Toàn văn Tài Liệu Cuối Cùng

của Thượng Hội Ðồng Giám Mục

về Toàn Vùng Amazon

 

Toàn văn Tài Liệu Cuối Cùng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon.

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 31-10-2019) - Trong phiên họp thứ 16 và cũng là phiên họp cuối cùng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon, ngày 26 tháng 10 năm 2019, Tài Liệu Cuối Cùng đã được toàn thể Thượng Hội Ðồng thông qua. Hiện nay, Tòa Thánh mới chỉ công bố Tài Liệu bằng nguyên bản Tiếng Tây Ban Nha. Hãng Tin Zenit đã có công dịch sang tiếng Anh và lần lượt công bố từ ngày 30 tháng 10 năm 2019. Chúng tôi lấy bản tiếng Anh của Zenit để chuyển sang Việt Ngữ.

Dẫn Nhập

1. "Và Ðấng ngự trên ngai phán : 'Này đây Ta đổi mới mọi sự'. Rồi Người phán : 'Ngươi hãy viết : Ðây là những lời đáng tin cậy và chân thật'" (Kh 21: 5)

Sau một chặng đường dài đồng nghị lắng nghe dân Chúa trong Giáo Hội Amazon, mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở màn trong chuyến viếng thăm Amazon vào ngày 19 tháng 1 năm 2018, Thượng hội đồng đã được tổ chức tại Rôma trong một cuộc hội họp huynh đệ 21 ngày vào tháng 10 năm 2019. Bầu khí ở đây là một bầu khí trao đổi cởi mở, tự do và tôn trọng của các Giám mục Mục tử ở Amazon, các nhà truyền giáo nam nữ, giáo dân nam nữ, và đại diện các dân tộc bản địa Amazon. Chúng tôi là những nhân chứng tham dự một biến cố giáo hội được đánh dấu bởi sự khẩn cấp của chủ đề, một chủ đề kêu gọi mở ra những nẻo đường mới cho Giáo hội trong vùng lãnh thổ. Công việc nghiêm túc đã được chia sẻ trong một bầu khí xác tín lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang hiện diện.

Thượng hội đồng được tổ chức trong một môi trường huynh đệ và cầu nguyện. Các can thiệp được kèm theo nhiều lần bằng tiếng vỗ tay, ca hát và tất cả đều có những khoảnh khắc im lặng chiêm nghiệm sâu sắc. Bên ngoài Hội trường Thượng Hội Ðồng, có sự hiện diện đáng chú ý của những người từ thế giới Amazon, những người tổ chức các biến cố hỗ trợ nhiều hoạt động, đám rước khác nhau, như lễ khai mạc với những bài hát và điệu nhảy cùng đồng hành với Ðức Thánh Cha, từ mộ Thánh Phêrô đến Hội trường Thượng hội đồng. Ðàng Thánh giá các vị tử đạo vùng Amazon rất gây ấn tượng, bên cạnh sự hiện diện rộng lớn của các phương tiện truyền thông quốc tế.

2. Tất cả các tham dự viên bày tỏ ý thức sâu sắc về tình thế bi đát đang ảnh hưởng đến Amazon. Ðiều này có nghĩa việc biến mất lãnh thổ và cư dân của nó, đặc biệt là người dân bản địa. Rừng Amazon là "trái tim sinh học" đối với trái đất, một trái tim ngày càng bị đe dọa. Nó thấy mình rơi vào một cuộc chạy đua tới cái chết một cách không tài nào kiềm chế được. Nó đòi hỏi những thay đổi triệt để một cách hết sức khẩn cấp, một hướng đi mới giúp nó được cứu vớt. Người ta đã chứng minh một cách khoa học rằng sự biến mất sinh quần Amazon sẽ có tác động thảm khốc trên toàn hành tinh!

3. Hành trình đồng nghị của dân Chúa trong giai đoạn chuẩn bị đã có sự tham gia của toàn thể Giáo hội trong lãnh thổ, các Giám mục, các nhà truyền giáo nam nữ, các thành viên của các Giáo hội thuộc các tín phái khác, giáo dân nam nữ, và nhiều đại diện của các dân tộc bản địa quanh việc tham khảo tài liệu từng gợi hứng cho Tài liệu Làm việc. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói của Amazon, được thúc đẩy bởi hơi thở lớn lao hơn của Chúa Thánh Thần trong tiếng kêu của trái đất bị thương và các cư dân của nó. Ðáng chú ý là sự tham gia tích cực của hơn 87,000 người, của các thành phố và nền văn hóa khác nhau, ngoài ra còn có nhiều nhóm thuộc các giáo hội khác và sự đóng góp của các học giả và tổ chức của xã hội dân sự vào các chủ đề chuyên biệt chính.

4. Việc tổ chức Thượng hội đồng có thể làm nổi bật việc tổng hợp tiếng nói của Amazon với tiếng nói đầy suy nghĩ của các Mục tử tham dự. Chính kinh nghiệm mới của việc lắng nghe để biện phân tiếng nói của Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt Giáo hội đến những cách hiện diện mới, việc truyền giảng tin mừng và đối thoại liên văn hóa ở Amazon. Lập trường, phát sinh trong diễn trình chuẩn bị, rằng Giáo hội là đồng minh của thế giới Amazon, đã được khẳng định một cách mạnh mẽ. Việc cử hành đã kết thúc bằng một niềm vui lớn lao và niềm hy vọng sẽ nắm lấy và thực hành mô hình mới của hệ sinh thái toàn diện, việc chăm sóc "ngôi nhà chung" và bảo vệ Vùng Amazon.

Chương I, Amazon: Từ Lắng Nghe Ðến Hoán Cải Toàn Diện

"Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên" (Kh 22: 1)

5. "Chúa Kitô chỉ tay về phía Amazon", (Thánh Phaolô VI, attrib.). Ngài giải thoát mọi người khỏi tội lỗi và ban cho họ phẩm giá làm Con cái Thiên Chúa. Việc lắng nghe Amazon, đúng theo tinh thần riêng của người môn đệ và dưới ánh sáng của Lời Chúa và Truyền thống, đã thúc đẩy chúng ta đến một sự hoán cải sâu sắc các kế hoạch và cơ cấu của chúng ta hướng về Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.

Giọng nói và tiếng hát của Amazon như thông điệp sự sống

6. Ở Amazon, sự sống được lồng, liên kết và hòa nhập vào lãnh thổ, một lãnh thổ, trong tư cách một khu vực vật chất, có tính sinh tử và đầy dinh dưỡng, là khả thể, nguồn nuôi dưỡng và giới hạn của sự sống. Amazon, cũng được gọi là Vùng Toàn Amazon, là một lãnh thổ rộng lớn với dân số ước lượng khoảng 33,600,000 người, trong đó vào khoảng từ 2 đến 2.5 triệu người là người Bản địa. Khu vực này, được tạo thành bởi lưu vực sông Amazon và mọi nhánh sông của nó, được trải dài gồm chín quốc gia: Bôlivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Ba Tây, Guyana, Surinam và Guyana thuộc Pháp. Vùng Amazon rất chủ yếu cho việc phân phối nước mưa ở các khu vực Nam Mỹ và nó góp phần vào các chuyển vần lớn lao của không khí trên khắp hành tinh; hiện tại, đây là khu vực dễ bị tổn thương thứ hai trên thế giới, do hành động của con người, liên quan đến biến đổi khí hậu.

7. Nước và đất Vùng này nuôi dưỡng và duy trì thiên nhiên, sự sống và các nền văn hóa của hàng trăm cộng đồng bản địa, nông dân, hậu duệ gốc Phi, sắc dân mestizos (1), người lập cư, người sống ven sông và cư dân các trung tâm đô thị. Nước, nguồn sống, có ý nghĩa biểu tượng phong phú. Ở vùng Amazon, vòng tuần hoàn của nước là trục nối kết; nó nối kết các hệ sinh thái, các nền văn hóa và sự phát triển của lãnh thổ.

8. Có một thực tế đa sắc tộc và đa văn hóa ở vùng Amazon. Các dân tộc khác nhau đã có thể thích nghi với lãnh thổ. Họ xây dựng và tái xây dựng, trong mỗi nền văn hóa, viễn kiến vũ trụ của họ, các dấu chỉ và ý nghĩa của họ cùng viễn kiến về tương lai của họ. Trong các nền văn hóa và các dân tộc bản địa, các tập tục cổ xưa và các giải thích thần thoại cùng tồn tại với các kỹ thuật và thách đố hiện đại. Những khuôn mặt sống ở Amazon rất đa dạng. Ngoài các dân tộc bản địa, còn có những cuộc hôn nhân dị chủng khá lớn phát sinh từ việc gặp gỡ và giao tiếp gần gũi của các dân tộc khác nhau.

9. Việc các dân tộc bản địa của Amazon tìm kiếm sự sống dồi dào được cụ thể hóa trong điều họ gọi là "sống tốt", và nó được thể hiện trọn vẹn trong Các Mối Phúc Thật. Ðó là việc cố gắng sống hòa hợp với chính mình, với thiên nhiên, với con người và với Ðấng tối cao, vì xét rằng có một sự thông đạt qua lại giữa toàn bộ vũ trụ, nơi không loại trừ một ai hoặc không ai bị loại trừ, và là nơi chúng ta có thể tạo nên một dự án sống viên mãn cho mọi người. Một sự hiểu biết về sự sống như vậy có đặc điểm ở sự nối kết và hài hòa trong các mối liên hệ giữa nước, lãnh thổ và thiên nhiên, đời sống cộng đồng và văn hóa, Thiên Chúa và các lực lượng tâm linh khác nhau. Ðối với họ, "sống tốt" là phải hiểu tính trung tâm trong liên hệ siêu việt của con người và sáng thế, và nó ám chỉ "sự sống tốt". Phương thức toàn diện này được phát biểu trong cách họ tự tổ chức, bắt đầu từ gia đình và cộng đồng, và bao gồm việc sử dụng có trách nhiệm mọi của cải của sáng thế. Các dân tộc bản địa mong ước đạt được các điều kiện sống tốt hơn, nhất là về y tế và giáo dục, để hưởng được sự phát triển bền vững do chính họ lãnh đạo và biện phân và giữ sự hài hòa trong các lối sống truyền thống của họ, đối thoại giữa sự khôn ngoan và kỹ thuật của các bậc tiền bối và các kỹ thuật sở đắc được.

Tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo

10. Tuy nhiên, Amazon ngày nay là một sắc đẹp bị đả thương và biến dạng, một nơi đau đớn và bạo lực. Các cuộc tấn công chống lại thiên nhiên đã gây ra những hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của người dân. Cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội độc đáo này đã được suy tư trong các phiên lắng nghe trước Thượng Hội Ðồng; những phiên lắng nghe này cho thấy rõ các mối đe dọa sau đây chống lại sự sống: chiếm đoạt và tư nhân hóa của cải thiên nhiên, như nước, các nhượng quyền khai thác gỗ hợp pháp và việc du nhập cảnh khai thác bất hợp pháp; săn bắn và lưới cá kiểu trấn lột; các dự án khổng lồ không có tính bền vững (dự án thủy điện, nhượng quyền rừng, chặt hạ ồ ạt, độc canh, đường cao tốc, đường thủy, tàu hỏa và các dự án khai mỏ và dầu khí; ô nhiễm do các kỹ nghệ khai khoáng và đổ rác các thành phố và trên hết là biến đổi khí hậu. Chúng là những đe dọa thực sự đem theo các hậu quả xã hội nghiêm trọng: bệnh tật bắt nguồn từ ô nhiễm, buôn bán ma túy, các nhóm vũ trang bất hợp pháp, nghiện rượu, bạo lực chống phụ nữ, bóc lột tình dục, buôn bán nội tạng, du lịch tình dục, mất văn hóa gốc và bản sắc (ngôn ngữ, các thực hành tâm linh và phong tục), kết tội và giết hại các nhà lãnh đạo và bảo vệ lãnh thổ. Ðằng sau tất cả những điều này là quyền lợi kinh tế và chính trị của các nhóm thống trị, với sự đồng lõa của một số nhà cai trị và một số chính quyền bản địa. Các nạn nhân là những nhóm đễ bị tổn thương nhất: trẻ em, người trẻ, phụ nữ và Chị cùng Mẹ Ðất.

11. Về phần mình, cộng đồng khoa học cảnh báo về nguy cơ mất rừng, một việc đến nay đã phá hủy gần 17% tổng diện tích của rừng Amazon, và đang đe dọa sự sinh tồn của toàn bộ hệ sinh thái, gây nguy hiểm cho tính đa dạng sinh học và thay đổi chu kỳ quan trọng của nước vốn cần cho sự sống còn của rừng nhiệt đới. Ngoài ra, Amazon cũng có vai trò quan yếu như thiết bị giảm sốc chống lại biến đổi khí hậu; nó cung cấp các hệ thống vô giá và căn bản chống đỡ quan yếu cho không khí, nước, đất, rừng và sinh khối (biomass). Ðồng thời, các chuyên gia nhắc nhở rằng nhờ sử dụng khoa học và các kỹ thuật tiên tiến vào một nền kinh tế sinh học đổi mới của rừng đứng và sông chảy, ta có thể giúp bảo vệ rừng nhiệt đới, bảo vệ các hệ sinh thái của Amazon và các dân tộc bản địa và truyền thống và, đồng thời, cung ứng các hoạt động kinh tế bền vững.

12. Một hiện tượng phải giải quyết là di dân. Trong các khu vực Amazon, có ba diễn trình di dân cùng một lúc. Ðầu tiên, là các trường hợp ưa di chuyển của các nhóm bản địa trong các lãnh thổ lưu động truyền thống, phân cách bởi biên giới quốc gia và quốc tế. Thứ đến, việc di dân bắt buộc của người dân bản địa, nông dân và người sống ven sông bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ, và nơi đến cuối cùng của họ thường là những khu vực nghèo nhất và những khu vực đô thị hóa tồi tệ hơn trong các thành phố. Thứ ba, các cuộc di cư bắt buộc liên vùng và hiện tượng tị nạn, tức những người bắt buộc phải rời khỏi đất nước của họ (trong số những nước khác, phải kể Venezuela, Haiti, Cuba) phải băng qua Amazon như một hành lang di dân.

13. Sự rời cư của các nhóm bản địa bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ và bị thu hút bởi ánh sáng sai lầm của nền văn hóa đô thị nói lên tính đặc thù độc đáo của các phong trào di cư ở Amazon. Các trường hợp trong đó tính di động của các nhóm này diễn ra trong các lãnh thổ lưu thông bản địa truyền thống, cách nhau bởi biên giới quốc gia và quốc tế, kêu gọi phải có sự chăm sóc mục vụ xuyên biên giới có khả năng hiểu quyền được lưu chuyển tự do của các dân tộc này. Tính di động của con người ở Amazon cho thấy khuôn mặt bần cùng và đói khát của Chúa Giêsu Kitô (Xem Mt. 25:35), bị trục xuất và vô gia cư (Xem Lc 3: 1-3), và cả việc phụ nữ hóa việc di dân khiến hàng ngàn phụ nữ dễ bị tổn thương do nạn buôn người, một trong những hình thức bạo lực tồi tệ nhất chống lại phụ nữ và là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất. Nạn buôn người, khi được liên kết với việc di dân, đòi phải có mạng lưới chăm sóc mục vụ thường trực.

14. Cuộc sống của các cộng đồng Amazon chưa bị ảnh hưởng bởi làn sóng văn minh Tây phương, được phản ảnh trong niềm tin và các nghi lễ nói về hành động của các linh thần, được gọi tên bằng vô số cách, với và trong lãnh thổ, với và trong tương quan với thiên nhiên (Laudato Si' 16, 91, 117, 138, 240). Chúng ta hãy nhìn nhận rằng hàng ngàn năm qua, họ đã chăm sóc trái đất, nguồn nước và rừng của nó, và đã thành công trong việc bảo tồn chúng cho đến ngày nay để nhân loại có thể vui hưởng các hồng phúc nhưng không trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Các nẻo đường truyền giảng tin mừng mới phải được xây dựng trên việc đối thoại với kiến thức căn bản này, trong đó nó được biểu lộ như những hạt giống của Lời Chúa.

