Cuộc họp báo ngày 17 tháng 10 năm 2019
tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Vùng Amazon
Cuộc họp báo ngày 17 tháng 10 năm 2019 tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Vùng Amazon.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 17-10-2019) - Theo Vatican News, ngày 17 tháng 10 năm 2019, Các tham dự viên hội nghị tiếp tục thảo luận trong các nhóm làm việc nhỏ vào sáng thứ Năm và một nhóm chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm của họ trong cuộc họp báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.
Tất cả những kinh nghiệm đó phát xuất trực tiếp từ Vùng Amazon nhờ bốn vị khách trên bàn chủ tọa: họ bao gồm một nhà giáo dục bản địa từ Guyana, một chuyên gia về linh đạo bản địa, và một chuyên gia về quyền lợi bản địa, cả hai đều phát xuất từ Ba Tây.
Bà Leah Rose Casimero
Bà Leah Rose Casimero điều hợp một chương trình giáo dục song ngữ cho trẻ em Wapichan ở Guyana. Trong bài trình bày của mình, bà đã nói về việc các hệ thống giáo dục đã được "áp đặt" ra sao lên dân của bà, "cùng với mọi điều khác". Bà nói, đã đến lúc "để nắm tương lai trong tay của chúng ta".
Bà nói, điều này ngụ ý "tạo ra một điều gì đó tốt hơn cho trẻ em của chúng ta" về mặt "văn hóa, kiến thức truyền thống và ngôn ngữ". Trong mô hình giáo dục của bà, ngôn ngữ không được dạy như một môn học, mà như một phương tiện.
Bà Casimero là người Wapichan và cho biết người bản địa thường không được lắng nghe. Tuy nhiên, sự việc không diễn ra như thế tại Thượng Hội Ðồng, nơi bà cảm thấy mọi người tôn trọng lẫn nhau, nói và lắng nghe như "những người hợp tác".
Bà Patricia Gualinga
Bà Patricia Gualinga là một nhà lãnh đạo bản địa thuộc cộng đồng Kichwa ở Sarayaku, Ecuador. Trong can thiệp của mình, bà đã kêu gọi "một dấn thân định chế" để cứu Amazon. Xác định đây là một trong những sinh quần quan trọng nhất trên hành tinh, bà cho biết loại dấn thân này sẽ là "vì lợi ích của toàn thể nhân loại".
Bà Gualinga cho biết, Giáo hội có mặt ở Vùng Amazon, nhưng cần phải gần gũi hơn với người dân bản địa, là "những người đang ở tuyến đầu" và có nguy cơ "bị bách hại và sát hại". Bà kết luận, thiên nhiên là ngôi nhà chung của chúng ta.
Tiến sĩ Felicio de Araujo Pontes Junior
Tiến sĩ Felicio de Araujo Pontes Junior là một chuyên gia về quyền lợi bản địa, đang làm việc tại Ba Tây. Ông mô tả việc ông cung cấp sự bảo vệ luật pháp ra sao cho người dân bản địa sống trong rừng và dọc theo các dòng sông của Amazon, khi họ xung đột với "các mô hình phát triển áp đặt lên khu vực".
Cha Justino Sarmento Rezende, S.D.B.
Cha Justino Sarmento Rezende đã làm linh mục dòng Salêdiêng trong 25 năm, và là một chuyên gia về linh đạo mục vụ bản địa và hội nhập văn hóa ở Ba Tây. Bài trình bầy của ngài tập chú vào việc tạo ra một Giáo Hội Amazon có "khuôn mặt mới". Ngài nói đến việc "mang giá trị lại cho truyền thống và các nền văn hóa", và nói rằng ngài mơ ước khai triển được "những cách truyền giảng tin mừng mới mẻ". Cha Rezende đã kết luận bằng cách mời các nhà báo có mặt tại Văn phòng Báo chí của Vatican "Hãy đến Amazon và tự mình nhìn thấy!"
