Phiên họp toàn thể thứ ba của

Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Vùng Amazon

 

Phiên họp toàn thể thứ ba của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Vùng Amazon.

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 08-10-2019) - Vatican News đã cung cấp bản tóm tắt Phiên họp Toàn thể thứ ba ngày 8 tháng 10 năm 2019, của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về vùng Amazon, như sau:

Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Thượng hội đồng giám mục đã diễn ra vào sáng thứ ba ngày 8 tháng 10, trước sự chứng kiến của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và tiếp tục với các can thiệp phát sinh từ Tài Liệu Làm Việc. Tổng cộng, có 183 nghị phụ có mặt trong Hội trường Thượng Hội Ðồng.

Sáng nay tại Hội trường Thượng hội đồng trong Phiên họp toàn thể thứ 3 của Thượng hội đồng đặc biệt cho Vùng Amazon, các chủ đề sau đây đã được các tham dự viên của Thượng hội đồng thảo luận; việc bảo vệ nhân quyền, bi kịch của việc kết tội các nhà lãnh đạo, cũng như việc khảo sát các cộng đồng và các phong trào xã hội khác nhau.

Số lượng tử đạo ở vùng Amazon thực sự đáng sợ. Trong khoảng thời gian 2003-2017, số người bản địa chết vì bảo vệ đất đai của họ lên tới tổng số đáng kinh ngạc là 1119 người. Thêm vào thảm kịch này là sự kiện các nhà lãnh đạo xã hội thường là nạn nhân của những người hành động với quyền miễn tố cùng với việc các chính phủ thiếu quyền lực đầy đủ để đảm bảo an toàn cho người dân của họ. Qua lăng kính này, đã có lời nhắc lại rằng Giáo hội phải bảo vệ những người phải xa lìa đất đai của họ hoặc thiếu phương tiện để bảo vệ. Có ý kiến cho rằng khi các biện pháp bảo vệ này chưa có, thì có thể ở cấp giáo phận, một số nỗ lực nào đó thuộc hành động liên đới và công bằng xã hội thường trực có thể giúp cải thiện tình hình. Việc làm của Giáo Hội, như đã lặp đi lặp lại nhiều lần, là lên tiếng chống lại các dự án phá hủy môi trường.

Ðồng thời, các nghị phụ đã nói rõ tầm quan trọng của việc cổ vũ một môi trường chính trị có tính tham gia nhiều hơn, cũng như một nền kinh tế xa rời khỏi nền "văn hóa vứt bỏ". Tất cả các điều này nhằm mục đích cổ vũ việc trải nghiệm một nền kinh tế thay thế, chẳng hạn như nền kinh tế của những hợp tác xã nhỏ trực tiếp xử lý các sản phẩm của rừng mà không phải trải qua một diễn trình sản xuất lớn.

Cuộc đấu tranh chống các mô hình khai khoáng trấn lột

Tại Hội trường Thượng Hội Ðồng, các vấn đề sau đây đã được thảo luận; việc ô nhiễm sông ngòi nơi, chất thải của các mỏ đang hoạt động thường được đổ vào, vấn đề phá rừng, mối đe dọa mỗi ngày một hiện hữu nhiều hơn ở Amazon, việc bán gỗ ồ ạt, trồng ca cao, các luật lệ làm suy yếu môi trường và không bảo vệ được sự phong phú và vẻ đẹp tự nhiên của lãnh thổ.

Về điểm này, Giáo hội được kêu gọi tố cáo sự thối nát của các mô hình khai khoáng trấn lột, cũng như những mô hình bất hợp pháp và bạo lực trong thiên nhiên. Do đó, Giáo hội được mời gọi cổ vũ các qui phạm quốc tế nhằm bảo vệ các quyền của con người, xã hội và môi trường. Do đó, tiếng kêu đau đớn từ trái đất vốn bị cướp bóc cũng như tiếng khóc của những người đau khổ giống như thế hiện đang sống trong cùng một lãnh thổ. Việc bảo vệ các dân tộc bản địa được tưởng niệm và chứng kiến bởi sự tử đạo của nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của họ vì các chính nghĩa của người bản địa và để bảo vệ những người bị khai thác và đàn áp bởi mối đe dọa của những điều được hoa mỹ gọi là "các dự án phát triển".

Amazon, vùng đất di cư

Thượng hội đồng cũng suy tư về chủ đề di dân, bất kể là của người bản địa di chuyển đến các khu vực đô thị hoặc những người băng qua Amazon để đến các quốc gia khác. Từ hiện tượng này phát sinh một vấn đề mục vụ quan trọng, chuyên biệt đối với Giáo hội. Khu vực Amazon như một khu vực của các luồng di cư, trên thực tế, đang lâm vào tình trạng khẩn cấp thực sự, như đã lưu ý tại Hội trường Thượng Hội Ðồng. Do đó, chúng ta đang đương đầu với một lời kêu gọi truyền giáo mới theo nghĩa liên giáo hội, trong đó một sự hợp tác lớn được kêu gọi giữa các giáo hội địa phương và các khu vực khác có liên hệ với khu vực này.

