Sự ô nhục của nước Úc

Nhận định của Tiến Sĩ George Weigel

về phán quyết phúc thẩm

 

Sự ô nhục của nước Úc - Nhận định của Tiến Sĩ George Weigel về phán quyết phúc thẩm.

J.B. Ðặng Minh An dịch

Melbourne (VietCatholic News 21-08-2019) - Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, vừa có một bài viết đăng trên First Things ngày 21 tháng Tám năm 2019 liên quan đến phán quyết phúc thẩm của Tòa Kháng Án Melbourne.

Nguyên bản tiếng Anh: The Australian Disgrace - Sự ô nhục của nước Úc. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ:

 

The Australian Disgrace - Sự ô nhục của nước Úc

by George Weigel

8.21.2019

Trong những tuần và những tháng tới sẽ có nhiều điều để nói hơn nữa về việc Tòa Kháng Án bác bỏ đơn kháng cáo của Ðức Hồng Y George Pell đối với phán quyết "lạm dụng tình dục trong quá khứ" bởi tỷ số 2-1 từ một hội thẩm đoàn gồm ba thẩm phán của Tòa Kháng Án Victoria. Trong lúc này đây, quyết định đáng kinh ngạc, và thực sự là không thể hiểu được này, khiến người ta nghi ngờ nghiêm trọng về phẩm chất công lý ở Úc và khả năng các giáo sĩ Công Giáo bị buộc tội lạm dụng tình dục có thể nhận được một phiên tòa công bằng hoặc một sự xem xét công minh khi bị xét xử.

Trong tiến trình tố tụng của tòa án phúc thẩm được phát trực tiếp vào sáng ngày 21 tháng 8 (theo giờ Melbourne), chánh án của Tòa Kháng Án Victoria, là bà Anne Ferguson, khi đọc quyết định, cứ khăng khăng nhắc liên tục đến "toàn bộ chứng cứ". Nhưng, thực tế là chưa bao giờ có bất kỳ 'bằng chứng' nào là Ðức Hồng Y Pell đã làm những gì ngài bị cáo buộc. Chỉ có lời phiến diện của người khiếu nại, và tuyệt đối không có chứng cớ nào ủng hộ cho những cáo buộc của anh ta. Ðó là những cáo buộc mà trong những tháng sau phiên tòa xét xử Ðức Hồng Y, đã được chứng minh là tương tự một cách đáng báo động với một loạt các cáo buộc giả tưởng nhắm vào một linh mục trong một câu chuyện được xuất bản vài năm trước đây trên tờ Rolling Stone.

Bà thẩm phán Ferguson cũng nhắc đến "ký ức không chắc chắn" của các "nhân chứng tình cờ", là những người làm chứng bênh vực cho Ðức Hồng Y, trong đó nêu rõ rằng các hành vi lạm dụng tình dục bị cáo buộc đơn giản là không thể nào xảy ra được trong hoàn cảnh của một nhà thờ đầy chật người, trong một khung thời gian ngắn ngủi của các hành vi bị cáo buộc, và với phẩm phục của Ðức Hồng Y. Nhưng, người ta phải tự hỏi, tại sao bà lại không nêu lên khả năng "không chắc chắn" trong ký ức của người khiếu nại? Tại sao lại đơn giản là giả định, trên cơ sở lời khai được thu băng của người khiếu nại, là anh ta có một trí nhớ rõ ràng về những gì anh ta cho rằng đã xảy ra, nhất là khi toàn bộ kịch bản của cáo buộc lạm dụng này hết sức hi hữu như thế?

Nhằm biện minh cho phán đoán của mình và người đồng nghiệp đã về phe với bà trong việc bác bỏ kháng cáo của Ðức Hồng Y, bà thẩm phán Ferguson nói rằng "hai chúng tôi", nghĩa là bà ta và thẩm phán Chris Maxwell - đã chọn "một quan điểm về các sự kiện" khác với thẩm phán Mark Weinberg, là người bất đồng ý kiến với họ. Nhưng các sự kiện là sự kiện nào? Liệu bất cứ một khẳng định đơn thuần vô bằng vô cớ nào về lạm dụng tình dục, bất kể nó vô lý đến đâu về bản chất của hành động hoặc tình huống được cho là đã xảy ra, có thể cấu thành một "sự kiện" pháp lý có khả năng phá hủy cuộc đời và uy tín của một trong những công dân nổi tiếng nhất của nước Úc không? Nếu vậy, thì có một điều gì đó sai lầm nghiêm trọng trong luật hình sự ở tiểu bang Victoria, nơi quy trình pháp lý hiện nay có một sự tương đồng rõ rệt với những gì đã từng thịnh hành ở Liên Sô dưới thời Stalin. Ở đó, cũng vậy, các cáo buộc được xem là hữu lý ngay cả khi nó chỉ dựa thuần tuý trên các khẳng định không thể chứng thực được.