Giáo Hội ở vùng Amazon

15. Trong diễn trình lắng nghe tiếng kêu của lãnh thổ và tiếng kêu của các dân tộc, Giáo hội phải nhắc nhớ các bước đi của mình. Việc truyền giảng tin mừng tại Châu Mỹ Latinh là một hồng phúc của Chúa Quan Phòng, Ðấng vốn kêu gọi mọi người đến với sự cứu rỗi trong Chúa Kitô. Bất chấp việc thực dân hóa về quân đội, chính trị và văn hóa, và vượt lên trên lòng tham và tham vọng của những người thực dân, vẫn có nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của mình để truyền rao Tin Mừng. Cảm thức truyền giáo không những gây cảm hứng cho việc hình thành ra các cộng đồng Kitô giáo mà cả việc lập pháp nữa như Các Ðạo Luật Bản Ðịa, vốn bảo vệ phẩm giá của người Bản địa chống lại sự chà đạp người dân và vùng lãnh thổ của họ. Những lạm dụng như vậy đã gây ra nhiều vết thương nơi các cộng đồng và làm mờ đi thông điệp của Tin mừng. Thường thì việc loan báo Chúa Kitô được thực hiện trong mối thông đồng với các thế lực khai thác các tài nguyên và đàn áp dân chúng. Hiện tại, Giáo hội có cơ hội lịch sử để phân biệt mình với các thế lực thực dân mới, bằng cách lắng nghe các dân tộc Amazon để có thể thi hành một cách minh bạch trong hoạt động tiên tri của mình. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội đang mở ra nhiều cơ hội mới để trình bày Chúa Kitô trong mọi tiềm năng giải phóng và nhân bản hóa của Người.

16. Các vị tử đạo đã viết một trong những trang sử vinh quang nhất của Amazon. Sự tham gia của những người theo Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh Vinh Quang của Người, đã đồng hành với cuộc sống của Giáo Hội cho đến ngày nay, nhất là trong thời và trong nơi, vì Tin Mừng của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống giữa mâu thuẫn gia trọng, như đang xảy ra hôm nay với những người vốn chiến đấu can đảm cho một hệ sinh thái toàn diện ở Amazon. Thượng hội đồng này nhìn nhận một cách đầy ngưỡng mộ những người chiến đấu bất chấp rủi ro lớn đối với mạng sống của họ, để bảo vệ sự tồn tại của lãnh thổ này.

Ðược kêu gọi hoán cải toàn diện

17. Lắng nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo và của các dân tộc Amazon với những người cùng bước đi với chúng ta, đòi chúng ta phải thực sự hoán cải toàn diện, bằng một cuộc sống đơn giản và đạm bạc, tất cả được nuôi dưỡng bằng một nền linh đạo huyền nhiệm theo phong cách của Thánh Phanxicô Assisi, vốn là điển hình của sự hoán cải toàn diện, một cách hân hoan và vui hưởng Kitô giáo (Xem Laudato Si'20-120. Một việc đọc Lời Chúa theo cung cách cầu nguyện sẽ giúp chúng ta suy ngẫm và khám phá thêm những tiếng rên rỉ của Chúa Thánh Thần và sẽ khuyến khích chúng ta cam kết chăm sóc "ngôi nhà chung".

18. Là Giáo hội, chúng ta, các môn đệ truyền giáo, cầu xin ơn hoán cải này, một ơn "hàm nghĩa để cho mọi hậu quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô nở rộ trong các mối liên hệ với thế giới xung quanh chúng ta (Laudato Si' 217); một hoán cải bản thân và cộng đồng làm chúng ta cam kết liên hệ một cách hài hòa với công việc sáng tạo của Thiên Chúa, vốn là "ngôi nhà chung", một việc hoán cải cổ vũ việc tạo ra các cơ cấu hài hòa với sự chăm sóc Sáng thế; một hoán cải mục vụ dựa trên tính đồng nghị, vốn thừa nhận sự tương tác của toàn bộ Sáng thế. Một sự hoán cải dẫn chúng ta trở thành một Giáo hội lên đường đi vào lòng của mọi dân tộc Amazon.

19, Như thế, chỉ duy nhất sự hoán cải quay về với Tin Mừng sống động, tức Chúa Giêsu Kitô, mới có thể mở ra các chiều kích nối kết qua lại để thúc đẩy việc lên đường đi ra các vùng ngoại vi hiện sinh, xã hội và địa lý của Amazon. Những chiều kích này có tính mục vụ, văn hóa, sinh thái và đồng nghị, sẽ được khai triển trong bốn chương sau đây.

- - - - -

(1) Ở Châu Mỹ Latinh, chỉ người có chủng tộc hỗn hợp, nhất là có tổ tiên gốc Tây Ban Nha và bản địa.

 

Chương II: Các Cách Mới Của Việc Hoán Cải Mục Vụ

"Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3: 5).

20. Một Giáo hội truyền giáo chịu lên đường mời gọi chúng ta bước vào một hoán cải mục vụ. Ðối với Amazon, hành trình này cũng bao hàm "việc lèo lái đi lại" các dòng sông, hồ nước của chúng ta, giữa những người của chúng ta. Ở Amazon, nước liên kết chúng ta; nó không phân cách chúng ta. Hoán cải mục vụ của chúng ta sẽ có tính Samaritanô, trong đối thoại, đồng hành với những người có khuôn mặt cụ thể của người bản địa, nông dân, con cháu người Phi Châu và di dân, người trẻ, cư dân các thành phố. Tất cả những điều này hàm nghĩa một nền linh đạo lắng nghe và công bố. Với tinh thần đó, chúng ta sẽ hành trình và lèo lái trong chương này.

Giáo hội là nhà truyền giáo chịu lên đường

21.Từ bản chất, Giáo hội vốn có tính truyền giáo và Giáo Hội có nguồn gốc "từ tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa" (AG 2). Tính năng động truyền giáo bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa tỏa sáng, mở rộng, tràn đổ và lan rộng khắp vũ trụ. "Nhờ Phép Rửa, chúng ta được lồng vào tính năng động của tình yêu qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Ðấng đem lại một chân trời mới cho cuộc sống" (DAp 12). Sự tràn đổ này thúc đẩy Giáo hội bước vào một hoán cải mục vụ và biến đổi chúng ta thành những cộng đồng sống động hoạt động trong một nhóm và trong một mạng lưới, nhằm phục vụ việc truyền giảng tin mừng. Việc truyền giáo hiểu như thế không phải là một điều nhiệm ý, một hoạt động của Giáo hội trong số các hoạt động khác, mà là chính bản chất của Giáo Hội. Giáo hội là truyền giáo! "Hành động truyền giáo là mô hình của toàn bộ việc làm của Giáo hội" (EG 15). Trở thành môn đệ truyền giáo là một điều gì đó hơn cả việc chu toàn các trách nhiệm hoặc thi hành việc này việc nọ. Nó được định vị ngay trong trật tự hiện hữu. "Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta, các môn đệ của Người, thấy rằng sứ mệnh của chúng ta trên thế giới không thể là tĩnh tụ, nhưng là hành trình đó đây. Một Kitô hữu là một người lưu hành đó đây" (Ðức Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 30/06/2019).

a. Giáo hội Samaritanô, thương xót và liên đới

22.Chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội Amazon, có tính Samaritanô, nhập thân vào cung cách trong đó Con Thiên Chúa đã nhập thể: "Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta"(Mt 8: 17b). Ðấng tự làm cho mình nghèo để làm giàu cho chúng ta bằng sự nghèo khó của Người (2 Cr 8: 9) nhờ Thần khí của Người, Người khuyến khích các môn đệ truyền giáo ngày nay ra đi gặp gỡ mọi người, nhất là người bản địa, người nghèo, người bị loại trừ khỏi xã hội và những người khác. Chúng ta cũng muốn có một Giáo hội Mađalêna, cảm thấy mình được yêu thương và hòa giải, một Giáo Hội công bố Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh một cách hân hoan và xác tín; một Giáo Hội Maria sinh ra những đứa con cho đức tin và giáo dục chúng một cách âu yếm và kiên nhẫn, và cũng dựa vào kho tàng của các dân tộc. Chúng ta muốn trở thành một Giáo hội phục vụ, sơ truyền, giáo dục, hội nhập văn hóa ở giữa các dân tộc mà chúng ta phục vụ.

b. Giáo Hội trong đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa

23. Thực tại đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo của Amazon kêu gọi một thái độ đối thoại cởi mở, cũng biết nhìn nhận tính đa dạng của những người đối thoại: người bản địa, người sống ven sông, nông dân và hậu duệ Châu Phi, các Giáo hội Kitô giáo và các hệ phái tôn giáo khác, các tổ chức của xã hội dân sự, các phong trào xã hội bình dân, Nhà nước, tóm lại tất cả những người có thiện chí tìm cách bảo vệ sự sống, sự toàn vẹn của Sáng thế, hòa bình và lợi ích chung.

24. Ở Amazon, "các liên hệ giữa người Công Giáo và người Ngũ Tuần, người Ðặc sủng và Tin Lành không dễ dàng. Sự xuất hiện đột ngột của các cộng đồng mới, liên kết với nhân cách của một số nhà truyền giảng, tương phản một cách mạnh mẽ với những buổi ban đầu và kinh nghiệm giáo hội học của các Giáo hội lâu đời, và nó có thể che giấu nguy cơ bị lôi kéo bởi những làn sóng cảm xúc nhất thời hoặc khép kín kinh nghiệm đức tin vào một môi trường được bảo vệ và an tâm. Sự kiện không ít tín hữu Công Giáo cảm thấy bị thu hút vào các cộng đồng này là một động lực của va chạm, nhưng về phần chúng ta, nó có thể trở thành động lực để rà xét mình và đổi mới mục vụ (Ðức Phanxicô, 28.09.2018). Cuộc đối thoại đại kết, liên tôn giáo và liên văn hóa phải được coi là con đường truyền giảng tin mừng không thể miễn chước ở Amazon (Xem DAp 227). Amazon là một hỗn hợp các tín ngưỡng, đa số là Kitô giáo. Trước thực tại này, những nẻo đường hiệp thông thực sự được mở ra cho chúng ta: "Những việc biểu lộ tình cảm tốt đẹp là điều không đủ. Những cử chỉ cụ thể mới cần thiết để thâm nhập vào tinh thần người ta và làm rung động lương tâm, thúc đẩy mỗi người hoán cải nội tâm, một điều vốn là nền tảng của mọi tiến bộ trên con đường đại kết" (Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine, 20/04 / 2005). Tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống các cộng đồng của chúng ta là nhân tố hợp nhất và đối thoại. Nhiều hành động chung có thể được thực hiện xung quanh Lời Chúa: dịch Kinh thánh sang các ngôn ngữ địa phương, phiên bản chung, phổ biến và phân phối Kinh thánh và các cuộc gặp gỡ giữa các thần học gia nam nữ Công Giáo và các thần học gia của các hệ phái khác.

25. Ở Amazon, cuộc đối thoại liên tôn được thực hiện đặc biệt với các tôn giáo bản địa và giáo phái hậu duệ gốc Châu Phi. Những truyền thống này xứng đáng được biết đến, được hiểu trong cách họ phát biểu và trong mối liên hệ của họ với rừng và Mẹ Ðất. Cùng với họ, và dựa vào đức tin của mình vào Lời Chúa, các Kitô hữu dấn thân vào cuộc đối thoại, bằng cách chia sẻ cuộc sống, các quan tâm, các cuộc đấu tranh, các kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa, để làm sâu sắc đức tin của nhau và cùng nhau hành động để bảo vệ "ngôi nhà chung". Trong mối liên kết này, điều cần là các Giáo Hội của Amazon khai triển các sáng kiến gặp gỡ, nghiên cứu và đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo này. Cuộc đối thoại chân thành và tôn trọng là cầu nối hướng tới việc xây dựng lối "sống tốt". Trong cuộc trao đổi các hồng phúc, Chúa Thánh Thần ngày càng dẫn đến điều chân và điều thiện (Xem EG 250).

Giáo Hội truyền giáo phục vụ và đồng hành với các dân tộc Amazon

26. Thượng hội đồng này nhằm trở thành lời kêu gọi mạnh mẽ để mọi người đã chịu Phép Rửa của Amazon trở thành môn đệ truyền giáo. Việc sai đi truyền giáo vốn cố hữu nơi Bí tích Rửa tội và dành cho tất cả những ai đã chịu Phép Rửa. Qua đó, tất cả chúng ta đều nhận được phẩm giá làm con trai và con gái của Thiên Chúa, và không ai bị loại trừ khỏi sứ mệnh Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người. "Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho toàn bộ sáng thế" (Mc 16,15). Do đó, chúng ta tin rằng điều cần là tạo ra một động lực truyền giáo lớn hơn nơi các ơn gọi bản địa, để Amazon cũng được truyền giảng tin mừng bởi chính những người Amazon.

a. Giáo Hội với khuôn mặt bản địa, nông dân và hậu duệ Châu Phi

27. Ðiều khẩn cấp là cung cấp cho nền mục vụ bản địa vị trí chuyên biệt của nó trong Giáo hội. Chúng ta bắt đầu từ các thực tại đa dạng và các nền văn hóa khác nhau, để xác định, triển khai và áp dụng các hành động mục vụ, có thể giúp chúng ta khai triển một đề nghị truyền giảng tin mừng nơi các cộng đồng bản địa, bằng cách tự đặt mình chúng ta vào khuôn khổ của một nền mục vụ bản địa và khuôn khổ trái đất. Nền mục vụ của các dân tộc bản địa có tính chuyên biệt riêng của nó. Các thuộc địa được thúc đẩy bởi các hoạt động khai khoáng trong suốt lịch sử, với các luồng di dân khác nhau, đã đầy họ vào một tình huống dễ bị tổn thương rất cao. Trong bối cảnh này, với tư cách Giáo hội, cần tiếp tục tạo ra và duy trì chính sách ưu tiên chọn các dân tộc bản địa, mà vì họ, các cơ quan của giáo phận lo mục vụ cho người bản địa phải được thiết lập và tự củng cố bằng một hành động truyền giáo được đổi mới, biết lắng nghe, đối thoại, nhập thể và hiện diện thường trực. Ưu tiên chọn các dân tộc bản địa, với các nền văn hóa, bản sắc và lịch sử của họ, kêu gọi chúng ta khát mong một Giáo hội bản địa với các linh mục và thừa tác viên riêng của họ, luôn hiệp nhất và hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

28. Thừa nhận tầm quan trọng của việc Giáo hội được kêu gọi phải chú ý đến hiện tượng đô thị hóa tại Amazon và các vấn đề và quan điểm liên quan đến nó, việc nhắc đến thế giới nông thôn như một toàn thể là điều cần thiết, nhất là nền mục vụ nông thôn. Theo quan điểm mục vụ, Giáo hội phải giải đáp hiện tượng nông thôn mất dần dân số, với mọi hậu quả xuất phát từ đó (mất bản sắc, chủ nghĩa duy tục thịnh hành, bóc lột công việc nông thôn, tan rã gia đình, v.v.).

b. Giáo Hội với khuôn mặt di dân

29. Vì sự gia tăng và khối lượng của nó hiện nay, hiện tượng di dân đã trở nên chưa từng thấy về thách đố chính trị, xã hội và giáo hội (Xem DA, 517, a). Trước sự việc này, nhiều cộng đồng giáo hội đã tiếp nhận các di dân một cách rất quảng đại, vì nhớ rằng "Ta là người xa lạ và các con đã chào đón Ta" (Mt 25:35). Các cuộc di tản bắt buộc của người bản địa, nông dân, con cháu người gốc Phi và các gia đình ven sông, bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ do áp lực tương tự hoặc bởi sự ngột ngạt vì thiếu cơ hội, kêu gọi phải có một nền mục vụ chung ở ngoại vi các trung tâm đô thị. Về phương diện này, điều cần là tạo ra các nhóm truyền giáo để đồng hành với họ, phối hợp với giáo xứ và các điều kiện khác của giáo hội và ngoài giáo hội, cung ứng các nghi thức phụng vụ hội nhập văn hóa và bằng các ngôn ngữ của di dân; cổ vũ các lĩnh vực trao đổi văn hóa, phát huy việc hội nhập vào cộng đồng và vào thành phố và động viên họ trong công việc lãnh đạo này.

c. Giáo Hội với khuôn mặt trẻ

30. Nổi bật trong số những gương mặt khác nhau của thực tại Amazon là gương mặt của những người trẻ tuổi có mặt trên toàn lãnh thổ. Họ là những người trẻ tuổi có gương mặt và bản sắc bản địa, con cháu người gốc Châu Phi, người sống ven sông, những người trong các hoạt động khai khoáng, các di dân và người tị nạn, và những người khác.