Tuy nhiên, cần phải ghi nhớ rằng bi kịch di dân này cũng đụng tới giới trẻ của Amazon, họ buộc phải rời bỏ quê hương, nơi ngày càng bị thách thức bởi các vấn đề thất nghiệp, bạo lực chống lại con người, buôn bán ma túy, mại dâm và các hình thức bóc lột khác. Do đó, Giáo hội cần phải công nhận, coi trọng, nâng đỡ và tăng cường sự tham gia của giới trẻ Amazon vào các không gian giáo hội, xã hội và chính trị, bởi vì giới trẻ là "lợi nhuận của hy vọng".

Tính cấp thiết của việc đào tạo

Sau đó, Thượng hội đồng suy tư về tầm quan trọng của hiệp thông trong Giáo hội bao gồm phần lớn giáo dân, để họ có thể được hỗ trợ trong việc đóng góp vào việc làm của Giáo hội. Sự phức tạp của cuộc sống hiện đại trong thực tế, đòi hỏi một số năng lực và kỹ năng nào đó vốn không phải lúc nào cũng thuộc chuyên môn hay lãnh vực của các linh mục. Vì đây là trường hợp, trước rất nhiều thách thức hiện nay (chủ nghĩa thế tục, thờ ơ tôn giáo, sự phát triển nhanh chóng của các giáo hội ngũ tuần), Giáo hội phải học cách tham khảo và nghe tiếng nói của giáo dân.

Do đó, ở trung tâm câu chuyện này, việc tôn trọng giá trị của hàng ngũ giáo dân khiến ta quay qua vấn đề thiếu hụt linh mục và vấn đề khó khăn làm cách nào đem bí tích Thánh Thể đến với giáo dân. Do đó, điều cần thiết là phải di chuyển khỏi "nền mục vụ thăm viếng" để bước sang "nền mục vụ hiện diện", nhìn nhận các đặc sủng mới tìm thấy trong các phong trào giáo dân, vốn có một tiềm năng nào đó một khi được nhìn nhận và suy tư.

Từ việc suy tư này, vị thế của luật độc thân như một hồng phúc tuyệt vời của Chúa Thánh Thần đã được lặp lại. Ðồng thời, một số nghị phụ Thượng hội đồng đã nêu vấn đề phong chức cho những người đàn ông đã có vợ, tức các viri probati, trân quí điều hiện nay rất có thể là tính hợp lệ của trải nghiệm này. Ngược lại, một trong các nghị phụ Thượng hội đồng chủ trương rằng đề xuất này sẽ giản lược vị linh mục thành như một viên chức cử hành Thánh lễ, chứ không phải, thay vào đó, như một mục tử thực sự của cộng đồng, một bậc thầy của đời sống Kitô hữu, và là sự hiện diện cụ thể của việc Chúa Kitô gần gũi với dân của Người.

Các nẻo đường thừa tác mới

Xuất phát từ những nhu cầu khác nhau đang đối đầu với các mục tử và công việc truyền giảng tin mừng ở Amazon, điều quan trọng không những phải đặt giá trị mới lên sự đóng góp của đời sống thánh hiến, mà cả việc mạnh mẽ cổ vũ các ơn gọi bản địa. Việc cổ vũ các ơn gọi bản địa này được lồng trong đề xuất chọn một số người nào đó để được ủy quyền làm thừa tác viên có thể cử hành Bí tích Thánh Thể, hoặc, phong chức cho các phó tế vĩnh viễn, những người, theo cách phù hợp với nhiệm vụ, và được các mục tử đi kèm, có thể ban hành các bí tích.

Một điểm suy tư khác là việc đào tạo các thừa tác viên thụ phong được dự kiến trên ba cấp độ. Thứ nhất, đào tạo chi tiết ở cấp giáo xứ, với việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thứ hai, đào tạo thâm hậu và toàn thời gian, nhằm vào các nhà linh hoạt cộng đồng. Thứ ba, đào tạo thần học hệ thống cho các ứng viên chịu các chức thánh, cũng như cho những người đàn ông và đàn bà muốn dấn thân vào thừa tác vụ giáo dân. Như được nhấn mạnh tại Hội trường Thượng hội đồng, điều quan trọng là việc đào tạo các chủng sinh phải được suy nghĩ lại để khai triển một việc đào tạo gần gũi hơn với thực tại cuộc sống của những người sẽ phục vụ trong cộng đồng. Trong số những đề xuất khác nhau này cũng có lời kêu gọi khảo sát khả thể phong chức cho phụ nữ vào hàng phó tế để nhìn nhận ơn gọi của họ trong giáo hội.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page