Phiên họp toàn thể thứ 7
ngày 12 tháng 10 năm 2019
tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Amazon
Phiên họp toàn thể thứ 7 ngày 12 tháng 10 năm 2019 tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Amazon.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 13-10-2019) - Theo Vatican News, phiên họp toàn thể thứ 7 đã diễn ra tại Hội trường Thượng Hội Ðồng sáng ngày 12 tháng 10 năm 2019, dưới sự chủ tọa của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô với sự hiện diện của 177 nghị phụ.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Ðức Mẹ Aparecida tại Hội trường Thượng hội đồng với một bài thánh ca để tôn vinh Ðức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Ba Tây, và do đó chúng ta phó thác công việc của Thượng hội đồng cho ngài khi bắt đầu phiên họp toàn thể thứ 7 của Thượng hội đồng về Toàn Vùng Amazon. Hôm nay dành không gian Thượng Hội Ðồng để nghe lại các can thiệp của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng cũng như các dự thính viên. Các chủ đề được khảo sát là: giáo dục toàn diện, các công cụ hội nhập và việc cổ vũ người Amazon, phát triển bền vững phục vụ việc tiếp cận thông tin bình đẳng qua các phương pháp liên ngành và xuyên ngành, cũng như từ bỏ nền văn hóa lãng phí để bước vào nền văn hóa gặp gỡ. Do đó, công việc của các nhà giáo dục được đổi mới nhờ quan điểm tin mừng để nó có khả năng đương đầu với thách thức lớn về giáo dục này. Từ suy tư này nảy sinh nhu cầu cấp bách phải có một liên minh giáo dục, trong một viễn cảnh sinh thái và một nền giải thích Amazon để cổ vũ 'sống tốt', 'sống chung tốt', và 'hành động tốt'.
Tư cách công dân sinh thái
Khu vực Amazon không chỉ giàu về tính đa dạng sinh học mà còn đa dạng về văn hóa. Ngày nay, cộng đồng sống ở Amazon nhận ra các mối đe dọa của việc mở rộng và của điều vốn được gọi là 'thế giới được văn minh hóa', mà thực tế là nhằm khai thác các tài nguyên thiên nhiên để tư bản hóa sự giàu có. Trái lại, giáo dục toàn diện đề nghị thiết lập lại mối nối kết giữa loài người và môi trường, đào tạo các cá nhân có khả năng chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, tình liên đới, do một ý thức cộng đoàn về "tư cách công dân sinh thái". Xin nhắc lại, sự toàn vẹn sinh thái phải trở thành một phần trong cách sống của người trong Giáo hội đối với thế giới. Ðã có lời nhấn mạnh lại rằng chủ đề của Thông điệp Laudato si, phải được đọc một cách nghiêm túc, trong khi người ta đang thiên về xu hướng muốn đồng nhất hóa mạnh hơn, thì Thiên Chúa muốn hài hòa các khác biệt. Chính vì lý do này mà Amazon đóng vai trò như một mô hình đạo đức bao lâu nó tượng trưng cho sự thống nhất trong đa dạng qua hệ sinh thái của nó và những người sống ở đó trong khu vực Amazon. Từ điều này, chúng ta nhắc lại chữ không đối với việc đồng nhất hóa, là thứ loại trừ hoặc thống trị dân của Ðấng Tạo hóa, để bất công và bạo lực ấy không thắng thế, thí dụ 'việc cướp đất', hoặc làm cho các vùng biển được bảo vệ bị suy thoái.