Những người trẻ cư dân ở các khu vực nông thôn và thành thị, những người hàng ngày mơ ước, đi tìm các điều kiện sống tốt đẹp hơn, với mong muốn sâu xa có được một cuộc sống trọn vẹn; các sinh viên và công nhân trẻ, với một sự hiện diện và tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực xã hội và giáo hội khác nhau. Trong giới trẻ Amazon, có những thực tại đáng buồn, như nghèo đói, bạo lực, bệnh tật, mại dâm trẻ em, khai thác tình dục, sử dụng và buôn bán ma túy, mang thai sớm, thất nghiệp, trầm cảm, buôn bán người, các hình thức nô lệ mới, buôn bán nội tạng, các khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội. Ðáng tiếc, trong những năm qua, đã có sự gia tăng đáng kể về tự tử nơi những người trẻ tuổi, cũng như sự gia tăng dân số thanh thiếu niên bị giam cầm và các tội ác giữa và chống lại những người trẻ tuổi, nhất là con cháu người gốc Châu Phi và những người sống ở ngoại vi. Sống trong cùng một lãnh thổ lớn là Amazon, họ có cùng ước mơ và khát vọng như những người trẻ khác trên thế giới: được xem xét, tôn trọng, có cơ hội học hành và có việc làm và tương lai hy vọng. Tuy nhiên, họ đang sống trong một cuộc khủng hoảng dữ dội về giá trị, hoặc chuyển tiếp qua các cách quan niệm khác về thực tại, trong đó, các yếu tố đạo đức đang thay đổi, bao gồm cả người trẻ Bản địa. Nhiệm vụ của Giáo hội là đồng hành với họ để đương đầu với mọi tình huống đang hủy hoại bản sắc họ hoặc làm tổn hại lòng tự trọng của họ.

31.Những người trẻ tuổi cũng có mặt mạnh mẽ trong bối cảnh di dân của lãnh thổ. Thực tại người trẻ ở các trung tâm đô thị đáng chú ý đặc biệt. Càng ngày, các thành phố càng tiếp nhận mọi nhóm sắc tộc, các con người và các vấn đề của Amazon. Nông thôn Amazon đang mất dần dân số; các thành phố đang phải đối diện với những vấn đề to lớn về thanh thiếu niên phạm pháp, thiếu việc làm, đấu tranh sắc tộc và bất công xã hội. Ðặc biệt, ở đây, Giáo hội được kêu gọi trở thành một sự hiện diện có tính tiên tri nơi giới trẻ, mang đến cho họ sự đồng hành thỏa đáng và một nền giáo dục thích đáng.

32. Ðể hiệp thông với thực tại giới trẻ Amazon, Giáo hội công bố Tin mừng của Chúa Giêsu cho giới trẻ, cung cấp việc biện phân ơn gọi và việc đồng hành, nơi để đánh giá cao nền văn hóa và bản sắc địa phương, kỹ năng lãnh đạo giới trẻ, cổ vũ các quyền của giới trẻ, tăng cường các lĩnh vực truyền giảng tin mừng đầy sáng tạo, canh tân và dị biệt hóa qua một nền mục vụ giới trẻ đổi mới và táo bạo. Một nền mục vụ luôn luôn trong diễn trình, tập trung vào Chúa Giêsu Kitô và kế hoạch của Người, có tính đối thoại và toàn diện, được dấn thân trong mọi thực tại giới trẻ hiện có trong lãnh thổ. Các người Bản địa trẻ tuổi có tiềm năng to lớn và đang tham dự tích cực vào các cộng đồng và tổ chức của họ, đóng góp với tư cách nhà lãnh đạo và hoạt náo viên, để bảo vệ quyền lợi của họ - nhất là tại lãnh thổ -, y tế và giáo dục. Mặt khác, họ là nạn nhân chính của sự bất an về đất đai bản địa và thiếu các chính sách công chuyên biệt và có phẩm chất. Sự truyền bá của rượu và ma túy thường lan tới các cộng đồng bản địa, gây hại nghiêm trọng cho những người trẻ tuổi và cản trở họ sống tự do, xây dựng ước mơ và tham gia tích cực vào cộng đồng.

33. Sự lãnh đạo của những người trẻ tuổi xuất hiện rõ ràng trong các tài liệu của Thượng hội đồng về Người trẻ (160, 46), trong Tông huấn Christus Vivit (170) và trong Thông điệp Laudato Si' (209). Giới trẻ muốn trở thành người chủ đạo và Giáo hội Amazon muốn nhìn nhận chỗ đứng của họ. Giáo Hội muốn trở thành người bạn đồng hành trong việc lắng nghe, thừa nhận nơi người trẻ một chỗ đứng có tính cứu cánh (teleological), như những "nhà tiên tri của hy vọng", cam kết đối thoại, nhạy cảm về mặt sinh thái và lưu ý đến "ngôi nhà chung"; một Giáo Hội biết chào đón và cùng bước đi với những người trẻ tuổi, nhất là ở các khu ngoại vi. Ðứng trước điều này, có ba điều cấp bách phát sinh: cổ vũ các cách truyền giảng tin mừng mới qua các phương tiện truyền thông xã hội (Ðức Phanxicô, Christus Vivit 86); giúp tuổi trẻ Bản địa đạt được một tính liên văn hóa lành mạnh, giúp mọi người họ đương đầu với cuộc khủng hoảng phản giá trị vốn hủy hoại lòng tự trọng của họ, và khiến họ mất đi bản sắc.

d. Giáo Hội tuân theo các cách mới mẻ trong nền mục vụ đô thị

34. Nhân loại có xu hướng tập trung mạnh mẽ vào các thành phố, di dân từ những thành phố nhỏ đến những thành phố lớn hơn; xu hướng này cũng xảy ra ở Amazon. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các khu đô thị Amazon đi song song với việc tạo ra các khu ngoại vi của chúng. Ðồng thời, các lối sống, các cách sống chung với nhau, các ngôn ngữ và giá trị được cấu hình bởi các khu đô thị và được truyền tải, và ngày càng được tháp nhập cả vào các cộng đồng bản địa cũng như vào phần còn lại của thế giới nông thôn. Gia đình trong thành phố là nơi tổng hợp giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, các gia đình thường phải chịu cảnh nghèo đói, nhà cửa bấp bênh, thiếu việc làm, gia tăng tiêu thụ ma túy và rượu, kỳ thị và trẻ em tự tử. Ngoài ra, thiếu đối thoại trong đời sống gia đình, và các truyền thống và ngôn ngữ bị mất đi. Các gia đình cũng phải đối diện với các vấn đề mới về sức khỏe, đòi phải có nền giáo dục thỏa đáng, thí dụ, về vấn đề thai sản. Những thay đổi nhanh chóng hiện nay đang ảnh hưởng đến gia đình Amazon. Vì vậy, chúng ta tìm thấy nhiều khuôn khổ gia đình mới: Phụ nữ phải chịu trách nhiệm đối với các gia đình một cha mẹ, gia tăng các gia đình ly tán, những cuộc kết hợp đồng thuận và các gia đình tái hợp, giảm bớt các cuộc hôn nhân theo định chế. Thành phố là sự bùng nổ sự sống, bởi vì "Thiên Chúa sống ở thành phố" (DAg 514). Trong đó, có những lo âu xao xuyến và những cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, những xung đột nhưng cũng có tình liên đới, tình huynh đệ, mong muốn điều thiện, điều chân và công lý (Xem EG 71-75). Truyền giảng tin mừng cho thành phố hay cho nền văn hóa đô thị có nghĩa là "đạt được và, có thể nói, sửa đổi bằng sức mạnh của Tin Mừng các tiêu chuẩn phán đoán, các giá trị đáng kể, các trung tâm quyền lợi và đường hướng suy nghĩ, các nguồn cảm hứng và mô hình sống của nhân loại, xem ra trái ngược với Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi" (EN 19).

35. Ðiều cần là bảo vệ quyền của mọi người được hưởng thành phố. Quyền yêu cầu hưởng thành phố được định nghĩa như là việc vui hưởng các thành phố một cách công bằng theo các nguyên tắc bền vững, dân chủ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, điều cũng cần là ảnh hưởng tới các chính sách công cộng và cổ vũ các sáng kiến nhằm cải thiện phẩm chất cuộc sống ở thế giới nông thôn, do đó tránh được sự chuyển dịch không kiểm soát được.

36.Các cộng đồng giáo hội cơ sở đã và đang là một hồng phúc của Thiên Chúa ban cho các Giáo hội địa phương của Amazon. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, với thời gian trôi qua, một số cộng đồng giáo hội đã ổn định, suy yếu hoặc thậm chí biến mất, nhưng đại đa số vẫn tiếp tục kiên trì và là nền tảng mục vụ của nhiều giáo xứ. Ngày nay, những nguy cơ lớn của các cộng đồng giáo hội chủ yếu phát xuất từ chủ nghĩa duy tục, từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc thiếu chiều kích xã hội và không có hoạt động truyền giáo. Do đó, điều cần thiết là các Mục tử khuyến khích mỗi và mọi tín hữu trung thành với việc làm môn đệ truyền giáo. Cộng đồng giáo hội sẽ phải có mặt tại các lĩnh vực có sự tham gia vào các chính sách công cộng, nơi các hành động được vạch rõ để làm sống lại nền văn hóa, việc sống chung, việc giải trí và việc cử hành. Chúng ta phải tranh đấu để các "favelas" [khu ổ chuột] và "villas miserias" [khu bùn lầy nước đọng] bảo đảm có được các quyền căn bản; nước, năng lượng, nhà ở, và cổ vũ một nền công dân sinh thái toàn diện. Thiết lập thừa tác vụ hiếu khách (hospitality) tại các cộng đồng đô thị của Amazon vì tình liên đới huynh đệ với di dân, người tị nạn, người vô gia cư và những người đã rời bỏ các khu vực nông thôn.

37. Phải đặc biệt quan tâm đến thực tại người Bản địa ở các trung tâm đô thị, vì họ là những người phải tiếp giáp nhiều nhất với các vấn đề to lớn của nạn thiếu niên phạm pháp, thiếu công ăn việc làm, tranh chấp sắc tộc và các bất công xã hội. Ðó là một trong những thách đố lớn nhất hiện nay: các thành phố ngày càng trở thành nơi đến của mọi nhóm sắc tộc và dân tộc Amazon. Một nền mục vụ bản địa cho thành phố phải được xác định rõ biết quan tâm đến thực tại chuyên biệt này.

e. Một nền linh đạo biết lắng nghe và công bố

38. Hành động mục vụ được nâng đỡ bằng một nền mục vụ dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và tiếng kêu của người ta, để sau đó có thể công bố Tin mừng bằng tinh thần tiên tri. Chúng ta thừa nhận rằng một Giáo hội biết lắng nghe tiếng kêu của Chúa Thánh Thần trong tiếng kêu của Amazon có thể biến thành của mình các niềm vui và hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng của mọi người, nhưng nhất là của những người nghèo nàn nhất (Xem GS 1), những người vốn là con gái và con trai yêu quí của Thiên Chúa. Chúng ta khám phá ra rằng nguồn nước dồi dào của Chúa Thánh Thần, giống như nguồn nước của sông Amazon, tuôn chảy theo định kỳ, đưa chúng ta đến cuộc sống hết sức dồi dào mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta chia sẻ trong lời công bố.

Những nẻo đường mới cho việc hoán cải mục vụ

39. Các nhóm truyền giáo lưu động ở Amazon đang dệt và xây dựng cộng đồng đang lên đường, và họ giúp củng cố tính đồng nghị của giáo hội. Họ có thể cộng thêm một số đặc sủng, định chế, và Tu Hội, nam nữ giáo dân, nam nữ tu sĩ, linh mục; thêm chính họ vào để cùng nhau vươn tới những nơi một mình không thể vươn tới. Các chuyến đi của các nhà truyền giáo rời khỏi trụ sở của họ và dành thời gian đến thăm, hết cộng đồng này sang cộng đồng nọ, và cử hành các Bí tích, đã tạo nên điều gọi là "nền mục vụ viếng thăm". Ðây là một phương pháp mục vụ đáp ứng các điều kiện và khả năng hiện tại của các Giáo Hội chúng ta. Nhờ những phương pháp này, và nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, những cộng đồng này cũng đã khai triển được một tính thừa tác phong phú, vốn là một động lực để ta tạ ơn.

40. Chúng ta đề nghị một mạng lưới lưu động tập hợp các cố gắng theo nhóm khác nhau để đồng hành và tạo động lực cho đời sống và đức tin của các cộng đồng ở Amazon. Các cách gây ảnh hưởng chính trị để biến đổi thực tại phải được biện phân với các Mục tử và hàng ngũ giáo dân, hướng đến việc chuyển từ các chuyến thăm viếng mục vụ qua một sự hiện diện thường trực hơn. Các Tu hội và / hoặc các tỉnh dòng của các nam nữ tu sĩ trên thế giới, chưa tham gia vào các sứ bộ truyền giáo, được mời gọi thiết lập ít nhất một mặt trận truyền giáo ở bất cứ quốc gia Amazon nào.

 

Chương III: Những Nẻo Ðường Mới Của Hoán Cải Văn Hóa

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1: 14)

41. Châu Mỹ Latinh có tính đa dạng sinh học mênh mông và tính đa dạng văn hóa lớn lao. Trong đó, Amazon là lãnh thổ gồm rừng và nước, đất hoang và đất ngập nước, thảo nguyên và các dãy núi, nhưng trên hết, là lãnh thổ của vô số dân tộc, nhiều người trong số họ là những cư dân cổ xưa, có tổ tiên ở lãnh thổ, những ngôi làng của hương hoa cổ thời tiếp tục tỏa hương cả Lục địa chống lại mọi tuyệt vọng. Việc hoán cải của chúng ta cũng phải là việc hoán cải văn hóa; chúng ta phải biến mình thành người khác, học hỏi từ người khác. Chúng ta phải có mặt, tôn trọng và nhìn nhận các giá trị của họ, sống và thực hành sự hội nhập văn hóa và liên văn hóa trong việc chúng ta công bố Tin mừng. Phát biểu và sống niềm tin vào Amazon là một thách đố liên tục. Nó nhập thân không những vào nền mục vụ mà cả trong các hành động cụ thể khác đối với người khác, trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tình liên đới và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. Trong phần này, chúng ta sẽ chia sẻ tất cả các điều đó.

Bộ mặt của Giáo hội nơi các dân tộc Amazon

42. Có một thực tế đa văn hóa trong các lãnh thổ Amazon; thực tại này đòi hỏi một cái nhìn bao gồm mọi người và sử dụng các biểu thức giúp người ta nhận diện và nối kết mọi nhóm người, và phản ảnh các danh tính được công nhận, tôn trọng và cổ vũ cả trong Giáo hội lẫn trong xã hội; tất cả phải thấy nơi các dân tộc Amazon một đối tác giá trị để đối thoại và gặp gỡ. Hội nghị Puebla đã nói tới những khuôn mặt sống ở châu Mỹ Latinh và chứng thực rằng nơi các dân tộc bản địa, có một cuộc kết hôn dị chủng từng phát triển và còn tiếp tục phát triển qua các gặp gỡ và hiểu lầm giữa các nền văn hóa khác nhau, vốn tạo nên lục địa. Khuôn mặt này cũng là khuôn mặt của Giáo hội tại Amazon; đó là một khuôn mặt được nhập thể trong lãnh thổ của nó, một khuôn mặt truyền giảng tin mừng và mở ra nhiều nẻo đường để các dân tộc cảm thấy được đồng hành trong các diễn trình khác nhau của đời sống tin mừng. Các cư dân bản làng cũng có một ý thức truyền giáo đổi mới nhằm thực hiện sứ mệnh tiên tri và Samaritanô của Giáo hội, một sứ mệnh cần được củng cố bằng việc cởi mở đối thoại với các nền văn hóa khác. Chỉ một Giáo hội truyền giáo được hòa nhập và hội nhập văn hóa mới làm cho các giáo hội bản địa đặc thù phát sinh, với khuôn mặt và trái tim Amazon, bắt nguồn từ các nền văn hóa và truyền thống riêng của các dân tộc, hợp nhất trong cùng một đức tin vào Chúa Kitô và đa dạng trong cách sống, phát biểu và cử hành đức tin này.

a.Các giá trị văn hóa của các dân tộc Amazon

43. Chúng ta tìm thấy những lời dạy về sự sống nơi người Amazon. Các dân tộc bản địa và những người đến sau đó, những người hình thành nên bản sắc của họ trong việc sống chung, đã đóng góp các giá trị văn hóa trong đó chúng ta khám phá ra nhiều hạt giống của Lời Chúa. Trong rừng rậm, không chỉ thảm thực vật đan xen nhau, loài này duy trì loài kia, các dân tộc cũng liên kết qua lại với nhau trong một mạng lưới liên minh mang lợi ích lại cho mọi người. Rừng rậm sống bằng các mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau và điều này diễn ra trong mọi lĩnh vực của sự sống. Nhờ vậy, sự cân bằng mong manh của Amazon được duy trì trong nhiều thế kỷ.

