Nhà thần học Joseph Ratzinger

và thần học gia John Henry Newman

 

Nhà thần học Joseph Ratzinger và thần học gia John Henry Newman.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm - gởi đến Vatican News

Vatican (Vatican News 14-10-2019) - Ngày 19 tháng 9 năm 2010, trong chuyến thăm mục vụ tại Vương quốc Anh, Ðức Bênêđictô XVI đã cử hành Thánh lễ trọng thể tại công viên Cofton Park, Luân Ðôn, nâng Hồng y Newman lên hàng Chân phước. Quyết định này không chỉ nói lên sự nhìn nhận và trân trọng của một vị Giáo hoàng dành cho một thành viên thánh thiện trong Hội Thánh, nhưng ở đây còn phải nói đến mối quan hệ về tư tưởng thần học giữa nhà thần học Joseph Ratzinger - Ðức Bênêđictô XVI, và nhà thần học người Anh John Henry Newman. Mối quan hệ này được thể hiện rõ nét trong bài thuyết trình của Joseph Ratzinger (vào thời điểm đó, năm 1990, là Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin) về Hồng y Newman, khi kể lại hành trình tiếp cận tư tưởng thần học của Newman. Bài thuyết trình này đã được đăng trên tờ L'Osservatore romano, 1 tháng 6 năm 2005, và Bản tin Hiệp Thông xin giới thiệu với độc giả.

Dịch từ bản tiếng Anh: Cardinal Joseph Ratzinger, The Theology of Cardinal Newman, L'Osservatore Romano, 1 tháng 6 năm 2005.

Tôi thấy mình không đủ thẩm quyền để nói về dung mạo hay công trình của Newman, nhưng có lẽ sẽ ý nghĩa hơn nếu tôi kể một chút về cách tôi đến với Newman, qua đây phản ánh điều gì đó về sự hiện diện của nhà thần học vĩ đại người Anh trong cuộc đấu tranh về mặt trí thức và thiêng liêng ở thời đại chúng ta.

Vào tháng giêng năm 1946, khi tôi bắt đầu học Thần học ở Ðại chủng viện Freising mới mở cửa lại sau thời chiến tranh (1939-1945), một sinh viên lớn tuổi được chỉ định làm người hướng dẫn nhóm chúng tôi. Từ trước khi xảy ra chiến tranh, anh sinh viên ấy đã bắt đầu viết luận văn về thần học của Newman về lương tâm. Trong những năm phục vụ trong quân ngũ, anh vẫn không quên đề tài đó và bây giờ anh quay lại với đề tài bằng nhiệt huyết và năng lực mới.

Chúng tôi sớm kết thân với nhau, một tình bạn tập trung vào những vấn đề lớn của triết học và thần học. Dĩ nhiên Newman luôn có mặt ở đó. Alfred Lapple - tên của người sinh viên - đã xuất bản luận văn năm 1952 với tựa đề Cá nhân trong Hội Thánh (Der Einzelne in der Kirche).

Với chúng tôi lúc bấy giờ, giáo huấn của Newman về lương tâm đã trở thành nền tảng quan trọng cho chủ thuyết nhân vị về mặt thần học, vốn cuốn hút tất cả chúng tôi. Hình ảnh chúng tôi có về con người cũng như về Hội Thánh đều được dẫn lối bằng khởi điểm này.

Chúng tôi đã có kinh nghiệm về sự đòi hỏi của một đảng toàn trị, coi mình như là sự hoàn thành của lịch sử và khước từ lương tâm của mỗi cá nhân. Một trong những người lãnh đạo đảng phái đó từng nói: "Tôi không có lương tâm. Lương tâm của tôi là Adolf Hitler". Sự tàn phá khủng khiếp nhân tính con người diễn ra theo đó trước mắt chúng tôi. Vì thế đối với chúng tôi, nhận thức rằng cái "chúng ta" của Hội Thánh không dựa trên sự dẹp bỏ lương tâm, nhưng hoàn toàn ngược lại, cái "chúng ta" đó chỉ có thể phát triển từ lương tâm; nhận thức đó thật thiết yếu và có sức giải thoát.

Rõ ràng vì Newman diễn giải cuộc sống của con người khởi đi từ lương tâm, nghĩa là từ mối quan hệ giữa Thiên Chúa và linh hồn, nên điều hiển nhiên là thuyết nhân vị ở đây không phải là chủ nghĩa cá nhân, và bị bó buộc theo lương tâm không có nghĩa là mỗi người tự do làm theo những chọn lựa ngẫu nhiên, nhưng phải nói ngược lại mới đúng. Newman nói với chúng ta rằng tự do lương tâm không có nghĩa là lấy danh nghĩa lương tâm để "không biết gì đến Ðấng ban lề luật và là đấng xét xử, và để thoát khỏi những bó buộc mình không thấy".