Chủ đề việc làm và bi kịch giao thương
Một can thiệp, trước nhất, bàn đến mọi tương tác giữa nền sinh thái và việc làm, hai chủ đề thường quá được nối kết với động lực kỹ trị và bóc lột. Trái lại, người ta được nhắc nhở về sự cần thiết phải cổ vũ một nền thần học về Sáng thế để tái cấu trúc mối liên hệ không có tính trấn lột đối với môi trường. Chủ đề việc làm cũng đã được khai triển. Trong một can thiệp, vấn đề tuổi trẻ thất nghiệp đã được nêu lên. Hình thức đầu tiên và nghiêm trọng nhất của việc loại trừ và tước quyền giới trẻ là tình trạng nô dịch đáng báo động ở các khu vực khác nhau của thành phố. Bi kịch lao động trẻ em là một thảm kịch khác. Từ những suy nghĩ này, phát sinh sự cần thiết phải cổ vũ quyền của người lao động, bằng cách tái phát động một nền kinh tế chung của các nền kinh tế sinh học địa phương và năng lượng có thể tái tạo. Nếu mọi người cùng nhìn vào ưu tiên này, nó sẽ là một thắng lợi cho công ích của cộng đồng nói chung. Một chủ đề khác được nêu lên là chủ đề nhân quyền trong mọi khía cạnh bi thảm của nó, nhất là mại dâm, lao động cưỡng bức và thu hoạch nội tạng. Bàn tới các tội ác chống lại nhân loại vốn bị thương tổn, một lần nữa Hội trường Thượng hội đồng đã khẳng định lại mệnh lệnh đạo đức mới, nghĩa là phải kết hợp với lực lượng lập pháp quốc tế, để giải phóng xã hội khỏi những tội ác này.
Vai trò của phụ nữ
Ðã có sự suy tư trở lại về vai trò của những người phụ nữ rất tích cực trong cộng đồng Amazon, cùng chia sẻ với các linh mục các trách nhiệm mục vụ khác nhau. Hội trường Thượng Hội Ðồng quả quyết rằng vấn đề nghiêm trọng này phải được nghiên cứu nghiêm túc để tránh một việc trốn tránh hời hợt. Vị can thiệp này đã yêu cầu phụ nữ phải được xem xét trên căn bản bình đẳng so với phẩm giá đàn ông trong lĩnh vực các thừa tác vụ không thụ phong, nhất là trong nhiều dòng tu nữ vẫn đang cung cấp các nữ anh thư thực sự cho vùng Amazon và việc ra đời của các cộng đồng ở nhiều nơi thuộc khu vực này. Nhiều dự thính viên suy tư về những trải nghiệm của đời sống thánh hiến ở Amazon và nhu cầu phải cổ vũ ơn gọi bản địa, thừa nhận bản sắc cá nhân và sự làm giầu thực sự cho nền linh đạo Giáo Hội. Một lần nữa, nhu cầu đời sống thánh hiến ở các khu ngoại vi và tính linh hoạt trong công việc của họ đã được lặp lại. Xuất phát từ điều này là ý niệm phải công nhận và trân qúy nhiều hơn nữ thánh hiến để họ không còn đi phía sau mà đúng hơn, đi bên cạnh trong một viễn kiến giáo hội đồng nghị, xa rời chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Vấn đề ơn gọi
Vì chủ đề viri probati đã được nêu ra nhiều, nên Hội trường Thượng Hội Ðồng đã suy nghĩ về lý do tại sao thiếu ơn gọi và tại sao Giáo hội dường như không thể đánh thức được ơn gọi một lần nữa. Một can thiệp đề nghị phải làm người ta ý thức được kinh nghiệm thừa tác viên địa phương, tạm thời, có gia đình, với điều kiện là họ được sự chấp thuận của vị bản quyền địa phương và cộng đồng địa phương. Một diễn giả khác gợi ý thiết lập một Ủy ban cho Vùng Toàn-Amazon để đào tạo các linh mục tương lai. Ðiều này có tính đến những khó khăn tài chính của các giáo phận cá thể và việc thiếu hụt các nhà giáo dục. Một lần nữa, tầm quan trọng của hàng phó tế vĩnh viễn đã được nêu lên.
