Công bố văn kiện
hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên
Công bố văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên.
UBVH/HÐGMVN
Hải Phòng (WHÐ 29-10-2019) - Công bố văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên:
Trong Ðại hội lần thứ XIV diễn ra từ 30/9 đến 4/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phép áp dụng thử nghiệm "Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên" trong thời gian 3 năm, từ ngày 04/10/2019. Và trong buổi Hội thảo Văn hóa được tổ chức ngày 25-26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa đã công bố và giới thiệu văn kiện này.
Sau đây là toàn văn lời công bố và giới thiệu của Ðức cha chủ tịch:
"Anh em hãy đi đến cùng trời cuối đất, loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo"(Mc 16,15). Ðó là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các anh em môn đệ. Thực tế khi rao giảng Tin Mừng ở nhiều nơi, vào những thời điểm cụ thể, anh em thường phải đối mặt với các thách thức cam go về phong tục, truyền thống hay văn hóa địa phương. Riêng tại Á Ðông, việc tôn kính tổ tiên là một trong những vấn nạn lớn trong lịch sử truyền giáo. Thực sự, các thừa sai (hầu hết đến từ Tây phương) đã có những quan điểm khác nhau về truyền thống các dân tộc trong việc thờ kính tổ tiên, tôn kính các anh hùng liệt nữ và "các Thần Thánh" (như Ðức Khổng Tử, các vị thành hoàng), và các nghi thức liên quan đến việc quan hôn tang tế. Suốt một thời gian dài, vấn đề tôn kính tổ tiên như vẫn còn bỏ ngỏ và được thích ứng tùy quan điểm và định hướng của các nhà truyền giáo tại mỗi nơi (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam...). Mãi tới ngày Huấn thị Plane Compertum Est được Ðức Hồng Y Phêrô Fumasoni Biondi, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo công bố (08/12/1939), một đường hướng mới mẻ và nhất quán đã thực sự được khai mở cho cuộc hội nhập văn hóa về việc tôn kính tổ tiên.
Huấn thị Plane Compertum Est xác định ngay trong phần mở đầu: "Rõ ràng là tại Cực Ðông xưa kia có một số nghi lễ gắn liền với nghi điển ngoại giáo, nay vì những biến đổi theo thời gian về các phong tục và ý tưởng, nên nó chỉ còn mang ý nghĩa dân sự, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, yêu mến tổ quốc và vì lịch sự trong các tương quan xã hội". Sau khi phân tích các mặt thuận và nghịch của vấn đề dưới góc độ văn hóa cũng như tôn giáo, Huấn thị đã tuyên bố: "Người Công giáo được phép tham dự các nghi lễ kính Ðức Khổng, trước hình ảnh hoặc bài vị mang tên Ngài trong các văn miếu hay trường học"(số 1); và "phải coi là được phép và xứng hợp tất cả những (cử chỉ) cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ"(số 4).
Tại Việt Nam, Giáo hội cũng đã có những nỗ lực thích nghi và hội nhập về văn hóa thờ kính tổ tiên theo từng giai đoạn cụ thể:
I/ Ðịnh Hướng Của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam Về Lòng Tôn Kính Tỏ Tiên
Sau Huấn thị Plane Compertum Est, "Ngày 20.10.1964 Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est (08/12/1939), về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam" (Phần mở đầu của Thông cáo 14/6/1965). Theo Thông cáo này Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã khẳng định: "Giáo hội không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Âu cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thực"(Thông cáo 1965 phần II, số 2).
Chín năm sau, với Quyết nghị ngày 14/11/1974, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận và yêu cầu phổ biến trên toàn quốc Thông cáo Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 1965. Ðồng thời nhấn mạnh lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên và nghi lễ tôn kính vị thành hoàng với những xác định cụ thể như sau: "Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm" (số 2); "Ðược tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các "yêu thần, tà thần" (số 6).
Hôm nay qua Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên, chúng tôi định hướng lòng tôn kính tổ tiên theo Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng (GS 45), Thông Ðiệp Sứ Vụ Ðấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), Huấn thị Plane Compertum Est và đề ra những áp dụng cụ thể theo nội dung của Thông cáo 1965 và Quyết nghị 1974 của Hội Ðồng Giám Mục Nam Việt Nam. Trong văn bản này có giới thiệu các nghi thức và những lời nguyện mẫu dành cho các dịp cưới hỏi và tang lễ, nhưng tất cả chỉ là gợi ý không mang tính bắt buộc như các văn bản Phụng Vụ chính thức.
II/ Tiến Trình Thảo Luận Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên
Năm 2014, kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã ủy nhiệm Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Uỷ Ban Văn Hóa, tổ chức cuộc hội thảo về lòng tôn kính tổ tiên. Nhận thức được tầm sâu rộng của chủ đề, Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống đã mời đặc biệt Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cộng tác cùng kêu gọi các giáo phận, dòng tu và các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam góp ý với hội thảo.