Vì thế, cũng từ Newman mà chúng tôi hiểu được tính ưu việt của Giáo hoàng. Trong ý nghĩa đích thực của nó, lương tâm chính là nền tảng của quyền bính giáo hoàng; quyền bính đó đến từ mặc khải, giúp cho lương tâm tự nhiên được hoàn hảo vì lương tâm tự nhiên vốn bất toàn, như thế mặc khải là "nhà vô địch của luật luân lý và của lương tâm trong chính lý do hiện hữu của nó".

Giáo huấn về lương tâm

Chắc chắn tôi không cần nói rõ ra rằng đối với tôi, giáo huấn của Newman về lương tâm ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển liên tục của Hội Thánh và thế giới. Càng ngày tôi càng thấy rõ lương tâm đã hoạt động thế nào trong bối cảnh cuộc đời của Ðức hồng y, một bối cảnh chỉ có thể hiểu được trong mối liên hệ với những diễn biến trong thế kỷ ngài sống và với chúng ta cũng thế.

Newman đã "trở lại" Công giáo như là một người sống theo lương tâm. Chính lương tâm đã lôi ngài ra khỏi những mối liên hệ và cuộc sống an ninh đang có để bước vào thế giới Công giáo vốn khó khăn và xa lạ đối với ngài. Thế nhưng nẻo đường này của lương tâm không phải là nẻo đường của tính chủ quan tự mãn, mà là nẻo đường vâng phục chân lý khách quan.

Bước thứ hai trong hành trình hoán cải kéo dài suốt đời của Newman là sự vượt qua lập trường phúc âm chủ quan để hướng đến sự hiểu biết Kitô giáo dựa trên tính khách quan của các tín điều. Về mối liên hệ này, tôi gặp được một công thức trong một bài giảng của Newman, có ý nghĩa đặc biệt cho ngày nay: "Kitô giáo chân chính được bày tỏ#trong sự vâng phục chứ không qua một tình trạng ý thức. Do đó toàn bộ bổn phận và công việc của Kitô hữu được hình thành bởi hai phần là Ðức tin và Vâng phục; "nhìn lên Chúa Giêsu" (Dt 2,9) ...và hành động theo thánh ý Người. Tôi cho rằng ngày nay chúng ta có mối nguy là chỉ nhấn mạnh một phía; coi những quan tâm đúng đắn và cẩn trọng về đối tượng đức tin như là sự chính thống cằn cỗi, sự tinh tế mang tính kỹ thuật và coi tôn giáo chỉ hệ tại ở cái mà chúng ta gọi là tình trạng thiêng liêng của tâm hồn".

Trong bối cảnh này, một vài câu trong tác phẩm Những người theo phái Ariô trong thế kỷ thứ tư (The Arians of the Fourth Century) mới nghe có vẻ ngỡ ngàng nhưng đối với tôi lại là điều quan trọng: "...khám phá và chấp nhận nguyên lý theo đó sự bình an được đặt nền trên Kinh Thánh; quy phục những chỉ dẫn của chân lý như là quyền bính đầu tiên trong các vấn đề ứng xử chính trị và cá nhân; hiểu rằng trong dây chuyền các ân sủng Kitô giáo thì nhiệt thành (với chân lý) đi trước lòng tốt".

Ðối với tôi, thật cuốn hút khi thấy và xem xét coi làm thế nào bằng cách này và chỉ bằng cách này, bằng sự gắn kết với chân lý, với Thiên Chúa, thì lương tâm mới có được vị trí, phẩm giá, và sức mạnh của nó. Trong bối cảnh đó, tôi chỉ muốn thêm một câu trong tác phẩm Apologia của Newman, cho thấy thực tế này trong suy tưởng về con người và Hội Thánh: "Những phong trào sống động không đến từ các ủy ban".

Nhìn nhận căn tính đức tin

Rất vắn tắt, xin trở lại với dòng chảy tự thuật. Khi tiếp tục học Thần học tại Munich năm 1947, tôi gặp được một "tín đồ" của Newman, đó là Gottlieb Sohngen, nhà thần học căn bản, cũng là thầy dạy thần học thực sự của tôi. Ông giúp chúng tôi đọc tác phẩm The Grammar of Assent của Newman[1] và qua đó, cho chúng tôi thấy cách thế và hình thái đặc biệt của sự chắc chắn trong nhận thức tôn giáo.

