "để thấy Chúa Giêsu", ông ta leo lên một cây. Khi Chúa Giêsu đi đến gần, Ngài ngước mắt nhìn lên và thấy ông ta (Xc v. 5).

Chúa đi bước đầu

Ðó là điều quan trọng: cái nhìn đầu tiên không phải là của ông Giakêu, nhưng là của Chúa Giêsu, giữa bao nhiêu khuôn mặt đứng quanh Ngài, Chúa tìm khuôn mặt ấy. Cái nhìn thương xót của Chúa hướng tới chúng ta trước khi chính chúng ta nhận thấy mình đang cần, để được cứu rỗi. Và với cái nhìn của Thầy Chí Thánh bắt đầu phép lạ hoán cải của người tội lỗi thành Giêricô. Thực vậy, Chúa Giêsu gọi ông và gọi đích danh: "Giakêu, hãy xuống ngay, vì hôm nay tôi phải dừng lại tại nhà ông" (v.5). Ngài không trách móc ông, không "giảng" cho ông, Ngài nói là phải đến nhà ông: Ngài "phải" vì đó là ý Chúa Cha. Mặc dù những lời lẩm bẩm của dân chúng, Chúa Giêsu đã chọn dừng lại nơi nhà của người thu thuế tội lỗi ấy.

Cả chúng ta có lẽ cũng coi là gương xấu thái độ ấy của Chúa Giêsu. Nhưng sự khinh rẻ và kép kín đối với người tội lỗi chỉ cô lập hóa và dẫn đưa họ vào sự ác chống lại bản thân và chống lại cộng đoàn. Trái lại, Thiên Chúa lên án tội lỗi, nhưng tìm cách cứu vớt người tội lỗi, Ngài đi tìm họ để dẫn đưa họ về đường ngay nẻo chính. Người nào không hề cảm thấy được lòng thương xót của Chúa tìm kiếm, thì khó nhận thức được sự cao cả đặc biệt của những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu đối với ông Giakêu.

Giúp người tội lỗi hoán cải

Sự đón tiếp và quan tâm của Chúa Giêsu đối với ông đã làm cho ông thay đổi hẳn não trạng: trong giây lát, ông nhận thấy cuộc sống của ông thật là nhỏ nhen, sống chỉ lo tìm kiếm tiền bạc, thậm chí ăn trộm của người khác, để rồi bị họ khinh bỉ. Ðược Chúa Giêsu đến nhà ông, sự kiện này làm cho ông nhìn mọi sự với cặp mắt khác, cả cái nhìn dịu hiền của Chúa Giêsu đối với ông cũng giúp ông thay đổi. Và thế là cả cách nhìn và việc sử dụng tiền bạc của ông cũng đổi thay: thái độ vơ vét được thay bằng thái độ cho đi. Thực vậy, ông quyết định tặng một nửa những gì ông có cho người nghèo và trả lại gấp bốn cho những người ông đã moi móc của họ (Xc v. 8). Nhờ Chúa Giêsu, ông Giakêu khám phá thấy rằng có thể yêu thương nhưng không: cho đến bấy giờ ông là người hà tiện, nay ông trở nên quảng đại; trước đây ông thích tích trữ, nay ông vui mừng phân phát. Nhờ gặp Ðấng là Tình Thương, khám phá thấy mình được yêu thương dù mình có tội, ông trở nên có khả năng yêu thương tha nhân, biến tiền bạc thành một dấu chỉ liên đới và hiệp thông.

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Xin Ðức Trinh Nữ Maria cầu cho chúng ta được ơn luôn cảm thấy cái nhìn thương xót của Chúa Giêsu đối với chúng ta, để với lòng từ bi, chúng ta đi gặp những người đã sai lỗi, để họ cũng có thể đón nhận Chúa Giêsu, Ðấng đã đến để tìm kiếm và cứu vớt những người bị hư mất" (v.10).

Chào thăm

Sau khi đọc kinh và ban phép lành các tín hữu, Ðức Thánh Cha đã chia buồn với cộng đồng Chính Thống giáo nạn nhân của bạo lực tại Etiopia. Ngài nói:

"Anh chị em thân mến, tôi đau buồn vì các tín hữu Kitô thuộc Giáo Hội Chính Thống Tewahedo ở Etiopia phải chịu. Tôi bày tỏ sự gần gũi với Giáo Hội này và Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ, Abuna Matthias, người anh em quý mến, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân bạo lực tại đất nước này."

Ðức Thánh Cha đã mời các tín hữu đọc kinh Kính Mừng chung với ngài theo ý nguyện này. Rồi ngài đặc biệt ngỏ lời cám ơn nồng nhiệt đến thành phố và giáo phận San Severo ở miền Puglia, vì đã ký một hiệp định thức hôm thứ Hai 28/10 vừa qua, giúp những nông dân thuộc nơi gọi là các "Ghetto Capitanata" ở vùng Foggia được cư ngụ cạnh các giáo xứ và đăng ký nơi văn phòng hộ tịch của thành phố.

Sự kiện có giấy tờ căn cước và cư trú sẽ giúp họ phẩm giá mới và để họ ra khỏi tình trạng bất hợp pháp và khỏi bị bóc lột. Tôi cám ơn chính quyền Thành Phố và tất cả những người đã làm việc cho kế hoạch này.

Các ghetto Capitanata là những túp lều, những căn nhà tồi tàn do các nông dân làm thuê dựng lên để cư ngụ. Họ không có giấy tờ hợp pháp, nên khi làm việc trong các cánh đồng, ví dụ đi hái cà chua và các nông phẩm khác, họ thường bị bóc lột. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Ðức Hồng y Konrad Krajewski, chánh sở từ thiện của Ðức Thánh Cha đã đến viếng thăm các nông dân nhập cư ở các ghetto này.

Ðức Thánh Cha còn chào thăm đông đảo các nhóm hành hương từ nhiều nước Âu Châu và nhiều nơi ở Italia, và cầu chúc mọi người một Chúa nhật tốt đẹp...

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page