44. Suy nghĩ của người bản địa cung ứng một viễn kiến có tính toàn diện hóa về thực tại, một viễn kiến có khả năng hiểu được nhiều nối kết hiện có giữa tất cả những gì được tạo dựng. Ðiều này tương phản với luồng tư tưởng phương Tây đang thịnh hành, một luồng tư tưởng có xu hướng phải phân mảnh mới hiểu được thực tại, nhưng lại không có khả năng nói rõ toàn bộ các mối liên hệ giữa các lĩnh vực khác nhau của nhận thức. Việc quản lý theo truyền thống những gì thiên nhiên cung ứng cho họ đã được thực hiện theo cách mà ngày nay chúng ta quen gọi là nền quản trị bền vững. Ngoài ra, chúng ta còn tìm thấy nhiều giá trị khác nơi các dân tộc bản địa, như: tính hỗ tương, tình liên đới, ý thức cộng đồng, bình đẳng, gia đình, tổ chức xã hội và ý thức phục vụ.

b. Giáo hội hiện diện và là đồng minh của các dân tộc trong lãnh thổ của họ

45. Tham lam đất đai là gốc rễ các cuộc xung đột dẫn đến việc diệt sắc tộc, cũng như sát nhân và kết tội các phong trào xã hội và các nhà lãnh đạo của họ. Việc phân định và bảo vệ đất đai là nghĩa vụ của các quốc gia và chính phủ tương ứng của chúng. Tuy nhiên, phần khá lớn các lãnh thổ bản địa không được bảo vệ và những vùng đã được phân định đang bị xâm chiếm bởi các mặt trận khai khoáng, như khai thác mỏ, khai thác rừng, các dự án hạ tầng lớn, trồng những loại cây bất hợp pháp và các trang trại lớn cổ vũ độc canh và chăn nuôi gia súc vĩ đại.

46.Do đó, Giáo hội cam kết trở thành đồng minh của các dân tộc Amazon, tố cáo các âm mưu chống lại cuộc sống của các cộng đồng bản địa, các dự án ảnh hưởng đến môi trường, thiếu phân định lãnh thổ của họ, cũng như mô hình kinh tế trấn lột và phát triển diệt sinh thái. Sự hiện diện của Giáo hội, giữa các cộng đồng bản địa và truyền thống, cần ý thức rằng việc bảo vệ đất đai không có mục đích nào khác ngoài việc bảo vệ sự sống.

47.Cuộc sống của người bản địa, người mestizo, người dân ven sông, nông dân, quilombolas và / hoặc con cháu người gốc Châu Phi và các cộng đồng truyền thống đang bị đe dọa bởi sự hủy hoại, khai thác môi trường và vi phạm có hệ thống các quyền lãnh thổ của họ. Ðiều cần là bảo vệ các quyền tự quyết, phân định lãnh thổ và được tham khảo trước, tự do và được hướng dẫn. Những dân tộc này có "các điều kiện xã hội, văn hóa và kinh tế phân biệt họ với các thành phần khác của cộng đồng quốc gia, và bị cai trị hoàn toàn hoặc một phần bởi phong tục và truyền thống của họ hoặc bởi luật pháp đặc biệt" (Conv. 169 ILO, điều 1, 1a). Ðối với Giáo hội, việc bảo vệ sự sống, cộng đồng, trái đất và quyền lợi của người bản địa là một nguyên tắc tin mừng, trong việc bảo vệ phẩm giá con người: "Phần tôi, tôi đến để họ được sống và sống dồi dào" (Ga 10: 10b).

48.Giáo hội cổ vũ sự cứu rỗi toàn diện của con người, trân qúi nền văn hóa của người bản địa, nói về các nhu cầu sống còn của họ, đồng hành với các phong trào của họ trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của họ. Việc phục vụ mục vụ của chúng ta tạo nên một việc phục vụ cho cuộc sống viên mãn của các dân tộc bản địa, một điều khiến chúng ta phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa và tố cáo các tình huống tội lỗi, các cơ cấu của cái chết, bạo lực và các bất công, cổ vũ liên văn hóa, đối thoại liên tôn và đại kết (Xem DAp 95).

49. Vấn đề các dân tộc bản địa trong các vùng Cô lập Tự nguyện (PIAV) hoặc các dân tộc bản địa trong các vùng Cô lập có Tiếp xúc Ban đầu (PIACI) cần một chương chuyên biệt. Ở Amazon, có khoảng 130 dân tộc hoặc phân bộ dân tộc không duy trì các tiếp xúc có hệ thống hoặc lâu dài với xã hội bao quanh họ. Các lạm dụng và vi phạm có hệ thống trong quá khứ khiến họ phải rời cư đến những nơi khó tiếp cận hơn, tìm kiếm sự bảo vệ, cố gắng bảo toàn quyền tự chủ và tự ý chọn cách hạn chế hoặc tránh liên hệ với phía thứ ba. Ngày nay, cuộc sống của họ tiếp tục bị đe dọa bởi việc xâm chiếm lãnh thổ của họ do các trận tuyến khác nhau và bởi số nhân khẩu thấp của họ, họ vẫn gặp nguy cơ bị thanh trừng sắc tộc và biến mất. Trong cuộc gặp gỡ với Người bản địa ở Puerto Maldonado vào tháng 1 năm 2018, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng họ là những người "dễ bị tổn thương nhất trong số những người dễ bị tổn thương (..) Anh chị em hãy tiếp tục bảo vệ các anh em dễ bị tổn thương hơn này. Sự hiện diện của họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể có những sự thiện chung theo nhịp độ của lòng tham tiêu thụ" (Fr. PM). Việc ưu tiên chọn bảo vệ PIAV / PIACI (vùng Cô lập Tự nguyện và vùng Cô lập có Tiếp xúc Ban đầu) không miễn cho các Giáo hội địa phương khỏi trách nhiệm mục vụ đối với họ.

50. Trách nhiệm này phải được biểu lộ trong các hành động chuyên biệt để bảo vệ quyền lợi của họ, được cụ thể hóa trong các vận động gây ảnh hưởng để các quốc gia đảm nhận việc bảo vệ quyền lợi của họ qua việc bảo đảm về mặt pháp lý và bất khả xâm phạm đối với các lãnh thổ mà họ chiếm giữ theo cách truyền thống, bao gồm cả việc áp dụng biện pháp phòng ngừa tại các khu vực, nơi chỉ có họ in dấu hiện diện, một sự hiện diện không chính thức được xác nhận, và thiết lập ra các cơ chế hợp tác song phương giữa các quốc gia, khi các nhóm này chiếm hữu các khu vực xuyên biên giới. Tôn trọng quyền tự quyết của họ phải được bảo đảm mọi lúc, cũng như quyền tự do quyết định của họ về loại liên hệ họ muốn thiết lập với các nhóm khác. Do đó, điều cần là tất cả dân Chúa, và đặc biệt các thị trấn lân cận đối với các lãnh thổ của PIAV / PIACI (vùng Cô lập Tự nguyện và vùng Cô lập có Tiếp xúc Ban đầu), phải trở nên nhậy cảm đối với việc tôn trọng những người này và đối với tầm quan trọng dành cho tính bất khả xâm phạm đối với lãnh thổ của họ. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói ở Cuiaba năm 1991: "anh chị em Bản địa thân yêu, Giáo Hội đã và sẽ luôn ở bên cạnh anh chị em để bảo vệ phẩm giá của con người, quyền có cuộc sống bình yên và riêng tư của họ, tôn trọng các giá trị của truyền thống, phong tục và văn hóa của họ".

Các nẻo đường cho một Giáo hội hội nhập văn hóa

51.Với việc Nhập thể, Chúa Kitô đã bỏ qua đặc quyền là Thiên Chúa của Người và trở thành con người trong một nền văn hóa cụ thể để tự đồng nhất mình với toàn thể nhân loại. Hội nhập văn hóa là việc nhập thể Tin Mừng vào các nền văn hóa bản địa (những gì không được hội nhập là không được cứu chuộc" Thánh Irênê, xem Puebla 400) và, đồng thời, là việc dẫn nhập các nền văn hóa này vào đời sống của Giáo hội. Các dân tộc là những nhân vật chủ động trong diễn trình này, được các tác nhân và Mục tử của họ đồng hành.

a.Việc sống đức tin được phát biểu trong lòng đạo đức bình dân và giáo lý hội nhập văn hóa

52.Lòng đạo đức bình dân là một phương thế quan trọng liên kết nhiều dân tộc Amazon với kinh nghiệm tâm linh, nguồn gốc văn hóa và sự hòa nhập cộng đồng của họ. Chúng là những biểu hiện mà người dân dùng để phát biểu đức tin của họ, qua hình ảnh, biểu tượng, truyền thống, nghi lễ và các á bí tích khác. Các cuộc hành hương, rước kiệu và các lễ quan thầy phải được đánh giá cao, đồng hành, cổ vũ và đôi khi phải được thanh tẩy, vì xét rằng đây là những giây phút truyền giáo ưu hạng, những giây phút phải dẫn ta đến chỗ gặp gỡ Chúa Kitô. Việc tôn kính Ðức Maria bắt rễ rất sâu tại Amazon và toàn bộ châu Mỹ Latinh.

53. Chính sách phi giáo sĩ trị là đặc trưng của các Huynh đoàn và các nhóm liên kết với lòng đạo đức bình dân. Giáo dân đảm nhận vai trò lãnh đạo hầu như khó có trong các phạm vi khác của Giáo hội, với sự tham gia của các anh chị em thực hiện các việc phục vụ và cầu nguyện trực tiếp, những buổi chầu phép lành, các bài hát thiêng liêng truyền thống; lãnh đạo các tuần cửu nhật, tổ chức các buổi rước kiệu, cổ vũ các lễ quan thầy v.v ... Ðiều cần thiết là "tổ chức việc dạy giáo lý cho thích đáng và đồng hành với đức tin vốn có trong lòng đạo bình dân. Một cách cụ thể có thể là cung ứng một diễn trình khai tâm Kitô giáo... dẫn đến việc chúng ta ngày càng giống Chúa Giêsu Kitô, tạo nên việc từ từ có được các thái độ của Người" (DAp 300).

b. Mầu nhiệm đức tin được phản ánh trong một nền thần học hội nhập văn hóa

54. Thần học Bản Ðịa, thần học có khuôn mặt Amazon và lòng đạo đức bình dân vốn là sự phong phú của thế giới bản địa, của nền văn hóa và linh đạo của nó. Khi một tác nhân truyền giáo và mục vụ dùng lời lẽ của Tin Mừng Chúa Giêsu, họ tự đồng nhất với nền văn hóa và cuộc gặp gỡ qua đó phát sinh việc làm chứng, việc phục vụ, việc loan báo và việc học ngôn ngữ. Thế giới bản địa, với những huyền thoại, những trình thuật, nghi lễ, bài ca, điệu nhảy và những biểu thức tâm linh làm phong phú thêm cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Hội nghị Puebla vốn nhìn nhận rằng "các nền văn hóa không phải là những mảnh đất trống rỗng, thiếu giá trị đích thực. Việc truyền giảng tin mừng của Giáo hội không phải là một diễn trình phá hủy, mà là một diễn trình củng cố và làm vững mạnh các giá trị đó: một đóng góp vào sự phát triển 'các hạt giống của Lời Chúa" (DP 401, xem GS 57) vốn có trong các nền văn hóa.

Các nẻo đường cho một Giáo hội liên văn hóa

a.Tôn trọng các nền văn hóa và quyền của các dân tộc

55. Tất cả chúng ta được mời tiếp cận các dân tộc Amazon như những người bình đẳng, tôn trọng lịch sử, các nền văn hóa của họ, phong cách "sống tốt" của họ (PF 06.10.19). Chủ nghĩa thực dân đã áp đặt nhiều cách sống chuyên biệt của một số dân tộc trên những dân tộc khác, kể cả về kinh tế, văn hóa lẫn tôn giáo. Chúng ta bác bỏ thứ truyền giảng tin mừng theo phong cách thực dân. Công bố Tin mừng của Chúa Giêsu ngụ ý nhận ra các hạt giống của Lời Chúa vốn hiện diện trong các nền văn hóa. Việc truyền giáo mà chúng ta đề nghị hôm nay cho Amazon là lời công bố hội nhập văn hóa nhằm tạo ra các diễn trình liên văn hóa, các diễn trình cổ vũ đời sống Giáo hội với bản sắc và khuôn mặt Amazon.

b. Cổ vũ đối thoại liên văn hóa trong một thế giới hoàn cầu

56. Trong trách vụ truyền giảng tin mừng của Giáo hội, một việc không nên nhầm lẫn với chủ nghĩa cải đạo, chúng ta phải bao gồm các diễn trình rõ ràng của việc hội nhập văn hóa trong các phương pháp và kế hoạch truyền giáo của chúng ta. Ðề nghị cụ thể cho các trung tâm nghiên cứu và mục vụ của Giáo hội là, trong liên minh với các dân tộc bản địa, người ta sẽ nghiên cứu, thu thập và hệ thống hóa các truyền thống của các nhóm sắc tộc Amazon nhằm phát huy một nỗ lực giáo dục bắt đầu từ bản sắc và văn hóa của họ, giúp đỡ việc cổ vũ và bảo vệ các quyền của họ, duy trì và lan truyền giá trị của họ trong khung cảnh văn hóa Mỹ Latinh.

57. Các hành động giáo dục bị chất vấn ngày nay bởi nhu cầu hội nhập văn hóa. Ðó là một thách đố tìm kiếm các phương pháp và nội dung phù hợp với các dân tộc nơi mà thừa tác vụ giáo huấn sẽ được thực hiện. Trong mối liên kết này, việc nhận thức ngôn ngữ, niềm tin và khát vọng của họ, các nhu cầu và hy vọng của họ rất quan trọng, cũng như việc xây dựng tập thể các diễn trình giáo dục mang bản sắc văn hóa của các cộng đồng Amazon, cả về hình thức lẫn nội dung, nhấn mạnh tới việc đào tạo về nền sinh thái toàn diện như một trục ngang.

c. Các thách đố đối với y tế, giáo dục và truyền thông

58.Giáo hội đảm nhận như một nhiệm vụ quan trọng việc cổ vũ giáo dục về y tế phòng ngừa và cung ứng việc chăm sóc sức khỏe ở những nơi mà sự chăm sóc của Nhà Nước không với tới. Việc này đòi hỏi các sáng kiến tổng hợp có lợi cho sức khỏe của người Amazon. Ðiều cũng quan trọng là cổ vũ việc xã hội hóa kiến thức tổ tiên trong lĩnh vực y học cổ truyền của riêng từng nền văn hóa.

59. Trong số các phức tạp của lãnh thổ Amazon, chúng ta nhấn mạnh tính mong manh của giáo dục, nhất là trong các dân tộc bản địa. Mặc dù giáo dục là một nhân quyền, phẩm chất giáo dục hiện bất cập và việc bỏ học là điều rất thường xuyên, nhất là bởi các bé gái. Giáo dục truyền giảng tin mừng, cổ vũ cải tạo xã hội, làm mọi người có khả năng có ý thức phê phán lành mạnh. Một nền giáo dục học đường tốt ngay từ nhỏ sẽ gieo những hạt giống có thể tạo ra những hiệu quả suốt cả đời" (LS 213). Nhiệm vụ của chúng ta là cổ vũ giáo dục vì tình liên đới, một thứ tình bắt nguồn từ việc ý thức được nguồn gốc chung và tương lai chung của mọi người (xem LS 2202). Ðiều cần thiết là đòi các chính phủ thi hành một nền giáo dục công cộng, liên văn hóa và song ngữ.

60. Thế giới, ngày càng hoàn cầu hóa và phức tạp, đã khai triển một mạng lưới thông tin chưa từng có. Tuy nhiên, luồng thông tin tức thời như vậy không đồng nghĩa với một nền truyền thông hoặc nối kết tốt hơn giữa các dân tộc. Chúng ta muốn cổ vũ ở Amazon một nền văn hóa truyền thông có thể cổ vũ đối thoại, văn hóa gặp gỡ và chăm sóc "ngôi nhà chung". Ðược động viên bởi một hệ sinh thái toàn diện, chúng ta muốn tăng sức mạnh cho các lĩnh vực truyền thông đã hiện hữu trong vùng, do đó khẩn cấp cổ vũ một cuộc hoán cải sinh thái toàn diện. Ðể làm được như thế, điều cần là hợp tác với việc đào tạo các tác nhân truyền thông bản xứ, nhất là Bản Ðịa. Không những họ là những người đối thoại ưu tuyển cho việc truyền giảng tin mừng và cổ vũ nhân bản trong lãnh thổ, mà, ngoài ra, họ còn giúp chúng ta truyền bá nền văn hóa 'sống tốt' và chăm sóc sáng thế.