Kháng cáo của Ðức Hồng Y đã không thuyết phục được các thẩm phán Ferguson và Maxwell rằng bồi thẩm đoàn khi kết án đã đi quá xa sự nghi ngờ hợp lý trong các cáo buộc chống lại Ðức Hồng Y Pell, trong một trường hợp đầy áp lực mà các luật sư biện hộ đã nêu lên để phản bác công tố viện trong cả hai phiên tòa của Ðức Hồng Y. Nhưng tại sao đây là tiêu chuẩn thích hợp hoặc có liên quan? Một bồi thẩm đoàn bế tắc trong phiên tòa đầu tiên đã bỏ phiếu áp đảo để bác bỏ các cáo buộc chống lại Ðức Hồng Y; sau đó, bồi thẩm đoàn trong phiên tái thẩm đã xoay gần 180 độ và đưa ra một bản án nhất trí là có tội, sau khi cũng chỉ xem xét các bằng chứng tương tự, mà đa số những người đi trước sau khi xem xét đã bỏ phiếu tha bổng. Chẳng phải điều đó cho thấy rõ khả năng thiên vị sâu sắc của bồi thẩm đoàn thứ hai, đặc biệt là trong bối cảnh bên biện hộ không được có cơ hội trình bày trước bồi thẩm đoàn ở bang Victoria sao? Và chẳng phải điều đó đặt câu hỏi về tính xác thực của bản án có tội sao?

Hai tháng rưỡi trước, tại phiên xử phúc thẩm Ðức Hồng Y Pell, các thẩm phán Ferguson, Maxwell và Weinberg đã truy vấn gay gắt đại diện công tố viện khi bên công tố cố bảo vệ phán quyết có tội, một cách rất yếu kém, theo bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào. Ngược lại, trong phiên tòa ấy, hội thẩm đoàn phúc thẩm cho thấy rõ trong suốt buổi điều trần sự chú ý lắng nghe một cách nghiêm túc ý kiến của bên biện hộ rằng phán quyết có tội chống lại Ðức Hồng Y Pell là "không an toàn" ở chỗ nó không thể đạt đến một cách hợp lý trên cơ sở những bằng chứng có trong tay (mà trong trường hợp này là chẳng có gì hết). Ðiều gì đã xảy ra trong hai tháng sau đó? Ðiều đó chắc chắn đáng để khám phá trong những tuần tới.

Kể từ khi phán quyết kết án Ðức Hồng Y Pell được đưa ra, những người bạn có mối quan hệ tốt trong giới luật pháp Úc đã nói rằng cộng đồng pháp lý nghiêm túc ở Úc, chứ không phải những kẻ chạy theo ý thức hệ, đang trở nên quan ngại sâu sắc về danh tiếng của công lý Úc; do đó, người ta nói rằng nhiều nhân vật pháp lý cao cấp đã hy vọng đơn kháng cáo của Ðức Hồng Y sẽ thành công. Mối quan tâm của họ giờ đây được lũy thừa lên gấp bội. Trước những chứng cớ hiển nhiên trong trường hợp tồi tệ này, trước một quyết định phúc thẩm thật khủng khiếp và hoàn toàn không thể thuyết phục được này, những người có lý trí sẽ tự hỏi "pháp quyền" có nghĩa là gì ở Úc, và đặc biệt là ở tiểu bang Victoria? Những người có lý trí sẽ tự hỏi liệu có an toàn không khi đi du lịch hay kinh doanh, trong môi trường chính trị và xã hội mà trong đó đám đông cuồng loạn tương tự như những kẻ đã đưa Alfred Dreyfus đến Ðảo Quỷ có thể gây những ảnh hưởng rõ ràng như thế trên các bồi thẩm.

Ðức Hồng Y Pell đã nói với bạn bè trong những tháng gần đây rằng ngài biết ngài vô tội và rằng "bản án duy nhất mà tôi lo sợ là sự phán xét sau cùng". Các thẩm phán đồng tình trong quyết định phúc thẩm lố bịch này đã xác nhận kết quả của một trò hề tư pháp độc địa có thể tin hay không thể tin vào sự phán xét sau cùng. Nhưng họ chắc chắn có những phán xét khác đáng phải lo lắng. Vì họ đã xác nhận rằng một phần đáng ngưỡng mộ của thế giới Anglo Saxon từng được biết đến với tư duy độc lập của mình đã trở thành một thứ gì đó khá ngớ ngẩn, thậm chí là nham hiểm.

(Source: The First Things The Australian Disgrace)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page