Ðức Tổng Giám Mục Roque Paloschi
Ðức Tổng Giám Mục Roque Paloschi của Porto Velho ở Ba Tây cho biết lời can thiệp của ngài tại Thượng hội đồng đã bàn đến vấn đề người bản địa sống trong vùng cô lập tự nguyện. Ngài trích thông điệp Laudato si' của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, khi nó đề cập đến những nguy cơ của việc để cho các nền văn hóa biến mất, và lặp đi lặp lại việc cần phải "bảo vệ các anh chị em dễ bị tổn thương của chúng ta" ở Vùng Amazon.
Một câu hỏi về một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon
Trả lời một câu hỏi, Cha Justino Sarmento Rezende đã mở rộng ý tưởng về một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon. Ngài nói: "khuôn mặt phát biểu những điều ở trong lòng ta". Ngài nói thêm, theo nghĩa này, không nhất thiết phải làm mọi sự theo cách các nhà truyền giáo ban đầu đã làm. Chúng ta phải "truyền giảng tin mừng bằng ngôn ngữ của riêng mình", chúng ta phải "biết và hiểu cuộc sống của người dân bản địa". Cha Rezende nói, điều này có nghĩa là "hiện diện".
Một câu hỏi về việc giáo dục liên văn hóa
Trả lời một câu hỏi nhắm vào chính bản thân bà, bà Leah Rose Casimero đã mô tả một điều từ kinh nghiệm của bà trong lĩnh vực giáo dục liên văn hóa với các trẻ em Wapichan ở Guyana. Bà nói, kinh nghiệm đó chỉ mới một năm nay thôi, vì mô hình song ngữ chỉ được thực thi vào tháng 9 năm 2018. Bà nói, đây là lý do tại sao "việc huấn luyện các giáo viên là một ưu tiên".
Bà Casimero giải thích đây là thí nghiệm đầu tiên nhằm "kết hợp ngôn ngữ, kiến thức, truyền thống và cách sống bản địa", với các tiêu chuẩn giáo dục quốc gia. Thực thế, bà nói, Bộ Giáo dục ở Guyana đang bắt đầu sửa đổi hệ thống giáo dục trong nước và đang theo dõi chương trình của bà "một cách đầy quan tâm", để xem xem liệu nó có thể được áp dụng cho những người bản địa khác hay không.
Một câu hỏi về việc hội nhập văn hóa
Ðức Tổng Giám Mục Roque Paloschi đã trả lời một nhà báo, người đã hỏi liệu việc hội nhập văn hóa có được xem như "một cùng đích ngay trong nó" hay không. Ngài giải thích rằng Giáo hội cam kết hội nhập văn hóa, nghĩa là tôn trọng "cả hai bên", không loại bỏ văn hóa của nhau, nhưng bảo tồn những gì hiện đang có. Ngài trích dẫn lời lẽ của Ðức Bênêđíctô XVI nói rằng Giáo hội không truyền giảng tin mừng bằng cách cải đạo, nhưng bằng cách làm chứng.
Một câu hỏi về các mô hình phát triển
Tiến sĩ Felicio de Araujo Pontes Junior đã trả lời một câu hỏi liên quan đến các mô hình phát triển và coi Thiên nhiên như một vấn đề pháp lý. Ông phân biệt giữa điều ông gọi là "mô hình trấn lột", như đốn cây và khai mỏ, và "các mô hình xã hội môi trường" biết bắt tay với các định chế và chính phủ.
Ông nói, nghiên cứu cho thấy, "cứ mỗi 15 ngày, người ta lại phát hiện ra một chủng loài mới ở Amazon". Ông nói thêm, rừng Amazon là một "tài sản". Ðể nó phát triển mạnh "là có nghĩa về kinh tế", và người dân bản địa là "những người bảo vệ" các tài sản này. Tiến sĩ de Araujo Pontes kết luận, "Thiên nhiên có các quyền lợi". Ông nói, "Nhân loại không thể phá hủy các hệ sinh thái nhân danh tiến bộ".