Di dân không phải là các con số
Các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng trở lại vấn đề di dân. Thực vậy, Amazon là một trong mọi khu vực của Mỹ Latinh có tính di động hơn cả, cả ở trong nước, lẫn ở quốc tế. Ở giữa sự kiện này là lời kêu gọi không coi di dân chỉ như một dữ kiện xã hội hay chính trị đơn thuần, mà đúng hơn, như một vấn đề thần học để Giáo hội suy tư có lợi cho công lý trong việc tôn trọng nhân quyền khi theo đuổi một hệ thống kinh tế công bằng và bao gồm. Một lần nữa, đã có sự nhấn mạnh tại Hội trường Thượng hội đồng về sự cần thiết phải có một thái độ mục vụ để công việc này không chỉ đơn giản có tính xã hội mà còn là thiêng liêng theo cách cổ vũ việc hội nhập thực sự các di dân.
Công việc truyền giáo của Giáo hội và thách thức Ðại kết
Hội trường Thượng Hội Ðồng suy tư về công việc truyền giáo của Giáo hội ở vùng Amazon, nơi có khoảng 38 triệu người sinh sống, bao gồm các nhóm người bản địa sống trong vùng cô lập tự nguyện. Câu hỏi cũng được nêu lên về việc đem Lời Chúa đến khu vực bằng ngôn ngữ tình yêu và cầu nguyện. Ðể đạt được mục đích này, có lời kêu gọi: chứng tá phải mạch lạc, đẹp đẽ và có khả năng lôi cuốn. Ðể Giáo hội 'trên đà chuyển động', có tính sứ điệp sơ truyền (kerygmatic) và là một giáo viên đức tin, ta phải thừa nhận nhu cầu đối thoại, đánh giá cao các giá trị của các dân tộc khác nhau, làm cho nó trở nên mầu mỡ trong các nền văn hóa bằng một chứng tá truyền giáo, để nó không chỉ đơn giản là các dự án chờ đợi, mà đúng hơn là một Người, tức là Chúa Giêsu Kitô. Sứ mệnh của Giáo hội là nghiêng về phía Ðại kết để có thể cùng với các giáo hội khác bảo vệ môi trường, cũng như các quyền của người bản địa, không quên vị thế của đối thoại.
Các dự thính viên, Amazon không phải là một món hàng. Nói không với chủ nghĩa thực dân
Khi kết thúc phiên họp toàn thể, các giọng nói của một số dự thính viên đã được cất lên tại Hội trường Thượng hội đồng, định giới hạn cho việc bảo vệ các lãnh thổ bản địa để họ không bị tước đoạt và xuống cấp dưới danh nghĩa các hoạt động khai thác khoáng sản hoặc các trung tâm thủy điện. Việc bảo vệ lãnh thổ tương đương với việc bảo vệ sự sống. Các chính phủ địa phương thường áp đặt nhiều bất công đối với người dân bản địa, thường bị kỳ thị hoặc đặt trong 'cửa sổ chào hàng', không tôn trọng các phong tục, ngôn ngữ và truyền thống khác nhau như một nền văn hóa sống động. Cộng đồng quốc tế cũng phải can thiệp một cách cụ thể để chấm dứt các tội ác liên quan đến các dân tộc có nguồn gốc từ Amazon, để khu vực này không bị coi là một món hàng. Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta không phải là một đối tượng tuyên truyền hay lợi nhuận, mà đúng hơn là vấn đề bảo vệ sự sáng tạo, xa rời "chủ nghĩa thực dân kinh tế", hoặc áp đặt việc hiện đại hóa xã hội và văn hóa trên lãnh thổ để cổ vũ các mô hình phát triển xa lạ đối với nền văn hóa của họ. Từ điều này, đã có vị đề nghị rằng các Giáo Hội địa phương nên tạo ra một quỹ viện trợ, đưa ra các sáng kiến về sinh thái sắc tộc, sinh thái nông nghiệp và an toàn thực phẩm, các sáng kiến dẫn khởi từ chính luận lý học Amazon.