Ðến Với Muôn Dân

Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX

 

Ðến Với Muôn Dân - Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX.

Hoa Vàng, Vĩnh Thân, Media TGP Sài Gòn


Ðến Với Muôn Dân - Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX.


Sàigòn (WHÐ 31-10-2019) - "Nối nhịp Văn hóa và Tôn giáo" là chủ đề buổi Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX diễn ra lúc 15g Chúa nhật, 27 tháng 10 năm 2019 tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGP SG).

Trước giờ khai mạc, Ban Mục vụ Liên tôn, nhóm Lòng Chúa Thương Xót và anh em Hướng đạo Công giáo đã xếp dàn chào để đón khách từ cổng Trung Tâm Mục Vụ. Bên trong, các nữ tu chuẩn bị dây đeo và tặng quý khách mỗi người một gói quà trước khi bước vào Hội trường.

Khai mạc

Hiện diện trong buổi gặp gỡ có rất đông chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo bạn tại Sàigòn như: Cộng đồng tôn giáo Baha'i Việt Nam, Hội Thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Ðài, Cơ quan Phổ thông Giáo lý Ðại Ðạo, Thánh thất Bàu Sen, Phật giáo Hòa Hảo, Minh Lý Thánh Hội, Islam...

Về phía Giáo hội Công giáo, có sự hiện diện của Ðức Hồng Y (ÐHY) Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - người thành lập Ủy ban Ðối thoại Liên tôn, Ðức Giám mục (ÐGM) Giuse Ðặng Ðức Ngân - Chủ tịch Uỷ ban Văn Hóa thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, linh mục (Lm) Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - Trưởng Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn, các Ủy ban Loan báo Tin mừng thuộc GP Xuân Lộc, Ủy ban Mục vụ Liên tôn Tổng Giáo Phận Huế và nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân, các ban Mục vụ, dòng tu, học viện, giáo xứ,... trong Tổng Giáo Phận.

Mục đích, ý nghĩa

Sau khi nhắc lại ý nghĩa của ngày 27 tháng 10 hằng năm và nêu chủ đề buổi Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX "Nối nhịp Văn hóa và Tôn giáo". Người dẫn chương trình đã nêu 3 mục đích chính của buổi hội ngộ gồm:

Mục đích 1: Cùng nhớ lại cuộc gặp lịch sử cách đây 800 năm giữa một tu sĩ nhỏ bé, nghèo khổ Phanxicô và ngài Quốc vương Al-Malik-al-Kamil để bàn về sự hòa giải.

Mục đích 2: Tôn vinh vị Linh mục Thừa sai Paris Léopold Cardière tài ba, nhiệt thành, đức hạnh. Ngài đến Việt Nam (VN) năm 23 tuổi, làm việc suốt 63 năm tại Việt Nam. Ngài có nhiều công trình vĩ đại mà các nhà khoa học tại VN đã tôn vinh ngài là vị bác học về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo... Nhân dân Việt Nam cảm kích yêu thương gọi ngài là Cố Cả.

Mục đích 3: - Từ Tinh thần Hòa Bình của Thánh Phanxicô cách đây 800 năm, và tâm hồn rộng mở của Lm. Leopold Michael Cardière đã hơn 1 thế kỷ qua. Công đồng Vaticanô II, năm 1960 mở ra luồng gió của Thần Khí mới bằng con đường đối thoại. Nhằm thực hiện giáo huấn của Công đồng, Ðức Hồng Y Gioan Baotixita đã thành lập Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn vào ngày 05 tháng 12 năm 2009. Ðến nay tròn 10 tuổi.

Tiếp theo Ðức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên tuyên bố khai mạc hội ngộ giữa tiếng trống vang vọng của các nữ tu dòng Phaolô, mở đầu cho buổi Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX thật trang trọng.

Mở đầu

Tham dự viên đã theo dõi video Tổng kết 8 kỳ Hội ngộ Liên tôn, gồm:

Ngày 27-10-2011 với Chủ đề: Chung Tay Xây Dựng Bình An.

Ngày 27-10-2012 với Chủ đề: Cùng Nhau Vượt Qua Khổ Ðau.