61. Với mục đích khai triển các nối kết khác nhau với toàn bộ Amazon và cải thiện nền truyền thông của nó, Giáo hội mong muốn tạo ra một mạng lưới truyền thông giáo hội Toàn Vùng-Amazon, bao gồm các phương tiện khác nhau được sử dụng bởi các Giáo hội đặc thù và các cơ chế giáo hội khác. Sự đóng góp của họ có thể có tiếng vang và giúp đỡ trong việc hoán cải sinh thái của Giáo hội và hành tinh. REPAM có thể hợp tác với việc tư vấn và hỗ trợ các diễn trình đào tạo, theo dõi và tăng cường truyền thông trong Toàn Vùng -Amazon.

Các nẻo đường mới cho việc hoán cải văn hóa

62.Trong mối liên kết này, chúng ta đề nghị việc tạo ra một mạng lưới nhà trường giáo dục song ngữ cho Vùng Amazon (tương tự như mạng lưới Faith and Joy [Ðức Tin và Niềm Vui]), một mạng lưới nêu rõ các đề nghị giáo dục đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng, tôn trọng, trân qúi và hội nhập trong chúng bản sắc văn hóa và ngữ học.

63. Chúng ta muốn duy trì, nâng đỡ và phát huy các kinh nghiệm giáo dục song ngữ, liên văn hóa, vốn hiện hữu trong các thẩm quyền tài phán của Amazon và mời gọi các trường Ðại học Công Giáo để họ làm việc và cam kết với mạng lưới.

64. Chúng ta sẽ tìm kiếm các hình thức giáo dục mới, hợp qui (conventional) hay bất hợp qui, chẳng hạn như giáo dục hàm thụ, phù hợp với nhu cầu nơi chốn, thời gian và con người.

 

Chương IV: Các Cách Mới Ðể Hoán Cải Sinh Thái

"Tôi đến để họ có sự sống và có sự sống dồi dào" (Ga 10:10)

65.Hành tinh của chúng ta là một quà phúc của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng biết rằng chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp phải hành động trước một cuộc khủng hoảng môi trường xã hội chưa từng có. Ðể đáp ứng thỏa đáng, chúng ta cần một cuộc hoán cải sinh thái. Do đó, với tư cách Giáo hội Amazon, đối diện với một sự gây hấn ngày càng gia tăng đối với sinh quần của chúng ta, một sinh quần đang bị đe dọa biến mất với những hậu quả to lớn cho hành tinh của chúng ta, chúng ta đã lên đường trong khi được gây cảm hứng từ đề nghị về một hệ sinh thái toàn diện. Chúng ta thừa nhận những vết thương gây ra bởi con người trong lãnh thổ của chúng ta; chúng ta muốn, nhờ các anh chị em bản địa, trong cuộc đối thoại kiến thức, học hỏi cách thức đưa ra câu trả lời mới, tìm kiếm các mô hình phát triển công bằng và liên đới. Chúng ta muốn chăm sóc "ngôi nhà chung" của chúng ta ở Amazon và chúng ta đề nghị các cách mới để làm như vậy.

Hướng tới một hệ sinh thái toàn diện theo thông điệp Laudato Si'

a. Các mối đe dọa chống lại sinh quần vùng Amazon và các dân tộc của nó

66. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trái đất như một quà phúc và như một nhiệm vụ, để chăm sóc nó và trả lời cho nó; chúng ta không phải là sở hữu chủ của nó. Hệ sinh thái toàn diện có nền tảng của nó trong sự kiện này "mọi sự vật đều có liên hệ mật thiết với nhau" (LS 16). Do đó, sinh thái và công bằng xã hội hợp nhất với nhau từ trong nội tại" (x. LDS 137). Với hệ sinh thái toàn diện, một mô hình công lý mới xuất hiện, vì "một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn trở thành một cách tiếp cận xã hội, phải tích nhập công lý vào các cuộc thảo luận về môi trường, để lắng nghe cả tiếng kêu của trái đất lẫn tiếng kêu của người nghèo (LS 49). Như thế, hệ sinh thái toàn diện nối kết việc thi hành chăm sóc thiên nhiên với việc thi hành công lý cho những người nghèo khổ nhất và bị thiệt thòi nhất trên trái đất, vốn là ưu tiên lựa chọn của Thiên Chúa trong lịch sử mặc khải.

67. Ðiều cấp bách là chúng ta phải đối đầu với việc khai thác không giới hạn "ngôi nhà chung" và các cư dân của nó. Một trong những nguyên nhân chính gây hủy diệt ở Amazon là hoạt động khai khoáng trấn lột, một hoạt động tương ứng với luận lý học tham lam, vốn là của riêng mô hình kỹ trị đang thịnh hành (LS 101). Trước tình hình cấp bách của hành tinh và Amazon này, hệ sinh thái toàn diện không phải là một cách khác nữa để Giáo hội có thể lựa chọn khi đối diện với tương lai của lãnh thổ này; nó là cách duy nhất có thể có, vì không có con đường khả thi nào khác để cứu vãn vùng này. Sự phá phách lãnh thổ luôn đi kèm với việc đổ máu vô tội và kết tội những người bảo vệ Amazon.

68. Giáo hội là một phần của tình liên đới quốc tế, một tình liên đới phải cổ vũ và nhìn nhận vai trò trung tâm của sinh quần Amazon đối với thế thăng bằng của khí hậu hành tinh; nó khuyến khích cộng đồng quốc tế cung cấp các nguồn lực kinh tế mới để bảo vệ và cổ vũ mô hình phát triển công bằng và liên đới, với sự lãnh đạo và trực tiếp tham gia của các cộng đồng địa phương và các dân tộc bản địa trong mọi giai đoạn, từ việc lên kế hoạch đến việc thi hành, tăng cường cả các công cụ đã được khai triển bởi công ước tháng Ba về biến đổi khí hậu.

69. Quả là tai tiếng khi các nhà lãnh đạo và thậm chí các cộng đồng bị kết tội vì một sự kiện duy nhất này: là đòi hỏi quyền lợi của chính họ. Trong mọi quốc gia vùng Amazon, đều có các đạo luật công nhận nhân quyền, nhất là quyền của người bản địa. Trong những năm qua, vùng (Amazon) đã có những biến đổi phức tạp, trong đó, các nhân quyền của cộng đồng bị tác động bởi các quy tắc, chính sách và thực hành công cộng chỉ biết tập chú trước nhất vào việc mở rộng biên giới khai khoáng các tài nguyên thiên nhiên và trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng vĩ đại, gây áp lực lên các vùng lãnh thổ bản địa vốn do tổ tiên họ để lại cho họ. Theo cùng báo cáo, điều này đi kèm với một tình trạng nghiêm trọng của việc đặc miễn (impunity) trong vùng liên quan đến vi phạm nhân quyền và các rào cản để có được công lý (Báo cáo của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Mỹ (CIDH / OAS), Các Dân tộc Bản địa và Bộ lạc của Toàn Vùng-Amazon. 5 và 188. Tháng 9, 2019).

70. Ðối với các Kitô hữu, việc lưu ý và quan tâm trong việc cổ vũ và tôn trọng sự sống con người, cả cá nhân lẫn tập thể, không phải là điều tùy chọn. Con người được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa, và phẩm giá của họ là điều bất khả xâm phạm. Do đó, việc bảo vệ và cổ vũ nhân quyền không đơn thuần là một nghĩa vụ chính trị hay xã hội, mà còn là và trên hết là một đòi hỏi khẩn trương của đức tin. Có lẽ chúng ta không có khả năng thay đổi ngay tức khắc mô hình phát triển mang tính phá phách và trấn lột thịnh hành hiện nay; tuy nhiên, chúng ta cần biết và minh xác, chúng ta đang đứng ở đâu? Chúng ta đứng về phía ai? Chúng ta chấp nhận viễn cảnh nào? Làm thế nào chúng ta truyền tải bằng lời lẽ của mình các chiều kích chính trị và đạo đức của đức tin và cuộc sống? Vì lý do này: a) chúng ta tố cáo việc vi phạm nhân quyền và khai khoáng phá hoại; b) chúng ta chấp nhận và hỗ trợ các chiến dịch giải tư các công ty khai thác liên quan đến tác hại đối với sinh thái và xã hội Amazon, bắt đầu với các định chế giáo hội của chúng ta và cũng liên minh với các Giáo hội khác; c) chúng ta kêu gọi một diễn trình chuyển tiếp năng lượng triệt để và tìm kiếm các giải pháp thay thế: "Văn minh cần năng lượng, nhưng việc sử dụng năng lượng không được phá hủy văn minh!", (Ðức Phanxicô, Diễn văn với những người tham gia Hội nghị "Chuyển tiếp năng lượng và chăm sóc Ngôi Nhà chung", ngày 9 tháng 6 năm 2018).

Chúng ta đề nghị khai triển các chương trình đào tạo về việc chăm sóc "ngôi nhà chung", một điều cần được thiết kế cho các tác nhân mục vụ và các tín hữu khác, mở ra cho cả cộng đồng, trong "một nỗ lực nâng cao ý thức của người dân" (LS 214)

b. Thách đố của các mô hình mới phát triển công bằng, liên đới và bền vững.

71. Chúng ta thấy rằng việc can thiệp của con người đã mất hết tính cách "thân thiện" của nó, để mặc lấy một thái độ phàm ăn và trấn lột có xu hướng vắt ép thực tại đến chỗ cạn kiệt mọi tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Mô hình kỹ trị có xu hướng đặt để quyền kiểm soát lên nền kinh tế và chính trị (LS 109). Ðể chống lại điều này, một điều đang gây tổn hại nghiêm trọng cho sự sống, cần phải tìm kiếm các mô hình kinh tế thay thế, bền vững hơn, thân thiện hơn với thiên nhiên, với "của nuôi dưỡng tinh thần vững chắc". Do đó, cùng với người dân Amazon, chúng ta yêu cầu các Quốc gia ngưng coi Amazon như tủ thức ăn bất tận (xem Fr PM). Chúng ta muốn họ khai triển các chính sách đầu tư đòi bất cứ sự can thiệp nào cũng phải tôn trọng điều kiện này: chu toàn các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao và nguyên tắc căn bản là bảo tồn Amazon. Về phương diện này, điều cần thiết là họ phải có sự tham gia của các Dân tộc bản địa có tổ chức, của các cộng đồng Amazon khác và của các định chế khoa học khác nhau vốn đã đề nghị các mô hình khai thác rừng. Mô hình mới phát triển bền vững phải có tính bao gồm về xã hội, kết hợp kiến thức khoa học và truyền thống để trao quyền cho các cộng đồng truyền thống và bản địa, nơi đa số phụ nữ của họ, và bắt các kỹ thuật này phục vụ phúc lợi và bảo vệ rừng.

72. Vì vậy, đây là việc thảo luận về giá trị thực sự mà bất cứ hoạt động kinh tế hoặc khai thác nào cũng phải có, đó là giá trị mà nó đóng góp và trả lại cho trái đất và xã hội, xem xét sự giàu có mà nó khai thác từ các thực thể này và hậu quả sinh thái và xã hội của chúng . Nhiều hoạt động khai khoáng, như khai mỏ quy mô lớn, nhất là khai mỏ bất hợp pháp, đang làm giảm đáng kể giá trị của sự sống Amazon. Thực thế, chúng xé nát cuộc sống của các dân tộc và thiện ích chung của trái đất, tập trung quyền lực kinh tế và chính trị vào tay một số ít người. Tệ hơn nữa, nhiều dự án phá hoại này được thực hiện dưới danh nghĩa tiến bộ và được sự hỗ trợ - hoặc được phép - của chính quyền địa phương, quốc gia và nước ngoài.

73. Cùng với các dân tộc Amazon (Xem LS 183), chân trời "sống tốt" của họ kêu gọi chúng ta thực hiện cuộc hoán cải sinh thái cá nhân và cộng đồng và một mô hình phát triển trong đó các tiêu chuẩn thương mại không đứng trên các tiêu chuẩn môi trường và nhân quyền. Chúng ta mong muốn hỗ trợ một nền văn hóa hòa bình và tôn trọng - không phải nền văn hóa bạo lực và lạm dụng - và một nền kinh tế tập trung vào con người, nhưng cũng quan tâm đến thiên nhiên. Do đó, chúng ta đề nghị tạo ra các phương thức thay thế lấy từ việc phát triển sinh thái toàn diện, dựa vào viễn kiến vũ trụ từng được thiết kế trong các cộng đồng, khôi phục túi khôn của tổ tiên. Chúng ta hỗ trợ các dự án từng đề nghị một nền kinh tế liên đới và bền vững, tuần hoàn và sinh thái, ở cả bình diện địa phương và quốc tế, ở bình diện nghiên cứu và trong lĩnh vực hành động, trong các bộ phận chính thức và không chính thức. Trong đường hướng này, điều phù hợp là hỗ trợ và cổ vũ các kinh nghiệm của các hợp tác xã sản xuất sinh học, của các khu bảo tồn rừng và việc tiêu thụ bền vững. Tương lai của Amazon nằm trong tay mọi người chúng ta, nhưng nó phụ thuộc chủ yếu vào việc chúng ta từ bỏ ngay lập tức mô hình hiện tại, một mô hình phá hủy rừng, không mang lại phúc lợi mà còn gây nguy hiểm cho kho tàng tự nhiên mênh mông này và những người bảo vệ nó.

Giáo Hội trông coi "ngôi nhà chung" ở Amazon

a. Chiều kích môi trường và xã hội của việc truyền giảng Tin mừng

74. Tùy thuộc tất cả chúng ta trở thành những người bảo vệ công trình của Thiên Chúa. Những người chủ đạo của việc chăm sóc, bảo vệ và bênh vực quyền lợi của người dân và quyền lợi của thiên nhiên trong vùng này là chính các cộng đồng Amazon. Họ là tác nhân của chính số phận họ, của chính sứ mệnh họ. Trong khung cảnh này, vai trò của Giáo hội là vai trò của mọi người. Họ đã phát biểu rõ ràng rằng họ muốn Giáo hội đồng hành với họ, bước đi với họ, nhưng không áp đặt lên họ một cách hiện hữu đặc thù, một cách phát triển chuyên biệt ít liên quan đến các nền văn hóa, truyền thống và linh đạo của họ. Họ biết phải chăm sóc Amazon ra sao, phải yêu thương và bảo vệ nó ra sao; điều họ cần là Giáo hội hỗ trợ họ.

75. Chức năng của Giáo Hội là tăng cường khả năng hỗ trợ và tham gia đó. Vì vậy, chúng ta đề nghị một nền đào tạo có tính đến phẩm chất đời sống đạo đức và tinh thần của mọi người theo viễn kiến toàn diện. Giáo hội phải chăm sóc trước hết các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các thiệt hại về môi trường và xã hội. Tiếp nối truyền thống của giáo hội Châu Mỹ Latinh, trong đó các nhân vật như Thánh Jose de Anchieta, Bartolome de las Casas, các vị tử đạo người Paraguay đã chết ở Rio Grande do Sul (Ba Tây) Roque Gonzalez, Thánh Alfonso Rodriguez và Thánh Juan del Castillo, và nhiều người khác, đã dạy chúng ta rằng việc bảo vệ các dân tộc bản địa của lục địa này gắn liền một cách nội tại với niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng của Người. Ngày nay chúng ta phải đào tạo các tác nhân mục vụ và các thừa tác viên thụ phong biết nhạy cảm về phương diện xã hội và môi trường. Chúng ta muốn một Giáo hội thả buồm đi vào đất liền và bắt đầu cuộc hành trình của mình xuyên suốt Amazon, cổ vũ một lối sống hài hòa với lãnh thổ, đồng thời, với lối "sống tốt" của những người sống ở đó.

76. Giáo hội nhìn nhận túi khôn của các dân tộc Amazon về tính đa dạng sinh học, một túi khôn truyền thống vốn là một diễn trình sống động và luôn luôn chuyển động. Ðánh cắp kiến thức đó là đánh cắp sinh học (bio-piracy), một hình thức bạo lực chống lại các sắc dân này. Giáo hội phải giúp bảo tồn và duy trì kiến thức này cũng như các đổi mới và thực hành của dân chúng, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và luật pháp của họ, các luật pháp quy định việc tiếp cận các nguồn tài nguyên di truyền học và kiến thức truyền thống liên hệ với chúng. Trong chừng mực có thể, Giáo Hội phải giúp các sắc dân đó bảo đảm việc phân phối phúc lợi do việc sử dụng kiến thức đó mang lại, phân phối các đổi mới và thực hành trong mô hình phát triển bền vững và bao gồm.

