Cải tiến Hiệp Ước Hang Toại Ðạo,

ưu tiên chọn người nghèo và bảo vệ môi trường

 

Chuyện bên lề Thượng Hội Ðồng Amazon: Cải tiến Hiệp Ước Hang Toại Ðạo, ưu tiên chọn người nghèo và bảo vệ môi trường.

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 20-10-2019) - Vatican News hôm nay loan tin: một nhóm Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng lặp lại "Hiệp Ước Hang Toại Ðạo". Trang tin này cho hay, theo chân một số Nghị Phụ Công Ðồng (Vatican II) năm 1965, một nhóm tham dự viên tại Thượng Hội Ðồng Amazon đã tới Hang Toại Ðạo Domitilla để tái khẳng định phương thức thời danh "ưu tiên chọn người nghèo".

Còn nhớ ngày 16 tháng 11 năm 1965, chỉ mấy ngày trước khi bế mạc Công Ðồng Vatican II, 42 Nghị Phụ Công đồng đã cử hành một Thánh Lễ tại Hang Toại Ðạo Domitilla, khẩn xin Thiên Chúa ban ơn "trung thành với tinh thần của Chúa Giêsu" trong việc phục vụ người nghèo. Sau khi cử hành Thánh Lễ ấy, các ngài đã ký "Hiệp Ước Toại Ðạo về Một Giáo Hội Nghèo và Phục Dịch". Sau đó, hơn 500 Nghị Phụ Công Ðồng đã ghi tên các ngài vào Hiệp Ước.

Theo chân các Nghị Phụ Công Ðồng, phác thảo các nẻo đường mới

Hơn 50 năm sau, di sản của các Nghị Phụ Công đồng đã được nối tiếp bởi một nhóm tham dự viên tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho vùng Toàn-Amazon, một Thượng Hội Ðồng đang tập chú vào chủ đề "Những nẻo đường mới cho Giáo hội và cho một hệ sinh thái toàn diện". Ðức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng, đã chủ trì thánh lễ tại hang toại đạo, sau đó, các Nghị phụ Thượng hội đồng đã ký một "Hiệp ước Toại Ðạo mới về Ngôi nhà chung. Về một Giáo hội có khuôn mặt Amazon, người nghèo và người phục dịch, tiên tri và Samaritanô".

Ðức Hồng Y Hummes: Thượng hội đồng là hoa trái của Công đồng

Trong bài giảng, Ðức Hồng Y Hummes nhắc lại rằng các Hang Toại Ðạo là những nghĩa trang cổ xưa nơi các Kitô hữu chôn cất các vị tử đạo của họ. Ngài nói, "Ðây thực sự là đất thánh". Ngài nói thêm, nơi này nhắc nhở chúng ta về thời kỳ đầu tiên của Giáo hội: thời kỳ khó khăn, được đánh dấu bởi sự bách hại nhưng cũng bởi việc tràn đầy đức tin. Ðức Hồng Y Hummes nói, Giáo hội, "phải luôn trở về cội nguồn của nó ở đây và ở Giêrusalem".

Ðức Hồng Y sau đó đã khẳng định, Thượng hội đồng là hoa trái của Công đồng Vatican II. Những cách thức mới mẻ đang được tìm kiếm để thực hiện sứ mệnh loan báo Lời Chúa. Rồi ngài nhấn mạnh, các tệ nạn lớn của thế giới là do tiền bạc nuôi dưỡng tham nhũng, xung đột, dối trá. Ðức Hồng Y Hummes kết luận, Giáo hội phải luôn luôn "cầu nguyện".

Hiệp ước Toại đạo về Ngôi nhà Chung

Trong tài liệu được ký hôm Chúa Nhật, các tham dự viên Thượng Hội Ðồng Amazon nhắc lại rằng các ngài chia sẻ niềm vui được sống giữa nhiều người dân bản địa, cư dân các bờ sông, di dân và các cộng đồng ngoại ô. Với họ, các ngài đã trải nghiệm "sức mạnh của Tin Mừng hoạt động nơi những người nhỏ bé nhất". Tài liệu viết, "cuộc gặp gỡ với những dân tộc này thách thức chúng ta và mời gọi chúng ta bước vào một cuộc sống đơn giản hơn để chia sẻ và cho đi nhưng không". Những vị ký tên vào tài liệu cam kết sẽ "đổi mới phương thức ưu tiên chọn người người nghèo", từ bỏ "mọi loại não trạng và tư thế thực dân" và công bố "sự mới lạ giải phóng của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô". Họ cũng cam kết công nhận "các thừa tác vụ Giáo Hội hiện đã có sẵn trong các cộng đồng" và tìm "các nẻo đường mới cho hành động mục vụ".

Các cam kết khác trong "Hiệp ước Toại Ðạo về Ngôi nhà Chung" bao gồm các cam kết "bước đi trong tinh thần đại kết với các cộng đồng Kitô giáo khác" và "đảm nhiệm một lối sống hạnh phúc đạm bạc hơn trước trận tuyết lở của chủ nghĩa tiêu thụ". Các nghị phụ ký tên cũng hứa sẽ thừa nhận "các thừa tác vụ giáo hội đã đang hiện diện trong các cộng đồng" và tìm kiếm "những nẻo đường mới cho hành động mục vụ".