Ngày 27-10-2013 với Chủ đề: Hiệp Tâm Vun Ðắp An Hòa.

Ngày 27-10-2014 với Chủ đề: Trao Nhau Niềm Vui Hướng Thượng.

Ngày 27-10-2015 với Chủ đề: Bồi Ðắp Văn Hóa Gặp Gỡ

Ngày 27-10-2016 với Chủ đề: Phúc Cho Người Biết Xót Thương.

Ngày 27-10-2017 với Chủ đề: Ðồng Tâm Kiến Tạo Nhân Hòa.

Ngày 27-10-2018 - Chủ đề: Hiểu Biết Phụng Sự Nhân Sinh.

Chia sẻ 1

Trước tiên, giáo sư Thượng Văn Thanh - Giáo hội truyền giáo Cao Ðài - chia sẻ đề tài: Ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống văn hóa xã hội. Ông nêu lên câu hỏi để mọi người suy nghĩ: Nếu suốt dòng lịch sử trên hành tinh này không có tôn giáo, thì nhân loại ngày này sẽ như thế nào? Ông diễn giải:

Tạm thời bỏ từ 'tôn giáo', chúng ta dùng từ đạo, như đạo Phật, đạo Chúa, đạo Lão, đạo Khổng, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Ðài# thì chữ đạo ấy rất đẹp, vừa giữ tính cách tôn giáo vừa vượt lên trên tính phàm thế tầm thường. Cụ thể dân gian thường nói: "Ăn ở bất nhân, không tốt gọi là vô đạo."

Giáo sư diễn giải rất rõ ràng, tôn giáo rất cần cho đời sống văn hóa, xã hội. Ông nói thêm về đạo ca đầy ý nghĩa của anh em Hội thánh truyền giáo Cao Ðài "Về nương trong ân Thánh" trong bình an và tin tưởng.

Chia sẻ 2

Với chủ đề "Tìm hiểu ảnh hưởng của đạo Phật trên đời sống văn hóa Việt Nam, thông qua thuật ngữ 'Nghiệp'", Thượng tọa Thích Minh Thành - Tịnh xá Trung tâm - diễn giải: "Nghiệp theo đạo Phật là những hành động của mình trong quá khứ, nó lưu giữ và phát huy tác động đến đời sống hiện tại của chúng ta. Nghiệp thì có nghiệp lành, nghiệp dữ, nghiệp thiện, nghiệp ác. Nếu chúng ta biết dung bồi nghiệp Thiện thì mọi sự sẽ khác đi sẽ tốt hơn."

Thượng tọa trình bày 3 phần sau:

Phần 1: Có tính chất thuật ngữ chuyên sâu. Trong đó có câu chuyện An Tiêm rất đáng lưu ý. Chuyện Bá Hy, Thức Tề phản đối quan điểm cực đoan, cho rằng tất cả đều phải nằm về một mối (theo nền văn hóa Trung Hoa) là sai...

Phần 2: Có tính chất liên lạc, liên quan đến đời sống Văn hóa.

Phần 3: Phần kết.

Câu chuyện của An Tiêm là kết thúc có hậu, gọi là dung hòa. Dung hòa chính là quan điểm của đạo Phật còn gọi là Trung Ðạo.

Quan điểm Trung Ðạo của nhà Phật từ Ấn Ðộ sang Việt Nam. Ðó là nét đẹp giao thoa văn hóa. Ở đây chúng ta cũng đang giao thoa văn hóa với nhau. Trong cuộc sống cần phải có một hướng đi về, biết sống hài hòa, khoan dung độ lượng với nhau thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn...

Hoạt cảnh

Ðan xen giữa các bài chia sẻ, hoạt cảnh "Kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử xảy ra 800 năm trước giữa Thánh Phanxicô và Quốc vương Al-Malik-Al-Kamil" do các thầy Học viện Phanxicô Thủ Ðức trình diễn, đã gợi lại cho chúng ta cảnh một Phanxicô nghèo khó, hèn mọn, không sợ hãi gì, dám đến trước mặt Quốc vương Islam đầy uy quyền để bàn về việc hòa giải. Quý thầy đã cho mọi người thấy được một Phanxicô đức hạnh, hèn mọn, một sự khiêm nhượng để đổi lấy tình yêu thương và hòa bình.

