Các Giám mục Hoa Kỳ
phê bình chính sách nhập cư mới ở biên giới Mỹ
Các Giám mục Hoa Kỳ phê bình chính sách nhập cư mới ở biên giới Mỹ.
Hồng Thủy
Houston (Vatican News 18-07-2019) - Ngày 16 tháng 7 năm 2019, Ðức Hồng Y Daniel DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã lên án một chính sách mới được công bố về điều kiện tị nạn ở biên giới phía nam. Ngài nói rằng các nước như Mexico không phải là điểm đến an toàn cuối cùng cho những người xin tị nạn và khuyến khích chính quyền Trump thay đổi chính sách.
Ðức Hồng Y DiNardo nói rằng quy tắc này tạo thêm những rào cản ngăn người tị nạn được tiếp cận với luật bảo vệ sự sống, trốn tránh trách nhiệm luân lý của chúng ta và ngăn Hoa Kỳ giữ vai trò hàng đầu trong cộng đồng quốc tế như một nơi đón nhận người tị nạn.
Phải xin tị nạn ở một nước trước khi xin tị nạn tại Hoa Kỳ
Chính sách mới xác định rằng những người xin tị nạn tại Hoa Kỳ bị xem là không đủ điều kiện nếu trước đó họ không xin tị nạn ở bất kỳ quốc gia thứ ba nào mà họ đi qua sau khi rời quốc gia sinh quán. Trên thực tế, quy tắc mới yêu cầu những người xin tị nạn từ các quốc gia Trung hoặc Nam Mỹ đi ngang qua Mexico, đầu tiên phải xin tị nạn ở Mexico trước khi đủ điều kiện để xin tị nạn tại Hoa Kỳ.
Những trường hợp ngoại lệ
Quy tắc này có một số trường hợp ngoại lệ. Những người đến cửa khẩu của Hoa Kỳ sau khi đã đi qua một quốc gia chưa ký một số thỏa thuận tị nạn thì đều được miễn điều kiện xin tị nạn tại nước thứ ba, như là những nạn nhân của nạn buôn người. Những người xin tị nạn ở một quốc gia trên đường đi qua và bị từ chối ở đó thì có thể xin tị nạn ở Hoa Kỳ.
Chính sách tị nạn ở Bắc Mỹ và châu Âu
Các chính sách tị nạn tương tự đã có hiệu lực dọc biên giới phía bắc của Hoa Kỳ, cũng như ở Liên minh châu Âu.
Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn giữa Canada và Hoa Kỳ, được ban hành năm 2004, yêu cầu một người phải xin tị nạn ở Hoa Kỳ hoặc Canada, tùy thuộc vào quốc gia nào họ đến trước. Quy định Dublin tại Liên minh châu Âu yêu cầu những người xin tị nạn phải đăng ký yêu cầu của họ tại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đến.