Cuộc hội thảo do Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tọa với 4 vị thuyết trình viên: Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình; Linh mục Giáo sư Tiến sĩ Giuse Vũ Kim Chính (giảng dạy tại Ðại học Phụ Nhân, Ðài Loan); Linh mục Phanxicô X. Ðào Trung Hiệu (giảng dạy tại nhiều đại chủng viện và học viện liên dòng), Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Ðoàn (giảng dạy tại Ðại học Phụ Nhân, Ðài Loan), và 312 hội thảo viên, trong đó có các đức giám mục Antôn Vũ Huy Chương, Micae Hoàng Ðức Oanh, Phêrô Nguyễn Khảm và các Ðức ông Phanxicô Trần Văn Khả, Barnabê Nguyễn Văn Phương, cùng với nhiều vị bề trên các dòng tu, linh mục từ các giáo phận như cha Gioan Phêrô Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, Tôma Nguyễn Văn Thượng, Giuse Trần Sĩ Tín (CSsR), Ðaminh Nguyễn Ðức Thông (CSsR), Sr. Anna Kim Loan, ông Antôn Uông Ðại Bằng, Giuse Nguyễn Minh Chiến, Augustinô Vương Ðình Chữ, Giuse Nguyễn Minh Phú, bà Têrêsa Phaolô Nguyễn Hà Tường Anh... Tất cả đều nhiệt tình tham gia thảo luận các đề tài.
Sau hai ngày thảo luận, qua Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, các hội thảo viên đã trình lên Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam một thỉnh nguyện thư xin Hội Ðồng Giám Mục thành lập một ủy ban để tiến hành xác lập và đề ra những áp dụng thực hành:
1/ Quy định các nghi thức và soạn thảo những lời cầu nguyện theo hướng hội nhập Kitô giáo vào nề nếp văn hóa Việt Nam trong cách bày tỏ lòng thảo hiếu với ông bà, tổ tiên.
2/ Cùng trong tinh thần hội nhập văn hóa, xin Hội Ðồng Giám Mục xác định rõ ràng và cụ thể về nghi thức trong lễ cưới hỏi, lễ tang, lễ gia tiên và bàn thờ gia tiên.
3/ Xin sử dụng cờ ngũ hành làm dấu hiệu Kitô hữu hòa lòng với dân tộc.
Ðáp ứng bức thỉnh nguyện thư này, Hội Ðồng Giám Mục đã ủy cho Ðức cha Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa cùng với các giám mục thuộc các Uỷ Ban liên hệ soạn thảo "Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên". Ủy ban Soạn Thảo bắt đầu làm việc từ năm 2014 và kết thúc vào năm 2019 qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn I thảo luận Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên gồm các thành viên:
Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống - Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa chủ tọa, Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình, Ðức cha Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin, Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ - Chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự, Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý - Thư ký Ủy Ban Văn Hóa kiêm Thư ký cuộc họp, Linh mục Ðaminh Ngô Quang Tuyên - Thư ký Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, Linh mục Phanxicô X. Bảo Lộc - văn phòng Ðối Thoại Liên Tôn và một số các chuyên viên nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Ông Antôn Uông Ðại Bằng, Ông Ðaminh Hồ Công Hưng, Ông Giuse Nguyễn Minh Phú.
Ðầu tháng 3 năm 2017, Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống - Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa qua đời, "Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên" còn dở dang. Tháng 4 năm 2017, trong Hội nghị Thường niên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tại giáo phận Nha Trang, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, giám mục giáo phận Ðà Nẵng được Hội Ðồng Giám Mục bầu làm tân Chủ tịch của Ủy Ban Văn Hóa thay Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, và được Hội Ðồng Giám Mục ủy nhiệm mời các đức giám mục đặc trách các Ủy Ban liên hệ tiếp tục hoàn thành "Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên".
Giai đoạn II thảo luận Văn Bản Hướng dẫn việc Tôn Kính Tổ Tiên gồm các thành viên:
Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân - Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa chủ tọa, Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình, Ðức cha Gioan Ðỗ Văn Ngân - Chủ tịch Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin, Ðức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự, Ðức cha Anphongxô Nguyễn Hữu Long - Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, Ðức Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy Ban Di Dân, Ðức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn - Phụ tá Tổng Giáo phận Sài gòn, Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý - Thư ký Ủy Ban Văn Hóa, kiêm Thư ký cuộc họp, và một số các chuyên viên nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Ông Augustinô Vương Ðình Chữ, Ông Antôn Uông Ðại Bằng, Ông Giuse Nguyễn Minh Chiến, Ông Giuse Nguyễn Minh Phú.
III/ Tiến Trình Chuẩn Nhận:
Sau năm năm nỗ lực, ban Soạn Thảo đã hoàn tất "Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên". Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa thay mặt ban Soạn Thảo đệ trình Văn Bản hoàn chỉnh lên Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tại cuộc họp thường niên ở Mỹ Tho năm 2018; sau đó, Văn Bản được chuyển tới Ðức cha Phêrô Nguyễn Khảm, Tổng Thư ký Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và được Ðức cha Tổng Thư ký cho đăng trên tập san Hiệp Thông của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (số 110 tháng 1&2/2019 từ trang 74-93).
Trong Ðại hội lần thứ XIV của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam họp từ 30 tháng 9 đến 4 tháng 10 năm 2019 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Hải Phòng, "Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên" đã được Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân trình bày trước Ðại hội. Sau khi thảo luận về Văn Bản này, các đức giám mục đã biểu quyết đồng thuận và Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã công bố cho phép áp dụng thử nghiệm Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên trong thời gian 3 năm, từ ngày 04 tháng 10 năm 2019.
Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên được Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đổi tên thành Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên. Văn Kiện đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử của Giáo hội Việt Nam về lòng tôn kính tổ tiên thuộc giới răn Thứ Tư trong Mười Ðiều Răn Ðức Chúa Trời về "Thảo Kính Cha Mẹ".
Ðà Nẵng, ngày 07 tháng 10 năm 2019
TM/ UBVH/HÐGMVN
(Ấn Ký)
+ Giuse Ðặng Ðức Ngân
Giám Mục Giáo Phận Ðà Nẵng
Chủ tịch UBVH/HÐGMVN
(Nguồn: Ủy ban Văn hóa/HÐGMVN)