Chia sẻ 3

Nối tiếp hoạt cảnh, linh mục Phanxicô Ðịnh Trọng Ðệ, OFM đã nói lên tâm tình của anh em Phan Sinh hiện nay qua đề tài: "Di sản cuộc gặp gỡ lịch sử cách đây 800 năm trong đời sống anh em Phan Sinh hiện nay". Linh mục nêu lên 3 điểm chính:

- Ở bên kia chiến tuyến

- Bước qua chiến tuyến

- Trở về từ chiến tuyến và những di sản tinh thần

Và sau khi trở về từ Islam, ngài có nhiều thay đổi và luật lệ mới cho anh em trong nhà dòng.

Mừng Sinh nhật 10 tuổi

Trong bầu khí thân thương, gần gũi và an hòa, để kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Ðối thoại Liên tôn TGP SG, cả hội trường đã hát vang bài hát "Yêu bằng tình loài người" thật sôi động và ý nghĩa.

Huấn từ của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Ðức Hồng y nói: Từ ngày về làm việc ở Sài Gòn, tôi chỉ làm 2 công việc này:

1- Tổng Giáo Phận Sài Gòn có hơn 200 giáo xứ, tôi đề nghị các cha nối kết các gia đình giáo dân trong giáo xứ, lập ra quỹ giúp cho những đứa bé cha mẹ không có tiền đóng tiền học, cho học lên dần...

2- Nhờ các doanh nhân tạo ra quỹ học bổng giúp cho hơn 100 sinh viên (SV) nhà nghèo có tiền tiếp tục học, thường xuyên theo dõi SV ra trường, nếu tốt nghiệp thì các doanh nhân lại lo cho có việc làm.

Nhiều năm sau, các em này ra trường, cuộc sống khá giả thì nhớ lại thời đã qua của mình mà giúp lại cho các sinh viên khác.

Giải lao và cắt băng khánh thành phòng triển lãm

Trong 15 phút giải lao, đại diện các tôn giáo đã cùng cắt băng khánh thành phòng triển lãm "Văn hóa và Tôn giáo" tại nhà truyền thống TGP.

Chia sẻ 3

Sau giờ giải lao, Linh mục Laurent Gatinois, MEP là hậu duệ Thừa sai Paris của Linh mục Léopold Michael Cadière (1869 - 1955) đã nói về "Cuộc đời nhà văn hóa, tôn giáo". Ngài là Linh mục người Pháp nhưng lại viết về cuộc đời vị tiền bối của mình bằng tiếng Việt.

Kết thúc bài thuyết trình, ngài đã đọc lên những lời cuối cùng của Linh mục Leopold Michael Cardière:

- Tôi hiểu người Việt Nam bởi lẽ tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ.

- Tôi yêu người Việt vì trí thông minh nhạy bén trong suy nghĩ.

- Tôi yêu người Việt vì những đức hạnh chân thành.

- Tôi yêu họ vì họ khổ.

- Ðời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Xin cho tôi chết tại đây.

Tiếp theo là màn vũ Tây Nguyên do các nữ tu dòng Truyền giáo Lao động phụ trách.

Cầu nguyện kết thúc

Sau cùng là những lời cầu nguyện của 7 vị đại diện cho các tôn giáo, gồm: Ðại diện cộng đồng tôn giáo Baha'I, Ðại diện Hội thánh Cao Ðài, Ðại diện Hội thánh Islam, Ðại diện Kitô giáo, Ðại diện Minh Ðại Ðạo, Ðại diện Phật giáo Hòa Hảo, và Ðại diện Bửu Sơn Kỳ Hương.

Lời cầu nguyện sau cùng, cả hội trường cất lên bài hát "Kinh Hòa Bình" của Thánh Phanxicô Assisi.

Buổi hội ngộ kết thúc với lời cảm ơn của Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -Trưởng ban Mục vụ Liên tôn Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Hoa Vàng, Vĩnh Thân, Media TGP Sài Gòn

(Nguồn: Tổng Giáo phận Sài Gòn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page