Các vị ký tên tuyên bố, "Ý thức được sự yếu đuối của chúng ta, sự nghèo nàn và nhỏ bé của chúng ta trước các thách đố lớn lao và nghiêm trọng đến thế, chúng tôi cam kết cầu nguyện cho Giáo hội".

Người nghèo và thiên nhiên

Phương thức "ưu tiên chọn người nghèo" vốn là của "Hiệp Ước Toại Ðạo" 1965. Và người dẫn đầu phương thức ấy, theo John Allen của tạp chí Crux, là Ðức Hồng Y Giacomo Lercaro của Bologna, Ý, người vốn cho rằng Giáo Hội sẽ huy hoàng nhất lúc bị lột hết mọi nét phù vân thế trần.

Hiệp Ước trên cam kết "sẽ cố gắng sống theo cách thông thường của dân chúng chúng tôi trong tất cả những gì liên quan đến nhà ở, thực phẩm, [và] phương tiện di chuyển... Chúng tôi từ bỏ mãi mãi vẻ bề ngoài và thực chất của giầu có, nhất là trong lối ăn mặc... và các biểu tượng làm bằng qúy kim".

Allen cho rằng kiến trúc sư của Hiệp Ước là Ðức Tổng Giám Mục Hélder Câmara của Olinda và Recife ở Ba Tây, người sau này trở thành cha đỡ đầu của thần học giải phóng. Tuy nhiên, người gây cảm hứng cho nó là Ðức Hồng Y Lercaro, vị Hồng Y đã làm cả Công Ðồng Vatican II như bị điện giật với bài diễn văn năm 1962 trong đó, ngài nhấn mạnh rằng đức khó nghèo và phương thức ưu tiên chọn người nghèo của Giáo Hội phải là nguyên lý tổ chức của toàn bộ Công đồng.

Ðức Cha Luigi Bettazzi là Giám Mục Phụ Tá của Ðức Hồng Y Lercaro vào năm 1965 khi ngài ký tên vào Hiệp ước Toại Ðạo, cho thấy sự ủng hộ của Ðức Hồng Y. Năm nay 95 tuổi, Ðức Cha là vị ký thự Hiệp ước Toại Ðạo duy nhất còn sống.

Theo Allen, những người nghiên cứu lịch sử Vatican II cho bạn hay trong những năm tiếp sau Vatican II, phần lớn người ta mô tả công đồng này như là những cuộc tranh luận nội bộ giữa phe cấp tiến muốn cải tổ tín lý, phụng vụ, luân lý tính dục nhiều hơn, và phe bảo thủ sợ rằng các cải tổ kia đi quá xa.

Nhưng Ðức Hồng Y Lercaro không vướng vào hai thái cực ấy, ngài đề nghị phương thức thứ ba: ít tranh chấp nội bộ, nhiều diễn đàn hơn cho người nghèo và những người bị chà đạp trên thế giới.

Theo Allen, hồi ấy, một chủ trương như vậy nghe như thiên cộng và chống tư bản Phương Tây thái quá! Nhưng nó lại tìm được đừơng thẩm thấu vào Châu Mỹ La Tinh, nơi nó "biến thái" thành nhiều hình thức khác nhau, không chỉ là thần học giải phóng của Dom Hélder mà cón teología del pueblo (thần học nhân dân) ở Á Căn Ðình, rất gây ảnh hưởng tới vị linh mục trẻ Dòng Tên có tên là Jorge Mario Bergoglio.

Nhưng khi lên ngôi Giáo Hoàng, vị linh mục trẻ trên đã khai triển thêm phương thức "ưu tiên chọn người nghèo" bằng cách nối nó với "ưu tiên bảo vệ Ngôi Nhà Chung của chúng ta" tức môi trường.

Chữ môi trường cũng có thể bị hiểu lầm nên ngài đã chọn một chủ đề hết sức cụ thể, chuyên biệt và rõ như ban ngày để nối kết người nghèo và thiên nhiên: Rừng Amazon. Ở đấy, cả người nghèo và thiên nhiên đều đáng được bảo vệ như nhau. Xét cho cùng thiên nhiên ở Amazon là một thiên nhiên trần trụi chưa bị đổi thay bởi các cải tân kỹ thuật và do đó trần trụi chỉ có trời mây sông nước đất đai cùng cây cối dã thú và... người nghèo. Người nghèo chỉ có những nơi như thế để sống. Thiên nhiên chưa bị lòng tham con người khai thác trần trụi giống như họ. Sự nối kết này mới là tập chú của Thượng Hội Ðồng Amazon.

Nhưng khi loan báo triệu tập Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Amazon, một cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ Giáo Hội lại được phát động, lái nó về phía tín lý, luân lý tính dục... quên hẳn nối kết vô cùng quan yếu trên.

Chắc chắn vì thế mà có việc canh tân "Hiệp Ước Toại Ðạo" dưới sự hướng dẫn của chính Tổng Tường Trình Viên Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Amazon, người chịu trách nhiệm soạn thảo Tài Liệu Sau Cùng, bằng cách thêm việc bảo vệ Ngôi nhà Chung. Hướng đi đúng của Thượng Hội Ðồng Amazon vì thế chắc chắn được duy trì.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page