77. Ðiều khẩn trương cần đến là các chính sách năng lượng thành công trong việc làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và các loại khí khác liên quan đến việc biến đổi khí hậu. Những năng lượng sạch mới sẽ giúp cổ vũ sức khỏe. Mọi công ty phải thiết lập hệ thống giám sát các dây chuyền cung cấp để bảo đảm sản phẩm họ mua, chế tạo và bán, được sản xuất theo cách thức xã hội và bền vững về phương diện môi trường. Hơn nữa, "việc tiếp cận nguồn nước uống được và an toàn là nhân quyền căn bản, nền tảng và phổ quát, vì nó quyết định sự sống còn của con người và do đó, là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác" (LS 30). Quyền này được Liên Hợp Quốc công nhận (2010). Chúng ta cần phải hợp tác với nhau để quyền nền tảng được tiếp cận nước sạch được tôn trọng tại lãnh thổ.

78. Giáo hội chọn việc bảo vệ sự sống, trái đất, các nền văn hóa bản địa Amazon. Ðiều này hàm nghĩa đồng hành với các dân tộc Amazon trong việc đăng ký, hệ thống hóa và phổ biến các dữ kiện và thông tin về lãnh thổ của họ và tình hình pháp lý của các lãnh thổ này. Chúng ta muốn ưu tiên hóa việc xẩy ra và việc đồng hành để có được việc phân ranh đất đai, nhất là của các sắc dân Cô Lập có Tiếp xúc Ban đầu (PIACI, những người Châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha) hoặc các sắc dân Cô Lập Tự nguyện (PIAV, những người Châu Mỹ nói tiếng Bồ Ðào Nha [Lusophone America]). Chúng ta khuyến khích các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ Hiến pháp về các chủ đề này, bao gồm quyền có nước dùng.

79. Học thuyết xã hội của Giáo hội, một học thuyết từ lâu vốn đề cập tới chủ đề sinh thái, ngày nay được làm cho phong phú hơn bằng một tầm nhìn tổng thể hơn, bao trùm các mối liên hệ giữa các dân tộc Amazon và lãnh thổ của họ, luôn đối thoại với kiến thức và túi khôn của tổ tiên họ. Chẳng hạn, nhận ra cách người bản địa tương quan với nhau và bảo vệ lãnh thổ của họ, như một tham chiếu không thể thiếu để chúng ta quay trở về với nền sinh thái toàn diện. Trong ánh sáng này, chúng ta muốn tạo ra các thừa tác vụ để chăm sóc "ngôi nhà chung" ở Amazon, những thừa tác vụ có chức năng chăm sóc lãnh thổ và nguồn nước cùng với các cộng đồng bản địa, và một thừa tác vụ tiếp khách, đón tiếp những người rời cư từ lãnh thổ của họ vào các thành phố.

b. Một Giáo hội nghèo, với và cho người nghèo ở các vùng ngoại vi dễ bị tổn thương

80. Chúng ta tái khẳng định cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ sự sống trong tính toàn vẹn của nó từ lúc thụ thai cho đến lúc suy tàn của nó và phẩm giá của mọi người. Giáo hội đã và đang ở bên cạnh các cộng đồng bản địa để bảo vệ quyền có cuộc sống yên tĩnh của riêng họ, tôn trọng các giá trị của truyền thống, phong tục và văn hóa của họ, bảo tồn các dòng sông và cánh rừng, vốn là những khu vực thánh thiêng, nguồn sự sống và khôn ngoan. Chúng ta ủng hộ các nỗ lực của nhiều người bảo vệ sự sống một cách can đảm trong tất cả các hình thức và giai đoạn của nó. Việc phục vụ mục vụ của chúng ta tạo thành một việc phục vụ sự sống viên mãn của các dân tộc bản địa, một việc phục vụ buộc chúng ta phải công bố Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng Nước Thiên Chúa, ngăn chặn các tình huống tội lỗi, các cơ cấu chết chóc, bạo lực và bất công bên trong và bên ngoài và cổ vũ đối thoại liên văn hóa, liên tôn giáo và đại kết.

Các nẻo đường mới để cổ vũ nền sinh thái toàn diện

a. Thách đố tiên tri và sứ điệp hy vọng cho toàn thể Giáo hội và toàn thế giới

81. Việc bảo vệ sự sống của Amazon và các dân tộc của nó đòi hỏi một hoán cải bản thân, xã hội và cơ cấu sâu xa. Giáo hội được bao gồm trong lời kêu gọi học bỏ, học hỏi và học lại (unlearn, learn and releran), do đó vượt qua bất cứ xu hướng nào nghiêng về các mô hình thực dân hóa từng gây hại trong quá khứ. Về phương diện này, điều quan trọng là chúng ta phải ý thức được sức mạnh của chủ nghĩa tân thực dân, hiện diện trong các quyết định hàng ngày của chúng ta và mô hình phát triển đang thịnh hành, một mô hình ngày một lớn mạnh tự phát biểu trong phương thức nông nghiệp độc canh, hoặc các hình thức vận chuyển và phúc lợi ảo từ việc tiêu thụ chúng ta đang hưởng trong xã hội và gây nhiều hệ quả trực tiếp và gián tiếp tại Amazon. Ðối diện với những điều này - một thứ chân trời hoàn cầu - với việc lắng nghe tiếng nói của các Giáo hội Chị em, chúng ta muốn chủ trương một nền linh đạo sinh thái toàn diện, để cổ vũ việc chăm sóc sáng thế. Ðể đạt được điều này, chúng ta phải là một cộng đồng tham gia và bao gồm các môn đệ truyền giáo.

82. Chúng ta đề nghị định nghĩa tội sinh thái như một hành động hoặc thiếu hành động chống lại Thiên Chúa, chống lại người lân cận, cộng đồng và môi trường. Ðó là một tội chống lại các thế hệ tương lai và được biểu lộ trong các hành vi và thói quen gây ô nhiễm và phá hủy sự hài hòa của môi trường, vi phạm nguyên tắc liên thuộc (inter-dependence) và phá vỡ các mạng lưới liên đới giữa các tạo vật (Xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 340-344) và chống lại đức công bằng. Chúng ta cũng đề nghị thành lập các thừa tác vụ ở cấp giáo xứ và trong từng khu vực tài phán của giáo hội, có chức năng chăm sóc lãnh thổ và nguồn nước, cũng như cổ vũ Thông điệp Laudato Si', và nhiều điều khác. Ðảm nhận chương trình mục vụ, giáo dục và tác động của của Thông điệp Laudato Si', trong chương V và VI của nó, ở tất cả các bình diện và cơ cấu Giáo hội.

83. Như một cách đền bù món nợ sinh thái mà các quốc gia có với Amazon, chúng ta đề nghị thành lập một quỹ hoàn cầu để trang trải một phần ngân sách của các cộng đồng có mặt ở Amazon; qũi này cổ vũ việc phát triển toàn diện và tự nâng đỡ của họ và do đó cũng bảo vệ họ khỏi các mưu toan trấn lột, luôn muốn bòn rút các tài nguyên thiên nhiên của nó bởi các công ty quốc gia và đa quốc gia.

84. Thực hiện các thói quen có trách nhiệm biết tôn trọng và đánh giá cao các dân tộc Amazon, các truyền thống và túi khôn của họ, bảo vệ trái đất và thay đổi nền văn hóa tiêu thụ quá mức của chúng ta, sản xuất thặng dư cách chắc chắn, kích thích việc tái sử dụng và tái biến chế. Chúng ta phải giảm thiểu sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch và sử dụng chất nhựa hóa học, thay đổi các thói quen ăn uống (tiêu thụ quá nhiều thịt và cá / hải sản) bằng các lối sống đạm bạc hơn. Cam kết tích cực trong việc trồng cây, tìm kiếm các phương thức thay thế bền vững trong nông nghiệp, năng lượng và di chuyển, những phương thức biết tôn trọng quyền của thiên nhiên và của con người. Cổ vũ nền giáo dục sinh thái toàn diện ở tất cả các bình diện, cổ vũ các mô hình kinh tế và sáng kiến mới có khả năng cổ vũ phẩm chất của cuộc sống bền vững.

b. Vọng quan sát xã hội và mục vụ Amazon

85. Lập một đài quan sát mục vụ về xã hội và môi trường, tăng cường cuộc chiến đấu bảo vệ sự sống. Thực hiện cuộc chẩn đoán về lãnh thổ và các tranh chấp xã hội và môi trường của nó trong mỗi Giáo hội địa phương và khu vực, có khả năng có một chủ trương, đưa ra quyết định và bảo vệ quyền của những người dễ bị tổn thương nhất. Vọng quan sát này sẽ hợp tác với Liên Hội Ðồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh (CELAM), Liên hiệp Tu sĩ Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean (CLAR), Caritas, Mạng lưới Giáo Hội Toàn Vùng Amazon (REPAM), hàng giám mục quốc gia, các Giáo hội địa phương, các Ðại học Công Giáo, Ủy Ban Nhân quyền Liên Mỹ (CIDH), các tác nhân phi giáo hội khác ở lục địa và các đại diện của các dân tộc bản địa. Tương tự như vậy, chúng ta yêu cầu điều này: tại thánh bộ Phục vụ việc Phát triển Con người Toàn diện, một văn phòng Amazon được thiết lập duy trì tương quan với Vọng Quan sát này và các định chế địa phương khác của Amazon.

 

Chương V: Những Nẻo Ðường Hoán Cải Mới

"Con ở trong chúng và Cha ở trong Con, để chúng trở nên một cách hoàn hảo" (Ga 17:23)

86. Ðể cùng đi với nhau, Giáo hội cần một sự hoán cải đồng nghị, một tính đồng nghị của dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ở Amazon. Với chân trời hiệp thông và tham gia này, chúng ta tìm kiếm một nẻo đường giáo hội mới, nhất là trong tính thừa tác vụ và tính bí tích của Giáo hội với khuôn mặt Amazon. Ðời sống thánh hiến, hàng ngũ giáo dân và trong số họ các phụ nữ, là những người chủ đạo cũ và mới luôn mời gọi chúng ta bước vào sự hoán cải này.

Tính đồng nghị truyền giáo trong Giáo hội Amazon

a. Tính đồng nghị truyền giáo của tất cả dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

87. "Thượng Hội Ðồng" là một hạn từ cổ xưa được Truyền thống tôn trọng; nó chỉ nẻo đường được các thành viên của dân Chúa cùng nhau bước theo; nó nhắc đến Chúa Giêsu, Ðấng tự mô tả là "Ðường, là Sự thật và là Sự sống" (Ga 14: 6), và nhắc đến sự kiện này: các Kitô hữu, các môn đồ của Người, vốn được gọi là những người cùng nhau bước theo "Ðường của Chúa" (Công vụ 9 : 2); trở thành đồng nghị là cùng nhau bước theo "đường của Chúa" (Công vụ 18:25). Tính đồng nghị là cách hiện hữu của Giáo hội sơ khai (xem Công vụ 15) và nó phải là của chúng ta. "Như cơ thể vốn là một và có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể của cơ thể, mặc dù nhiều, nhưng vẫn chỉ là một cơ thể như thế nào, thì Chúa Kitô cũng thế" (1 Cr 12:12). Tính đồng nghị cũng đặc trưng cho Giáo hội của Vatican II, được hiểu là dân Chúa, trong bình đẳng và phẩm giá chung trước tính đa dạng của các thừa tác vụ, các đặc sủng và các việc phục vụ. Nó "chỉ ra cách sống và hành động chuyên biệt (modus vivendi et operandi) của Giáo hội như Dân Thiên Chúa, một Giáo Hội biểu lộ và thi hành một cách cụ thể việc mình là "sự hiệp thông" bằng cách cùng nhau bước đi, cùng đến với nhau trong một tập hợp và trong việc tích cực tham gia của mọi chi thể vào hành động truyền giáo của mình" (...), nghĩa là, "trong tinh thần đồng trách nhiệm và tham gia của toàn thể dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội" (Ủy Ban Thần học Quốc tế [CTI], Tính đồng nghị .., n 6-7).

88. Cùng nhau bước đi, Giáo hội ngày nay cần quay về với kinh nghiệm đồng nghị. Cần tăng cường văn hóa đối thoại, lắng nghe nhau, biện phân tâm linh, đồng thuận và hiệp thông để tìm ra các lĩnh vực và cách thức quyết định chung và đáp ứng các thách đố mục vụ. Vì vậy, đồng trách nhiệm sẽ được phát huy trong đời sống Giáo hội với một tinh thần phục vụ. Ðiều khẩn cấp là bước đi, đề nghị và nhận các trách nhiệm để vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị và các áp đặt độc đoán. Tính đồng nghị là một chiều kích cấu thành ra Giáo hội. Không thể có Giáo hội mà lại không có sự thừa nhận việc thi hành hữu hiệu cảm thức đức tin (sensus fidei) của toàn thể dân Chúa.

b. Linh đạo hiệp thông đồng nghị dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

89. Giáo hội sống hiệp thông với nhiệm thể Chúa Kitô nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Ðiều gọi là "Công đồng Tông đồ ở Giêrusalem" (xem Công vụ 15; 2: 1-10) là một biến cố đồng nghị trong đó Giáo hội Tông truyền, trong một thời khắc quyết định của cuộc hành trình, đã sống ơn gọi của mình trong ánh sáng hiện diện của Chúa phục sinh theo quan điểm truyền giáo. Biến cố này được cấu thành trong hình tượng kiểu mẫu của các Thượng hội đồng của Giáo hội và của ơn gọi đồng nghị của Giáo Hội. Quyết định của các Tông đồ, với sự tham dự của toàn thể cộng đồng Giêrusalem, là công trình của hành động Chúa Thánh Thần, Ðấng hướng dẫn đường đi của Giáo hội, bảo đảm lòng trung thành của Giáo Hội đối với Tin Mừng của Chúa Giêsu: "điều xem ra tốt đẹp đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi" (Công vụ 15:28). Toàn bộ cộng đồng đã tiếp nhận quyết định và biến nó thành của riêng mình (Công vụ 15:22); sau đó, cộng đồng Antiôkia cũng làm như vậy (Công vụ 15: 30-31). Trở nên "đồng nghị" thực sự là tiến bước trong hòa hợp dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống.

90. Giáo hội tại Amazon được kêu gọi bước đi trong việc thực hiện biện phân, vốn là trung tâm các diễn trình và biến cố đồng nghị. Ðây có ý nói đến việc xác định và bước theo, trong tư cách Giáo hội, nẻo đường phải đi theo để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa - qua việc giải thích thần học về các dấu chỉ thời đại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Việc cộng đoàn cùng biện phân cho phép người ta khám phá ra lời kêu gọi mà Thiên Chúa đã gióng lên trong mọi tình huống lịch sử chuyên biệt. Phiên họp này là một khoảnh khắc ân sủng để thực hiện việc lắng nghe nhau, đối thoại chân thành và biện phân cộng đồng vì lợi ích chung của dân Chúa ở Vùng Amazon và sau đó, trong giai đoạn thực thi các quyết định, để tiếp tục bước đi dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong các cộng đồng nhỏ, các giáo xứ, Giáo phận, Tòa Ðại diện, các "giám hạt" (prelacies) và trong toàn khu vực.

c. Hướng tới một phong cách sống và làm việc theo kiểu đồng nghị ở vùng Amazon

91. Chúng ta muốn thực thi, một cách táo bạo theo kiểu tin mừng, những nẻo đường mới trong đời sống của Giáo hội và việc Giáo Hội phục vụ một hệ sinh thái toàn diện ở Amazon. Tính đồng nghị đánh dấu một phong cách sống hiệp thông và tham gia trong các Giáo hội địa phương, mà đặc điểm là sự tôn trọng phẩm giá và sự bình đẳng của mọi người nam nữ đã chịu Phép rửa, sự bổ túc cho nhau của các đặc sủng và các thừa tác vụ, sự hài lòng của các cuộc gặp gỡ trong các cộng đồng để cùng nhau biện phân tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Thượng hội đồng này cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm về cách lên cơ cấu cho các Giáo hội địa phương ở mỗi vùng và quốc gia, và tiến bước trong một cuộc hoán cải đồng nghị nhằm chỉ ra những nẻo đường chung trong việc truyền giảng tin mừng. Luận lý học Nhập thể dạy rằng Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, tự gắn bó với những con người sống trong "các nền văn hóa riêng của các dân tộc: (AG 9) và Giáo hội, dân Chúa được lồng vào giữa các dân tộc, có vẻ đẹp của một khuôn mặt đa dạng, bởi vì bắt nguồn từ nhiều nền văn hóa khác nhau (EG 116). Ðiều này được thực hiện trong cuộc sống và sứ mệnh của các Giáo hội địa phương tại mỗi "lãnh thổ xã hội văn hóa vĩ đại" (AG 22).