Sâu xa hơn nữa đối với tôi là sự đóng góp mà Heinrich Fries công bố trong dịp mừng kỷ niệm Công đồng Chalcedonia. Ở đó tôi tiếp cận giáo huấn của Newman về sự phát triển giáo thuyết, cùng với giáo thuyết của ngài về lương tâm, được coi như sự đóng góp quyết định của ngài cho việc canh tân thần học. Với suy tư về sự phát triển giáo thuyết, Newman đã đặt vào tay chúng ta chìa khóa để đưa suy tư lịch sử vào trong thần học, hơn nữa, ngài dạy chúng ta phải suy tư thần học theo chiều kích lịch sử và như thế sẽ nhận ra căn tính của đức tin trong mọi phát triển của nó.

Ở đây tôi phải dừng lại việc đào sâu hơn nữa những tư tưởng này. Theo tôi, khởi điểm của Newman cũng như trong thần học hiện đại vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Những khả thể phong phú đang chờ được khai triển vẫn còn ẩn giấu. Về điểm này, tôi chỉ muốn nhắc lại hậu cảnh đời sống của khái niệm này. Chúng ta biết suy tư của Newman về sự phát triển giáo thuyết đã ảnh hưởng thế nào trong việc ngài đến với Công giáo. Thế nhưng đây không chỉ là sự khám phá các ý tưởng. Trong khái niệm của Newman về sự phát triển, đời sống riêng của ngài đóng vai trò quan trọng. Ðiều này xem ra rõ ràng hơn khi nhớ lại những lời nổi tiếng của Newman: "...sống là thay đổi, và nên hoàn thiện là phải thay đổi luôn". Suốt cuộc đời ngài, Newman là con người thường xuyên hoán cải, thường xuyên được biến đổi, và như thế, ngài luôn là chính mình và mỗi ngày càng là mình hơn.

Thánh Augustinô và Newman

Ở đây tôi nhớ đến thánh Augustinô, dung mạo mà Newman rất gần gũi. Khi Augustinô "trở lại" trong vườn Cassiciacum, ngài hiểu sự hoán cải theo hệ thống suy tưởng của bậc thầy đáng kính Plotin và các triết gia Tân-Platon. Ngài hiểu rằng đời sống tội lỗi trong quá khứ nay phải dứt bỏ hoàn toàn; từ nay phải sống cuộc sống mới hoàn toàn khác, và hành trình kế tiếp của ngài phải là liên tục trèo lên đỉnh cao của sự gần gũi Thiên Chúa.

Suy nghĩ này cũng giống điều mà Grêgôriô Nyssa mô tả trong cuốn Ascent of Moses[2]: "Cũng như các vật thể, sau khi nhận cú đẩy xuống đầu tiên, sẽ rơi xuống với tốc độ ngày càng nhanh, cũng thế, theo chiều ngược lại, linh hồn đã thoát khỏi những đam mê trần tục sẽ vươn lên trong chuyển động nhanh thường xuyên vượt lên chính mình trong hướng đi lên vững chắc". Thế nhưng kinh nghiệm thực tế của Augustinô lại khác. Ngài hiểu ra rằng sống đời Kitô hữu là cả một hành trình khó khăn với cả chiều cao và vực sâu.

Hình ảnh ascensus (đi lên) được thay thế bằng iter (con đường), ở đó gánh nặng mệt mỏi đôi khi được vơi nhẹ nhờ những khoảnh khắc ánh sáng nhận được lúc này lúc khác. Hoán cải là một hành trình, đường đi suốt đời. Và đức tin luôn là "sự phát triển", và chính bằng cách đó mới có sự trưởng thành của linh hồn với chân lý, với Thiên Chúa, Ðấng ở trong ta còn sâu hơn chính ta.

Trong ý tưởng về "phát triển" Newman đã trình bày chính kinh nghiệm của ngài về sự hoán cải không bao giờ hoàn tất và giải thích cho chúng ta, không những về sự phát triển giáo thuyết, nhưng còn là sự phát triển đời sống Kitô hữu.

Ðối với tôi, đặc điểm của vị Tiến sĩ Hội Thánh là ngài không chỉ dạy chúng ta bằng tư tưởng và diễn từ nhưng còn bằng đời sống của ngài, vì nơi ngài tư tưởng và đời sống đan quyện vào nhau. Nếu thế, Newman cũng đứng trong hàng ngũ những bậc thầy vĩ đại của Hội Thánh, vì ngài vừa chạm đến con tim chúng ta vừa soi sáng suy nghĩ của chúng ta.

- - - - - -

[1] An Essay in Aid of a Grammar of Assent, thường được gọi tắt là Grammar of Assent, là tác phẩm của Newman viết về triết lý đức tin nhằm bênh vực cho đức tin. Tác giả cho biết đã dành 20 năm để biên soạn tác phẩm này.

[2] Ascent of Moses là tác phẩm của Grêgôriô Nyssa, trong đó tác giả vận dụng hình ảnh Môsê lên núi Sinai để trình bày giáo huấn về đời sống thiêng liêng của tín hữu.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page