92. Một Giáo hội có khuôn mặt Amazon cần các cộng đồng của mình được thấm nhuần tinh thần đồng nghị, được hỗ trợ bởi các cơ cấu tổ chức phù hợp với năng động tính này như các cơ chế "hiệp thông" chân thực. Các hình thức thực hành tính đồng nghị rất đa dạng; chúng phải được phân quyền ở các bình diện khác nhau (giáo phận, khu vực, quốc gia, hoàn vũ) tôn trọng và chú ý đến các diễn trình địa phương, nhưng không làm suy yếu mối liên kết với các Giáo hội Chị em và với Giáo hội hoàn cầu. Các hình thức tổ chức để thực hành tính đồng nghị có thể đa dạng; chúng thiết lập ra sự đồng bộ giữa việc hiệp thông và việc tham gia, giữa tính đồng trách nhiệm và tính thừa tác của tất cả mọi người, đặc biệt chú ý đến sự tham gia hữu hiệu của giáo dân trong việc biện phân và đưa ra quyết định, đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ.

Những nẻo đường mới cho tính thừa tác giáo hội

a. Giáo Hội thừa tác và thừa tác vụ mới

93. Sự đổi mới của Công đồng Vatican II đặt giáo dân vào trung tâm Dân Thiên Chúa, trong một Giáo hội hoàn toàn có tính thừa tác, một dân có nền tảng cho căn tính và sứ mệnh của mỗi Kitô hữu trong bí tích Rửa Tội. "Hàng ngũ giáo dân là các tín hữu, nhờ Bí tích Rửa tội, được tháp nhập vào Chúa Kitô, tạo thành Dân Thiên Chúa và, qua cách này, trở thành những người tham gia vào các chức vụ (munus) linh mục, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, để họ thực hiện vai trò của mình trong sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo, trong Giáo hội và trong thế giới" (LD 31). Sinh ra từ mối quan hệ tay ba này, với Chúa Kitô, Giáo hội và thế giới, là ơn gọi và sứ mệnh của hàng ngũ giáo dân. Nhằm tiến tới một xã hội công bằng và liên đới để chăm sóc "ngôi nhà chung", Giáo Hội ở Amazon muốn biến hàng ngũ giáo dân thành các tác nhân ưu tuyển. Việc thủ diễn của họ, đã và đang rất quan trọng, cả trong việc phối hợp các cộng đồng giáo hội, trong việc thi hành các thừa tác vụ, cũng như trong cam kết tiên tri của họ trong một thế giới bao gồm mọi người, một cam kết có chứng tá thách thức chúng ta nơi các vị tử đạo của nó.

94. Như biểu thức của tính đồng trách nhiệm nơi mọi người đã chịu Phép Rửa trong Giáo hội và việc thực thi cảm thức đức tin (sensus fidei) của toàn thể Dân Thiên Chúa, các hội đồng và công đồng mục vụ đã phát sinh trong mọi phạm vi của Giáo hội, cũng như các nhóm phối trí các việc phục vụ mục vụ khác nhau được ủy thác cho hàng ngũ giáo dân. Chúng ta thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường và mở rộng các lĩnh vực để giáo dân tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, bất kể là tham khảo ý kiến hay đưa ra các quyết định.

95. Mặc dù sứ mệnh trong thế giới là nhiệm vụ của tất cả những người đã chịu Phép Rửa, Công đồng Vatican II vẫn đã làm nổi bật sứ mệnh của hàng ngũ giáo dân: "Niềm hy vọng về một Ðất mới, thay vì làm giảm, trước nhất phải gia tăng mối quan tâm hoàn thiện trái đất này" (GS 39 ). Ðiều cấp bách đối với Giáo hội Amazon là các thừa tác vụ dành cho nam giới và nữ giới được cổ vũ và trao tặng một cách công bằng. Các cộng đồng giáo hội truyền giáo nhỏ, những cộng đồng vun sới đức tin, lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau cử hành gần gũi với cuộc sống của người ta, bảo đảm cơ cấu của Giáo hội địa phương, cả ở Amazon. Chính Giáo hội của những người đàn ông và đàn bà đã chịu Phép Rửa là Giáo Hội chúng ta phải củng cố, bằng cách cổ vũ tính thừa tác và nhất là ý thức được phẩm giá rửa tội.

96. Ngoài ra, vị Giám mục, bằng một mệnh lệnh có thời gian cụ thể và khi không có các linh mục trong cộng đồng, có thể ủy thác việc thi hành chăm sóc mục vụ các cộng đồng này cho một người không được phong phẩm cách linh mục, nhưng là một thành viên của cộng đồng. Phải tránh chủ nghĩa vụ lãnh tụ (personalism); do đó, chức vụ này phải là một chức vụ luân phiên. Giám mục sẽ có khả năng thiết lập thừa tác vụ này để đại diện cho cộng đồng Kitô hữu với một ủy nhiệm chính thức qua một hành động nghi lễ để người chịu trách nhiệm cho cộng đồng cũng được công nhận ở bình diện dân sự và địa phương. Linh mục luôn vẫn giữ thẩm quyền và năng quyền của linh mục chính xứ, như là người chịu trách nhiệm cho cộng đồng.

b. Ðời sống thánh hiến

97. Bản văn tin mừng - "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi để tôi rao giảng Tin mừng cho người nghèo" (Lc 4:18) - nói lên xác tín vốn sinh động hóa sứ mệnh của đời sống thánh hiến ở Amazon, được sai đi loan báo Tin mừng bằng cách đồng hành gần gũi với các dân tộc bản địa, những người dễ bị tổn thương nhất và những người xa xôi nhất, khởi đi từ một cuộc đối thoại và công bố có sức làm cho nhận thức sâu sắc về linh đạo trở thành khả hữu. Một đời sống thánh hiến với các kinh nghiệm liên dòng và liên viện có thể ở lại trong các cộng đồng nơi không ai muốn ở và không ai muốn tiếp xúc với, nay có thể học hỏi và tôn trọng văn hóa và ngôn ngữ bản địa ngõ hầu nói chuyện với các cõi lòng người ta.

98. Ðồng thời với sứ mệnh góp phần xây dựng và củng cố Giáo hội, nó cũng củng cố và đổi mới đời sống thánh hiến và kêu gọi nó một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc nắm vững yếu tố thuần khiết nhất nơi cảm hứng nguyên ủy của nó. Nhờ vậy, chứng tá của nó sẽ có tính tiên tri và là nguồn của những ơn gọi tu trì mới. Chúng ta đề nghị mạnh dạn dấn thân vào một đời sống thánh hiến với bản sắc Amazon, bằng cách củng cố các ơn gọi bản địa. Chúng ta ủng hộ việc lồng người thánh hiến và việc luân hành (itinerancy) của họ bên cạnh những người nghèo khổ và bị loại trừ nhất. Các diễn trình đào tạo phải bao gồm việc tập chú vào tính liên văn hóa, hội nhập văn hóa và đối thoại giữa các nền linh đạo và vũ trụ quan Amazon.

c. Sự hiện diện và thời khắc của phụ nữ

99. Giáo hội ở Amazon muốn mở rộng các lãnh vực để có sự hiện diện của phụ nữ nhiều hơn trong Giáo hội (EG 103). "Chúng ta không nên giảm thiểu sự cam kết của phụ nữ trong Giáo hội, nhưng hãy cổ vũ sự tham gia tích cực của họ vào cộng đồng giáo hội. Nếu để mất phụ nữ trong chiều kích toàn bộ và thực chất của họ, thì Giáo hội tự phơi mình cho tình trạng vô sinh" (Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Cuộc Gặp gỡ hàng Giám mục Ba Tây, Rio de Janeiro, ngày 27 tháng 7 năm 2013).

100 Kể từ Công đồng Vatican II, Huấn quyền của Giáo hội đã nêu bật vị trí đặc biệt của phụ nữ trong Giáo Hội: "Giờ đang đến, giờ đã đến, trong đó ơn gọi của người phụ nữ được chu toàn trọn vẹn; giờ khắc trong đó người phụ nữ có được một ảnh hưởng trên thế giới, một tầm quan trọng, một sức mạnh chưa bao giờ đạt được cho đến bây giờ. Do đó, vào thời điểm này trong đó nhân loại đang trải qua một sự thay đổi sâu sắc đến như vậy, những người phụ nữ tràn đầy tinh thần Tin Mừng có thể giúp đỡ rất nhiều để nhân loại không thất bại" (Thánh Phaolô VI, 1965; AAS 58, 1966, 13-14).

101. Sự khôn ngoan của các dân tộc có tổ có tiên khẳng định rằng Mẹ Ðất có khuôn mặt nữ tính. Trong thế giới bản địa và phương Tây, phụ nữ là người làm việc trong nhiều phương diện, trong việc dạy dỗ con cái, trong việc truyền tải đức tin và Tin Mừng, họ là một sự hiện diện có tính chứng ngôn và đầy trách nhiệm trong việc phát huy nhân bản, vì vậy người ta yêu cầu tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe, họ được tham khảo và tham gia vào việc ra quyết định và, nhờ cách này, có thể đóng góp vào tính đồng nghị của giáo hội một cách đầy nhậy cảm. Chúng ta đánh giá cao "chức năng của phụ nữ, thừa nhận vai trò căn bản của họ trong việc hình thành và liên tục của các nền văn hóa, trong linh đạo, trong các cộng đồng và gia đình. Ðiều cần thiết là họ được đảm nhận một cách mạnh mẽ hơn vai trò lãnh đạo của họ ở trung tâm Giáo hội, và Giáo Hội nhìn nhận và cổ vũ họ, củng cố sự tham gia của họ vào các hội đồng mục vụ của các giáo xứ và giáo phận, và ngay cả trong các cơ quan cai quản.

102. Ðứng trước thực tại phụ nữ đang đau khổ, là nạn nhân của bạo lực thể xác, tinh thần và tôn giáo, bao gồm cả việc diệt nữ (femicide), Giáo hội tự đặt mình vào thế bảo vệ quyền lợi của họ và công nhận họ là những người chủ đạo và bảo vệ sáng thế và "ngôi nhà chung". Chúng ta nhìn nhận tính thừa tác mà Chúa Giêsu vốn dành cho phụ nữ. Cần phải kích thích việc đào tạo phụ nữ trong việc nghiên cứu Thần học Kinh thánh, Thần học hệ thống, Giáo Luật, đánh giá cao sự hiện diện của họ trong các tổ chức và việc họ lãnh đạo trong và ngoài lãnh vực giáo hội. Chúng ta muốn tăng cường liên hệ gia đình, nhất là đối với các phụ nữ di dân. Chúng ta bảo đảm chỗ đứng của họ trong các lĩnh vực lãnh đạo và huấn luyện. Chúng ta yêu cầu duyệt lại Tự Sắc của Thánh Phaolô VI, Ministeria Quedam, để các phụ nữ đã được đào tạo và chuẩn bị thoả đáng có thể nhận được các thừa tác vụ Ðọc sách và Giúp lễ, và nhiều thừa tác vụ khác sẽ được khai triển. Trong bối cảnh mới của việc truyền giảng tin mừng và mục vụ ở Amazon, nơi phần lớn các cộng đồng Công Giáo được lãnh đạo bởi phụ nữ, chúng ta yêu cầu tạo ra thừa tác vụ thiết lập (instituted ministry) "nữ giám đốc cộng đồng" và thừa nhận thừa tác vụ này trong việc thay đổi các nhu cầu truyền giảng tin mừng và chăm sóc cộng đồng.

103. Trong nhiều cuộc tham khảo được thực hiện ở khu vực Amazon, vai trò căn bản của nữ tu sĩ và nữ giáo dân đã được công nhận trong Giáo Hội Amazon và các cộng đồng của nó, vì nhiều việc phục vụ mà họ đã thực hiện. Trong một số lượng lớn các cuộc tham khảo vừa nói, chức phó tế vĩnh viễn được yêu cầu ban cấp cho phụ nữ. Vì lý do này, chủ đề cũng đã được trình bày tại Thượng Hội Ðồng. Năm 2016, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã thành lập một "Ủy ban nghiên cứu về chức nữ phó tế"; Ủy ban này mới chỉ đạt được một phần kết quả về thực tại chức phó tế của phụ nữ là như thế nào trong thế kỷ đầu tiên của Giáo hội và các hệ luận của nó đối với ngày nay. Do đó, chúng ta muốn chia sẻ kinh nghiệm và suy tư của chúng ta với Ủy ban và chúng ta chờ đợi kết quả của Ủy ban này.

d. Chức phó tế vĩnh viễn

104. Khẩn cấp đối với Giáo hội Amazon là việc cổ vũ, đào tạo và hỗ trợ các phó tế vĩnh viễn, vì tầm quan trọng của thừa tác vụ này trong cộng đồng. Một cách đặc biệt, vì việc phục vụ giáo hội mà nhiều cộng đồng yêu cầu, nhất là các dân tộc bản địa. Nhu cầu mục vụ chuyên biệt của các cộng đồng Kitô giáo Amazon dẫn chúng ta tới một sự hiểu biết sâu rộng hơn về chức phó tế, một chức vốn đã có từ buổi đầu của Giáo hội, và được phục hồi như một chủ trương tự lập và vĩnh viễn của Vatican II (LG 29, AG 16, OE 17). Ngày nay, chức phó tế cũng phải cổ vũ nền sinh thái toàn diện, phát triển con người, công việc mục vụ xã hội, phục vụ những người gặp phải tình trạng dễ bị tổn thương và nghèo đói, đồng hình đồng dạng họ với Chúa Kitô Phục dịch, biến Giáo Hội thành một Giáo hội nhân hậu, Samaritanô, liên đới và phục dịch (diaconal).

105. Các vị linh mục phải nhớ rằng phó tế là để phục vụ cộng đồng, bởi sự chỉ định và đặt dưới quyền của Giám mục, và các ngài có nghĩa vụ hỗ trợ các phó tế vĩnh viễn và hành động một cách hiệp thông với họ. Phải luôn lưu ý đến việc duy trì các phó tế vĩnh viễn. Ðiều này bao gồm việc xét ơn gọi theo tiêu chuẩn nhận gia nhập. Các động lực của ứng viên phải hướng về sự phục vụ và sứ mệnh của hàng phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay. Dự án đào tạo được luân chuyển giữa nghiên cứu học thuật và thực hành mục vụ, được nhóm đào tạo và cộng đồng giáo xứ đồng hành, với nội dung và lộ trình thích ứng với từng thực tại địa phương. Ðiều mong muốn là vợ con của Phó tế tham gia vào diễn trình đào tạo.

106. Ngoài các môn học bắt buộc, chương trình học tập (giảng khóa) để đào tạo hàng phó tế vĩnh viễn phải bao gồm các môn học nhằm cổ vũ đối thoại đại kết, liên tôn và liên văn hóa, lịch sử Giáo hội ở Amazon, cảm giới và tính dục, vũ trụ quan bản địa, sinh thái toàn diện và các môn tổng hợp (transversal subjects) khác vốn đặc trưng đối với thừa tác vụ phó tế. Nhóm các nhà đào tạo sẽ bao gồm các thừa tác viên thụ phong và các giáo dân có khả năng phù hợp với các chỉ dẫn về hàng phó tế vĩnh viễn đã được phê duyệt ở mỗi quốc gia. Chúng ta muốn khuyến khích, hỗ trợ và đích thân đồng hành với diễn trình ơn gọi và việc đào tạo các phó tế vĩnh viễn tương lai tại các cộng đồng ven sông và bản địa, với sự tham gia của các linh mục chính xứ và các nam nữ tu sĩ. Cuối cùng, phải có một chương trình theo dõi để đào tạo liên tục (linh đạo, đào tạo thần học, các chủ đề mục vụ, cập nhật các văn kiện của Giáo Hội, v.v.). dưới sự hướng dẫn của Ðức Giám Mục.

e. Các lộ trình đào tạo hội nhập văn hóa

107. "Ta sẽ cho các ngươi những người chăn chiên theo lòng Ta" (Grm 3:15). Lời hứa này, vì là của Thiên Chúa, nên có giá trị mọi thời và mọi bối cảnh; do đó, nó cũng có giá trị cho Amazon. Nhắm làm cho vị linh mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, việc đào tạo thừa tác vụ thụ phong phải là một trường dạy tình huynh đệ, đầy tính cộng đồng, kinh nghiệm, tâm linh, mục vụ và giáo lý, luôn tiếp xúc với thực tại của người dân, hòa hợp với nền văn hóa và lòng đạo địa phương, gần gũi với người nghèo. Chúng ta cần chuẩn bị các Mục tử tốt lành biết sống Tin mừng Nước Trời, biết Giáo Luật, biết cảm thương, giống Chúa Giêsu bao nhiêu có thể, Ðấng mà thực hành là làm theo ý muốn của Chúa Cha, được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể và Thánh Kinh, nghĩa là, một việc đào tạo hợp Kinh thánh hơn, theo nghĩa đồng hóa với Chúa Giêsu như Người đã tỏ mình ra trong Tin mừng: gần gũi với người ta, có khả năng lắng nghe, chữa lành, an ủi, kiên nhẫn, không tìm cách yêu cầu nhưng biểu lộ sự dịu dàng của trái tim Chúa Cha.

108. Nhằm cung cấp cho các linh mục tương lai của các Giáo Hội ở Amazon một cuộc đào tạo có khuôn mặt Amazon, được lồng vào và thích nghi với thực tại, được bối cảnh hóa và có khả năng đáp ứng nhiều thách đố mục vụ và truyền giáo, chúng ta đề nghị một kế hoạch đào tạo phù hợp với các thách đố của các Giáo hội địa phương và thực tại Amazon. Nó phải bao gồm, về các nội dung học thuật, các môn học liên quan đến sinh thái toàn diện, thần học sinh thái, thần học sáng thế, thần học bản địa, linh đạo sinh thái, lịch sử Giáo hội ở Amazon, nhân chủng học văn hóa Amazon, v.v. Các trung tâm đào tạo đời sống linh mục và thánh hiến phải được lồng, tốt nhất là, vào thực tại Amazon, nhằm phát huy việc các người trẻ Amazon đang được đào tạo tiếp xúc với thực tại của họ, trong khi họ chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai của mình, do đó bảo đảm rằng diễn trình đào tạo không bị tách khỏi nội dung quan yếu về những con người và nền văn hóa của họ, cũng như cung ứng cho những người trẻ khác không phải người Amazon cơ hội để thực hiện một phần của việc đào tạo của họ ở Amazon, do đó thúc đẩy các ơn gọi truyền giáo.

f. Thánh Thể, Nguồn và đỉnh cao của hiệp thông đồng nghị

109. Theo Công đồng Vatican II, việc tham gia Bí tích Thánh Thể là nguồn và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô hữu; nó là biểu tượng của tính hợp nhất của Nhiệm Thể; nó là trung tâm và đỉnh cao của toàn bộ cuộc sống của cộng đồng Kitô hữu. Bí tích Thánh Thể chứa đựng toàn bộ thiện ích thiêng liêng của Giáo hội; nó là nguồn và đỉnh cao của toàn bộ việc truyền giảng tin mừng. Chúng ta hãy lặp lại câu nói của Thánh Gioan Phaolô II: "Giáo hội sống nhờ Bí tích Thánh Thể" (Ecclesia de Eucharistia, 1). Chỉ thị của Thánh Bộ Thờ phượng Thiên Chúa, Redemptoris Sacramentum (2004), quả quyết nhấn mạnh rằng các tín hữu được hưởng quyền cử hành Bí tích Thánh Thể như đã được xác lập trong Sách và Quy tắc Phụng vụ. Tuy nhiên, có vẻ lạ khi nói về quyền cử hành Bí tích Thánh Thể theo những gì được quy định, chứ không nói về quyền căn bản hơn đó là việc tiếp cận Bí tích Thánh Thể của mọi người: "Trong Bí tích Thánh Thể, sự đầy đủ trọn vẹn đã được hiện thực hóa, và đó là trung tâm quan yếu của vũ trụ, trung tâm tràn đầy tình yêu và sự sống vô tận. Hợp nhất với Chúa Con nhập thể, hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể tự nó là một hành động của tình yêu vũ trụ" (LS 236).

110. Cộng đồng có quyền được cử hành, một quyền phát xuất từ yếu tính của Bí tích Thánh Thể và vị trí của nó trong nhiệm cục cứu rổi. Ðời sống bí tích là sự tích nhập các chiều kích khác nhau của đời sống con người vào Mầu nhiệm Vượt qua, một mầu nhiệm củng cố chúng ta. Do đó, các cộng đồng sống động đang thực sự lớn tiếng đòi được cử hành Bí tích Thánh Thể. Chắc chắn, đây là điểm đến (đỉnh cao và hoàn hợp) của cộng đồng, nhưng đồng thời, nó cũng là điểm khởi hành: gặp gỡ, hòa giải, học tập và dạy giáo lý, tăng trưởng cộng đồng.

111. Nhiều cộng đồng giáo hội của lãnh thổ Amazon có những khó khăn to lớn trong việc tiếp cận Bí tích Thánh Thể. Ðôi khi, nhiều tháng trôi qua nếu không muốn nói nhiều năm, trước khi một linh mục có thể trở lại một cộng đồng để cử hành Bí tích Thánh Thể, ban Bí tích Hòa giải và Xức dầu bệnh nhân cho cộng đồng. Chúng ta đánh giá cao luật độc thân như một quà phúc của Thiên Chúa (Sacerdotalis Caelibatus, 1) bao lâu quà phúc này giúp người môn đệ truyền giáo, được tấn phong vào hàng linh mục, hiến dâng trọn vẹn cho việc phục vụ Dân Thánh của Thiên Chúa. Nó kích thích đức ái mục vụ và chúng ta cầu xin cho có nhiều ơn gọi biết sống đời sống linh mục độc thân. Chúng ta biết rằng kỷ luật này không phải là một đòi hỏi của chính bản chất chức linh mục. . . mặc dù có nhiều lý do thuận tiện với nó" (PO 16). Trong thông điệp của ngài về cuộc sống độc thân của linh mục, Thánh Phaolô VI đã duy trì luật này và đưa ra những lý do thần học, tâm linh và mục vụ ủng hộ nó. Năm 1992, Thánh Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng về việc đào tạo linh mục, đã xác nhận truyền thống này trong Giáo hội Latinh (PDV 29). Xét rằng sự đa dạng hợp pháp không gây tổn hại cho sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội, nhưng biểu lộ và phục vụ nó (LG 13; OE 6), làm chứng cho sự đa dạng của các nghi lễ và kỷ luật hiện hành, chúng ta đề nghị cơ quan có thẩm quyền thiết lập các tiêu chuẩn và thiên hướng (dispositions) trong khuôn khổ Lumen Gentium 26, để phong chức linh mục cho những người đàn ông thích đáng, được cộng đồng công nhận, vốn có thời gian làm phó tế vĩnh viễn hữu hiệu và nhận được một cuộc đào tạo thích đáng để làm linh mục, có thể có một gia đình ổn định và được thiết lập hợp pháp, để duy trì đời sống của cộng đồng Kitô hữu qua việc rao giảng Lời Chúa và cử hành các Bí tích tại những vùng xa xôi nhất của vùng Amazon. Về phương diện này, một số nghị phụ ủng hộ một phương thức phổ quát cho chủ đề này.

Những nẻo đường mới cho tính đồng nghị giáo hội

a. Các cơ cấu đồng nghị vùng trong Giáo Hội Amazon.

112. Phần lớn các Giáo phận, Phủ doãn tông toà và Tòa Ðại diện của Amazon có lãnh thổ rộng lớn, ít thừa tác viên thụ phong và thiếu nguồn tài chính, gặp nhiều khó khăn để duy trì sứ mệnh. "Phí tổn Amazon" có những tác động nghiêm trọng đến việc truyền giảng tin mừng. Trước thực tại này, cần phải suy nghĩ lại cách tổ chức các Giáo hội địa phương, suy nghĩ lại các cơ cấu hiệp thông ở các bình diện tỉnh, vùng, quốc gia và cả Toàn vùng Amazon. Do đó, cần phải xác định rõ các vùng đồng nghị và tạo ra các mạng lưới hỗ trợ có tính liên đới. Ðiều khẩn cấp là phải vượt qua các biên giới địa dư và xây dựng những cây cầu nhằm hợp nhất. Văn kiện Aparecida đã nhấn mạnh rằng các Giáo hội địa phương nên tạo ra các cách liên kết giữa các giáo phận ở mỗi quốc gia hoặc giữa các quốc gia trong một vùng, và nuôi dưỡng một sự hợp tác lớn hơn giữa các Giáo hội Chị em (xem DAp 182). Nhằm một Giáo hội hiện diện, liên đới và Samaritanô, chúng ta đề nghị: sắp xếp hợp lý các vùng địa lý rộng lớn của các Giáo phận, các tòa đại diện và các "giám hạt"; thiết lập một quỹ Amazon để hỗ trợ việc truyền giảng tin mừng; nhạy cảm hóa và kích thích các cơ quan hợp tác quốc tế của Công Giáo để hỗ trợ, ngoài các dự án xã hội, các hoạt động truyền giảng tin mừng.

113. Năm 2015, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục của Thánh Phaolô VI, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi đổi mới hiệp thông đồng nghị ở các bình diện khác nhau của đời sống Giáo hội: địa phương, vùng và phổ quát. Giáo hội đang khai triển một cách hiểu biết mới về tính đồng nghị ở bình diện vùng. Dựa vào truyền thống, Ủy ban Thần học Quốc tế cho biết: "Bình diện vùng trong việc thi hành tính đồng nghị là một điều đang diễn ra trong việc tái nhóm họp các Giáo hội đặc thù có mặt trong cùng một vùng: một tỉnh - như đặc biệt xảy ra trong các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội - hoặc một quốc gia, một lục địa hoặc một phần của nó: (Tài liệu "Tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội", Vatican, 2018, 85). Việc thi hành tính đồng nghị ở bình diện này củng cố các dây liên kết tinh thần và định chế, thúc đẩy việc trao đổi các ơn phúc và giúp lên kế hoạch cho các tiêu chuẩn mục vụ chung. Công việc chung trong mục vụ xã hội của các giáo phận nằm ở biên giới các quốc gia phải được tăng cường để giải quyết các vấn đề chung vượt qua những gì là địa phương, như khai thác người và lãnh thổ, buôn bán ma túy, tham nhũng, buôn người, v.v. vấn đề di cư cần được giải quyết một cách phối hợp bởi các Giáo Hội tại các biên giới.

b. Các trường đại học và các cơ cấu đồng nghị mới của Amazon

114. Chúng ta đề nghị: một trường đại học Công Giáo vùng Amazon được thiết lập dựa trên nghiên cứu liên ngành (bao gồm cả nghiên cứu dã chiến), về hội nhập văn hóa và đối thoại liên văn hóa; nền thần học hội nhập văn hóa đó bao gồm việc đào tạo chung cho các thừa tác vụ giáo dân và việc đào tạo các linh mục, chủ yếu dựa trên Kinh thánh. Các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và mở rộng phải bao gồm các chương trình nghiên cứu về môi trường (kiến thức lý thuyết được xác lập với túi khôn của các dân tộc sống ở vùng Amazon) và các nghiên cứu sắc tộc (mô tả các ngôn ngữ khác nhau, v.v.). Việc đào tạo các giảng viên, việc giảng dạy và sản xuất các tài liệu giáo khoa phải tôn trọng phong tục và truyền thống của người dân bản địa, khai triển tài liệu giảng dạy hội nhập văn hóa và thực hiện các hoạt động mở rộng ở các quốc gia và vùng khác nhau. Chúng ta yêu cầu các trường đại học Công Giáo của Châu Mỹ Latinh giúp đỡ trong việc thiết lập Ðại học Công Giáo vùng Amazon và đồng hành với sự phát triển của nó.

c. Cơ chế giáo hội vùng hậu Thượng Hội Ðồng cho Amazon

115. Chúng ta đề nghị thành lập một cơ chế giám mục nhằm cổ vũ tính đồng nghị giữa các Giáo hội trong vùng, giúp phác họa ra khuôn mặt Amazon cho Giáo hội này và tiếp tục nhiệm vụ tìm ra những nẻo đường mới cho sứ mệnh truyền giảng tin mừng, đặc biệt bằng cách cơ chế hóa đề nghị sinh thái toàn diện, nhờ thế, tăng cường diện mạo của Giáo hội Amazon. Nó sẽ là một cơ chế giám mục thường trực và có tính đại diện, nhằm cổ vũ tính đồng nghị trong vùng Amazon, ăn khớp với Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh (CELAM), nhưng có cơ cấu riêng của nó, trong một tổ chức đơn giản và cũng ăn khớp với Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Vùng Amazon (REPAM). Nhờ cách này, nó có thể là máng chuyển hữu hiệu để lãnh thổ của Giáo hội Mỹ Latinh và vùng Caribbean tiếp nhận nhiều đề nghị được nêu ra trong Thượng hội đồng này. Nó sẽ là dây nối kết làm cho các mạng lưới và sáng kiến giáo hội và môi trường xã hội ăn khớp với nhau ở bình diện lục địa và quốc tế.

d. Nghi lễ cho các dân tộc bản địa

116. Công đồng Vatican II đã mở không gian cho tính đa nguyên phụng vụ, "cho các biến thể và thích nghi hợp pháp đối với các nhóm và dân tộc khác nhau" (SC 38). Về phương diện này, phụng vụ phải đáp ứng văn hóa để nó là nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu (Xem SC 10) và để nó cảm thấy liên thuộc với các đau khổ và niềm vui của người ta. Chúng ta phải cung cấp câu trả lời có tính Công Giáo chân thực cho kiến nghị của các cộng đồng Amazon muốn được thích nghi phụng vụ, biết đánh giá cao vũ trụ quan bản địa, các truyền thống, các biểu tượng và nghi thức vốn bao gồm các chiều kích siêu việt, cộng đồng và sinh thái.

117.Có 23 Nghi lễ khác nhau trong Giáo Hội Công Giáo, một dấu chỉ rõ ràng cho thấy một truyền thống, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đã cố gắng hội nhập văn hóa các nội dung của đức tin và việc cử hành đức tin này qua ngôn ngữ gắn bó nhất có thể với mầu nhiệm người ta muốn bày tỏ. Tất cả các truyền thống này đều có nguồn gốc từ sứ mệnh của Giáo hội: "Các Giáo Hội của cùng một khu vực địa lý và văn hóa đã đến để cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô bằng những biểu thức đặc thù, nói lên đặc điểm văn hóa của họ: trong truyền thống "kho tàng đức tin', trong tính biểu tượng phụng vụ, trong việc tổ chức hiệp thông huynh đệ, trong cái hiểu thần học về các mầu nhiệm và trong các hình thức thánh thiêng khác nhau": Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo 1202; cũng nên xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo 1200-1206).

118.Ðiều cần thiết là, trong nỗ lực truyền giảng tin mừng không mệt mỏi của mình, Giáo hội phải làm việc để diễn trình hội nhập văn hóa đức tin được phát biểu theo những cách gắn bó hơn, để nó cũng có thể được cử hành và sống theo các ngôn ngữ riêng của các dân tộc Amazon. Ðiều cấp thiết là phải thành lập các ủy ban dịch thuật và soạn thảo các bản văn Kinh thánh và phụng vụ bằng các ngôn ngữ riêng của các nơi chốn khác nhau, với các tài nguyên cần thiết, bảo tồn chất thể (matter) của các Bí tích và thích nghi chúng vào mô thức (form), mà không quên điều cốt yếu. Về phương diện này, điều cần là khuyến khích âm nhạc và ca hát, tất cả đều được phụng vụ chấp nhận và cổ vũ.

119. Cơ chế mới của Giáo hội tại Amazon phải thành lập một ủy ban có năng quyền để nghiên cứu và đối thoại, phù hợp với các cách sử dụng và phong tục của các dân tộc có tổ có tiên, việc khai triển một nghi lễ cho người Amazon, có thể phát biểu được gia tài phụng vụ, thần học, kỷ luật và tâm linh Amazon, đặc biệt tham chiếu những gì Lumen Gentium khẳng định cho các Giáo hội Ðông phương (x. LG 23). Ðiều này sẽ được thêm vào các nghi lễ đã có trong Giáo hội, làm phong phú thêm công việc truyền giảng tin mừng, khả năng phát biểu đức tin bằng nền văn hóa riêng của người ta, và chiều hướng tản quyền và hợp đoàn (collegiality) vốn có thể nói lên tính Công Giáo của Giáo Hội. Nó cũng có thể nghiên cứu và đề nghị cách làm phong phú các nghi lễ giáo hội bằng cách thức trong đó các dân tộc này chăm sóc lãnh thổ của họ và tương quan với các nguồn nước của nó.

Kết Luận

120. Chúng tôi kết thúc dưới sự bảo vệ của Ðức Maria, Mẹ của Amazon, được tôn kính bằng các tên khác nhau trong toàn vùng. Nhờ sự bầu cử của ngài, chúng ta cầu xin cho Thượng hội đồng trở thành một biểu thức cụ thể của tính đồng nghị, để sự sống viên mãn mà Chúa Giêsu đến để mang đến cho thế giới (x. Ga 10:10) đến với tất cả mọi người, nhất là người nghèo, và góp phần chăm sóc "ngôi nhà chung". Xin Ðức Maria, Mẹ của Amazon, đồng hành với chúng ta; chúng ta dâng hiến cho Thánh Giuse, người giám hộ trung thành của Ðức Maria và Chúa Giêsu Con của Ðức Mẹ, sự hiện diện giáo hội của chúng ta ở Amazon, Giáo Hội có khuôn mặt Amazon và luôn ra đi truyền giáo.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page